Thứ Năm, 26 tháng 6, 2008

MỘT SỐ RỦI RO PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG TRONG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

CurrencyQuotes_XS[1] NGUYỄN PHƯƠNG LINH - Vietcombank

Sau một loạt các sự kiện quốc tế quan trọng cuối năm 2006, như: Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam... các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các ngân hàng thương mại, sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập đó, các ngân hàng thương mại nước ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.

Hội nhập đồng nghĩa với việc Nhà nước ta phải xóa bỏ chính sách bảo hộ các ngân hàng trong nước và dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với các ngân hàng nước ngoài theo lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO. Từ ngày 01/4/2007, nước ta sẽ cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Việt Nam... Lúc đó, các ngân hàng nước ngoài có quyền bình đẳng với các ngân hàng Việt Nam trong quá trình huy động vốn và các hoạt động ngân hàng khác.

Do đó, các ngân hàng nước ta sẽ vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các ngân hàng nước ngoài trên thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế. Về nguyên tắc, khi hợp tác hoặc mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân nước ngoài nói chung và ngân hàng nước ngoài nói riêng, ngân hàng Việt Nam phải ký với ngân hàng nước ngoài văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ. Hợp đồng sẽ là luật của các bên và có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên. Cho nên, bất kỳ bên nào vi phạm hợp đồng, bên kia sẽ thực hiện một số quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật, như: quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền đòi bồi thường thiệt hại nếu bên vi phạm gây thiệt hại cho bên bị vi phạm, quyền phạt vi phạm hợp đồng... Vì vậy, việc các ngân hàng Việt Nam đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với thương nhân nước ngoài phải bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Thực tiễn, khi tham gia quan hệ mua bán hàng hoá, dịch vụ quốc tế, các thương nhân nước ngoài thường đưa ra các dự thảo hợp đồng để các ngân hàng Việt Nam xem xét, góp ý kiến trước khi các bên đàm phán với nhau. Có lẽ do nhiều năm (hàng chục hoặc hàng trăm năm) được hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường (hiện nay, nền kinh tế nước ta vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường và theo cam kết gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam phải chuyển sang nền kinh tế thị trường trong thời hạn 12 năm kể từ ngày gia nhập WTO), nên các ngân hàng nước ngoài luôn có đội ngũ luật sư chuyên nghiệp bên cạnh (luật sư độc lập hoặc văn phòng luật sư) để tư vấn pháp luật cho ngân hàng đó. Cho nên, các dự thảo hợp đồng do ngân hàng nước ngoài đưa ra thường có hướng bảo vệ quyền, lợi ích của ngân hàng nước ngoài, chứ không thực sự bảo đảm quyền bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng. Do vậy, nếu không có chuyên môn và kinh nghiệm, thì các ngân hàng Việt Nam khó có thể phát hiện được những điều khoản trong dự thảo hợp đồng bất lợi cho mình và bị vô hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo pháp luật được lựa chọn làm luật điều chỉnh hợp đồng.

Trong quá trình thương lượng và đàm phán dự thảo hợp đồng, các ngân hàng Việt Nam có quyền đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ những điểm bất lợi cho mình và nêu rõ lý do. Để bên nước ngoài chấp nhận ý kiến đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam, thì ý kiến đó phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và/hoặc thông lệ, tập quán quốc tế. Đối với những vấn đề không được pháp luật quy định, ngân hàng Việt Nam có thể thỏa thuận với bên nước ngoài. Trong trường hợp này, kỹ năng thuyết phục và đàm phán của đại diện bên Việt Nam sẽ giữ vai trò quan trọng quyết định đến kết quả đàm phán.

Gần đây, một số hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ giữa ngân hàng Việt Nam với thương nhân nước ngoài có những điều khoản bất lợi cho ngân hàng Việt Nam, nhưng ngân hàng Việt Nam không phát hiện thấy và chấp nhận những điều khoản đó trong hợp đồng. Do đó, rủi ro pháp lý từ những điều khoản nói trên luôn tiềm ẩn đối với ngân hàng Việt Nam trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch với với thương nhân nước ngoài.

Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu ra một số điều khoản phổ biến mà ngân hàng Việt Nam có thể chịu rủi ro pháp lý trong giao dịch thương mại quốc tế và một số kiến nghị.

I- MỘT SỐ RỦI RO PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG TRONG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

1. Luật điều chỉnh hợp đồng

Để tiến hành các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận, các doanh nghiệp phải xác lập với nhau và với người tiêu dùng những quan hệ nhất định. Hình thức pháp lý của quan hệ đó chính là hợp đồng. Trong giai đoạn trước ngày 01/01/2006, pháp luật Việt Nam còn phân biệt hợp đồng trong hoạt động kinh doanh thành hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Hợp đồng kinh tế là hợp đồng được ký bằng văn bản giữa pháp nhân với pháp nhân; pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh; pháp nhân với người hoạt động khoa học - kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình; pháp nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các bên. Những hợp đồng không được coi là hợp đồng kinh tế là hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc phân biệt hợp đồng kinh tế với hợp đồng dân sự và pháp luật về hợp đồng kinh tế với pháp luật về hợp đồng dân sự đã nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp. Chính vì thế, Bộ luật Dân sự năm 2005 ra đời, thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995 và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, đã thống nhất điều chỉnh pháp luật đối với mọi quan hệ hợp đồng. Theo đó, kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực (01/01/2006), khái niệm hợp đồng kinh tế không còn nữa mà mọi hợp đồng đều được gọi chung là hợp đồng dân sự và chịu sự điều chỉnh chung của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đối với những quan hệ dân sự không có tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài, thì quan hệ đó vẫn được coi là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi xác lập giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân nước ngoài, ngân hàng Việt Nam và thương nhân nước ngoài có quyền thỏa thuận lựa chọn luật nước ngoài làm luật điều chỉnh hợp đồng. Trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam. Nếu ngân hàng Việt Nam và thương nhân nước ngoài không thỏa thuận cụ thể luật điều chỉnh hợp đồng, thì pháp luật Việt Nam vẫn được áp dụng trong những trường hợp sau: hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam; hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam; hợp đồng được thực hiện ở Việt Nam nhưng hợp đồng không ghi rõ nơi thực hiện và doanh nghiệp Việt Nam là bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Trong hoạt động mua bán hàng hoá, dịch vụ quốc tế, khi đàm phán hợp đồng, mỗi bên đều muốn chọn luật của nước mình làm luật điều chỉnh hợp đồng. Do đó, nếu nguyên tắc “bình đẳng và cùng có lợi” không được các bên tôn trọng, thì quan hệ mua bán hàng hoá, dịch vụ giữa các bên khó có thể thực hiện được và hợp đồng sẽ không được xác lập. Cho nên, để dung hoà lợi ích giữa các bên và bảo đảm tính khách quan, các bên lựa chọn luật của nước thứ ba làm luật điều chỉnh hợp đồng. Do việc lựa chọn một hệ thống pháp luật khác có thể không được phép hoặc bị hạn chế theo pháp luật của quốc gia nơi thực hiện hợp đồng, nên các bên thường chọn một hệ thống pháp luật phát triển minh bạch (như hệ thống pháp luật của vương quốc Anh) hoặc hệ thống pháp luật đã được áp dụng phổ biến trong thực tiễn thương mại quốc tế đối với một số giao dịch chuyên biệt.

Thực tế, có một số giao dịch thương mại quốc tế, ngân hàng Việt Nam không quan tâm đến luật điều chỉnh hợp đồng mà chỉ quan tâm đến lợi ích thu được từ giao dịch đó với mong muốn, hy vọng không có tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Cho nên, ngân hàng Việt Nam đã chấp nhận luật điều chỉnh là luật của nước nơi có trụ sở của bên đối tác nước ngoài, trong khi ngân hàng Việt Nam hầu như không biết pháp luật của nước được chọn làm luật điều chỉnh hợp đồng. Chỉ cho đến khi có tranh chấp xảy ra hoặc bên nước ngoài không tuân thủ đúng những cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng Việt Nam mới hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng. Do vậy, ngân hàng Việt Nam đã không chủ động khởi kiện bên nước ngoài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bị thua kiện trong vụ tranh chấp liên quan đến giao dịch thương mại đó vì đối chiếu với luật điều chỉnh hợp đồng, thì có một số điều khoản của hợp đồng có lợi cho bên Việt Nam và bất lợi cho bên nước ngoài bị vô hiệu.

2. Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng

Để phòng ngừa một bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia, các bên thường thỏa thuận trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia, thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Pháp luật Việt Nam quy định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Căn cứ để bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại là: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, gần đây một số ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho ngân hàng Việt Nam đã yêu cầu đưa vào hợp đồng quy định bên Việt Nam có nghĩa vụ bồi hoàn cho bên nước ngoài tất cả các thiệt hại phát sinh từ/hoặc liên quan hợp đồng trong trường hợp bên Việt Nam vi phạm hợp đồng dẫn đến gây thiệt hại cho bên nước ngoài và trường hợp bên nước ngoài phải bồi thường cho bên thứ ba trong thời gian ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho ngân hàng Việt Nam theo hợp đồng nói trên.

Đối chiếu với quy định nêu trên của pháp luật Việt Nam, thì quy định trong dự thảo hợp đồng do bên nước ngoài đưa ra là không có lợi cho bên Việt Nam. Bởi vì, theo yêu cầu của ngân hàng nước ngoài, ngoài phí tư vấn theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên Việt Nam phải trả cho bên tư vấn nước ngoài cả những thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp liên quan đến hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính. Việc ngân hàng Việt Nam phải bồi hoàn cho bên tư vấn nước ngoài thiệt hại trực tiếp là có thể chấp nhận được vì thỏa thuận này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Nhưng đối với những thiệt hại gián tiếp (như trường hợp bên tư vấn nước ngoài bị mất cắp hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba), bên Việt Nam khó có thể kiểm soát được và không có nghĩa vụ bồi hoàn cho bên nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, trong trường hợp có thiệt hại gián tiếp, bên tư vấn nước ngoài có thể có lỗi khi gây thiệt hại cho bên thứ ba. Do vậy, lợi ích mà bên Việt Nam nhận được từ hợp đồng đó mang lại có thể không đủ bù đắp chi phí bồi hoàn phát sinh từ / hoặc liên quan đến hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính trong trường hợp có rủi ro xảy ra và bên Việt Nam phải bồi hoàn cho bên nước ngoài theo thỏa thuận trong hợp đồng (bao gồm cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp).

Chính vì những lẽ trên, ngay từ khi đàm phán hợp đồng, bên Việt Nam cần có thái độ kiên quyết đề nghị sửa đổi điều khoản nói trên theo hướng bên Việt Nam chỉ bồi thường cho bên nước ngoài thiệt hại trực tiếp và thực tế phát sinh từ/hoặc liên quan đến hợp đồng vì yêu cầu của bên nước ngoài trong dự thảo hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, đối với dịch vụ tư vấn tài chính, thông tin mà ngân hàng Việt Nam cung cấp cho bên tư vấn nước ngoài và thời hạn hoàn thành công việc theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng là rất quan trọng, nên bên Việt Nam cần chủ động đưa vào hợp đồng điều khoản phạt vi phạm hợp đồng với mức tối đa bằng 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm vì phạt vi phạm là một điều khoản tuỳ nghi do các bên tự thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm, thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Cơ quan giải quyết tranh chấp và nơi giải quyết tranh chấp

Pháp luật Việt Nam không quy định điều khoản về giải quyết tranh chấp, là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng, nhưng điều khoản này khá phổ biến trong các hợp đồng mua bán hàng hoá - dịch vụ quốc tế vì trong thương mại quốc tế, không phải bất cứ bên nước ngoài nào cũng đều thực hiện đúng những cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng để giữ uy tín của mình với bạn hàng. Có không ít trường hợp, vì lý do chủ quan hoặc khách quan, bên nước ngoài đã vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên Việt Nam.

Trong những năm qua, một số doanh nghiệp Việt Nam, khi tham gia quan hệ mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân nước ngoài, đã khởi kiện bên nước ngoài tại cơ quan giải quyết tranh chấp vì bên nước ngoài vi phạm hợp đồng. Khi đó, cơ quan giải quyết tranh chấp và nơi giải quyết tranh chấp được thỏa thuận trong hợp đồng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của bên Việt Nam trong quá trình khởi kiện (nguyên đơn). Chẳng hạn như trong hợp đồng, các bên thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ/hoặc liên quan đến hợp đồng là trung tâm trọng tài quốc tế tại Singapore nhưng điều khoản về bồi thường thiệt hại lại thỏa thuận bên nước ngoài chỉ phải bồi thường thiệt hại cho bên Việt Nam khi bên nước ngoài có lỗi, vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên Việt Nam và có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án. Rõ ràng với thỏa thuận này, bên Việt Nam không thể yêu cầu bên nước ngoài bồi thường thiệt hại được vì để được bồi thường, bên Việt Nam phải khởi kiện bên nước ngoài ra tòa án, trong khi các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng cơ quan giải quyết tranh chấp là trung tâm trọng tài quốc tế tại Singapore. Cho nên, căn cứ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, tòa án sẽ không có cơ sở để thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên Việt Nam (các bên chưa thỏa thuận chọn tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp). Vì vậy, phần thỏa thuận trong hợp đồng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên nước ngoài đối với bên Việt Nam nói trên sẽ bị vô hiệu (hợp đồng bị vô hiệu từng phần).

Mặt khác, nơi giải quyết tranh chấp cũng là nội dung mà các bên rất quan tâm khi thương lượng và đàm phán hợp đồng. Lý do là ở chỗ nếu nơi giải quyết tranh chấp là nước nơi bên nước ngoài có trụ sở giao dịch hoặc nước có lệ thuộc về kinh tế với nước nơi bên nước ngoài được thành lập, hoạt động, thì e rằng bản án, quyết định của tòa án hoặc quyết định của trọng tài sẽ không bảo đảm tính khách quan. Hơn nữa, khi tham gia giải quyết tranh chấp tại những địa điểm này, bên Việt Nam phải chịu nhiều chi phí phát sinh hơn bên nước ngoài, như: chi phí ăn ở, đi lại trong quá trình tham gia tố tụng...

Trường hợp bên Việt Nam và bên nước ngoài đều có trụ sở tại Việt Nam (bên nước ngoài ký hợp đồng với bên Việt Nam là chi nhánh của bên nước ngoài hoặc công ty 100% vốn trực thuộc tại Việt Nam), thì sau khi tranh chấp được giải quyết tại tòa án nước ngoài hoặc trọng tài nước ngoài, một bên có quyền làm đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài. Tòa án Việt Nam không xét xử lại vụ tranh chấp đã được tòa án nước ngoài hoặc trọng tài nước ngoài giải quyết mà chỉ kiểm tra, đối chiếu bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan để ra quyết định. Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài phải không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam quy định rõ những bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, như: bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước nơi tòa án đã ra bản án, quyết định đó; vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án Việt Nam; các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên; vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam... (Điều 356 và Điều 370 Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam năm 2004). Do đó, có những trường hợp quyền và lợi ích của bên Việt Nam được bảo đảm, ghi nhận trong bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài nhưng không được công nhận, cho thi hành tại Việt Nam.

Vì vậy, khi đàm phán và thỏa thuận về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng (cơ quan giải quyết tranh chấp và nơi giải quyết tranh chấp), các doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá các cơ sở không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như tiên liệu các rủi ro theo quy định của pháp luật liên quan (pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước nơi tiến hành hoạt động xét xử hoặc pháp luật điều chỉnh hợp đồng). Trường hợp không biết hoặc chưa hiểu, thì ngân hàng Việt Nam cần có chuyên gia pháp luật có năng lực và kinh nghiệm hỗ trợ, giúp đỡ.

4. Ngôn ngữ của hợp đồng

Hình thức giao dịch thương mại quốc tế phổ biến và chủ yếu hiện nay là văn bản. ở nước ta, mặc dù Quốc hội đã thông qua Luật giao dịch điện tử nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành đạo luật này vẫn chưa được ban hành đầy đủ, nên các ngân hàng Việt Nam chưa dám mạo hiểm mua bán hàng hoá, dịch vụ với các ngân hàng nước ngoài bằng các giao dịch điện tử. Khi xác lập hợp đồng, tuỳ từng giao dịch thương mại quốc tế cụ thể mà các bên có thể thỏa thuận ngôn ngữ của hợp đồng bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt. Trường hợp hợp đồng được lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, thì ngôn ngữ nước ngoài thường là tiếng Anh.

Thực tế, các hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ mà bên nước ngoài là bên bán hàng và/hoặc cung ứng dịch vụ, thì hợp đồng thường chỉ lập bằng tiếng nước ngoài. Nhưng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ giữa ngân hàng Việt Nam với bên nước ngoài mà hợp đồng được thực hiện ở Việt Nam, thì hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ được lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (tiếng Anh). Cho nên, khi đàm phán về ngôn ngữ của hợp đồng, bên Việt Nam thường đề xuất đưa vào hợp đồng quy định trường hợp có sự không nhất quán giữa bản hợp đồng bằng tiếng Việt với bản hợp đồng bằng tiếng nước ngoài, thì bản tiếng Việt sẽ được ưu tiên áp dụng. Đề xuất này của bên Việt Nam chỉ có thể được bên nước ngoài chấp nhận nếu pháp luật Việt Nam có quy định hoặc hợp đồng phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận và được thực hiện tại Việt Nam hoặc bên nước ngoài mong muốn được tham gia giao dịch thương mại đó. Ngôn ngữ của hợp đồng theo đề xuất trên đây, có thể không còn là lợi thế của bên Việt Nam nếu bên nước ngoài đề nghị và được bên Việt Nam chấp thuận: ngôn ngữ giải quyết tranh chấp phát sinh từ/hoặc liên quan đến hợp đồng là tiếng nước ngoài (tiếng Anh). Vì vậy, bên Việt Nam cần tổng hợp, đánh giá các điều khoản liên quan khác của hợp đồng trước khi đồng ý với bên nước ngoài về chọn ngôn ngữ của hợp đồng.

Trường hợp bên nước ngoài không chấp nhận đề xuất nêu trên, bên Việt Nam có thể thỏa thuận với bên nước ngoài như sau: hợp đồng được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh có giá trị pháp lý ngang nhau; nếu có sự không nhất quán giữa bản tiếng Anh với bản tiếng Việt, thì cơ quan được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hợp đồng này có quyền quyết định bản hợp đồng nào có giá trị pháp lý sau cùng căn cứ quy định của pháp luật được lựa chọn làm luật điều chỉnh hợp đồng hoặc pháp luật của nước điều chỉnh hoạt động tố tụng của cơ quan giải quyết tranh chấp.

II- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để hạn chế rủi ro và thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân nước ngoài trong điều kiện hội nhập quốc tế, ngoài một số đề xuất tại phần I nêu trên, chúng tôi xin có thêm một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất: Ngân hàng Việt Nam cần tìm hiểu thương nhân nước ngoài trước khi xác lập giao dịch thương mại mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân đó. Có nhiều cách để làm công việc này, như: kiểm tra đối tác thông qua các phương tiện truyền thông quốc tế (kể cả báo điện tử), cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi có trụ sở của đối tác đó, các cơ sở của các tổ chức kinh tế Việt Nam tại nước nơi có trụ sở của đối tác nước ngoài hoặc thông qua các tổ chức tư vấn quốc tế có mặt tại Việt Nam... Tùy theo điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp và tính chất của quan hệ mua bán mà bên Việt Nam có sự lựa chọn hình thức kiểm tra, xác minh cho phù hợp.

Thứ hai: Ngân hàng Việt Nam cần làm quen với công việc thuê luật sư độc lập bên ngoài hoặc sử dụng chuyên gia pháp luật nội bộ có năng lực, kinh nghiệm để soạn thảo hợp đồng hoặc rà soát, góp ý dự thảo hợp đồng do bên nước ngoài cung cấp. Thông qua công việc này của luật sư hoặc chuyên gia pháp luật nội bộ, ngân hàng Việt Nam có thể phát hiện ra những điểm bất lợi cho mình để đề nghị bên nước ngoài sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo hướng bảo đảm nguyên tắc “bình đẳng, khách quan và cùng có lợi” khi tham gia giao dịch thương mại đó. Trong quá trình đàm phán hợp đồng với bên nước ngoài, ngân hàng Việt Nam cũng cần có luật sư hoặc chuyên gia pháp luật nội bộ tham gia để bảo đảm tính hợp pháp của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ ba: Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có bộ phận pháp chế (phòng pháp chế độc lập hoặc thuộc phòng chuyên môn khác) với những cán bộ chuyên trách được đào tạo chính quy tại các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế. Cho nên, các ngân hàng cần xây dựng quy định/quy chế nội bộ hướng dẫn thủ tục phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ kinh doanh với bộ phận pháp chế trong quá trình xử lý công việc để nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận, tiết kiệm thời gian và tận dụng các cơ hội kinh doanh sẵn có: bộ phận pháp chế đảm nhận thẩm định tính pháp lý của hợp đồng, còn bộ phận nghiệp vụ kinh doanh có trách nhiệm thẩm định tính hiệu quả, khả thi của hợp đồng đó.

Thứ tư: Trong điều kiện hội nhập, ngân hàng Việt Nam cần có đội ngũ cán bộ giỏi về ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) và hiểu biết về tập quán thương mại quốc tế. ở nước ta hiện nay, có rất nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ và kinh doanh quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch, chiến lược về con người để thu xếp, tạo điều kiện cho cán bộ của mình tham dự các khoá đào tạo nói trên. Trong thời gian chưa kịp đào tạo và đào tạo lại cán bộ sẵn có của mình, ngân hàng có thể tuyển người giỏi về ngoại ngữ và có kinh nghiệm về thương mại quốc tế hoặc thuê chuyên gia tư vấn để đàm phán, thương lượng hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân nước ngoài.

Thứ năm: Để tránh hợp đồng bị vô hiệu hoặc không được công nhận và cho thi hành tại nước nơi có trụ sở của bên nước ngoài, trước khi ký kết hợp đồng, bên Việt Nam cần kiểm tra thẩm quyền của đại diện bên nước ngoài ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ với mình cũng như kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng theo quy định của pháp luật của nước nơi bên nước ngoài được thành lập, hoạt động. Bên Việt Nam có thể yêu cầu bên nước ngoài cam kết trong hợp đồng và cung cấp ý kiến pháp lý của văn phòng luật sư độc lập có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước nơi bên nước ngoài được thành lập và hoạt động đối với những vấn đề nêu trên.

Thứ sáu: Đối với ngành Ngân hàng, hằng năm hoặc sáu tháng một lần, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần tổng kết thực tiễn thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ giữa ngân hàng với thương nhân nước ngoài để rút kinh nghiệm. Qua đó, các ngân hàng thương mại có thể rút ra những bài học quý báu để hạn chế hoặc tránh được những rủi ro, tổn thất mà một số ngân hàng đã gặp phải; đồng thời, kế thừa, phát huy những ưu điểm mà trước đó một số ngân hàng đã thực hiện thành công giao dịch thương mại với thương nhân nước ngoài.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 3+4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét