Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008

THỦ TỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

THS. Bùi Thị Huyền - Khoa Luật dân sự - Đại học Luật Hà Nội

Thi hành án là một trong những hoạt động quan trọng của Nhà nước nhằm đưa các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án một mặt bảo đảm việc thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, mặt khác nó là công cụ hữu hiệu để khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của xã hội và công dân khi bị xâm hại. Hiệu quả của hoạt động thi hành án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án.

Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về cải cách tư pháp, Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 đã chỉ rõ cần “ Xây dựng Bộ luật thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án”. Vì vậy, việc nghiên cứu các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành và thực tiễn thi hành án dân sự, từ đó đóng góp các ý kiến cho vào việc xây dựng trình tự, thủ tục thi hành án khoa học, hợp lí hơn, có tính đến các đặc thù của từng loại hình thi hành án, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 (viết tắt là PLTHADS) là vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án.

1. Về cơ cấu các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự

Những quy định về thủ tục thi hành án hiện nay được quy định tại Chương 3 PLTHADS gồm 19 điều áp dụng chung cho cả thi hành án dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và phần dân sự trong bản án và hành chính. Có thể thấy, so với tính chất phức tạp và đa dạng của việc thi hành các bản án, quyết định dân sự ; hôn nhân và gia đình; kinh doanh thương mại ; lao động ; các quyết định về tài sản trong các bản án về hình sự, hành chính và quyết định trọng tài thương mại thì các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án trong PLTHADS là chưa tương xứng, chưa tính đến đặc thù của từng loại việc, cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thi hành mỗi loại án cụ thể này. Đặc điểm của đối tượng thi hành án dân sự là các quyết định dân sự (theo nghĩa rộng) mang tính chất tài sản và nhân thân ; còn đặc điểm của thi hành án hình sự là hình phạt và các biện pháp tư pháp khác ; thi hành án hành chính là thi hành các quyết định liên quan đến các cơ quan nhà nước. Vì vậy, các quy định về thủ tục thi hành án dân sự trong Bộ luật thi hành án (viết tắt là BLTHA) phải tính đế những đặc điểm chung của các loại bản án, quyết định đó, đồng thời phải tính đến đặc thù của từng loại bản án, quyết định. Vì vậy, các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án trong BLTHA cần phải tách bạch thành hai phần khác nhau : phần những quy định chung về thủ tục thi hành án và phần những quy định cụ thể về thủ tục thi hành án đối từng loại thủ tục thi hành án dân sự, thi hành án kinh doanh, thương mại, thi hành án lao động và thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự và hành chính. Cách quy định này về mặt khoa học sẽ rất rõ ràng và thực tế các cơ quan thi hành án sẽ dễ áp dụng.

Trong phần những quy định chung về thủ tục thi hành án là phần cần quy định những vấn đề chung nhất để từ đó thực hiện thủ tục, cách thức thi hành bản án, quyết định dân sự như : bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thi hành ; căn cứ thi hành án ; thời hiệu thi hành án ; thẩm quyền ra quyết định thi hành án ; thông báo quyết định thi hành án ; quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án ; quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án ; quyền và nghĩa vụ của người có quyền , nghĩa vụ liên quan … Phần thứ hai về thủ tục thi hành án của BLTHA, cần chia thành các chương, mỗi chương quy định về đặc thù của từng loại hình thi hành án. Theo chúng tôi có thể chia thành các chương sau: Thủ tục thi hành án dân sự và hôn nhân gia đình ; thủ tục thi hành án kinh doanh thương mại (bao gồm việc thi hành các bản án của cả tòa án và quyết định của trọng tài) ; thủ tục thi hành án phá sản ; thủ tục thi hành án lao động ; thủ tục thi hành án hành chính ; thủ tục thi hành án hình sự.

2. Về việc cấp bản án, quyết định của tòa án

Bản án, quyết định của tòa án là cơ sở pháp lý để các đương sự thực hiện quyền yêu cầu thi hành án và để cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Cho nên, trách nhiệm cấp bản án, quyết định của tòa án cho đương sự và trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định của tòa án cho cơ quan thi hành án thuộc về tòa án đã tuyên bản án, quyết định đó. Thời hạn cấp, chuyển giao các loại bản án, quyết định được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng BLTHA, vấn đề có xác định rõ thời điểm mà Tòa án đã tuyên bản án, quyết định cấp bản án quyết định cho đương sự hay không là vấn đề có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, cho rằng cần thiết phải xác định rõ thời điểm tòa án cấp bản án, quyết định cho đương sự là thời điểm khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành như Điều 18 PLTHADS hiện nay ; việc không xác định rõ thời điểm toà án cấp bản án, quyết định có thể gây ra sự nhầm lẫn đối với một số toà án và đặc biệt đối với các đương sự. Ý kiến thứ hai cho rằng, việc xác định rõ thời điểm tòa án cấp bản án, quyết định cho đương sự là không cần thiết và thừa.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai bởi các lý do sau. Bản án, quyết định dân sự của toà án có hiệu lực thi hành có thể là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng có hiệu lực thi hành ngay. Việc xác định thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đối với các bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thường đơn giản vì đó là những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án hoặc ra quyết định. Còn đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm chỉ có hiệu lực pháp luật khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị không bị ai kháng cáo, viện kiểm sát không kháng nghị. Việc xác định thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đối với loại bản án, quyết định này là vấn đề phức tạp.

Theo quy định tại Điều 245 của BLTTDS:

- Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án, đối với đương sự có mặt tại phiên toà. Đối với đương sự không có mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết;

- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người kháng cáo nhận được quyết định.

Về nguyên tắc, các chủ thể kháng cáo được thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn luật định. Nếu kháng cáo ngoài thời hạn quy định của pháp luật là kháng cáo quá hạn. Theo Điều 247 BLTTDS thì sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, toà án sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình lí do kháng cáo quá hạn của người kháng cáo và tài liệu, chứng cứ nếu có cho toà án cấp phúc thẩm. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo toà án cấp phúc thẩm thành lập hội đồng gồm ba thẩm phán để xem xét việc kháng cáo quá hạn. Khi hội đồng xét đơn kháng cáo quá hạn ra quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì bản án, quyết định đó sẽ chưa có hiệu lực pháp luật và bị xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 252 BLTTDS, thời hạn kháng nghị đối với bản án của toà án cấp sơ thẩm của viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp viện kiểm sát không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ của toà án cấp sơ thẩm của viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười ngày, kể từ ngày viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

Như vậy, thời điểm bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật đối với mỗi đương sự có thể là khác nhau nhưng ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực thi hành sẽ là ngày mà không còn chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị và bản thân các đương sự không thể tự xác định được điều đó để yêu cầu toà án cấp bản án, quyết định có ghi để thi hành cho mình mà chỉ có toà án đã tuyên bản án, quyết định mới xác định được chính xác. Vì vậy, về nguyên tắc, toà án chỉ có thể cấp cho người được thi hành án, người phải thi hành án bản án, quyết định có ghi “để thi hành" khi bản án, quyết định đó đã có hiệu lực thi hành ; bản thân dấu giáp lai “để thi hành" của tòa án đã chứng tỏ bản án, quyết định đó đã có hiệu lực thi hành rồi nên việc nhắc lại thêm một lần nữa về kỹ thuật lập pháp là thừa Ngoài ra, cho đến thời điểm hiện nay và trong tương lai, các phán quyết của trọng tài thương mại cũng được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự nên BLTHA cần quy định cả việc cấp quyết định trọng tài của trung tâm trọng tài. Do đó, điểu luật về cấp bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài cần quy định như sau: "Toà án đã tuyên bản án hoặc quyết định hoặc, trọng tài đã ra quyết định trọng tài đó phải cấp cho người được thi hành án, người phải thi hành án bản án, quyết định có ghi để thi hành... »

3. Về thủ tục yêu cầu thi hành án

Hiện nay, Điều 19 PLTHADS mới chỉ quy định về quyền yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án, người phải thi hành án. Tuy nhiên khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án khi việc thực hiện quyền cầu của đương sự đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định, bao gồm : người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án ; yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định dân sự có ghi “để thi hành", thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án ; còn thời hiệu thi hành án và đúng mẫu đơn yêu cầu thi hành án. Nhưng không phải người dân nào khi thực hiện yêu cầu thi hành án đều hiểu được các điều kiện đó gồm những vấn đề gì ? Để tạo điều kiên cho người dân khi thực hiện quyền yêu cầu thi hành án cũng như thuận lợi cho cơ quan thi hành án khi xét đơn yêu cầu, theo chúng tôi, trong phần chung về thủ tục thi hành án của BLTHA cần quy định điều luật về thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự theo hướng như sau :

"1. Người yêu cầu thi hành án phải làm đơn gửi cơ quan thi hành án có thẩm quyền theo quy định tại Điều… của Bộ luật này.

2. Đơn yêu cầu thi hành án phải được gửi trong thời hiệu thi hành án.

3. Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung chính sau đây:

.....

4. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án là bản sao bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài có ghi để thi hành và các tài liệu khác cần thiết cho việc thi hành án».

4. Thủ tục ra quyết định thi hành án và giải thích bản án, quyết định

Tại khoản 2 Điều 22 và Điều 23 PLTHADS quy định thời hạn ra quyết định thi hành án là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của toà án (trong trường hợp thi hành án chủ động) hoặc nhận được đơn yêu cầu thi hành án (trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu). Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp bản án, quyết định của toà án tuyên không rõ ràng hoặc có sai sót, cần phải có giải thích hoặc việc xét xử lại của toà án mới có thể thi hành án được. Tại Điều 382 BLTTDS quy định: "Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, toà án phải có văn bản giải thích… ". Do đó, thời hạn 5 ngày làm việc không thể đủ để cơ quan thi hành án làm công văn yêu cầu toà án giải thích và toà án trả lời cơ quan thi hành án. Nếu cơ quan thi hành án vẫn ra quyết định thi hành án theo đúng thời hạn sẽ dẫn đến việc cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện bản án, quyết định sai của toà án. Cách giải quyết sẽ hợp lí và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp này sẽ là chờ kết quả giải thích của toà án sau đó mới ra quyết định thi hành án. Vì vậy, BLTHA cần quy định theo hướng: thời hạn ra quyết định thi hành án là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của toà án hoặc nhận được đơn yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp yêu cầu toà án giải thích bản án, quyết định.

5. Cần bổ sung quy định về xác minh trong thi hành án

Về nguyên tắc, việc thi hành án trước hết phải tôn trọng và khuyến khích sự tự nguyện của các đương sự. Chỉ sau khi hết thời hạn do chấp hành viên ấn định mà các đương sự có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án mới áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, trừ các trường hợp do pháp luật quy định. Vấn đề mấu chốt ở chỗ, cơ quan thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì mới có thể nghĩ đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế gì và xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế. Xác minh trong thực tiễn thi hành án là vấn đề vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc thi hành án có thành công hay không. Hiện tại, PLTHADS không quy định về thủ tục xác minh trong thi hành án, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này có đề cập đến một vài khía cạnh của thủ tục xác minh nhưng chưa đầy đủ, cụ thể. Thực tiễn hoạt động thi hành án, các cán bộ thi hành án cũng thường chỉ tiến hành xác minh qua kinh nghiệm, có cơ quan thi hành án xác minh trong thời hạn đương sự tự nguyện thi hành án, có cơ quan thi hành án xác minh khi hết thời hạn đương sự tự nguyện thi hành án... Do đó, cần bổ sung điều luật về xác minh trong thi hành án như thời hạn, thủ tục, chủ thể tiến hành việc xác minh…

6. Về quy định hoãn thi hành án

Theo điểm d khoản 1 Điều 26 PLTHADS, thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định hoãn thi hành án khi tài sản kê biên có tranh chấp mà đang được toà án thụ lí giải quyết theo đơn kiện của người có quyền, lợi ích liên quan. Điều đó có nghĩa trong trường hợp khi có tranh chấp về tài sản kê biên nhưng những người có quyền, lợi ích liên quan chưa khởi kiện hoặc khởi kiện nhưng toà án đang làm thủ tục thụ lí thì thủ trưởng cơ quan thi hành án cũng không có quyền hoãn thi hành án mà phải tiến hành các thủ tục thi hành án sau kê biên như xử lí tài sản kê biên, bán đấu giá. Quy định này coa ưu điểm là có thể đảm bảo cho việc tiến hành nhanh, tránh việc lợi dụng việc tranh chấp để kéo dài thời gian thi hành án ; nhưng ngược lại, nếu sau khi xử lí tài sản kê biên mà toà án thụ lí giải quyết tranh chấp và xác định tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì hậu quả sẽ rất khó khắc phục. Hơn nữa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26 PLTHADS là mâu thuẫn với quy định của khoản 5 Điều 41 PLTHADS. Khoản 5 Điều 41 PLTHADS quy định : « Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên tài sản và giải thích cho đương sự về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn ba tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được xử lí để thi hành án ». Như vậy, khi có tranh chấp về tài sản kê biên, trong khoảng thời hạn 3 tháng, kể từ ngày kê biên việc thi hành án sẽ không thể thực hiện được mà cần hoãn lại để chờ xem đương sự có khởi kiện hay không, do đó cần bổ sung vào căn cứ hoãn thi hành án theo hướng : "Khi tài sản kê biên có tranh chấp, Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên tài sản và giải thích cho đương sự về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, cơ quan thi hành án sẽ hoãn thi hành án trong thời hạn ba tháng ; tranh chấp về tài sản kê biên đang được toà án thụ lí giải quyết theo đơn kiện của người có quyền, lợi ích liên quan".

Khoản 2 Điều 26 PLTHADS quy định: "Người có quyền kháng nghị bản án, quyết định của toà án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm". Quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 307 BLTTDS. Theo quy định của BLTTDS, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền yêu cầu hoãn việc thi hành án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không có quyền yêu cầu hoãn việc thi hành án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Bởi căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là sai lầm, vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Để xác định bản án, quyết định có sai lầm, vi phạm pháp luật hay không, người có thẩm quyền kháng nghị chỉ cần căn cứ vào hồ sơ vụ việc. Những sai lầm, vi phạm pháp luật đó là thuộc về lỗi chủ quan của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Cho nên khi có nghi ngờ bản án, quyết định khả năng có sai lầm, vi phạm pháp luật người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét việc kháng nghị. Còn tình tiết mới là căn cứ kháng nghị tái thẩm là những tình tiết không có sẵn trong hồ sơ vụ án, muốn xác định được phải thông qua quá trình thu thập chứng cứ và xét xử lại. Vì vậy, người có thẩm quyền kháng nghị không thể yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét việc kháng nghị do nghi ngờ khả năng có tình tiết mới. Việc xuất hiện tình tiết mới là do khách quan mang lại, nên khi có tình tiết mới, người có thẩm quyền kháng nghị sẽ thực hiện kháng nghị và ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Do đó, BLTHA cần quy định căn cứ hoãn thi hành án trong trường hợp này theo hướng: « Người có quyền kháng nghị bản án, quyết định của toà án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật ».

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng BLTHA, có quan điểm cho rằng (quan điểm này được đưa ra trong Dự thảo 17 BLTHADS), cần bổ sung trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới liên quan đến bản án, quyết định đang thi hành mà người được thi hành án hoặc cơ quan thi hành án thấy cần đề nghị toà án giải quyết. Nếu quy định theo hướng này thì người được thi hành án hoặc thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền hoãn thi hành án khi cho rằng bản án, quyết định của toà án tuyên không đúng. Về nguyên tắc bản án, quyết định của toà án khi đã có hiệu lực pháp luật phải được các cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn trọng và triệt để thi hành. Không ai có quyền cản trở việc thi hành bản án quyết định đó. Chỉ những người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mới có quyền yêu cầu hoãn việc thi hành án để xem xét việc kháng nghị hoặc yêu cầu tạm đình chỉ việc thi hành án đối với bản án, quyết định đó. Quy định đó nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của toà án, tránh việc trì hoãn thi hành án một cách tràn lan. Như vậy, nếu quy định người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới liên quan đến bản án, quyết định đang thi hành mà người được thi hành án hoặc cơ quan thi hành án thấy cần đề nghị toà án giải quyết sẽ là không hợp lí và mâu thuẫn với quy định của pháp luật tố tụng. Chúng tôi cho rằng, hướng giải quyết hợp lý trong trường hợp này sẽ là khi phát hiện căn cứ trên cơ quan thi hành án sẽ thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm biết để người có thẩm quyền kháng nghị xem xét việc kháng nghị và việc có hoãn thi hành án hay không là quyền của họ, đồng thời họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

6. Về việc tạm đình chỉ thi hành án

Khoản 2 Điều 27 PLTHADS quy định, thời hạn tạm đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực không quá sáu tháng, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Mục đích của việc tạm đình chỉ thi hành án trong trường hợp là chờ kết quả giám đốc thẩm. Nếu quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị thì cơ quan thi hành án sẽ tiếp tục thi hành bản án, quyết định đó. Nếu quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án, quyết định bị kháng nghị thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Vì vậy, thời hạn tạm đình chỉ thi hành án trong trường hợp này phải trùng với thời hạn xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhưng quy định này lại mâu thuẫn với quy định tại Điều 293 BLTTDS về thời hạn mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm: " Trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên toà để giám đốc thẩm vụ án". Tuy nhiên, trên thực tế không phải trong mọi trường hợp việc mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm đều được tiến hành đúng thời hạn, nhưng cơ quan thi hành án cũng không thể đưa bản án, quyết định đang chờ xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ra thi hành. Do đó, BLTHA cần quy định thời hạn tạm đình chỉ thi hành án theo hướng: "Cơ quan thi hành án tạm đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực cho đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm".

7. Về việc đình chỉ thi hành án

Khoản 2 Điều 28 PLTHADS quy định người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp : « Người được thi hành án chết mà quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật ». Theo quy định của pháp luật dân sự, quyền và lợi ích không được chuyển giao cho người thừa kế khi một người chết là quyền và lợi ích gắn liền với nhân thân. Còn khi người được thi hành án chết, quyền và lợi ích về tài sản sẽ được chuyển giao cho người thừa kế của người được thi hành án. Nhưng Điều 28 PLTHADS không quy định đối với trường hợp người được thi hành án chết mà quyền và lợi ích theo bản án, quyết định được chuyển giao cho người thừa kế nhưng không có người thừa kế Theo quy định của pháp luật dân sự, trong trường hợp người để di sản chết mà không có người thừa kế thì tài sản đó sẽ thuộc về Nhà nước. Vì vậy, nếu người được thi hành án chết không có người thừa kế mà đình chỉ việc thi hành án đồng nghĩa với việc người phải thi hành án được giải phóng việc thực hiện nghĩa vụ, ngân sách Nhà nước bị thất thu và sẽ mâu thuẫn với quy định của pháp luật dân sự. Do đó, để khắc phục bất hợp lý này, BLTHA trong tương lai nên quy định đối với trường hợp này theo hướng: "Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật dân sự quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định được thừa kế nhưng không có người thừa kế thì cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành án ; tài sản thu hồi được nộp vào nhân sách nhà nước"./.

SOURCE: BÀI TÁC GIẢ GỬI, ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ.... (CHƯA XÁC ĐỊNH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét