Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỪA KẾ TIỀN GỬI NGÂN HÀNG

NGUYỄN THANH - Phòng Công chứng số 1 Quảng Ninh

Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp cá nhân gửi tiền, vàng, kim khí quý, đá quý tại ngân hàng hoặc sở hữu giấy tờ có giá do ngân hàng, tổ chức tín dụng phát hành nhằm huy động tiền gửi, vốn (gọi chung là tiền gửi tại ngân hàng) qua đời. Từ đó phát sinh vấn đề về thừa kế những tài sản này, xác định ai là người được hưởng di sản, phần di sản được hưởng của mỗi người, pháp luật quy định áp dụng trong trường hợp này ra sao? Đặc biệt, rất phức tạp đối với những trường hợp có yếu tố nước ngoài (Ví dụ: Người để lại di sản là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.v.v..) Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi về một số tình huống xảy ra trong thực tế và hướng giải quyết.

1. Tổ chức tín dụng (TCTD) thanh toán trao trả tiền gửi cho những người được hưởng di sản dựa trên văn bản nào?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc thanh toán và phân chia di sản của người chết có thể được thực hiện tại Phòng Công chứng, Phòng Tư pháp, cơ quan ngoại giao được thực hiện việc công chứng, chứng thực trên cơ sở có yêu cầu của những người thừa kế. Ngoài ra, cơ quan toà án các cấp cũng là người tiến hành thanh toán và phân chia di sản trên cơ sở có đơn khởi kiện về thừa kế của người có quyền thừa kế, của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ngân hàng có thể dựa vào những văn bản về việc thanh toán, phân chia di sản đã được công chứng, chứng thực đúng thẩm quyền hoặc dựa vào bản án, quyết định có hiệu lực của toà án để tiến hành giao lại tài sản của người chết cho những người được hưởng di sản thừa kế.

Ngoài ra, những người thừa kế cũng có thể tự tiến hành thanh toán và phân chia di sản mà mình được hưởng và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này. Trong trường hợp di chúc chỉ định người có trách nhiệm công bố di chúc và phân chia di sản thì văn bản thanh toán và phân chia di sản trong trường hợp này đòi hỏi phải có chữ ký của người được chỉ định trong di chúc. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của văn bản này về mặt thi hành và chứng cứ không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với TCTD khi TCTD tiến hành giao lại tài sản của người chết cho những người được thừa kế.

Theo quy định của Điều 20, Luật các Tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán. Ngân hàng không có chức năng thanh toán và phân chia di sản, kể cả trong trường hợp những người thừa kế nhất trí cao và cùng tiến hành thực hiện mọi thủ tục nhận di sản là tiền gửi ngay tại ngân hàng. Trong trường hợp người để lại di sản qua đời thì ngân hàng cũng không thể căn cứ các quy định của pháp luật về nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nguyên tắc sở hữu tài sản chung của vợ chồng để giao lại một phần tài sản gửi tại ngân hàng cho vợ hoặc chồng của người chết. Việc chia tài sản chung của vợ chồng, thanh toán và phân chia di sản phải được thực hiện theo quy định của pháp luật mà cụ thể là cơ quan toà án tiến hành trên cơ sở đơn yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đơn khởi kiện về thừa kế của người thừa kế hoặc theo yêu cầu của những người thừa kế khi tiến hành thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền công chứng. Như vậy, để đảm bảo an toàn pháp lý, TCTD chỉ có thể tiến hành thanh toán và giao lại tài sản của người chết trên cơ sở một văn bản pháp lý có hiệu lực thi hành của những cơ quan có thẩm quyền tiến hành.

2. Xác định di sản mà người chết để lại

Hầu hết pháp luật các nước đều quy định di sản mà người chết để lại là những tài sản, quyền tài sản... thuộc quyền sở hữu của họ, bao gồm:

- Tài sản thuộc sở hữu riêng của họ.

- Phần tài sản của họ trong khối tài sản chung với người khác, có thể là sở hữu chung hợp nhất hoặc sở hữu chung theo phần.

- Các quyền tài sản .v.v.

Trong trường hợp họ có tài sản chung với người khác thì cũng cần phải phân định phần tài sản của họ trong khối tài sản chung đó (Điều 634, Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2005). Việc xác định phần tài sản của họ trong khối tài sản chung có thể dựa trên những thoả thuận đã có từ trước hoặc căn cứ theo văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ví dụ: Theo pháp luật của Việt Nam, ngoại trừ việc vợ chồng tự thoả thuận tài sản riêng và tài sản chung thì toà án là cơ quan có quyền tiến hành phân định phần tài sản của vợ và chồng trong khối tài sản chung hợp nhất trên cơ sở có yêu cầu của họ (Điều 29, Luật Hôn nhân và gia đình).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27, Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.... Một điểm cần lưu ý là đối với những tài sản mà họ có trước thời kỳ hôn nhân chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Điều 95, Luật Hôn nhân gia đình công nhận về mặt nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân được chia đôi nhưng có những lý do mà toà án có thể quyết định không nhất thiết phải chia đôi, ví dụ: Hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập tài sản, duy trì, phát triển tài sản.

Như vậy, về mặt nguyên tắc thì tài sản sẽ được chia đôi khi vợ và chồng ly hôn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Mặt khác cũng cần lưu ý, kể cả trong trường hợp có thể chia đôi thì phía ngân hàng cũng không thể đơn phương quyết định và giao lại một phần tài sản của người đã chết đang gửi tại ngân hàng cho người vợ hoặc chồng của họ mà phải dựa trên cơ sở văn bản pháp lý mà vợ chồng họ đã thoả thuận hoặc bản di chúc của người để lại di sản. Nếu không có những văn bản này, ngân hàng chỉ còn có thể chờ đợi quyết định của toà án hoặc bản thoả thuận của toàn bộ những người được hưởng di sản.

Như vậy, trong trường hợp người để lại di sản chết mà họ có tồn tại quan hệ hôn nhân với người khác thì cần phải xác định rất rõ di sản mà họ để lại là gì? Nếu tiền gửi của họ tại ngân hàng có trước khi họ kết hôn và vợ chồng không thoả thuận đây là tài sản chung thì phần di sản này hoàn toàn thuộc về người để lại di sản. Ngược lại, nếu số tiền đó có sau khi kết hôn thì cần phải coi đây là tài sản chung và lúc đó cần phải có cơ quan đứng ra tiến hành việc phân định khối tài sản chung này. Từ đó, xác định được di sản mà người chết để lại.

Thứ nhất, trong trường hợp người để lại di sản có di chúc để lại

- Người để lại di sản mang quốc tịch của Việt Nam: Theo quy định của BLDS năm 2005, nếu người để lại di sản là người Việt Nam thì toàn bộ vấn đề về thừa kế di sản của họ được áp dụng luật pháp của Việt Nam để giải quyết (Trừ trường hợp di sản để lại là bất động sản ở nước ngoài tại thời điểm mở thừa kế). Do vậy, việc xác định hình thức, nội dung và tính hợp pháp của di chúc cũng như các thủ tục công bố di chúc, thanh toán và phân chia di sản được thực hiện hoàn toàn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Có thể xảy ra một số tình huống sau:

+ Di chúc được lập và đã được công chứng, chứng thực theo đúng các quy định pháp luật. Nếu trong di chúc có chỉ định người có trách nhiệm tiến hành công bố di chúc và thực hiện việc phân chia di sản thì họ có trách nhiệm thực hiện việc công bố di chúc và thanh toán, phân chia di sản. Nếu di chúc không chỉ ra người thực hiện việc này thì chính những người thừa kế theo nội dung của di chúc thoả thuận cử người làm việc này hoặc họ tự thoả thuận và lập văn bản thoả thuận phân chia di sản theo nội dung của di chúc tại Phòng Công chứng, Phòng tư pháp hoặc cơ quan ngoại giao có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Như vậy, căn cứ vào nội dung của di chúc và để đảm bảo an toàn pháp lý cho ngân hàng khi tiến hành giao lại di sản của người chết (khách hàng gửi tiền tại ngân hàng), ngân hàng có thể yêu cầu những người thừa kế tiến hành những công việc thanh toán và phân chia di sản theo nội dung của bản di chúc tại cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Văn bản được công chứng có giá trị thi hành (Điều 14, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP). Ngoài ra, theo quy định của Điều 80, Bộ luật Tố tụng dân sự thì những tình tiết, sự kiện được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp thì không phải chứng minh nên ngân hàng có thể tin cậy và tiến hành việc giao lại tài sản cho những người thừa kế theo nội dung văn bản thoả thuận phân chia di sản do những người được thừa kế đã lập và bản sao di chúc được cấp cho những người thừa kế.

+ Trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp hoặc rơi vào những trường hợp phải tiến hành thanh toán và phân chia di sản theo quy định của pháp luật thì lúc này, ngân hàng có thể yêu cầu những người thừa kế tiến hành thoả thuận phân chia di sản tại Phòng Công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực văn bản thoả thuận phân chia di sản. Dựa trên văn bản do những người thừa kế lập và được các cơ quan này chứng nhận, chứng thực thì ngân hàng cũng có thể tiến hành giao lại tài sản cho những người thừa kế.

+ Trong trường hợp có người thừa kế khởi kiện về quyền thừa kế và thanh toán phân chia di sản tại toà án thì ngân hàng yêu cầu những người thừa kế phải thực hiện theo đúng các thủ tục tố tụng dân sự tại toà và chờ bản án, quyết định có hiệu pháp luật của toà án. Trong thực tế không hiếm những trường hợp như vậy, kể cả trong trường hợp có di chúc hoặc những người thừa kế thống nhất rất cao về việc thanh toán và phân chia di sản. Nhiều trường hợp Phòng Công chứng thực hiện việc chứng nhận thoả thuận phân chia di sản theo yêu cầu của những người thừa kế, nhưng qua kiểm tra, xác minh nhân thân cũng như thực hiện việc niêm yết công khai đã phát hiện thêm người thừa kế mới, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế. Lúc này, những người thừa kế mới, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến di sản thường sẽ chọn cách giải quyết là khởi kiện tại toà án để giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi đó, quyết định hoặc bản án có hiệu lực thi hành của toà án sẽ là căn cứ để NHTM tiến hành giao lại tài sản của người chết cho người được thừa kế.

- Trong trường hợp người để lại di sản là người nước ngoài (Không mang quốc tịch Việt Nam tại thời điểm mở thừa kế) thì pháp luật được áp dụng trong trường hợp này không hoàn toàn là pháp luật của Việt Nam (Điều 767, BLDS năm 2005). Toàn bộ các vấn đề về thừa kế, hàng thừa kế, điều kiện có hiệu lực của di chúc, thanh toán và phân chia di sản v.v. đều được thực hiện theo pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch, chỉ trừ trường hợp nếu người để lại di sản lập di chúc tại Việt Nam thì bản di chúc đó phải tuân thủ điều kiện về hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật Việt Nam (Điều 768 của BLDS 2005) hoặc trong trường hợp pháp luật của nước đó dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của Việt Nam thì khi đó, pháp luật của Việt Nam sẽ được áp dụng. Trong trường hợp này, những người được hưởng di sản phải xuất trình cho ngân hàng các văn bản, giấy tờ về việc thanh toán, phân chia di sản được lập theo quy định của pháp luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch theo nội dung của di chúc. Để đảm bảo an toàn pháp lý trong trường hợp này, tốt nhất ngân hàng nên yêu cầu những văn bản đó phải được hợp pháp hoá lãnh sự và được dịch sang tiếng Việt, có công chứng. Ngân hàng có thể tiến hành công tác xác minh con dấu, chữ ký của cơ quan nước ngoài tại Cục Lãnh sự ngoại giao - Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Căn cứ vào những văn bản nói trên, ngân hàng có thể tiến hành giao lại tài sản của người chết cho những người thừa kế.

Thứ hai, trong trường hợp người để lại di sản không có di chúc

- Người để lại di sản là người Việt Nam:

Trong trường hợp này, áp dụng theo pháp luật của Việt Nam, những người thừa kế buộc phải tiến hành việc thoả thuận phân chia di sản tại cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại toà án để xác định phần di sản và nghĩa vụ phải thực hiện của mỗi người. Ngân hàng có thể căn cứ vào những văn bản này để tiến hành giao lại tài sản của người chết cho những người thừa kế.

- Trong trường hợp người để lại di sản là người nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam):

+ Nếu người để lại di sản không tồn tại quan hệ hôn nhân tại thời điểm mở thừa kế.

Theo quy định của Điều 767, BLDS thì việc xác định hàng thừa kế, người được hưởng di sản, phần được hưởng của mỗi người, luật áp dụng hoàn toàn tuân thủ theo các quy định của pháp luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch. Ngân hàng chỉ có thể yêu cầu những người thừa kế tiến hành việc thanh toán và phân chia di sản theo pháp luật của nước đó mà thôi. Trên cơ sở các văn bản mà họ cung cấp và ngân hàng kiểm tra xác minh tính hợp pháp của các văn bản này thì có thể tiến hành giao tài sản của người chết cho những người thừa kế.

+ Trong trường hợp tại thời điểm phân chia di sản mà họ tồn tại quan hệ hôn nhân với người mang quốc tịch Việt Nam thì trong trường hợp này, cần xem xét các yếu tố khác như nguồn gốc tài sản, thời điểm kết hôn, luật được các bên lựa chọn khi tiến hành đăng ký kết hôn, giữa họ có tồn tại thoả thuận chia tài sản chung hay không hay có thoả thuận nào khác về tài sản hay không? Vì rất nhiều quốc gia không có chế định tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trong khi đó, người để lại di sản lại không mang quốc tịch Việt Nam.

Lúc này, cần xác định được di sản thừa kế là gì? Nếu di sản để lại được xác định là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì người vợ hoặc chồng của người đã chết có thể yêu cầu toà án tiến hành phân định phần tài sản mà họ được hưởng trong khối tài sản chung (nếu có) trước khi tiến hành các thủ tục về thừa kế di sản. Bởi như đã nói, trong vấn đề thừa kế, có hai vấn đề cần xác định: Di sản để lại là gì? Luật được áp dụng trong trường hợp họ không mang quốc tịch Việt Nam từ đó mới có thể xác định được hàng thừa kế, các thủ tục cần thiết khi tiến hành thanh toán và phân chia di sản.

Như vậy, để đảm bảo an toàn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thừa kế, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và cũng để tránh những rủi ro cho ngân hàng về mặt pháp lý. Khi xử lý vấn đề và tài sản của người chết hiện đang gửi tại các ngân hàng cần phải xem xét rất kỹ yếu tố quốc tịch của người để lại di sản. Mặt khác, ngân hàng cũng không thể theo yêu cầu của một phía vợ hoặc chồng để giao lại một phần tài sản của người đã chết với lý do họ đang tồn tại quan hệ hôn nhân tại thời điểm mở thừa kế, ngân hàng cũng không thể dựa vào sự thoả thuận của những người thừa kế (kể cả trong trường hợp có di chúc và di chúc chỉ định rất rõ người được hưởng di sản, phần di sản họ được hưởng) để giao lại tài sản cho những người thừa kế. Mặt khác, còn có thể phát sinh những nghĩa vụ mà người chết để lại và theo quy định pháp luật của hầu hết các nước cũng như luật của Việt Nam thì trước khi di sản được đem chia cho những người thừa kế, khối di sản này phải thanh toán cho những nghĩa vụ mà người chết để lại trước (Điều 683, BLDS 2005). Những người thừa kế chỉ được hưởng di sản trong phần tài sản còn lại mà thôi.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 17 NĂM 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét