Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2008

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI CÓ TÀI SẢN BỊ TRƯNG MUA, TRƯNG DỤNG

TS. NGUYỄN TRUNG TÍN

Khi tiến hành trưng mua, trưng dụng tài sản thì yêu cầu hàng đầu là làm cho mục đích của nó vẫn được thực hiện nhưng giảm thiểu tối đa các thiệt hại cho các đối tượng có tài sản bị trưng mua, trưng dụng cũng như hạn chế sự lạm dụng từ phía cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng. Bài viết góp ý cho Dự án Luật này của Chính phủ ngày 30/8/2007 sẽ làm sáng tỏ vấn đề trên.

1. Các quyền của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng

1.1. Các quyền của người có tài sản trưng mua

Người có tài sản bị trưng mua, theo chúng tôi, có các quyền sau: được nhận quyết định về trưng mua tài sản; được thanh toán theo giá thị trường giá trị tài sản bị trưng mua; được thông báo về việc trưng mua tài sản trong trường hợp dự báo được về việc trưng mua; được thoả thuận với người có thẩm quyền về giá trưng mua tài sản; được quyền yêu cầu nhận lại tài sản trưng mua trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc xử lý tài sản trưng mua; được hoàn trả lại tài sản khi tiến hành xử lý tài sản trưng mua; được bồi thường thiệt hại khi được hoàn trả lại tài sản mà tài sản bị hư hỏng, giảm chất lượng; khiếu nại, tố cáo về trưng mua tài sản đối với các hành vi bất hợp pháp của các cơ quan có thẩm quyền. Theo chúng tôi, một vài quyền của người có tài sản trưng mua nêu trên trong Dự luật cần có sự bổ sung, sửa đổi. Cụ thể:

Quyền được thông báo về việc trưng mua tài sản trong trường hợp dự báo được trưng mua của người có tài sản trưng mua là quyền xuất phát từ quyền của chủ sở hữu tài sản. Điều 14 Dự án luật quy định:

“1. Trong trường hợp dự báo được việc trưng mua có thể xảy ra, người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản quy định tại Điều 15 của Luật này xác định nhu cầu tài sản cần trưng mua và thông báo cho người có tài sản dự kiến trưng mua biết.

2. Thông báo trưng mua tài sản được thể hiện bằng văn bản. Nội dung thông báo gồm: mục đích trưng mua tài sản; tên, chủng loại, số lượng, chất lượng của tài sản dự kiến trưng mua; thời gian dự kiến trưng mua.

3. Trong trường hợp tình huống dự kiến trưng mua không xảy ra, người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản phải thông báo bãi bỏ dự kiến trưng mua bằng văn bản cho người có tài sản dự kiến trưng mua biết”.

Việc thông báo giúp cho người chủ sở hữu có sự chuẩn bị cần thiết để chuyển giao tài sảnV, giảm thiểu thiệt hại do việc bị trưng mua tài sản (nhất là đối với tài sản đang sử dụng để tiến hành hoạt động kinh doanh). Tuy nhiên, việc thông báo này, về nguyên tắc, đối với người có tài sản dự kiến trưng mua, càng sớm càng tốt. Do vậy, theo chúng tôi, Luật cần quy định thời hạn cụ thể để cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho đối tượng biết. Tuy nhiên, không thể nêu thời hạn một cách quy ước chung cho mọi trường hợp mà phải quy định thời hạn từ khi phát sinh các trường hợp thực hiện trưng mua tài sản theo Điều 6 của Dự án luật như:

“1. Khi Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tuyên bố tình trạng chiến tranh“;khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc tình trạng khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp.k

2. Khi đê điều, công trình phòng, chống lụt bão khác, công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh và các lợi ích quốc gia đang bị sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; phòng cháy, chữa cháy; xử lý dịch bệnh; cấp cứu người bị nạn, tìm kiếm người mất tích, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng; truy lùng, đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, người có lệnh truy nã; ngăn chặn hành vi phạm tội đang xảy ra, bảo đảm an toàn cho nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và các trường hợp thật cần thiết khác theo quy định của luật, pháp lệnh chuyên ngành”.

Ngoài raN, thực tế cũng có thể phát sinh hiện tượng người có tài sản nhận được thông báo đã tẩu tán tài sản để tránh bị trưng mua theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Để tránh hiện tượng này, theo chúng tôi, Luật nên quy định rằng, khi nhận được thông báo, người có tài sản dự kiến bị trưng mua phải ký vào biên bản xác nhận: việc đã nhận được thông báo và tình trạng tài sản hiện tại; cam kết có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản tài sản như hiện trạng tới thời điểm thực hiện bàn giao tài sản cho cơ quan có thẩm quyền theo quyết định trưng mua. Trong trường hợp tẩu tán tài sản trưng mua, người tẩu tán phải bị áp dụng các chế tài như với người chống lại việc trưng mua.

Người có tài sản bị trưng mua có quyền thoả thuận với cơ quan có thẩm quyền về giá trưng mua tài sản. Theo Điều 19 của Dự án luật, thì:

“1. Giá trưng mua tài sản do người có tài sản trưng mua và người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản quy định tại Điều 15 của Luật này thoả thuận theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và được ghi vào quyết định trưng mua tài sản. Trường hợp không thoả thuận được thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định giá trưng mua tài sản.“

2. Xác định giá trưng mua tài sản.

a) Giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản;

b) Trường hợp tại thời điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản, giá thị trường của tài sản đã trưng mua cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua thì thanh toán theo giá trị thị trường tại thời điểm thanh toán.

3. Người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản là người quyết định giá trưng mua tài sản. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản được thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá để xác định giá trưng mua tài sản”.

Theo đóT, việc thực hiện quyền này trong bối cảnh không hoàn toàn bình đẳng, bởi nếu “không thoả thuận được thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định giá trưng mua tài sản”. Trên thực tế, việc xác định giá đối với tài sản thuộc diện chưa qua sử dụng và là loại hàng hoá phổ biến trên thị trường (ví dụ: xe máy, ô tô…) thì đơn giản, dễ xác định; song, đối với những loại hàng hoá đã qua sử dụng và không thuộc loại phổ biến trên thị trường (ví dụ: vườn, cây) lại không đơn giản. Do vậy, ở đây xuất hiện hai khả năng tiêu cực xảy ra: một là, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng định giá theo hướng xác định giá rẻ hơn giá thị trường gây thiệt hại đáng kể cho người có tài sản; hai là, cơ quan có thẩm quyền có thể có hành vi tham nhũng qua việc thông đồng với người có tài sản trưng mua. Những kinh nghiệm về việc xác định giá trong giải toả mặt bằng xây dựng các công trình, dự án cần phải được nghiên cứu xem xét khi Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thoả thuận và xác định giá trưng mua tài sản (khoản 4 Điều 19). Theo chúng tôi, trong trường hợp người có tài sản trưng mua không đồng ý với mức đền bù do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, họ có thể đưa đơn kiện cơ quan trên ra toà dân sự. Điều này rất quan trọng nhằm xác định đúng giá thị trường - như điều mà Ban soạn thảo đã nêu, đặc biệt là khi xác định giá trị quyền sử dụng đất. Thực tế hiện nay cho thấy, việc đền bù giá trị quyền sử dụng đất theo giá đất mà nhà nước công bố khác xa với giá thị trường đã gây nên các khiếu kiện vượt cấp rất nhiều trong những năm vừa qua. Việc này chắc chắn sẽ làm cho mong muốn chính đáng đền bù theo giá thị trường không có tính khả thi, nếu không muốn nói rằng, biến thành mây khói.

Người có tài sản trưng mua có quyền yêu cầu nhận lại tài sản trưng mua trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý tài sản trưng mua. Điều 22 của Dự án luật khẳng định:

“1. Trường hợp người có tài sản trưng mua có quyền yêu cầu nhận lại tài sản thì người ra quyết định trưng mua chủ tr ì, phối hợp với tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện việc hoàn trả tài sản cho người đó và nhận lại số tiền mà người có tài sản trưng mua đã được thanh toán (nếu có) để nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Địa điểm hoàn trả tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này. Trường hợp khi hoàn trả, tài sản trưng mua bị hư hỏng, giảm chất lượng thì người có tài sản trưng mua được bồi thường theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

2. Trường hợp người có tài sản trưng mua không có yêu cầu nhận lại tài sản thì người đã ra quyết định trưng mua quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản của Nhà nước. Tài sản trưng mua được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”.

Đây là quy định nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của người có tài sản trưng mua. Tuy nhiên§, Điều 22 chỉ đề cập đến việc Nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại khi tài sản bị hư hỏng, giảm chất lượng mà không quy định thể thức định giá mức thiệt hại trên và thiệt hại mà người có tài sản trưng mua đã không có quyền sử dụng, khai thác tài sản trong thời gian kể từ thời điểm bàn giao tài sản bị trưng mua cho cơ quan có thẩm quyền tới thời điểm người có tài sản trưng mua nhận lại tài sản trong trường hợp tiến hành xử lý tài sản trưng mua. Theo chúng tôi, thể thức đánh giá mức bồi thường cần được tiến hành trên cơ sở thoả thuận với người có tài sản và giá cả thị trường của tài sản vào thời điểm thoả thuận. Trong trường hợp không thoả thuận được cần thành lập ban thanh lý tài sản theo phương thức đấu giá tài sản với điều kiện nhường quyền ưu tiên cho người có tài sản (ví dụ, giá cả như nhau, ở mức cao nhất giữa người có tài sản và người thứ ba, quyền mua tài sản thuộc về người có tài sản). Trong trường hợp người có tài sản trưng mua được hoàn trả lại tài sản thì theo chúng tôi, ngoài khoản bồi thường trên, Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho người có tài sản do bị thiệt hại trong thời gian từ thời điểm có quyết định trưng mua tài sản tới thời điểm hoàn trả lại tài sản. Khoản tiền bồi thường này cần được tính như bồi thường đối với tài sản như vậy khi trưng dụng.

1.2. Các quyền của người có tài sản trưng dụng

Người có tài sản trưng dụng có quyền được nhận quyết định về trưng dụng tài sản (Điều 28). Theo điều này thì:

“1. Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản theo quy định tại Điều 25 của luật này ra quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói trực tiếp. Trường hợp khi ra quyết định có mặt người thứ ba thì người thứ ba được mời chứng kiến việc ra quyết định trưng dụng.

2. Khi quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 25 của Luật này phải xuất trình thẻ công vụ theo quy định của pháp luật.

3. Chậm nhất là 24 giờ, kể từ thời điểm trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã ra quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm ban hành quyết định trưng dụng bằng văn bản và gửi cho người có tài sản trưng dụng 01 bản. Trường hợp không xác định được tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng thì gửi cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đã thực hiện việc trưng dụng”.

Đây là quy định nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người có tài sản bị trưng dụng và cũng là cơ sở để người có tài sản được biết lý do§, mục đích trưng dụng tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Người có tài sản trưng dụng có quyền được hoàn trả lại tài sản sau thời hạn trưng dụng và được bồi thường thiệt hại trong việc trưng dụng tài sản (các điều 33, 34, 35). Việc hoàn trả lại tài sản trưng dụng cho người có tài sản trưng dụng được nêu rõ trong luật là hợp lý bởi đã trưng dụng thì phải trả. Tuy nhiên, quy định về phương thức xác định mức độ bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra là chưa thực phù hợp với mục đích bảo vệ lợi ích chính đáng của người có tài sản trưng dụng. Theo khoản 2 Điều 35 của Dự án Luật, “mức bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra do cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 39 của Luật này thoả thuận với người có tài sản trưng dụng theo nguyên tắc quy định tại Điều 36, Điều 37 và Điều 38 của Luật này”. Các quy định trong Dự án Luật như vậy là rất đầy đủ cho mỗi trường hợp. Tuy nhiên, thực tế sẽ phát sinh các trường hợp như: người có tài sản trưng dụng không thoả thuận được và cơ quan có thẩm quyền quyết định mức bồi thường đã không thể hoặc không có chuyên môn để xác định mức độ hư hỏng, giảm chất lượng của tài sản; sự thông đồng giữa người có tài sản trưng dụng và người có thẩm quyền về mức đền bù thiệt hại gây thiệt hại tới lợi ích của Nhà nước. Để tránh các trường hợp như vậy, đối với tài sản có giá trị đáng kể (ví dụ, từ mười triệu trở lên), theo chúng tôi, phải quy định lập biên bản xác nhận hiện trạng tài sản khi trưng dụng trong trường hợp không khẩn cấp và biên bản về tình trạng tài sản khi hoàn trả (có chữ ký của cả cơ quan có thẩm quyền và người có tài sản trưng dụng). Khi xác định mức đền bù cần có sự tham gia của người thứ ba như đại diện của chính quyền địa phương nơi người có tài sản trưng dụng cư trú (cấp phường, xã). Trong trường hợp không đạt được thoả thuận, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp cần có sự tham khảo và trả lời bằng văn bản của các cơ quan chuyên môn về các trường hợp thiệt hại được quy định tại các điều 36, 37, 38 của Dự án Luật.

Người có tài sản trưng dụng có quyền khiếu nại, tố cáo về trưng dụng tài sản (Điều 47). Đây là quyền rất quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người có tài sản trưng dụng và chống lại các hành vi lạm quyền, tham nhũng và thiếu trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo chúng tôi, Luật cần quy định rõ những cơ sở của việc khiếu nại, tố cáo (một trong các cơ sở của việc khiếu nại, tố cáo trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản là việc trưng mua, trưng dụng tài sản đã được tiến hành theo cách phân biệt đối xử, không công bằng, tuỳ tiện và không thoả đáng, ví dụ như trường hợp các con đường bị uốn cong không thể giải thích được từ góc độ pháp luật).

2. Nghĩa vụ của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng

Người có tài sản trưng mua, trưng dụng có các nghĩa vụ sau:

Người có tài sản trưng mua, trưng dụng có nghĩa vụ thi hành quyết định về trưng mua, trưng dụng tài sản (các điều 31, 45, khoản 3 Điều 12). Quyết định về trưng mua, trưng dụng tài sản là quyết định hành chính đối với người có tài sản trưng mua, trưng dụng cho nên họ có nghĩa vụ phải thi hành. Do vậy, tuỳ từng trường hợp những người đó không thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Nghĩa vụ này đặt ra đối với người có tài sản trưng mua, trưng dụng là cần thiết để bảo vệ lợi ích Nhà nước và cộng đồng trong các trường hợp theo luật định.

Người có tài sản trưng dụng có nghĩa vụ nhận lại tài sản sau thời gian trưng dụng (các điều 33, 34). Trong trường hợp này, luật cần quy định để cơ quan có thẩm quyền tổ chức bán thanh lý tài sản để lấy tiền đưa vào ngân sách nhà nước. Cách này vừa bảo vệ được lợi ích chính đáng của người có tài sản trưng dụng, vừa tránh được tốn kém tiền của vào việc bảo quản tài sản (trên thực tế, tài sản sẽ bị hư hỏng rất nhanh chóng do sự bảo quản như vậy, ví dụ, các bãi chứa xe vi phạm giao thông).

Người có tài sản trưng dụng có nghĩa vụ điều khiển hoặc vận hành phương tiện trưng dụng. Khoản 3 Điều 27 Dự án Luật có nêu: “3. Trường hợp phải huy động cả người vận hành hoặc điều khiển phương tiện trưng dụng thì trong nội dung quyết định trưng dụng phải quy định cụ thể. Người được huy động để điều khiển hoặc vận hành phương tiện trưng dụng được bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định tại Điều 41 của Luật này và được hưởng các chế độ, chính sách khác của Nhà nước theo quy định của Pháp luật hiện hành”.

Cách quy định trong Dự án luật chưa thấy rõ việc truy cứu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp người có tài sản trưng dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ. Cụm từ “được huy động” và cụm từ “việc cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật” không phù hợp với bối cảnh thực hiện nghĩa vụ trên. Theo chúng tôi, Dự án luật cần quy định “trong trường hợp người có thẩm quyền không thể điều khiển hoặc vận hành phương tiện trưng dụng, người có tài sản trưng dụng được người có thẩm quyền yêu cầu điều khiển hoặc vận hành phương tiện trưng dụng phải thực hiện yêu cầu trên. Trong trường hợp từ chối thực hiện, người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý tuỳ theo hậu quả xảy ra do hành vi từ chối gây ra”. Như vậy mới cho thấy rõ nghĩa vụ của người có tài sản trưng dụng. Đây là quy định cần thiết để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng trong những trường hợp pháp luật quy định và cũng tránh được sự lạm dụng của người có thẩm quyền trong việc yêu cầu người có tài sản trưng dụng điều khiển hoặc vận hành phương tiện trưng dụng.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 120, THÁNG 4 NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét