Thứ Năm, 12 tháng 6, 2008

VẤN ĐỀ CÔNG HỮU TRONG NỀN KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

GS. LÊ XUÂN TÙNG

Theo tư duy mới, chế độ công hữu không phải là yếu tố "nhất thành bất biến" trong nền sản xuất ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như ở thời kỳ chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong. Vậy trong các thời kỳ đó, chế độ công hữu được hình thành, vận động và phát triển như thế nào? Bài viết sẽ đưa ra cách lý giải nhằm góp phần trả lời câu hỏi trên.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đều có đặc điểm chung là lấy chế độ công hữu làm nền tảng. Tất cả các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định như vậy.

Nhưng ở nước ta hiện nay, có một số người hoài nghi về vấn đề này. Có người cho rằng, nói như vậy là võ đoán, là chủ quan, áp đặt. Người khác thì cho rằng, tùy theo kết quả phát triển tự nhiên của nền kinh tế mà có sự sắp xếp vị trí của chế độ công hữu, không nên nói trước nó giữ vị trí như thế nào.

Quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi chế độ công hữu là chủ thể. Ở Trung Quốc, có người đề nghị bỏ việc coi chế độ công hữu là chủ thể trong Hiến pháp. Vừa qua, Quốc hội Trung Quốc có sửa một số điều trong Hiến pháp, nhưng bác bỏ ý kiến này.

Đây là vấn đề hệ trọng, không thể tùy tiện giải quyết bằng ý muốn chủ quan. Cần thấy rằng, chế độ chính trị - xã hội quy định bản chất của chế độ kinh tế. Chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa có cơ sở kinh tế là chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa lấy chế độ công hữu làm nền tảng. Tính quy định đó được thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của con người, trước hết là của giai cấp thống trị.

Chế độ công hữu ở nước ta không phải là sự hư cấu, mà là một thực thể kinh tế, được hình thành bằng việc quốc hữu hóa các cơ sở kinh tế của chế độ cũ và từng bước xây dựng nên các cơ sở kinh tế mới. Nó phát triển dần từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, ngày càng vững mạnh và hoàn thiện.

Hiện nay, chúng ta chưa thể nói gì nhiều và cụ thể về chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong trên các mặt, trong đó có vấn đề sở hữu. Bởi vì, theo tư duy mới, về lý thuyết cũng như thực tiễn, trên thế giới chưa từng xuất hiện chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng. Nếu có ai đưa ra luận giải về chủ đề này, thiết nghĩ, thường nặng về phương pháp luận hoặc ý kiến chủ quan. Hơn nữa, giai đoạn này còn cách xa chúng ta, trong khi thực tiễn và lý luận còn thay đổi nhiều. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội kéo dài bao lâu, năm bảy chục năm hay lâu hơn nữa, chưa có ai tiên đoán được, nhưng chắc chắn là còn lâu dài.

Trên tinh thần đó, chúng tôi có một số suy nghĩ bước đầu sau đây.

1 - Dưới chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong sẽ không có một chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa thuần khiết, điều mà trước đây mấy chục năm nhiều người tin tưởng là có. Nói "không" với sở hữu xã hội chủ nghĩa thuần khiết có thể gây "sốc" đối với một số người, nhưng nó là vấn đề có tính quy luật.

Trong lịch sử loài người, chưa ở đâu và chưa bao giờ có một chế độ sở hữu thuần khiết. Tuy quan hệ sản xuất thống trị có sự thay đổi, nhưng các quan hệ sản xuất "trái mùa" (trong đó có quan hệ sở hữu), như C.Mác nói, vẫn tồn tại dai dẳng, xuyên suốt các hình thái kinh tế - xã hội. Những quan hệ sản xuất đó tuy nhỏ so với quan hệ sản xuất thống trị nhưng vẫn có vai trò nhất định trong nền kinh tế.

Phải chăng chủ nghĩa xã hội cũng phải tuân theo quy luật chung đó, không có ngoại lệ. Quan điểm cho rằng, kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là kết thúc đa sở hữu, chỉ còn lại sở hữu công thuần khiết là quan điểm duy ý chí, ảo tưởng. Bức tranh kinh tế hiện thực thường đa dạng, phong phú hơn nhiều, vì nó là cuộc sống, không khuôn theo tư duy sơ cứng, chủ quan. Một hình thức kinh tế chỉ mất đi khi sức sản xuất mà nó đại diện không còn, hoàn toàn mất hết sức sống.

Do đó, dưới chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong vẫn tồn tại đa sở hữu. Vấn đề là ở chỗ, quy mô và tính chất của từng loại sở hữu không giống nhau và khác nhiều so với thời kỳ quá độ.

2 - Xuất phát từ luận điểm cơ bản trên, có thể thấy, trong thời kỳ quá độ cũng như khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong, nền kinh tế vẫn là đa sở hữu, tuy vị trí, vai trò của từng loại sở hữu trong hai thời kỳ không hoàn toàn giống nhau. Thành phần công hữu tồn tại và phát triển trong chế độ đa sở hữu đó.

Nói như vậy cũng có nghĩa là xây dựng và phát triển sở hữu công không phải bằng cách hạn chế hoặc loại bỏ các loại hình phi công hữu để sở hữu công giữ vị trí độc tôn. Ngay trong thời kỳ quá độ, chúng ta đã không ít lần thử nghiệm liệu pháp đó, nhưng đã không thành công. Đến khi tiến hành đổi mới, chúng ta mới thừa nhận trên thực tế tính hợp pháp của các loại hình phi công hữu.

Cả trong thời kỳ chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong, chúng ta sẽ vẫn thực thi nhất quán chính sách: tạo điều kiện cho các thành phần công hữu và phi công hữu bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh lành mạnh và hợp tác với nhau để cùng phát triển, vì lợi ích của bản thân và của cả nền kinh tế. Chống mọi sự kỳ thị và phân biệt đối xử giữa các thành phần, tuân thủ nguyên tắc các loại sở hữu và thành phần kinh tế đều là những bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Sở hữu công mà tiêu biểu là kinh tế nhà nước, đóng vai trò nòng cốt và là xương sống của nền kinh tế, định hướng và dẫn dắt các loại hình sở hữu khác phát triển theo quỹ đạo xã hội chủ nghĩa bằng luật pháp và chính sách của Nhà nước, bằng các đòn bẩy của kinh tế nhà nước như đầu tư vốn, cho vay tín dụng, cung ứng thiết bị và công nghệ cao, đặt hàng, tiêu thụ sản phẩm, liên kết, liên doanh sản xuất, kinh doanh...

Sự khác nhau giữa thời kỳ quá độ và thời kỳ chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong là ở sự lớn mạnh của kinh tế công hữu và mức độ chi phối về kinh tế của nó đối với toàn bộ nền kinh tế.

Muốn làm được như vậy, các đơn vị kinh tế công hữu phải là những công ty, tổng công ty, tập đoàn mạnh, nắm công nghệ cao, có tài chính vững, làm ăn có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tự chủ và đủ sức tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bằng thực lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

Tóm lại, sự khác nhau giữa thời kỳ quá độ và thời kỳ chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong về mặt quan hệ sản xuất không phải là ở chỗ, các loại hình phi công hữu có tồn tại hay không, mà ở sự lớn mạnh của kinh tế công hữu và mức độ chi phối về kinh tế của nó (trên thực tế chứ không phải trên lý thuyết) đối với các thành phần phi công hữu và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

3 - Cương lĩnh của Đảng năm 1991 có nêu một số đặc trưng của chủ nghĩa xã hội khi đã được xây dựng xong là: có lực lượng sản xuất hiện đại dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.

Dưới ánh sáng của tư duy mới, chúng ta thấy luận điểm này nói chung vẫn đúng, nhưng cần làm rõ hơn một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, công hữu nắm các tư liệu sản xuất chủ yếu dưới hình thức 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối. Điều đó cũng có nghĩa là các hình thức sở hữu khác cũng có thể sở hữu một tỷ lệ nhất định cổ phần của các tư liệu sản xuất chính.

Thứ hai, công hữu nắm các tư liệu sản xuất chính, quan trọng và có quy mô lớn, nhưng các loại sở hữu khác có thể nắm những tư liệu sản xuất quy mô nhỏ và vừa, kém quan trọng hơn.

Trong thời kỳ quá độ và thời kỳ chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong, vị trí, vai trò và cách sắp xếp các loại hình sở hữu không giống nhau, đặc biệt là khi kinh tế công hữu khẳng định được ưu thế của mình, thực sự là nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Thứ ba, ngay các tư liệu sản xuất chủ yếu và quan trọng, công hữu có thể không nắm trọn toàn bộ các khâu từ A đến Z, mà chỉ nắm những khâu chủ chốt, quyết định, chi phối, như cơ sở chế tạo có công nghệ cao, các công ty mẹ, công ty tài chính, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chính...

Như vậy, tính chất nền tảng của công hữu chẳng những không bị suy giảm mà hiệu quả sử dụng được tăng lên, tiềm năng của các loại sở hữu khác được huy động phục vụ cho phát triển kinh tế.

4 - Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa khi đã xây dựng xong được đặc trưng bằng sự đa dạng các loại hình sở hữu hỗn hợp, trong đó quan trọng nhất là sở hữu tư bản nhà nước. Theo V.I. Lê-nin, tư bản nhà nước, về bản chất là 3/4 xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta hiện nay, quá trình này mới phôi thai, chủ yếu là với tư bản nước ngoài. Thời gian tới, tư bản tư nhân trong nước, kể cả tư bản lớn, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Để không rơi vào con đường tự phát và ngăn chặn phát triển tư bản chủ nghĩa thì đại bộ phận tư bản tư nhân phải được hướng vào con đường tư bản nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

5 - Chúng ta thử hình dung sự tồn tại và phát triển của các loại hình sở hữu khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. ở đây, điều mà chúng ta có thể làm được phần nào là nêu lên mặt định tính của các loại hình sở hữu, còn về mặt định lượng thì chưa có thể xác định cụ thể được.

- Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là loại hình sở hữu chủ yếu và là nền tảng của các nền kinh tế. Nhưng không nhất thiết nó phải chiếm đại bộ phận hoặc quá bán tổng sản phẩm nội địa (GDP). Kinh tế nhà nước nắm những cơ sở chủ yếu và quan trọng đủ sức chi phối nền kinh tế trên các chỉ tiêu cơ bản, điều tiết các cân đối lớn ở tầm vĩ mô. Tỷ trọng kinh tế công hữu trong nền kinh tế tuy giảm tương đối nhưng chất lượng phát triển và vai trò của nó trong nền kinh tế được tăng lên.

- Kinh tế tư bản nhà nước hình thành như một thành phần quan trọng, đứng sau thành phần kinh tế công hữu. Cùng với sở hữu công, nó tạo cơ sở vững chắc cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững.

- Kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân vẫn tồn tại.

Ở nước ta hiện nay, kinh tế cá thể còn chiếm tỷ trọng lớn. Xu hướng vận động của nó là ngày càng bị phân hóa. Đại bộ phận sẽ đi vào con đường hợp tác hóa, kinh doanh phát triển (có thể đạt bằng trình độ phát triển của hợp tác xã ở các nước tiên tiến hiện nay). Một số khác trở thành các loại kinh tế tư nhân. Chỉ một số ít vẫn còn là cá thể, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân. Còn xu hướng vận động của kinh tế tư bản tư nhân vẫn là tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều tập đoàn tư nhân mạnh. Quá trình này diễn ra song song với quá trình hình thành và phát triển kinh tế tư bản nhà nước.

- Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng lên tương đối. Một nền kinh tế càng phát triển trong điều kiện toàn cầu hóa thì khả năng hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng. Sự phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay chứng minh rõ điều đó; riêng việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nó chiếm tỷ lệ lớn nhất thế giới. Chắc chắn sự phát triển của nền kinh tế nước ta cũng không nằm ngoài thông lệ đó.

Về hình thức, chúng ta có ấn tượng rằng, hình như các loại sở hữu và thành phần kinh tế của hai thời kỳ - thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thời kỳ chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong - là na ná giống nhau. Điều đó có nguồn gốc là cả hai thời kỳ đều có đặc điểm là đa sở hữu. Nhưng vị trí, vai trò và cách sắp xếp các loại hình sở hữu của hai thời kỳ lại không giống nhau, đặc biệt là khi kinh tế công hữu khẳng định được ưu thế của mình, thực sự là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, cũng như khi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 6 (150) NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét