Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ GIẢI QUYẾT DI SẢN THỪA KẾ - TIỀN GỬI CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

image NGUYỄN PHƯƠNG LINH 

Trong những năm qua, nhờ có chính sách mở cửa, đổi mới của Đảng và Nhà nước mà nhiều người dân được ra nước ngoài sinh sống bằng những hình thức khác nhau, như: đi lao động có thời hạn, đi học, đi du lịch, đi nghiên cứu và khảo sát thị trường, kết hôn với người nước ngoài ... Sau nhiều năm “bôn ba, sinh sống” ở nước ngoài, nhiều người đã quay trở về Việt Nam để sống những ngày còn lại của cuộc đời, thể hiện một bản sắc văn hoá riêng của dân tộc Việt Nam “hướng về cội nguồn lúc tuổi già”. Nhiều người trong số đó đã dùng những đồng vốn, kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong những năm sinh sống ở nước ngoài để đầu tư, xây dựng quê hương đất nước.

Ngân hàng được coi là một trong những địa chỉ tin cậy để những người Việt Nam từ nước ngoài trở về lựa chọn, gửi tiền. Tùy theo mục đích và sự lựa chọn của mình, người gửi tiền có thể gửi tiết kiệm có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn và được hưởng lãi theo lãi suất của kỳ hạn tương ứng do ngân hàng nơi nhận tiền gửi quy định. Hình thức gửi tiền tại ngân hàng có thể không mang lại lợi nhuận cao so với nhiều hình thức đầu tư khác, như: buôn bán bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu … nhưng hình thức đầu tư này an toàn hơn, ít rủi ro hơn.

Thực tế gần đây, sau gửi tiền được một thời gian, thì chẳng may người gửi tiền bị chết đột ngột do mắc bệnh hiểm nghèo hoặc các nguyên nhân nhân khác (tai nạn, ....) mà không để lại di chúc. Do vậy, thân nhân của người gửi tiền (người còn sống) đã đến ngân hàng yêu cầu được rút số tiền trên tài khoản của người đó (người chết).

Theo quy định của pháp luật, khi một người có tiền gửi tại ngân hàng chết, thì số tiền gửi của người đó sẽ được thừa hưởng bởi một hay nhiều người thừa kế. Nếu người gửi tiền không để lại di chúc trước khi chết, thì những người thừa kế theo pháp luật (thừa kế theo hàng) sẽ được nhận số tiền gửi do người chết để lại. Báo cáo tổng kết hằng năm của các ngân hàng cho thấy việc giải quyết số tiền gửi của người chết để lại thường rất phức tạp vì pháp luật của nước ta về thừa kế chưa rõ ràng, thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết và việc thừa kế liên quan đến nhiều yếu tố, đặc biệt là thừa kế có yếu tố nước ngoài. Do vậy, các ngân hàng đã có những cách thức giải quyết khác nhau về di sản thừa kế của người nước ngoài để lại, thậm chí cách giải quyết của một số ngân hàng còn không phù hợp với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thừa kế. Chính vì lẽ đó, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu ra một số vấn đề pháp lý về di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài và hướng giải quyết để các ngân hàng tham khảo, áp dụng vào hoạt động thực tiễn của mình.

1. Về chọn luật áp dụng để giải quyết di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài (công dân nước ngoài và người không quốc tịch) được mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thanh toán. Là chủ tài khoản, người nước ngoài có quyền sử dụng số tiền trên tài khoản của mình thông qua các lệnh thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật. Ngân hàng nơi mở tài khoản chỉ thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản trong phạm vi số dư hiện có trên tài khoản, ngoại trừ một số ngân hàng có thỏa thuận với khách hàng sử dụng dịch vụ thấu chi. Trường hợp chủ tài khoản chết, thì số dư (số tiền) trên tài khoản của chủ tài khoản sẽ được chi trả cho một/nhiều người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam, thì di sản là tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Cá nhân (chủ sở hữu tài sản) có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại cho người khác. Người thừa kế có thể là thân nhân của người để lại di sản hoặc tổ chức, cá nhân khác. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của người hoặc những người thừa kế được xác định trong di chúc, ngân hàng sẽ xem xét, giải quyết cho người hoặc những người thừa kế được nhận số tiền trên tài khoản của người để lại di sản. Theo quy định của ngân hàng và pháp luật, người đến ngân hàng lĩnh tiền phải xuất trình các giấy tờ cần thiết, như: đơn xin lĩnh tiền, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, bản di chúc hợp pháp, giấy chứng tử của người để lại di sản (chủ tài khoản), giấy ủy quyền của những người thừa kế khác có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng (trong trường hợp có nhiều người thừa kế).….

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chủ tài khoản không để lại di chúc trước khi chết. Cho nên, trong trường hợp này người thừa kế theo pháp luật sẽ được nhận số tiền trên tài khoản của chủ tài khoản. Theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam, thì việc thừa kế theo pháp luật phải được xác định theo thứ tự hàng thừa kế, bao gồm: hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba. Hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản. Do đó, trong thực tế hiếm có trường hợp không có người ở hàng thừa kế thứ nhất hưởng di sản của người chết để lại.

Để giải quyết cho những người thừa kế theo pháp luật được hưởng (nhận) số tiền trên tài khoản của người để lại di sản, thì trước hết ngân hàng cần chọn đúng luật áp dụng. Nó không chỉ là cơ sở pháp lý cho ngân hàng giải quyết di sản thừa kế, bảo đảm quyền, lợi ích của những người thừa kế theo pháp luật mà còn bảo vệ được chính ngân hàng khi có khiếu nại, khởi kiện đối với mình. Chính vì vậy, ngân hàng phải xác định rõ thời điểm mở thừa kế và thời điểm nhận đơn yêu cầu của người/những người thừa kế trong hai trường hợp sau đây để chọn luật áp dụng:

Trường hợp thứ nhất: Thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) và thời điểm người/những người thừa kế nộp đơn yêu cầu nhận di sản thừa kế trước ngày 01/01/2006 (ngày có hiệu lực của Bộ luật Dân sự năm 2005), thì dù hiện tại ngân hàng hiện đang hoàn thiện các thủ tục để giải quyết cho người thừa kế nhận số tiền trên tài khoản của người chết để lại, như: yêu cầu các giấy tờ của nước ngoài do người thừa kế xuất trình phải được hợp pháp lãnh sự; gửi công văn cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị xác nhận con dấu và chữ ký của những viên chức lãnh sự, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam trên các giấy tờ mà người thừa kế cung cấp … luật áp dụng để giải quyết di sản thừa kế vẫn là luật tại thời điểm ngân hàng nhận được đơn yêu cầu của người thừa kế.

Mặt khác, theo Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của Quốc hội, thì giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 hoặc giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 để giải quyết”. Cho nên, việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó (Điều 833 - Bộ luật Dân sự năm 1995). Di sản thừa kế nói trên là số tiền gửi trên tài khoản thuộc sở hữu của người chết để lại tại ngân hàng Việt Nam, nên luật áp dụng để giải quyết di sản thừa kế đó là Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.

Trường hợp thứ hai: Thời điểm mở thừa kế và thời điểm ngân hàng nhận được đơn yêu cầu của những người thừa kế từ ngày 01/01/2006 đến nay, thì cơ sở pháp lý để ngân hàng xem xét, giải quyết cho người thừa kế nhận số tiền gửi trên tài khoản của người nước ngoài để lại là Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết (khoản 1 Điều 767).

2. Về người được phân chia di sản thừa kế

Theo quy định của cả Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, thì chỉ có người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thỏa thuận cử ra mới được phân chia di sản.

Thực tế, trong nhiều năm qua, mặc dù là người quản lý di sản của người chết để lại nhưng do di chúc không chỉ định (trong trường hợp chủ tài khoản để lại di chúc) hoặc không được những người thừa kế thỏa thuận cử ra (trong trường hợp chủ tài khoản không để lại di chúc), nhưng ngân hàng vẫn không có quyền phân chia di sản. Hơn nữa, ngân hàng cũng không muốn trực tiếp phân chia di sản cho từng người thừa kế vì ngân hàng sợ mất nhiều thời gian cho công việc này, làm ảnh hưởng đến công việc khác và sợ liên luỵ, gặp phiền toái khi những người thừa kế có tranh chấp về di sản. Do vậy, cách tốt nhất là ngân hàng yêu cầu tất cả những người thừa kế cử ra một người làm đại diện đến giao dịch và làm các thủ tục cần thiết để nhận toàn bộ số tiền trên tài khoản của người chết để lại. Trong trường hợp này, ngân hàng không phải là người phân chia di sản thừa kế mà chỉ giao toàn bộ di sản thừa kế cho người đại diện theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế. Sau đó, những người thừa kế tự phân chia với nhau đối với số tiền vừa nhận được từ ngân hàng (di sản thừa kế). Việc những người thừa kế còn lại ủy quyền cho người đại diện đến giao dịch và làm các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của ngân hàng để được nhận di sản thừa kế được coi như những người thừa kế còn lại (người ủy quyền) đã trao quyền cho người đại diện thay mặt mình đến nhận di sản thừa kế tại ngân hàng. Do đó, người đại diện cùng với những người thừa kế còn lại phải cam kết và chịu trách nhiệm trước ngân hàng và trước pháp luật về việc chủ tài khoản không để lại di chúc trước khi chết và không có bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến di sản thừa kế vì theo quy định của pháp luật, ngân hàng không được giải quyết cho người đại diện nhận số tiền trên tài khoản của người chết để lại khi có tranh chấp.

Hơn nữa, ngoài người để lại di sản, thì chỉ có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất mới biết rõ người để lại di sản có để lại di chúc trước khi chết hay không. Cho nên, sau khi kiểm tra các giấy tờ do người đại diện xuất trình, như: văn bản uỷ quyền của những người thừa kế còn lại có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng (văn bản uỷ quyền này có thể lập thành văn bản chung hoặc văn bản riêng, tùy theo nơi cư trú của những người thừa kế), đơn xin rút tiền của người đại diện có xác nhận của chính địa phương, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu và giấy chứng tử của người để lại di sản ...., ngân hàng tiến hành các thủ tục để giao toàn bộ số tiền gửi của người chết để lại cho người đại diện (người được ủy quyền) theo quy định chung của ngân hàng. Trong trường hợp các giấy tờ trên đây được lập bằng tiếng nước ngoài và ở nước ngoài, thì các giấy tờ đó phải được hợp pháp hoá lãnh sự và phải được dịch sang tiếng Việt, có công chứng.

Ngoài ra, để phòng ngừa những giấy tờ giả mạo, ngân hàng cần yêu cầu những người thừa kế cung cấp cho mình văn bản cam kết có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hoá lãnh sự). Đối với giấy tờ, tài liệu của nước ngoài, theo yêu cầu của công dân Việt Nam, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài sẽ xem xét, chứng thực chữ ký, con dấu trên giấy tờ, tài liệu đó để sử dụng tại Việt Nam. Sau đó, một số ngân hàng còn thận trọng đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam kiểm tra, xác nhận con dấu và chữ ký của nhân viên ngoại giao trên các văn bản được hợp pháp hoá lãnh sự do những người thừa kế cung cấp. Khi nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận giấy tờ, tài liệu mà ngân hàng đề nghị xác minh khớp đúng với hồ sơ lưu tại Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam ở nước nơi công dân Việt Nam đã yêu cầu hợp pháp hoá lãnh sự, ngân hàng mới giải quyết cho người xuất trình các tài liệu, giấy tờ đó nhận di sản thừa kế theo quy định của ngân hàng và pháp luật.

3. Về hướng giải quyết khi có tranh chấp về di sản thừa kế

Gần đây, có nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam đưa chồng (người nước ngoài) cùng các con về thăm quê hương và có ý định mua nhà ở để sinh sống tại Việt Nam. Trong thời gian đầu, do chưa tìm được nhà ở thích hợp, nên họ tạm thời thuê nhà để ở hoặc ở khách sạn hoặc ở nhờ người thân. Để bảo đảm an toàn, trong thời gian này, người chồng đến mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại Việt Nam để nộp tiền vào và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về. Đáng tiếc thay, khi tìm được nhà ở thích hợp, thì người chồng chết mà không để lại di chúc. Do đó, người vợ đã làm đơn gửi ngân hàng đề nghị được rút số tiền trên tài khoản mang tên chồng để thanh toán tiền mua nhà ở như vợ chồng đã thỏa thuận với nhau trước đây. Vấn đề trở nên đơn giản để ngân hàng giải quyết cho người vợ nhận toàn bộ số tiền trên tài khoản của người chồng nếu tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất đồng ý, uỷ quyền cho người vợ - đại diện cho những người thừa kế đến làm các thủ tục lĩnh tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tất cả những người thừa kế cũng có sự đồng thuận cao, nhất trí, ủy quyền cho một người làm đại diện đến làm thủ tục nhận di sản thừa kế tại ngân hàng.

Thực tế, một số trường hợp có tranh chấp về di sản thừa kế: một trong những người con mang quốc tịch nước ngoài không đồng ý cho mẹ mình đến lĩnh số tiền của người bố vì cho rằng số tiền đó phải thuộc về mình. Trong trường hợp này, do có tranh chấp về di sản thừa kế, nên một số ngân hàng nước ta đã không giải quyết cho người vợ nhận bất kỳ phần nào trong tổng số tiền trên tài khoản của người chồng để lại tại ngân hàng và thông báo cho người vợ biết ngân hàng chỉ xem xét, giải quyết số tiền trên tài khoản của người chồng khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án Việt Nam. Vì vậy, người vợ gặp không ít khó khăn về tài chính để chi trả tiền nhà ở, sinh hoạt và các chi phí khác.

Qua nghiên cứu thực tiễn giải quyết di sản thừa kế là số tiền trên tài khoản của người nước ngoài và các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng cách giải quyết nói trên của các ngân hàng là chưa phù hợp, không bảo đảm được quyền và lợi ích của người vợ vì những lý do sau đây:

Thứ nhất: Theo quy định tại Điều 27 của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000, thì “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung” (khoản 1). “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung” (khoản 3). Cho nên, nếu người con tranh chấp về di sản thừa kế không xuất trình được những giấy tờ, tài liệu hợp pháp chứng minh toàn bộ số tiền trên tài khoản là tài sản riêng của người bố, thì toàn bộ số tiền đó là tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung (Điều 64 của Hiến pháp và Điều 28 của Luật Hôn nhân và Gia đình). Cho nên, người vợ có quyền sở hữu một nửa (50%) số tiền trên tài khoản của người chồng để lại tại ngân hàng.

Thứ hai: Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Tiền trên tài khoản của người chồng là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia được. Cho nên, mỗi sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung (Điều 224 của Bộ luật Dân sự). Cho đến nay, pháp luật nước ta chỉ không cho phép ngân hàng (với tư cách là người quản lý di sản) phân chia di sản thừa kế nếu không được chỉ định trong di chúc hoặc không được những người thừa kế thỏa thuận cử ra chứ không cấm chia tài sản chung theo yêu cầu của đồng sở hữu nếu sở hữu chung có thể phân chia được. Do đó, người vợ được quyền yêu cầu ngân hàng phân chia cho mình 50% số tiền trên tài khoản của người chồng để lại và ngân hàng được xem xét, giải quyết yêu cầu đó của người vợ; 50% số tiền còn lại là di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trong đó có người vợ.

Thứ ba: Như đã nói ở trên, thừa kế số tiền trên tài khoản của người nước ngoài là một quan hệ dân sự. Cho nên, nguyên tắc tự thỏa thuận và tự định đoạt của những người thừa kế đối với số tiền trên tài khoản phải được ưu tiên hàng đầu. Việc ngân hàng không giải quyết cho người vợ nhận phần tiền thuộc sở hữu của người vợ trong tổng số tiền trên tài khoản của người chồng để lại (tài sản chung của vợ chồng) mà yêu cầu chờ đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án Việt Nam mới giải quyết không những không phù hợp với quy định của pháp luật nước ta mà còn vô hình chung đưa ra điều kiện buộc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất tranh chấp với nhau, khởi kiện nhau ra Tòa án Việt Nam để được nhận di sản thừa kế. Trong khi hầu hết các tổ chức, cá nhân đều coi khởi kiện ra Tòa án là biện pháp cuối cùng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác như thuyết phục, thương lượng, thỏa thuận … mà không mang lại kết quả.

Trong trường hợp nói trên, tranh chấp về di sản thừa kế (1/2 số tiền trên tài khoản của người chết để lại) là tranh chấp giữa những người thân trong gia đình (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất). Cho nên, cần có thêm thời gian để những người đó tự thu xếp, thỏa thuận với nhau. Nếu họ không tự giải quyết được với nhau, thì vào một lúc nào đó một người trong số họ sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, ngân hàng giải quyết cho những người thừa kế nhận số tiền trên tài khoản của người nước ngoài để lại vẫn chưa muộn vì trong thời gian chưa giải quyết, số tiền trên tài khoản của người chết để lại vẫn được tính lãi bình thường. Cách giải quyết này vừa “thấu tình”, vừa “đạt lý”

Thứ tư: Nếu việc áp dụng pháp luật của nước nơi người để lại di sản mang quốc tịch trước khi chết để giải quyết số tiền trên tài khoản của người chết để lại, thì việc ngân hàng giải quyết cho người vợ nhận 50% số tiền trên tài khoản của người chồng theo yêu cầu của người vợ cũng không vi phạm quy định của pháp luật vì theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam, trong trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thì pháp luật của nước đó được áp dụng, với điều kiện việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; đó là chưa kể đến trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam, thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng. Vợ, chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung là một nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước ta (Điều 64) và được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình. Do đó, dù áp dụng pháp luật Việt Nam hay áp dụng luật nước ngoài, thì số tiền mà người vợ được chia từ số tiền trên tài khoản của người chồng tại ngân hàng Việt Nam (tài sản chung của vợ chồng) vẫn phải phù hợp với nguyên tắc cơ bản nói trên. Ngay cả khi vụ việc được Tòa án nước ngoài giải quyết mà trong bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tuyên người vợ được nhận ít hơn 50% số tiền trên tài khoản của người chồng tại ngân hàng Việt Nam (là tài sản chung của vợ chồng), thì phần bản án, quyết định đó của Tòa án nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Chính vì những lẽ trên, chúng tôi cho rằng trong khi có một người con tranh chấp với những người còn lại thuộc hàng thừa kế thứ nhất về di sản thừa kế, thì ngân hàng vẫn có thể xem xét, giải quyết cho người vợ nhận 50% số tiền trên tài khoản của người chồng khi người vợ có văn bản yêu cầu và có văn bản chứng minh người đó là vợ hợp pháp của chủ tài khoản, như: bản sao có công chứng, chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương …. Trình tự và thủ tục giải quyết cho người vợ nhận tiền (rút tiền mặt hoặc chuyển khoản) phải được thực hiện phù hợp với quy định hiện hành của từng ngân hàng và pháp luật Việt Nam.

Đối với 50% số tiền còn lại trên tài khoản của người chồng, ngân hàng có thể tạm thời chưa giải quyết theo yêu cầu của người thừa kế vì di sản thừa kế đang có tranh chấp (tranh chấp về di sản thừa kế chứ không phải tranh chấp về tài sản chung) và những người thừa kế theo pháp luật chưa thỏa thuận được với nhau về việc cử người đại diện đến ngân hàng để làm thủ tục nhận di sản thừa kế. Hơn nữa, ngân hàng không phải là người phân chia di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam. Vì vậy, ngân hàng tiếp tục quản lý di sản thừa kế cho đến khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thỏa thuận được với nhau về việc cử người đại diện theo ủy quyền đến ngân hàng để làm thủ tục lĩnh toàn bộ số tiền này hoặc cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án Việt Nam về việc phân chia di sản thừa kế.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 11/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét