Thứ Ba, 12 tháng 2, 2008

TRANH CHẤP NHÀ VIỆT KIỀU NHỜ MUA GIÙM: MỖI TÒA XỬ MỘT KIỂU

Việt kiều A nhờ người trong nước đứng tên mua nhà giùm. Khi tranh chấp, có tòa nói A chỉ được trả lại tiền, có tòa bảo A là chủ sở hữu nhà. Có tòa phán phải phảt mại nhà, sung công phần dư sau khi đã thanh toán cho cả hai phía… Xử thế nào mới đúng?

A là chủ sở hữu

Có ý định hồi hương năm 1990, bà T (Việt kiều Pháp) bỏ tiền mua một căn nhà tại TP Hồ Chí Minh để tiện việc sinh sống. Do theo quy định bà không được đứng tên sở hữu nhà ở Việt Nam nên bà phải nhờ em mình đứng tên giùm.

Đến năm 2003, bà về nước, yêu cầu người em giao lại nhà. Tuy nhiên người em cho rằng nhà là của ông. Số tiền mà bà T gửi về và tiền ông mượn chứ không phải là bà T bỏ ra mua… Cuối cùng cả hai phải nhờ tòa can thiệp. Trong đơn gửi đến tòa, bà T yêu cầu tòa công nhận nhà là của bà và cho bà đứng chủ sở hữu.

Tháng 9 năm 2004, TAND TP Hồ Chí Minh xử sơ thẩm, nhận định bà có những chứng cứ chứng minh mình là người mua nhà, người em chỉ đứng tên sở hữu giùm. Tòa kết luận bà T là chủ sở hữu căn nhà. Theo tòa, dựa vào bản án, bà T có quyền liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục sang tên quyền sở hữu.

Mới đây, tháng 3-2005, Tòa phúc thẩm tòa án tối cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án đã tuyên y án sơ thẩm…

Trả lại tiền cho A

Tương tự năm 1998, ông C. (Việt kiều Mỹ) kết hôn với em gái của ông Q. Ông C. bỏ tiền ra mua nhà, nhờ ông Q đứng tên giùm. Đầu năm 2001, ông C. đề nghị ông Q giao trả nhà nhưng ông Q lắc đầu. Ông C khởi kiện, yêu cầu ông Q. phải trả lại toàn bộ giấy tờ và căn nhà cho ông. Đồng thời, ông cũng xin được đứng tên sở hữu căn nhà này.

Xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh cho rằng có chứng cứ cho thấy ông C đã gửi trên 100 lượng vàng cho ông Q đứng tên mua nhà, tuy nhiên phần còn lại (hơn 100 lượng) ông không chứng minh được. Như vậy ông C là một trong nhũng chủ sở hữu căn nhà này. Theo quy định, chủ sở hữu chung theo phần thì được hưởng phần tài sản lợi tức phát sinh. Do đó, buộc ông Q có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho ông C tương ứng với số tiền ông C đưa mua nhà và lợi tức phát sinh từ căn nhà.

Xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao (tại TP Hồ Chí Minh ) đã đồng ý với quan điểm của tòa sơ thẩm.

Nơi phát mại nơi công nhận sở hữu…

Năm 1997, ông Đ (Việt kiều Mỹ) muốn về nước đầu tư làm ăn và mua một căn nhà tại TP Hồ Chí Minh làm trụ sở nên nhờ ông T đứng tên giùm. Bốn năm sau, biết ông T đang rao bán nhà, ông Đ vội về nước yêu cầu ông T trả nhà. Tuy nhiên ông T không chịu bảo đây là nhà của mình, chỉ mượn tiền ông Đ để mua…

Đầu năm 2004, xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh nhận định có cơ sở cho thất ông Đ đã gửi tiền về mua nhà, ông T là người đứng tên giùm. Tuy nhiên tại thời điểm đó, luật không cho phép Việt kiều mua nhà nên giao dịch này bất hợp pháp. Vì thế ông Đ chỉ được nhận lại tiền gửi mua nhà. Tòa tuyên phát mại nhà, phần chênh lệch giá giữa lúc mua và bán lúc xét xử sẽ xung quỹ nhà nước. Phía ông T có công xây dựng, bảo quản được hưởng 0,5% trong số tiền chênh lệc giá sung công.

Đến phiên phúc thẩm, TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh lại cho rằng ông Đ đã đầu tư làm ăn tại Việt nam theo quy định của pháp luật. Chính sách hiện nay là cho phép những Việt kiều như ông Đ được mua nhà trong nước nên việc phát mại nhà là không cần thiết. Tòa đã công nhận cho ông Đ được quyền sở hữu nhà.

Nhiều quan điểm xét xử, vì sao?

Một thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh thừa nhận khi xử các vụ án liên quan đến tranh chấp dạng này thì hầu như cách xử nào cũng đúng (?!). Bởi trước đây, luật chỉ quy định không cho Việt kiều giao dịch nhưng đến nay chưa có một hướng dẫn cụ thể nào nếu nhà đứng tên giùm thì xử lý sao, công nhận sở hữu hay không…Do vậy, không ít trường hợp có sự tréo ngoe trong việc giải quyết án. Có thẩm phán xử thế này, có thẩm phán lại xử khác…

Luật sư Phùng Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, cái khó cũng là do sự “nửa vời” của pháp luật. Khi xét xử nhiều thẩm phán nhập nhằng trong việc xác định thời điểm giao dịch , dẫn đến tình trạng muốn công nhận sở hữu cũng được, không công nhận cũng xong. Nhiều trường hợp không công nhận quyền sở hữu vì thẩm phán xách định tại thời điểm giao dịch thì giao dịc đó không hợp pháp. Tuy nhiên, có thẩm phán lại nhận định đến thời điểm tranh chấp , Việt kiều đã hồi hương hay là nhà đầu tư… theo luật thì đượcmua nhà tại Việt Nam nên vẫn được công nhận quyền sở hữu…

Cho sở hữu sai nguyên tắc luật?

Khi xảy ra tranh chấp, phía Việt kiều phải chứng minh mình là người đưa tiền nhờ người trong nước đứng tên nhà giùm cho mình. Nếu không có chứng cứ thì coi như… trắng tay. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng trường hợp Việt kiều chứng minh được thì việc công nhận quyền sở hữu nhà cho họ là không đúng nguyên tắc luật.

Theo luật sư Hòa, thời điểm nhờ đứng tên giùm, Việt kiều không được phép giao dịch, không có tư cách chủ thể, hợp đồng giữa hai bên là trái pháp luật nên vô hiệu. Mà hợp đồng vô hiệu thì cái gì của ai phải trả về cho người đó.

Một thẩm phán TAND TP Hồ Chí Minh cũng nhận định khi xử lý tranh chấp, tòa phải xác định đúng thời điểm giao dịch (là lúc Việt kiều và người trong nước giao kết đứng tên giùm). Tại thời điểm này, mọi giao kết đều không có giá trị. Do đó, cách xử đúng nhất là tuyên hợp đồng vô hiệu…

Luật sư Hồ Hữu Tỷ (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh ) lại cho rằng trong một số trường hợp như Việt kiều hồi hương, Việt kiều là nhà đầu tư… thì việc giao quyền sở hữu cho họ là không có gì sai. Bởi trước sau gì thì họ cũng được phép mua nhà, không có lý do gì không công nhận luôn cho tiện!

Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy (Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh) cũng đồng ý với quan điểm này…

Một thẩm phán khác tại TAND TP Hồ Chí Minh cho biết người trong nước đứng tên nhà là hợp pháp. Pháp luật cấm Việt kiều không được đứng tên thì họ nhờ người trong nước đứng tên cũng không sai. Giao dịch ở đây là giao dịch nhờ đứng tên chứ không phải là giao dịch mua bán nhà. Bây giờ nhà nước cho phép Việt kiều được mua nhà thì họ yêu cầu chuyển quyền sở hữu. Đó là yêu cầu chính đáng phải được chấp nhận…

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc công nhận quyền sở hữu hay không chỉ là quan điểm riêng. Đã đến lúc pháp luật phải có quy định thống nhất: Nếu thấy việc giao nhà là hợp lý thì nên đồng tình. Còn thấy nếu việc giao nhà là sai (vì trước đây đó là giao dịch không hợp pháp) thì cũng nên nói rõ ràng.

SOURCE: vietnamese-law-consultancy.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét