Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2008

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ PHẠT VI PHẠM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM

TS. DƯƠNG ANH SƠN – TS. LÊ THỊ BÍCH THỌ

Khoa luật ĐHQG TP. HCM - ĐH Luật TP.HCM

Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện hành đã nảy sinh những bất cập. Nhiều quy định của pháp luật về hợp đồng trong đó có các quy định về phạt vi phạm đã không còn phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự, thương mại trong cơ chế thị trường. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn đi sâu vào việc phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về phạt vi phạm và qua đó có một số ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chế định phạt vi phạm trong Bộ luật dân sự và Luật thương mại sửa đổi.

1. Chức năng của phạt vi phạm.

Xuất phát từ việc phân chia các quan hệ hợp đồng trong hoạt động dân sự và thương mại thành những lĩnh vực riêng biệt và được điều chỉnh bởi các quy định của các văn bản pháp luật khác nhau mà các quy định về phạt hợp đồng cũng rơi vào tình trạng chung là thiếu thống nhất trong điều chỉnh bằng pháp luật. Hiện ở Việt Nam có ba văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh hợp đồng, đó là Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế tuy được xem là văn bản pháp luật lỗi thời và có nhiều bất cập nhất hiện nay nhưng lại là một trong những văn bản pháp luật có ảnh hưởng lớn trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và quá trình lập pháp về hợp đồng. Vấn đề phạt vi phạm đã chưa được thể hiện rõ và nhất quán trong pháp luật Việt Nam.

Theo quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt hợp đồng và trong trường hợp có thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 29). Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng được áp dụng không phụ thuộc vào việc có hay không có thiệt hại. Thực tế có nhiều trường hợp, số tiền phạt vi phạm và số tiền bồi thường thiệt hại sẽ lớn hơn thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu. Cũng chính vì điều đó mà phạt vi phạm được xem là một biện pháp được áp dụng nhằm củng cố quan hệ hợp đồng kinh tế, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật hợp đồng kinh tế nói riêng, pháp luật quản lý kinh tế nói chung đồng thời phòng ngừa vi phạm hợp đồng kinh tế 1.

Trong Bộ luật dân sự, phạt vi phạm được nói đến chủ yếu với tư cách là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, còn trong Luật thương mại nó được coi là một trong những biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng. Xuất phát từ các quy định nói trên của pháp luật mà nhiều người có quan điểm, theo đó việc trả tiền phạt vi phạm được coi là biện pháp trừng phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Quan điểm này chỉ phù hợp trong nền kinh tế phi thị trường, kế hoạch hoá. Bởi vì khi đó các chủ thể của quan hệ hợp đồng kinh tế, thương mại chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp nhà nước và khi đó việc ký kết và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được xem là kỷ luật của Nhà nước. Trong cơ chế kinh tế thị trường thì mục đích của việc áp dụng phạt vi phạm có nội dung hoàn toàn khác. Vì vậy, cách hiểu trên trở nên không thích hợp.

Phạt vi phạm, theo quan điểm của chúng tôi, thực hiện hai chức năng: thứ nhất, phạt vi phạm được xem là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi chưa có hành vi vi phạm nghĩa vụ, điều này được khẳng định bởi phạt vi phạm được quy định trong chương các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ2, mặt khác phạt vi phạm thúc đẩy các bên chú ý đến việc thực hiện nghĩa vụ dưới sự đe dọa phải chịu hậu quả bất lợi do không thực hiện nghĩa vụ; thứ hai, khi có sự vi phạm thì nó được coi là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng bởi vì bản chất của việc trả tiền phạt vi phạm là sự đền bù vật chất cho bên bị vi phạm. Hai chức năng này của phạt vi phạm cũng được thể hiện trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Phạt vi phạm hợp đồng có thể được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận tại hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai chức năng của phạt vi phạm trong hai trường hợp nói trên?

Đối với trường hợp phạt vi phạm theo hợp đồng, khi các bên đưa điều kiện phạt vi phạm vào hợp đồng với mục đích thúc đẩy bên chậm thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, thì việc sử dụng phạt vi phạm trước hết với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên trong trường hợp này phạt vi phạm cũng có thể được sử dụng với tư cách là một hình thức của trách nhiệm vật chất với mục đích là đền bù cho bên bị vi phạm, đặc biệt là khi các bên chỉ thoả thuận phạt vi phạm mà không thoả thuận bồi thường thiệt hại.

Phạt vi phạm do pháp luật quy định, theo quan điểm của một số tác giả3, không thể thực hiện chức năng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bởi vì phạt vi phạm do pháp luật quy định không ràng buộc với bất kỳ một nghĩa vụ cụ thể nào hay với bất kỳ các bên cụ thể nào tham gia vào quan hệ nghĩa vụ đó với mục đích bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ nói trên. Quan điểm này theo chúng tôi là thiếu thuyết phục bởi những lý do sau đây: thứ nhất, phạt vi phạm được quy định ngay trong phần các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của pháp luật nhiều nước; thứ hai, mặc dù phạt vi phạm do pháp luật quy định không ràng buộc với bất kỳ một nghĩa vụ cụ thể nào hay với bất kỳ các bên cụ thể nào tham gia quan hệ nghĩa vụ đó nhưng khi ký kết hợp đồng các bên không thể không biết quy định của pháp luật về điều đó.

Với tư cách là một hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, trong khoa học pháp lý Việt Nam có quan điểm cho rằng có thiệt hại xảy ra hay không không phải là yếu tố quyết định đến việc áp dụng chế tài phạt vi phạm 4, điều này có nghĩa là phạt vi phạm được áp dụng ngay cả khi không có thiệt hại xảy ra. Về vấn đề này theo chúng tôi cần phải xác định rõ, chế tài phạt vi phạm được áp dụng ngay cả khi không có thiệt hại xảy ra hay có thiệt hại xảy ra là yếu tố quyết định đến việc áp dụng chế tài phạt hợp đồng song trong một số trường hợp không cần phải xác định mức độ thiệt hại.

Muốn giải quyết được vấn đề này chúng ta cần phải xác định rõ, phạt vi phạm với tư cách là một hình thức của trách nhiệm, mang tính trừng phạt hay là mang tính đền bù. Nếu cho rằng phạt vi phạm có tính trừng phạt thì rõ ràng nó sẽ được áp dụng ngay cả khi hành vi vi phạm hợp đồng không gây ra thiệt hại, còn nếu phạt vi phạm mang tính đền bù thì nó chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm hợp đồng có gây ra thiệt hại. Theo quan điểm của chúng tôi, phạt vi phạm là một trong hai hình thức của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng không thể mang tính trừng phạt mà chỉ có chức năng đền bù. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng không coi tính trừng phạt là chức năng của phạt vi phạm5. Cách nhìn nhận này trong pháp luật của các nước rõ ràng phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại. Trong thực tiễn có những trường hợp mặc dù có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng thiệt hại không xảy ra, nếu bên bị vi phạm trong trường hợp đó yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt đã thoả thuận trước thì rõ ràng họ đã vi phạm nguyên tắc thiện chí, trung thực trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng và tất nhiên toà án sẽ không ra phán quyết thoả mãn yêu cầu của họ. Bởi vì trong mọi trường hợp toà án có nghĩa vụ phải ra phán quyết không những đúng pháp luật mà còn phải công bằng.

Như vậy có thể nói rằng mục đích của việc áp dụng chế tài phạt vi phạm hoàn toàn giống với mục đích của việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Một câu hỏi có thể được đặt ra là, nếu mục đích của phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại đều là khôi phục quyền lợi vật chất của bên bị vi phạm thì đâu là sự khác nhau giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Trong thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự, thương mại, việc chứng minh có thiệt hại và mức độ thiệt hại do việc vi phạm nghĩa vụ gây ra là vấn đề không đơn giản và mất nhiều thời gian. Bởi vậy, việc áp dụng phạt vi phạm như là một hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng có những ưu điểm sau:

- Thứ nhất, là công cụ thuận tiện để đền bù những tổn thất, mất mát của người có quyền do hành vi không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra;

- Thứ hai, cho phép thiệt hại được đền bù một cách nhanh chóng. Chỉ cần có sự vi phạm hợp đồng và sự vi phạm này không phải là hậu quả của tình huống bất khả kháng hay thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm do các bên thoả thuận là người bị thiệt hại có thể yêu cầu bên vi phạm trả số tiền mà hai bên đã thỏa thuận;

- Thứ ba, khi sử dụng hình thức bồi thường thiệt hại, bên có quyền không những cần phải chứng minh thiệt hại và mức độ thiệt hại, mà còn phải chứng minh được rằng họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại. Điều này gây cho bên bị vi phạm rất nhiều điều bất lợi và trong một số trường hợp sẽ dẫn đến việc bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm, bởi vì do những lý do nào đó họ không thể chứng minh một cách đầy đủ những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Còn khi sử dụng biện pháp phạt vi phạm thì bên vi phạm phải chứng minh những sự kiện nói trên nếu họ không muốn chịu trách nhiệm;

- Thứ tư, tránh được những chi phí phát sinh trong quá trình chứng minh thiệt hại, mức độ của thiệt hại. Rõ ràng, việc chứng minh mức độ thiệt hại không phải là việc dễ dàng trong thực tế, bên bị thiệt hại trong nhiều trường hợp phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người khác và chi phí này cũng được coi là thiệt hại thực tế và bên vi phạm phải gánh chịu.

2. Căn cứ áp dụng phạt vi phạm

Xuất phát từ quan điểm cho rằng việc trả tiền phạt vi phạm được coi là sự trừng phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nên trong khoa học pháp lý Việt Nam không có quan điểm thống nhất về căn cứ áp dụng phạt vi phạm. Trong Pháp luật thực định, căn cứ để áp dụng phạt vi phạm được quy định không thống nhất. Bộ luật dân sự không trực tiếp quy định căn cứ để áp dụng phạt vi phạm, song một cách gián tiếp có thể hiểu thông qua Điều 379 của Bộ luật dân sự, phạt vi phạm được xem là một hình thức của trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và vì vậy căn cứ để áp dụng phạt vi phạm phải tuân theo nguyên tắc chung, đó là giống với căn cứ áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại. Luật thương mại Việt Nam quy định căn cứ để áp dụng chế tài phạt vi phạm là không thực hiện hợp đồng và thực hiện không đúng hợp đồng (Điều 227). Theo quan điểm của một số luật gia6, những quy định này không có nghĩa là đã cho phép áp dụng chế tài phạt hợp đồng đối với mọi hành vi không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng mà không cần xét đến yếu tố lỗi. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên nếu căn cứ theo Điều 227 Luật thương mại thì có thể hiểu rằng, nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng điều khoản phạt vi phạm thì khi có sự không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng, bên có quyền yêu cầu trả tiền phạt ngay cả khi không có lỗi và không có thiệt hại.

Xuất phát từ sự phân tích trên, theo quan điểm của chúng tôi, Dự thảo Luật thương mại sửa đổi bỏ Điều 227 là hợp lý.

3. Mức phạt vi phạm.

Pháp luật của Việt Nam quy định giới hạn tối đa của mức phạt vi phạm, không phụ thuộc vào thoả thuận của các bên (Điều 228 Luật thương mại quy định mức phạt tối đa 8% giá trị nghĩa vụ vi phạt, Điều 378 Bộ luật dân sự lại quy định mức phạt vi phạm không quá 5% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm, Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế lại quy định mức phạt vi phạm không quá 12% giá trị của nghĩa vụ bị vi phạm -phụ thuộc vào loại nghĩa vụ bị vi phạm). Theo quy định của các điều luật nói trên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm thì dù thiệt hại có lớn bao nhiêu đi nữa thì bên vi phạm chỉ phải trả tiền tối đa trong giới hạn đó. Như vậy liệu các quy định của pháp luật về giới hạn mức phạt có phù hợp với mục đích của áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hay không.

Pháp luật của những nước, phạt vi phạm được coi là một trong những hình thức của trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, không quy định giới hạn của mức phạt vi phạm, mà chỉ quy định rằng mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận khi ký kết hợp đồng. Sở dĩ có quy định như vậy bởi vì pháp luật của các nước đó coi chức năng của phạt vi phạm là đền bù những tổn thất mà bên bị vi phạm phải chịu và mức phạt vi phạm cũng phải tương đương với mức độ tổn thất mà các bên nhìn thấy trước tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Chúng tôi cho rằng, việc quy định giới hạn của mức phạt vi phạm làm hạn chế tự do ý chí của các bên trong việc thoả thuận ký kết hợp đồng. Bởi vì, thứ nhất, pháp luật đã quy định, phạt vi phạm là sự thoả thuận của các bên về số tiền mà bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm; thứ hai, Khoản 3 Điều 379 Bộ luật dân sự, nếu trong hợp đồng các bên có thoả thuận phạt vi phạm mà không thoả thuận bồi thường thiệt hại thì chỉ áp dụng phạt vi phạm mà không áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Theo quy định nói trên thì sẽ như thế nào nếu nếu thiệt hại thực tế lớn hơn rất nhiều so với mức tối đa do pháp luật quy định, ví dụ, 25% hoặc hơn nghĩa vụ bị vi phạm. Có thể có người cho rằng, thế thì tại sao tại thời điểm ký kết hợp đồng các bên không thoả thuận áp dụng cả hai loại chế tài: phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận đó và cũng tin rằng, trong thực tiễn ký kết hợp đồng thương mại các bên sẽ thoả thuận áp dụng cả hai biện pháp chế tài nói trên. Nếu trong thực tiễn thương mại các bên sẽ luôn hành động như vậy thì liệu quy định của Điều 378 Bộ luật dân sự, Điều 228 Luật thương mại và quy định tại Khoản 3 Điều 379 Bộ luật dân sự có thực sự phát huy hiệu quả của mình hay không, có thực sự cần thiết hay không. Chúng tôi cho rằng, để các quy định của pháp luật phát huy được hiệu quả của mình thì chúng phải phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại, vì vậy không nên có sự tồn tại tại các Điều 378 Bộ luật dân sự và Điều 228 Luật thương mại.

Một vấn đề cần phải nói đến khi phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về phạt vi phạm là trong thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại trong rất nhiều trường hợp mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận cao hơn rất nhiều so với thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra hoặc thiệt hại thực tế hầu như không xảy ra thì sẽ giải quyết như thế nào. Nếu buộc bên vi phạm phải trả tiền phạt theo mức thoả thuận thì liệu biện pháp này có phù hợp với nguyên tắc: thiệt hại phải được đền bù kịp thời và đầy đủ hay không? Câu trả lời của chúng tôi là hoàn toàn không. Pháp luật của nhiều nước cho phép Toà án điều chỉnh mức phạt vi phạm khi có yêu cầu của một trong các bên trong trường hợp thiệt hại thực tế do vi phạm là quá thấp so với mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận (Điều 333 Bộ luật dân sự của Cộng hoà liên bang Nga, Mục 2 Điều 1152 BLDS Pháp - được thay đổi bằng luật số 75-597 ngày 9/7/1975, Điều 343 Bộ luật dân sự Đức7). Vì vậy theo quan điểm của chúng tôi, trong Bộ luật dân sự sửa đổi và trong Luật thương mại sửa đổi cần phải có quy định cho phép toà án hạ mức tiền phạt mà các bên thoả thuận theo yêu cầu của bên vi phạm nếu họ chứng minh được rằng, thiệt hại thực tế xảy ra thấp hơn rất nhiều so với mức phạt vi phạm mà các bên đã thoả thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng.

4. Mối quan hệ giữa phạt vi phạm với chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ.

Trong khoa học pháp lý Việt Nam chưa thấy có sự phân tích một cách kỹ lưỡng mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm với chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ. Còn trong pháp luật thì theo quy định của Điều 225 Luật thương mại 1997, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ thực tế, bên có quyền không được áp dụng các biện pháp chế tài khác như chế tài huỷ hợp đồng, chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm. Chúng tôi cho rằng khi áp dụng chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ thì không được áp dụng chế tài huỷ hợp đồng là quy định hoàn toàn phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại. Rõ ràng khi đã bắt buộc bên vi phạm thực hiện đúng nghĩa vụ thực tế thì không thể huỷ hợp đồng được. Bởi vì nếu cho phép bên có quyền huỷ hợp đồng khi bên vi phạm đang thực hiện nghĩa vụ của mình thì hậu quả có thể rất lớn. Ví dụ, khi người bán chậm thực hiện nghĩa vụ giao hàng và người mua áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ, tức là buộc người bán phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng, như vậy trong thời gian người bán đang thực hiện nghĩa vụ giao hàng của mình thì người mua không thể hủy hợp đồng.

Còn quy định của pháp luật không cho phép bên có quyền áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm khi đã áp dụng chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ, theo quan điểm của chúng tôi là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, bởi vì việc không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ có thể gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Một câu hỏi có thể được đặt ra, tại sao thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu không được đền bù. Có thể có ý kiến cho rằng, pháp luật cho phép bên bị vi phạm được quyền lựa  chọn biện pháp chế tài, vậy thì trong trường hợp có thiệt hại bên bị thiệt hại không nên sử dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ mà sử dụng ngay chế tài bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm. Nếu đồng ý với lập luận này thì sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp, ví dụ, người bán chậm giao hàng cho người mua và việc chậm giao hàng này thực sự có gây thiệt hại cho người mua, do nhu cầu kinh doanh của mình nên người mua buộc người bán phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng và khi đó ai là người phải gánh chịu thiệt hại. Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, trong trường hợp áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ thì có thể hạn chế được mức độ của thiệt hại. Và cũng theo quan điểm của chúng tôi thì buộc thực hiện đúng nghĩa vụ trong nhiều trường hợp cũng có thể được coi là biện pháp hợp lý nhằm hạn chế thiệt hại. Pháp luật của đa số các nước châu Âu lục địa có quy định khác với pháp luật của Việt Nam. Ví dụ, Khoản 2 Điều 1229 Bộ luật dân sự của Pháp, Điều 341 của Bộ luật dân sự Đức quy định rằng, trong trường hợp các bên thoả thuận phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ thì bên bị vi phạm khi yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt, được giữ lại quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng nghĩa vụ. Các quy tắc thống nhất của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) năm 19848 cũng cho phép bên bị vi phạm vừa có quyền yêu cầu bên vi phạm vừa thực hiện đúng nghĩa vụ vừa trả tiền phạt vi phạm trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại.

Từ những phân tích trên đây, theo quan điểm của chúng tôi, pháp luật không thể cấm sử dụng chế tài phạt vi phạm khi đã sử dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ bởi những lý do sau đây:

- Thứ nhất, buộc thực hiện đúng nghĩa vụ và phạt vi phạm tuy là hai biện pháp chế tài nhưng chức năng và ý nghĩa của việc áp dụng chúng lại hoàn toàn khác nhau. Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ là việc bắt buộc bên vi phạm phải thực hiện những gì mà họ đã cam kết, còn khi bị buộc thực hiện đúng nghĩa vụ bên vi phạm hoàn toàn không hề chịu một hậu quả bất lợi nào về vật chất.

- Thứ hai, quy định trên của pháp luật chỉ có thể áp dụng trong trường hợp, ví dụ, khi mà người bán giao hàng không đúng chất lượng và người mua yêu cầu người bán phải thay hàng không đúng chất lượng đó bằng hàng đúng chất lượng và việc thay đổi hàng đó được người bán thực hiện trong thời hạn giao hàng mà các bên đã thoả thuận. Còn nếu người bán thực hiện hành vi đổi hàng sau khi hết thời hạn giao hàng được các bên thoả thuận trong hợp đồng thì người mua vẫn có quyền đòi tiền phạt. Trong trường hợp hành vi đổi hàng thực hiện trong thời hạn giao hàng nhưng lại kết thúc khi thời hạn giao hàng do các bên thoả thuận đã hết thì người bán vẫn phải trả tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ.

Khoản 1 Điều 225 Luật thương mại 1997 được sửa đổi bằng Điều 288 dự thảo Luật thương mại sửa đổi lần 8 với nội dung như sau: “... Trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ, bên có quyền không được áp dụng những biện pháp chế tài khác, ngoại trừ chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại”. Chúng tôi cho rằng, quy định của Điều 288 trong dự thảo Luật thương mại sửa đổi sẽ là không phù hợp trong những trường hợp bên vi phạm bị áp dụng chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ khi thời hạn mà họ phải thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng chưa hết.

Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng nên sửa đổi khoản 1 Điều 225 Luật thương mại 1997 với nội dung như sau: “Trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ và các bên không có thoả thuận khác thì trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ, bên bị vi phạm có quyền áp dụng những chế tài khác ngoại trừ chế tài huỷ hợp đồng”.

Chú thích:

1 Xem: Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam. NXB Công an nhân dân. HN. 2003. tr. 329.

2 Có quan điểm cho rằng, biện pháp phạt vi phạm chỉ mang chức năng dự phạt mà hoàn toàn không mang chức năng bảo đảm, chúng ta khó có thể đồng ý với quan điểm này. Xem: Giáo trình Luật dân sự Việt Nam. NXB Công an nhân dân. HN. 2002. tr. 328.

3 Xem: M.I Braginsky; V.V Vitriansky. Luật hợp đồng. NXB Statut. Matxcơva. 1999. tr. 662.

4 Xem: Giáo trình Luật thương mại Việt Nam. NXB Công an nhân dân. HN 2001. tr. 350

5 Xem: Khoản 2 Điều 330 Bộ luật dân sự Cộng hoà liên bang Nga; khoản 1 Điều 1227 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp.

6 Xem: Giáo trình Luật thương mại Việt Nam. NXB Công an nhân dân. HN 2001. tr.351

7 Ngoại trừ trường hợp hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân trong hoạt động kinh doanh thương mại - Điều 348 Bộ luật thương mại Đức;

8 Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc. Tổng kết hàng năm. Tập XIV. 1983, UN. New-York, 1985.Mặc dù các Quy tắc này không có hiệu lực, nhưng nó thể hiện được thực tiễn thương mại quốc tế cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của nó.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 1/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét