Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2008

VỀ VIÊC CÔNG BỐ BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN TỐI CAO Ở PHÁP VÀ Ở VIÊT NAM

PGS.TS. ĐỖ VĂN ĐẠI - Nhà Pháp luật Việt - Pháp

Theo Hiến pháp và pháp luật về tố tụng cũng như về tổ chức toà án, Tòa án Việt Nam “xét xử công khai”. Tuy nhiên, xét xử công khai không đồng nghĩa với “công bố bản án”. Xét xử công khai là không giấu giếm, còn công bố bản án là cho mọi người đều biết về bản án. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề công bố bản án của Tòa án tối cao Pháp và của Tòa án tối cao Việt Nam, tòa án của hai hệ thống luật được nhiều người cho là thuộc hệ thống luật thành văn1. Chúng tôi đi vào phân tích ba vấn đề cụ thể sau: Các hình thức công bố bản án của Tòa án tối cao (I), khai thác các bản án được công bố (II) và ích lợi của việc công bố bản án (III).

I. CÁC HÌNH THỨC CÔNG BỐ BẢN ÁN

Nhìn một cách tổng quát, bản án của Tòa án tối cao được công bố dưới hai hình thức. Thông thường, bản án được công bố trên giấy. Ngày nay, các bản án còn được công bố thông qua phương tiện tin học.

1. Công bố bản án trên giấy

1.1 Ở Pháp

Tòa án tư pháp tối cao Pháp được thiết lập năm 1790. Việc công bố bản án trên giấy được coi là một truyền thống ở Pháp. Từ rất lâu, nhiều luật gia Pháp đã công bố các bản án của Tòa án tối cao Pháp trên các tạp chí và sách báo pháp lý. Tạp chí Dalloz của Pháp, tồn tại từ năm 1824, là nơi công bố nhiều bản án của Tòa án tối cao Pháp. Ví dụ, câu hỏi: khi công nghệ được giao không thể đem lại cho bên nhận những kết quả mà bên chuyển giao hứa thì bên được chuyển giao công nghệ có quyền yêu cầu hủy hợp đồng chuyển giao công nghệ hay không- đã có câu trả lời trong bản án ngày 21/02/1837 của Tòa án tối cao được công bố trên Tạp chí Dalloz năm 1837, phần I, trang 217.

Ngày nay, Tạp chí Dalloz ra hàng tuần và vẫn là một trong những tạp chí công bố nhiều bản án của Tòa án tối cao. Ví dụ, trong số đầu tiên của năm 2005 (ngày 06/ 01/ 2005), Tạp chí đã công bố khoảng 40 bản án của Tòa án tối cao Pháp.

Bên cạnh các tạp chí, nhiều sách pháp lý của Pháp cũng tham gia công bố bản án của Tòa án tối cao. Chẳng hạn, từ rất sớm, hai anh em Dalloz, trong tuyển tập Répertoire méthodique et alphabétique de législation, de doctrine et de jurisprudence (với hơn 40 tập), đã công bố rất nhiều bản án của Tòa án tối cao Pháp. Xin trích một ví dụ cụ thể: theo Điều 1134 của Bộ luật Dân sự Pháp vừa kỷ niệm hai trăm năm tồn tại (1804-2004), hợp đồng là pháp luật đối với các bên. Điều đó có nghĩa là các bên phải tôn trọng hợp đồng như tôn trọng pháp luật. Nhưng Bộ luật Dân sự Pháp lại không cho biết hợp đồng có là pháp luật đối với thẩm phán hay không. Vậy, thẩm phán có phải tôn trọng hợp đồng của các bên như tôn trọng pháp luật không? Câu hỏi này đã được Tòa án tối cao Pháp đề cập đến trong một số bản án được hai anh em Dalloz công bố. Ví dụ, bản án ngày 05/ 07/1808 và bản án ngày 03/ 08/1809 về vấn đề này được công bố ở trang 378, tập 07 tuyển tập nói trên. Ngày nay, nhiều nhà xuất bản cũng cho phát hành sách pháp lý, trong đó có nhiều bản án của Tòa án tối cao, như nhà xuất bản Dalloz chẳng hạn. Họ cho phát hành loại sách về những bản án quan trọng của Tòa án Pháp. Ví dụ, họ cho tái bản năm 2001 cuốn Những bản án quan trọng của Tư pháp quốc tế Pháp. Cuốn này gồm 820 trang và công bố khoảng 90 bản án quan trọng của Tòa án tối cao Pháp về Tư pháp quốc tế với những lời bình luận của hai giáo sư B. Ancel và Y. Lequette.

Sẽ là không đầy đủ nếu nói tới việc cho công bố bản án của Tòa án tối cao Pháp mà không nhắc đến Bản tin bản án của Tòa án tối cao (Bulletin des arrêts de la Cour de cassation). Đây là bản tin hàng tháng, được xuất bản từ năm 1798, ra 10 số một năm (không phát hành vào các tháng 8 và 9). Những bản án được công bố ở đây thường được coi là những bản án quan trọng không phải vì giá trị bằng tiền của các tranh chấp mà vì nó thể hiện ý tưởng của Tòa án tối cao Pháp đối với một vấn đề pháp lý cụ thể. Hàng nghìn bản án được công bố mỗi năm trên Bản tin. Ví dụ, trong năm 1997, 337 bản án của Phòng dân sự số 01, 232 bản án của Phòng dân sự số 02, 231 bản án của Phòng dân sự số 03 và 350 bản án của Phòng thương mại Tòa án tối cao Pháp đã được công bố trên Bản tin bản án này. Phòng lao động và Phòng hình sự Tòa án tối cao Pháp cũng cho công bố không ít các bản án trên Bản tin này.

1.2 Ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ý thức công bố bản án của Tòa án trên giấy cũng đã tồn tại. Ví dụ, trong cuốn Tập hệ thống hóa Luật lệ về tố tụng dân sự phát hành năm 1977, Tòa án nhân dân tối cao đã cho công bố một số bản án của một số tòa án địa phương (xem trang 89, trang 225 và tiếp theo). Trong thời gian gần đây, một số bản án của Tòa án tối cao cũng được công bố trên Tạp chí Tòa án nhân dân. Ví dụ, trong số 03 năm 2004, một quyết định giám đốc thẩm của Tòa lao động Tòa án nhân dân tối cao về kỷ luật sa thải (xem trang 41 và tiếp theo) đã được công bố. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 12/2004, đã công bố một bản án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về căn cứ công nhận hợp đồng (xem trang 29 và tiếp theo).Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng số lượng bản án được công bố là quá ít so với số lượng bản án mà Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên.

2. Công bố bản án thông qua phương tiện tin học

2.1. Ở Pháp

Với sự phát triển của tin học, việc công bố bản án của Tòa án tối cao Pháp được củng cố thêm.Có nhiều trang web tham gia công bố bản án. Trang web đầu tiên phải kể đến là của Tòa án tư pháp tối cao Pháp (http://www.courdecassation.fr). Trang web này cho công bố nhiều bản án của Tòa án tối cao. Việc tìm kiếm các bản án công bố ở đây là tự do và miễn phí. Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể vào truy cập. Bên cạnh trang web miễn phí của Tòa án tối cao cần kể đến trang web Légifrance (http://www.legifrance.gouv.fr). Đây cũng là trang truy cập tự do và miễn phí. Dường như tất cả các bản án được đưa ra từ những năm gần đây của Tòa án tối cao Pháp đều được công bố trên trang web này. Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp khi có thông tin về một bản án của Tòa án tối cao Pháp mà không tìm thấy bản án đó ở đây.

Ngoài trang web, việc công bố bản án của Tòa án còn được thể hiện dưới hình thức CDROM. Những CDROM của nhà xuất bản Lamy dường như chứa đựng tất cả các bản án của Tòa án tối cao. Cần nói thêm là nhiều tạp chí pháp lý cũng cho xuất bản CDROM và ở đó chúng ta thấy lại những bản án được công bố trên tạp chí bằng giấy. Ví dụ như trên các tạp chí Dalloz, Les Petites affiches, Droit et patrimoine...

2.2 Ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ý tưởng công bố bản án thông qua phương tiện tin học cũng đã tồn tại. Cách đây không lâu, vấn đề bản án điện tử đã được thăm dò ý kiến trên trang web của Đặc san Nghề Luật. Tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng hiện nay ở Việt Nam chưa có một trang web nào cho công bố bản án của Tòa án nhân dân tối cao. Phần trình bày vừa rồi cho thấy ý thức công bố bản án của Tòa án tối cao đã tồn tại ở Pháp và ở Việt Nam. Tuy nhiên ý thức này được thể hiện khác nhau ở hai nước. Nếu hiện nay dường như tất cả các bản án của Tòa án tối cao Pháp được công bố thì tuyệt đại đa số bản án của Tòa án tối cao Việt Nam không được công bố. Ở Pháp, ý tưởng công bố bản án của Tòa án tối cao đã tồn tại từ ít nhất 200 năm nay còn ở Việt Nam thì vấn đề này còn tương đối mới mẻ. Về hình thức công bố bản án, việc công bố bản án thông qua phương tiện tin học chưa là một thực tế ở Việt Nam và việc công bố bản án trên giấy ở Việt Nam còn quá ít ỏi.

So với việc công bố trên giấy, việc công bố bản án thông qua phương tiện tin học có nhiều tiện lợi.

Thứ nhất, việc tra cứu về một bản án hay những bản án về một lĩnh vực pháp lý nào đó rất dễ dàng. Ví dụ, để có những bản án về hủy hợp đồng do có vi phạm, chúng ta chỉ cần sử dụng một số cụm từ như hợp đồng, hủy, vi phạm trong khi đó nếu tra cứu trên giấy người quan tâm phải đọc qua bản án hay tóm tắt của bản án.

Thứ hai, việc công bố bản án trên giấy mất nhiều thời gian hơn việc công bố thông qua phương tiện tin học. Ví dụ, để có được một bản án của Tòa án tối cao Pháp công bố trên Bản tin bản án thì thông thường phải đợi 5 đến 6 tháng từ khi bản án được đưa ra trong khi đó chỉ cần một thời gian ngắn chúng ta có thể có được bản án đó trên các trang web2.

Thứ ba, số lượng bản án được công bố thông qua phương tiện tin học nhiều hơn số bản án công bố trên giấy. Ví dụ, đối với năm 1997, Bản tin bản án của Tòa án tối cao Pháp công bố 350 bản án của Phòng thương mại trong khi đó chúng ta thấy 2536 bản án của Phòng thương mại này trên CDROM Lamy.

II. KHAI THÁC CÁC BẢN ÁN ĐƯỢC CÔNG BỐ

Trong thực tế, các bản án được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc khai thác các bản án được công bố trong hoạt động xét xử và trong hoạt động giảng dạy.

1. Khai thác bản án được công bố trong hoạt động xét xử

1.1 Ở Pháp

Những người tham gia hoạt động xét xử ở Pháp thường xuyên khai thác các bản án của Tòa án tối cao. Xin dẫn một vụ việc cụ thể được Tòa án tư pháp tối cao Pháp phán xét ngày 25/ 01/2005. Đây là vụ việc liên quan đến quyền miễn trừ tư pháp của nhà nước nước ngoài ở Pháp. Cụ thể sự việc như sau: Nhà nước Cộng hòa dân chủ Công gô mua ở Pháp một số bất động sản để làm nơi ở cho một số công dân của mình. Từ năm 1996, nhà nước Công gô ngừng thanh toán chi phí mà những người sống trong chung cư phải trả (chi phí chung cư). Năm 1998, Tòa án Pháp tuyên án buộc nhà nước Công gô phải thanh toán một khoản tiền chi phí chung cư đáng ra phải trả từ ngày 14/02/1997. Trước việc người đại diện cho những người sống trong chung cư tiến hành yêu cầu kê biên bất động sản để thanh toán khoản tiền chi phí trên, nhà nước Công gô viện dẫn quyền miễn trừ tư pháp, cụ thể là quyền miễn trừ xét xử và quyền miễn trừ thi hành án3 để không thi hành phán quyết trên.

Vấn đề pháp lý cần giải quyết là liệu nhà nước Công gô có thể viện dẫn các quyền miễn trừ tư pháp trên để không thanh toán chi phí chung cư và để không thi hành bản án của tòa án Pháp? Theo đại diện Viện công tố trực thuộc Tòa án tư pháp tối cao Pháp, ông Jerry Sainte-Rose, câu trả lời là không4. Để bảo vệ quan điểm của mình, ông Jerry Sainte-Rose viện dẫn một số bản án của Tòa án tư pháp tối cao Pháp đã được công bố. Ví dụ, ông Jerry Sainte-Rose đã dẫn một bản án ngày 19/02/19295. Theo bản án này thì Nhà nước nước ngoài có quyền miễn trừ tư pháp nhưng quyền này là không tuyệt đối. Tiếp theo, người đại diện Viện công tố viện dẫn một bản án ngày 14/ 03/ 19846 và một bản án ngày 01/ 10/19857 của Tòa án tư pháp tối cao Pháp. Theo bản án thứ nhất, “quyền miễn trừ thi hành án của nhà nước nước ngoài là nguyên tắc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, quyền này sẽ không được chấp nhận nhất là khi tài sản bị kê biên được sử dụng vào hoạt động kinh tế hay thương mại làm phát sinh tranh chấp và thuộc ngành luật tư”. Theo bản án thứ hai, “về nguyên tắc, tài sản của nhà nước nước ngoài không thể bị kê biên trừ một số ngoại lệ nhất là khi tài sản này được sử dụng vào hoạt động kinh tế hay thương mại làm phát sinh tranh chấp và thuộc ngành luật tư”. Theo ông Jerry Sainte-Rose, tài sản bị kê biên trong tranh chấp không được sử dụng vào hoạt động thương mại hay kinh tế mà vào hoạt động dân sự. Tuy nhiên hai bản án trên chỉ nêu ngoại lệ của hoạt động kinh tế hay thương mại như một danh sách liệt kê mở (không giới hạn) vì hai bản án đó sử dụng cụm từ “nhất là” đối với hai hoạt động này. Do vậy, theo vị đại diện Viện công tố, nhà nước Công gô không được hưởng quyền miễn trừ trong tranh chấp này. Cuối cùng Tòa án tư pháp tối cao Pháp cũng theo quan điểm của Viện công tố và phán quyết rằng: “Theo những nguyên tắc liên quan đến miễn trừ tư pháp, nhà nước nước ngoài được hưởng trên nguyên tắc quyền miễn trừ thi hành án. Tuy nhiên, điều đó sẽ khác đi khi tài sản bị kê biên gắn liền với một hoạt động kinh tế, thương mại hay dân sự làm phát sinh tranh chấp và thuộc ngành luật tư”8.

1.2 Ở Việt Nam

Phần trình bày trên cho thấy, các bản án được công bố của Tòa án tối cao Pháp được khai thác rất nhiều trong hoạt động tố tụng.

Ở Việt Nam, khó có thể miêu tả chính xác việc khai thác các bản án của Tòa án tối cao Việt Nam trong hoạt động tố tụng. Chúng tôi có hỏi một số chuyên gia luật và được biết rằng họ không baogiờ trích dẫn các bản án của Tòa án tối cao để làm cơ sở lý luận cho mình.

Trong thực tế, các luật gia Việt Nam có đề cập đến một số bản án của Tòa án tối cao nhưng họ chưa cho công bố và khai thác bản án của Tòa án tối cao. Ví dụ, trong bài Thấy gì qua việc giải quyết ba vụ tranh chấp kinh tế quốc tế , bà Vũ Thị Én có đề cập đến một số bản án của Tòa án tối cao nhưng không cho công bố toàn bộ các bản án này9. Tương tự, trong bài Về quyền thừa kế nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài10, ông Trần Văn Tuân có đề cập đến bản án phúc thẩm số 02 ngày 28/12/2001 của Tòa án tối cao nhưng không cho công bố bản án.

2. Khai thác bản án được công bố trong hoạt động giảng dạy

2.1 Ở Pháp

Việc khai thác trong giảng dạy các bản án của Tòa án tối cao được công bố là rất phổ biến ở Pháp. Đây có thể được coi là văn hóa pháp lý Pháp. Dường như không một sinh viên luật nào của Pháp không phải nghiên cứu bản án trong quá trình học tập. Chúng tôi đã phải làm quen với các bản án của Tòa án tối cao Pháp ngay từ những ngày đầu tiên của năm thứ nhất đại học luật. Trong quá trình học đại học, sau đại học và làm luận án tiến sỹ, không có một tuần nào chúng tôi không phải nghiên cứu một vài bản án quan trọng của Tòa án tối cao Pháp. Và từ những năm gần đây, với tư cách là giảng viên đại học ở Pháp, chúng tôi thường buộc sinh viên phải nghiên cứu và bình luận bản án của Tòa án tối cao Pháp đã được công bố.

Nhìn chung, các bản án được nghiên cứu theo hai hình thức chủ yếu sau: phân tích bản án và bình luận bản án. Phân tích bản án thường được yêu cầu đối với sinh viên năm thứ nhất đại học. Ở đây, sinh viên phải làm những công đoạn sau. Thứ nhất, phải định hình bản án (bản án ra ngày nào, của Phòng nào, có phải là bản án không chấp nhận kháng nghị, kháng cáo hay là bản án hủy bản án cấp dưới). Ví dụ, đối với bản án liên quan đến nhà nước Công gô, sinh viên phải biết đây là một bản án ngày 25/ 01/2005 của Phòng dân sự số 01 Tòa án tư pháp tối cao Pháp. Đây là bản án không chấp nhận kháng cáo. Thứ hai, sinh viên phải biết được hoàn cảnh pháp lý được thể hiện trong bản án và các cấp đã xét xử. Ở ví dụ trên, sinh viên phải biết là nhà nước Công gô mua ở Pháp một số bất động sản để làm nơi ở cho một số công dân của mình và từ năm 1996 họ ngừng thanh toán chi phí chung cư. Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng Nanterre đã xét xử sơ thẩm và Tòa phúc thẩm Versailles đã xét xử phúc thẩm vụ việc trên. Cả hai cấp đều buộc nhà nước Công gô phải thanh toán chi phí chung cư đáng ra phải trả từ ngày 14/02/1997. Thứ ba, sinh viên phải biết được ý tưởng của các bên. Trong ví dụ, sinh viên phải biết là người đại diện cho những người sống trong chung cư muốn kê biên bất động sản của nhà nước Công gô để thanh toán khoản tiền chi phí chung cư và nhà nước Công gô không muốn bị kê biên tài sản bằng cách viện dẫn quyền miễn trừ tư pháp. Thứ tư, sinh viên phải biết được vấn đề pháp lý mà Tòa án tối cao phải trả lời là gì. Ở đây, sinh viên phải biết vấn đề pháp lý là như sau : liệu nhà nước Công gô có thể viện dẫn quyền miễn trừ tư pháp để không bị kê biên tài sản nhằm thanh toán khoản tiền chi phi chung cư không? Thứ năm, sinh viên phải cho biết là giải pháp của Tòa án tối cao là gì đối với vấn đề pháp lý vừa được nêu. Đối với vụ việc này, sinh viên phải cho biết là nhà nước Công gô không được viện dẫn quyền miễn trừ tư pháp để phủ nhận việc kê biên tài sản nhằm thanh toán khoản tiền chi phí chung cư.

Bình luận bản án thường được yêu cầu đối với sinh viên đã biết rõ phương pháp phân tích bản án.Thực ra, bình luận là bước tiếp theo của việc phân tích bản án: Trước khi bình luận, sinh viên phải phân tích bản án để hiểu bản án. Khi bình luận, sinh viên không chỉ phải hiểu bản án mà còn phải diễn giải bản án, làm cho mọi người biết được tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của bản án. Đây là đánh giá cá nhân về bản án. Đối với bản án đề cập ở trên, sinh viên có thể cho biết là nhà nước Công gô không được viện dẫn quyền miễn trừ tư pháp để phủ nhận việc kê biên tài sản vì quyền miễn trừ tư pháp của nhà nước nước ngoài là không tuyệt đối theo pháp luật Pháp: Quyền miễn trừ tư pháp của nhà nước nước ngoài là một nguyên tắc có ngoại lệ và, đối với tranh chấp đang nghiên cứu, chúng ta thuộc trường hợp ngoại lệ. Sinh viên có thể nói thêm là, trước khi có bản án này, các ngoại lệ của quyền miễn trừ tư pháp liên quan đến tài sản được sử dụng vào hoạt động thương mại hay kinh tế. Nhưng trong bản án này, ngoại lệ của quyền miễn trừ tư pháp cũng được áp dụng đối với tài sản được sử dụng vào hoạt động dân sự. Đây là một điểm mới quan trọng của bản án. Từ bản án này, chúng ta có thể biết là theo Phòng dân sự số 01 Tòa án tối cao Pháp, về nguyên tắc thì nhà nước nước ngoài có quyền miễn trừ tư pháp. Nhưng nguyên tắc này có ngoại lệ và ngoại lệ này không chỉ giới hạn ở tài sản được sử dụng vào hoạt động thương mại hay kinh tế mà cả đối với tài sản được sử dụng vào hoạt động dân sự. Trước khi kết thúc bài bình luận, sinh viên có thể đặt ra câu hỏi sau: bản án được nghiên cứu là của Phòng dân sự số 01 Tòa án tối cao Pháp, liệu các Phòng khác của Tòa án tối cao Pháp có theo giải pháp ghi nhận trong bản án trên không? Việc đặt câu hỏi này sẽ làm cho người quan tâm chú ý khi họ nghiên cứu bản án của các Phòng khác về quyền miễn trừ tư pháp. Họ sẽ tìm xem, các Phòng khác có mở rộng ngoại lệ của quyền miễn trừ tư pháp đối với tài sản được sử dụng vào hoạt động dân sự hay không.

2.2 Ở Việt Nam

Nếu việc khai thác các bản án được công bố của Tòa án tối cao Pháp được coi là một công việc thường ngày của sinh viên thì ở Việt Nam việc khai thác các bản án của Tòa án tối cao Việt Nam là một việc xa lạ. Chúng tôi có hỏi một số sinh viên học luật ở Việt Nam và được biết là việc khai thác bản án của Tòa án tối cao Việt Nam gần như không tồn tại. Phần lớn sinh viên luật ở Việt Nam chỉ được tiếp cận với bản án của Tòa án tối cao khi có cơ hội thực tập tại Tòa án. Chúng tôi có tham gia giảng dạy sau đại học luật do trường Đại học Ngoại thương tổ chức và thấy rằng sinh viên Việt Nam rất lúng túng khi được yêu cầu phân tích bản án.

III. LỢI ÍCH CỦA VIÊC CÔNG BỐ BẢN ÁN

Trong thực tế, việc công bố bản án của Tòa án tối cao có rất nhiều lợi ích. Chúng tôi xin nêu một số lợi ích cơ bản của việc công bố này.

Thứ nhất, việc công bố bản án sẽ củng cố việc áp dụng thống nhất pháp luật. Trong thực tế, rất nhiều vấn đề pháp lý không có văn bản điều chỉnh nhưng tòa án vẫn phải giải quyết. Và ở đây, thường có nhiều quan điểm khác nhau và các thẩm phán có thể đưa ra những phán quyết không thống nhất. Việc công bố các bản án sẽ giúp các luật gia thấy được sự không thống nhất để từ đó tìm ra hướng giải quyết chung. Xin trích một ví dụ trong thực tế pháp lý Pháp liên quan đến thuê mua tài chính để minh họa.

Trong quan hệ thuê mua tài chính, một bên (bên A) mua tài sản (tài sản S) của một bên (bên B) để cho một bên khác thuê (bên C). Đến cuối hợp đồng, bên thuê có thể mua tài sản S. Trong quan hệ này có hai hợp đồng: hợp đồng mua bán tài sản S giữa A và B; hợp đồng thuê tài sản S giữa A và C. Hai hợp đồng này có cùng một đối tượng là tài sản S. Hai hợp đồng trên có hoàn toàn độc lập với nhau không? Việc hợp đồng mua bán giữa A và B bị vô hiệu (do nhầm lẫn, do bị lừa, do vi phạm điều cấm...) hay bị hủy (do thỏa thuận hay do vi phạm hợp đồng) có làm vô hiệu hóa hợp đồng giữa A và C không?

Trong một số bản án được công bố11, theo Phòng dân sự số 01 Tòa án tư pháp tối cao Pháp, câu trả lời là có: Việc hợp đồng mua bán giữa A và B bị hủy làm chấm dứt hợp đồng giữa A và C. Tuy nhiên, trong một số bản án khác được công bố12, theo Phòng thương mại Tòa án tư pháp tối cao Pháp, câu trả lời là không. Trước sự không thống nhất giữa Phòng thương mại và Phòng dân sự được thể hiện trong các bản án được công bố, hai Phòng trên đã phải họp lại với nhau và đi đến câu trả lời chung trong bản án ngày 23 / 11/199013: Việc hợp đồng mua bán giữa A và B bị hủy làm chấm dứt hợp đồng giữa A và C. Ngày nay, các Phòng của Tòa án tối cao Pháp đã thống nhất giải quyết như bản án ngày 23/ 11/ 199014.

Thứ hai, việc công bố bản án có lợi cho công tác lập pháp. Trong thực tế, khi xây dựng một quy phạm pháp luật, các nhà làm luật thường xuất phát từ một hoàn cảnh pháp lý cụ thể trong khi đó một bản án cho biết một hoàn cảnh pháp lý cụ thể và giải pháp tương ứng của Tòa án. Do vậy, việc công bố bản án cho phép nhà lập pháp biết thực trạng pháp luật của nước mình và đánh giá tính hợp lý của quy phạm ghi nhận trong bản án được công bố đối với một hoàn cảnh pháp lý cụ thể.

Trong thực tế ở Pháp, các nhà lập pháp thường xuyên để ý đến các bản án được công bố và chấp nhận giải pháp của Tòa án bằng cách luật hóa chúng trong một văn bản cụ thể. Xin dẫn một ví dụ liên quan đến con nuôi có yếu tố nước ngoài. Theo bản án ngày 07/11/1984 của Tòa án tối cao Pháp, pháp luật của nước mà đứa trẻ là công dân được áp dụng để điều chỉnh việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi hoặc để xác định ai là người đại diện có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi15. Giải pháp trên đã được ghi nhận trong Hiệp định về con nuôi giữa Việt Nam và Pháp: theo Điều 8 của Hiệp định, "việc xác định cá nhân, tổ chức có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi và hình thức thể hiện sự đồng ý đó tuân theo pháp luật của nước ký kết mà trẻ em đó là công dân”.

Trong thực tế Pháp, đôi khi các nhà lập pháp không chấp nhận giải pháp ghi nhận trong bản án được công bố vì ý tưởng của họ không giống ý tưởng của Tòa án. Ví dụ, theo bản án ngày 30/10/1905 của Tòa án tư pháp tối cao Pháp, khi vợ và chồng có cùng một quốc tịch, pháp luật điều chỉnh ly hôn là pháp luật của nước mà vợ và chồng có quốc tịch16. Quy định này cho phép pháp luật nước ngoài của vợ và chồng được áp dụng để điều chỉnh ly hôn khi vợ và chồng có cùng quốc tịch nước ngoài mặc dù họ sống trên lãnh thổ Pháp. Song nhân dịp sửa đổi pháp luật về hôn nhân và gia đình năm 1975, các nhà lập pháp Pháp lại quy định khác. Theo họ, pháp luật Pháp được áp dụng để điều chỉnh ly hôn khi vợ và chồng sống trên lãnh thổ Pháp ngay cả khi họ có cùng một quốc tịch nước ngoài (xem Điều 310 Bộ luật Dân sự Pháp).

Về quan hệ giữa nhà lập pháp và Tòa án, cũng cần nói thêm là việc công bố bản án sẽ giúp cho các nhà lập pháp biết những quy phạm mà họ thiết lập được áp dụng như thế nào, có hiệu quả không và có được tôn trọng không trong thực tế. Nói một cách khác, việc công bố bản án sẽ giúp các nhà lập pháp giám sát tốt hơn việc áp dụng văn bản pháp luật mà họ đã thiết lập.

Thứ ba, việc công bố bản án sẽ làm tăng chất lượng luật gia. Nó tạo cho công tác xét xử minh mạch hơn, sẽ làm giảm hiện tượng thẩm phán tùy tiện trong hoạt động tố tụng. Nó sẽ làm giảm hiện tượng một vấn đề pháp lý hôm nay được giải quyết thế này trong một bản án và ngày mai được giải quyết khác trong một bản án khác. Khi biết rằng bản án của mình sẽ được công bố, các thẩm phán sẽ thận trọng hơn, nghiêm túc hơn khi xét xử và viết án.17 Ở Pháp, người dân rất tôn trọng thẩm phán. Khi nói đến thẩm phán, họ thường dùng những từ ngữ có nhiều niềm tin và tôn trọng. Trong thực tế, Tòa án có được lòng tin và sự tôn trọng của người dân là do chất lượng xét xử được thể hiện qua các bản án được công bố.

Cũng xin nói thêm là việc công bố bản án không chỉ góp phần vào củng cố chất lượng của thẩm phán mà cả của học sinh, sinh viên, những người nghiên cứu pháp luật. Bản án được công bố sẽ là tài sản vô giá đối với họ. Khi được tiếp cận thường xuyên các bản án được công bố, những người này sẽ có cách nhìn và tư duy thực tiễn hơn. Họ sẽ ít bỡ ngỡ hơn khi đi vào thực tiễn.

Các ví dụ nêu trên liên quan đến pháp luật Pháp. Song, thiết nghĩ nó cũng đúng với Việt Nam.

Để minh họa cho sự cần thiết của việc công bố bản án của Tòa án tối cao Việt Nam, chúng tôi xin dẫn trường hợp người nước ngoài gốc Việt Nam mua nhà ở Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, những người này được quyền mua nhà ở khi thỏa mãn một số điều kiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp người nước ngoài mua nhà ở thông qua người quen mặc dù họ không được pháp luật Việt Nam cho phép. Chúng ta cần phải xử lý các trường hợp này như thế nào? Từ vài năm gần đây, Tòa án tối cao đã phải giải quyết vấn đề này. Theo Tòa án tối cao, nhà ở được giao cho cơ quan thi hành án để bán đấu giá. Nếu số tiền bán đấu giá nhiều hơn số tiền mà người nước ngoài đã giao thì người nước ngoài chỉ được nhận phần đã giao, phần còn lại sung vào công quỹ nhà nước.18

Nhưng vì bản án không được công bố nên phần lớn mọi người không biết giải pháp cụ thể ra sao.

Việc công bố bản án của Tòa án tối cao Việt Nam về vấn đề này sẽ cho phép các nhà lập pháp biết rõ thực trạng tôn trọng văn bản và giải pháp của Tòa án là như thế nào. Nó cho phép các tòa án địa phương cũng như các Tòa thuộc Tòa án tối cao tìm ra hướng áp dụng thống nhất pháp luật về vấn đề trên. Đồng thời nó cho phép người quan tâm hiểu được thực trạng pháp lý Việt Nam như thế nào về vấn đề được nêu.

Tóm lại, so với ở Pháp, việc công bố bản án của Tòa án tối cao ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong khi dường như tất cả bản án của Tòa án tối cao Pháp ngày nay được công bố thì tuyệt đại đa số bản án của Tòa án tối cao Việt Nam lại không được công bố. Đây là một điều đáng tiếc vì công bố bản án của Tòa án tối cao là cần thiết, có nhiều lợi ích và hoàn toàn có thể làm được ở Việt Nam, nhất là khi chúng tôi được biết rằng các bản án hiện nay được đánh trên máy vi tính. Chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp, thiết nghĩ cũng nên thay đổi cách nhìn về bản án của Tòa án tối cao. Đã đến lúc chúng ta phải cho rằng các phán quyết của Tòa án tối cao không phải là tài sản riêng của Tòa án mà là tài sản chung của quốc gia bởi vì, khi xét xử, Tòa án chỉ nhân danh Nhà nước cộng hòa xã hội Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tài liệu tham khảo:

1 Về vấn đề công bố bản án của tòa án ở Mỹ, xem thêm Lưu Tiến Dũng, Công bố phán quyết của Tòa án, Cảm nghĩ một luật sư, Tạp chí Tòa án Nhân dân, tháng 1-2005 (số 2).

2 Về vai trò của Internet, xem thêm Đặng Thị Thu Thảo, Internet - Một kênh tiếp cận pháp luật và khả năng tiếp cận án lệ ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 02/2005.

3 Theo Tư pháp quốc tế, khi có quyền miễn trừ xét xử nhà nước này không thể bị tòa án nhà nước kia xét xử và khi có quyền miễn trừ thi hành án thì nhà nước này không bị tòa án nhà nước kia áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành bản án.

4 Xem kết luận được công bố trên Tạp chí Dalloz năm 2005, tr. 616 và tiếp theo.

5 Bản án được công bố trên Tạp chí Dalloz năm 1929 (tr. 172, bình luận Savatier) và trên Tạp chí Sirey năm 1930 (tr. 49, bình luận Niboyet).

6 Bản án được công bố trên Bản tin bản án năm 1984 (phần I, số 98), Tạp chí Dalloz năm 1984 (tr. 629 và tiếp theo, kết luận Fabre và bình luận Bobert), Tạp chí JCP năm 1984 (phần II, số 20205, kết luận Gulphe và bình luận Synvet), Tạp chí JDI năm 1984 (tr. 598, bình luận Oppetit), Tạp chí RCDIP năm 1984 (tr. 664, bình luận Bischof), Tạp chí Rev. arb. năm 1985 (tr. 69, bình luận Couchez) và trong cuốn Những bản án quan trọng của Tư pháp quốc tế Pháp (bản án số 65).

7 Bản án được công bố trên Bản tin bản án năm 1985 (phần I, số 236), Tạp chí JCP năm 1985 (phần II, số 20566, kết luận Gulphe, bình luận Synvet), Tạp chí JDI năm 1986 (tr. 170, bình luận Oppetit), Tạp chí RCDIP năm 1985 (tr. 527, bình luận Audit) và trong cuốn Những bản án quan trọng của Tư pháp quốc tế Pháp (bản án số 66).

8 Xem bản án ngày 25.01.2005, được công bố trên Tạp chí Dalloz năm 2005 (tr. 620 và 621).

9 Xem Tạp chí Dân chủ và pháp luật,2001, số tr 20-23.

10 Xem Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 1-2005 (số 1), tr. 16 và tiếp theo.

11 Ví dụ bản án ngày 03 tháng 03 năm 1982, được công bố trên Tạp chí Gazettes du Palais năm 1983, phần I, tr. 71, bình luận Defossez.

12 Ví dụ bản án ngày 15 tháng 03 năm 1983, được công bố trên Bản tin bản án năm 1983, phần IV, số 103 và trên Tạp chí Gazettes du Palais năm 1983, phần II, tr. 484, bình luận Delgrange.

13 Bản án được công bố trên Tạp chí Dalloz năm 1991, tr. 121, bình luận Larroumet và trên Tạp chí Contrats-conc.- consomm. năm 1991, bình luận Leveneur.

14 Về vấn đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Vai trò của lợi ích tư nhân trong hợp đồng ở Pháp, Nxb PUAM 2004, với lời giới thiệu của Hiệu trưởng GS.TS. J. Mestre, tr.134.

15 Bản án được công bố trên Tạp chí RCDIP năm 1985, tr. 533, bình luận Simon-Depitre; Tạp chí Clunet năm 1985, tr.

434, bình luận Gaudemet-Tallon; Tạp chí Dalloz năm 1985, tr. 459, bình luận Posson-Drocourt; Tạp chí Defrénois năm

1985, tr. 1006, bình luận Massip và trong cuốn Những bản án quan trọng của Tư pháp quốc tế Pháp (bản án số 67).

16 Bản án được công bố trên Tạp chí Sirey năm 1911, phần I, tr. 581.

17 Về nâng cao hiệu quả công tác viết án ở Việt Nam, xem thêm Đào Thị Hằng, Một số ý kiến về phương pháp viết bản án lao động sơ thẩm, Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 2-2005 (số 4), tr. 27 và tiếp theo.

18 Xem bản án số 60/DSPT ngày 23/5/1998, thụ lý số 280/DSPT ngày 29/11/1997; bản án số

295/DSPT ngày 26/9/2003, thụ lý số 207/DSPT ngày 14/8/2003.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 2/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét