Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Putler và Điếu Xì Gà của Hillary


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140426

Putin có thể là Hitler, nhưng ai sẽ là Churchill?  

Dân Ukraine biểu tình chống "Putler"
















Đúng năm năm sau, Hillary Clinton có dịp bật lại cái nút của mình với Vladimir Putin và nhắc nhở thiên hạ về lịch sử.

Hãy nói về cái nút đã!

Vừa lên nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã muốn cải thiện quan hệ với Liên bang Nga, khi ấy vẫn do Putin lãnh đạo trong vai trò Thủ tướng, ở đằng sau mà thật ra là trên đầu Tổng thống Dmitry Medvedev, một thuộc hạ thân tín của ông trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống. 

Qua lời phát biểu của Phó Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ muốn "bật lại cái nút", mà, như thông lệ, Biden lại nói sai - là "reset".

Số là máy móc điện cơ hay điện tử vẫn có cái nút gọi là "reset" để tắt máy và bật lại một chu trình mới. Việc bật lại thường được nói cho rõ là "reset the button". Quý bà nội trợ có thể mò dưới đáy cái máy xay rác trong bếp thì sẽ thấy một cái nút đỏ như vậy để bấm khi máy bị kẹt. Miễn là nhắc ông chồng rút tay ra khỏi ống thoát rác!

Chuyện quốc gia quốc tế thì trọng đại hơn việc tề gia hoặc xay rác. Chính quyền Obama nghĩ đến việc "bật lại" hay đưa quan hệ Mỹ-Nga qua một chu trình mới.

Nếu muốn tìm hiểu cho kỹ thì có lẽ khái niệm "reset" xuất phát từ sáng kiến của một lò trí tuệ thiên tả năm 2007. Đó là khi trung tâm Center for American Progress gồm toàn nhân vật tham mưu của Bill Clinton rồi Barack Obama đề nghị một đối sách khác của Hoa Kỳ với quốc tế. Họ gọi đó là "strategic reset", để ra khỏi những sai lầm của Chính quyền George W. Bush.

Hoa Kỳ triệt để hòa giải để hòa hợp với thiên hạ và quay về cải tạo xã hội của mình. Sau Obama và Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đưa đối sách vào áp dụng.

Nôm na là bật nút!

Ngày 26 Tháng Hai năm 2009, bà tặng vị tương nhiệm trong Chính quyền Nga là Ngoại trưởng Sergei Lavrov cái hộp có nút đỏ ghi chữ "Reset" bằng Anh ngữ. Bộ Ngoại giao Mỹ vốn thông thái mà có khi thiếu kẻ thông dịch, nên dịch sai chữ "Reset" qua tiếng Nga là "Peregruzka" làm Lavrov cười ngất. Sai vì không có nghĩa là "reset", mà còn lạc vì hàm ý "nóng máy" hay "quá tải". 

Em lộn nút rồi - Đồng chí vứt mẫu thân nó đi!


Một sự sai lạc mang ý nghĩa tiên tri - hay tiền định! Vụ khủng hoảng Ukraine là một chứng nghiệm....

Năm năm sau, đầu Tháng Ba vừa rồi, Hillary có dịp sửa lại cái sai năm xưa về đối sách với Nga khi phát biểu tại California rằng hành động của Putin tại Crimea gợi nhớ tới Hitler. Là người thông minh, và sắc xảo, Hillary đã nghĩ tới tấm lịch bầu cử năm 2016, khi mình có thể ra tranh cử Tổng thống. Và bị vặn nút.

Nhờ vậy, ta hãy tìm lại Hitler, và thấy ra Putin – cùng nhiều bóng ma khác.


***


Hitler là người yêu nước Đức chẳng kém gì Putin yêu nước Nga. Trong cuốn "Mein Kampf", ông viết ra điều ấy, rất mạch lạc dù chưa thi vị bằng Obama trong cuốn "Dreams from My Father". "From" chứ không phải là of My Father, xin bà con để ý cho.... Muốn hiểu vì sao, xin đọc lại bài của người viết trên cột báo này từ tháng Chín năm 2010 với lời giải thích vì sao đấy là một Tổng thống... chống Mỹ.

Trong cuốn Mein Kampf, Hitler viết về cuộc đấu tranh, chứ không phải những giấc mộng của mình, để thống nhất những ai cùng chia sẻ văn hoá và ngôn ngữ Đức trong một đế quốc, một Reich. Việc thống nhất đó nên tiến hành trong hòa bình và qua thương thảo, nhưng nếu cần thì bằng võ lực, chiến tranh và chinh phục.

Trên nước Đức bị tàn phá sau Thế chiến I, Hitler bước lên vị trí lãnh đạo qua bầu cử và tìm cách hủy bỏ những áp đặt bất lợi của phe Đồng minh trong Hoà ước Versailles khi Đức bị khuất phục vào năm 1918. Bước đầu tiên là đưa quân vào vùng phi quân sự Rhineland. Và để lại đó khi các nước Anh Pháp trong phe Đồng minh vẫn nín thinh. Quân sự hóa một vùng phi quân sự là hành động đáng ngại, mà chưa ai thấy là đáng lo.

Bước kế tiếp là Hitler cho quân tiến vào vùng Anschluss của một nước nói tiếng Đức, là nước Áo. Từng là thần dân của một Đế quốc bị gẫy càng, dân Áo hoan hỉ làm công dân của Đế quốc Đức trong khi phe Đồng minh vẫn nín lặng. Trưởc vẻ nhu mềm đó, Hitler bèn tiến tới.

Lãnh thổ Tiệp Khắc Czechoslovakia có deo đất Sudetenland là nơi ngụ cư bất đắc dĩ của dân nói tiếng Đức. Hitler đưa quân vào "bênh vực" những người yếu thế này, và đạt thỏa thuận với phe Đồng Minh tại Thượng đỉnh Muchen năm 1938. Đại diện cho phe Đồng Minh trong việc thương thuyết là Thủ tướng Neville Chamberlain của Anh. Ông ta biện bạch rằng Hitler chỉ muốn bảo vệ người Đức trên đất Sudenten mà thôi.

Huề cả làng. Được vài tháng.

Đầu năm 1939, xứ Tiệp Khắc mất đất Sudentenland thì hết đường chống cự trước sức ép của Hitler. Không mất một viên đạn, Hitler đã mở rộng lãnh thổ để cứu dân Đức. Lúc ấy phe Đồng minh mới tá hoả và Ba Lan tuyệt vọng. Các nước lật đật ký kết một hiệp ước phòng thủ với Ba Lan. Nhưng Putin, à quên Hitler, vẫn có lý do rất chính đáng.

Đó là nhu cầu bảo vệ dân Đức tại Ba Lan, trước tiên là trong hải cảng Danzig sau này nổi danh với nhân vật Lech Walesa. Tháng Chín năm 1939, Hitler đưa quân vào Ba Lan, phe Đồng minh hết đất lùi và đành nổ súng.
Thế chiến II bắt đầu, và máu đổ thịt rơi tới mức kỷ lục, nếu ta bỏ qua những kỷ lục tự biên tự diễn của Stalin và Mao Trạch Đông....

Khi nhớ lại, nếu các nước sớm có phản ứng từ đầu, từ việc quân sự hóa vùng Rhineland, có lẽ Hitler chưa hít đã lật. Và thế giới có thể tránh được Thế chiến II. Nhưng khi đó, lý luận dũng cảm như vậy vẫn là thiểu số. Winston Churchill cô đơn, mang tiếng chủ chiến. Còn lại là một bầy cừu....

Bây giờ đến chuyện tái sinh.


***


Là một sĩ quan mật vụ Liên Xô, Vladimir Putin chứng kiến sự tan rã rồi sụp đổ của Liên bang Xô viết trong quãng thời gian từ 1989 đến 1991. Với ông thì đấy là tai họa có tầm quan trọng nhất của Thế kỷ 20, như ông đã phát biểu năm 2005. Lên lãnh đạo Liên bang Nga từ năm 2000, ông tiếp nhận di sản Xô viết là 1) bộ máy chiến tranh với kho võ khí hạch tâm rất lớn và 2) hệ thống năng lượng dầu khí của một lãnh thổ bát ngát.

Ông sử dụng hai di sản này để thu hồi lại ảnh hưởng đã mất của Đế quốc Xô viết, trước hết là tại vùng biên vực mà thiên hạ gọi là Đông Âu. Tiện thay, các quốc gia nhỏ yếu hơn trong vùng biên vực đều không có võ khí hạch tâm.

Riêng Ukraine thì đã trả lại võ khí chiến lược ấy để đổi lấy lời cam kết là Nga tôn trọng quyền độc lập của mình. Qua Hiệp ước Budapest năm 1994, lời cam kết của Nga được sự ủng hộ và bảo trợ của các nước Tây phương, hậu thân của "phe Đồng minh" ngày xưa. Đứng đầu vẫn là Anh, Pháp.

Chuyện thứ hai, tại vùng biên vực này và còn xa hơn về hướng Tây, các nước đều cần tới năng lượng của Nga. Putin lại khéo mời chào với giá tương đối rẻ, tội gì mà sản xuất lấy hoặc mua ở nơi khác? Liên bang Nga trở thành nhà cung cấp số một, với những đề nghị sặc mùi Bố Già Vito Corleone - "khó từ chối được".

Nhưng, vì quên bẵng Hitler và lý luận Mein Kampf, các nước Tây phương không mấy chú ý đến một di sản thứ ba của Liên Xô thời xưa. Đó là sự hiện diện của kiều dân Nga, hay nhiều cộng đồng "Nga thoại", nói tiếng Nga hoặc thấm nhuần văn hóa Nga. Sau khi các nước Đông Âu được "giải phóng" và đi theo chế độ dân chủ, thành phần dân số Nga thoại xưa kia tự coi là siêu hạng trong hệ thống Nga Xô lại thấy tụt dốc thành công dân hạng hai, là dân thiểu số có màu sắc Nga la tư.

Là người yêu nước Nga, Putin khai thác tâm lý đó trong cộng đồng Nga, trước tiên là tại các nước tiếp cận với lãnh thổ Nga. Đó là ba nước Cộng hoà Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania), rồi Georgia, Ukraine và Moldovia. Sau đấy sẽ là Ba Lan và các quốc gia còn lại.

Tại Đông Âu, dân thiểu số gốc Nga không bị bạc đãi, nhưng nhiều người luyến tiếc cái thời vàng son mà họ có thể hét ra lửa dưới lá cờ Xô viết. Họ coi Putin là cứu tinh. Ngôi sao vàng rực rỡ....

Vì vậy, việc Putin thôn tính Crimea bằng ba lợi thế là sức mạnh quân sự, võ khí năng lượng và thiểu số Nga thoại, chỉ là bước nối tiếp những gì đã làm vào năm 2008 tại hai khu vực tự trị của Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia. Để sẽ tiếp tục ở nơi khác.

Khi cơ sự bùng nổ tại Ukraine và bóng dáng Hitler xuất hiện đằng sau Putin, dân Ukraine đã tặng hỗn danh "Putler" và bộ ria rất hài cho tân Đại đế.

Nhưng các nước Tây phương lại gặp toàn những Neville Chamberlain tái sinh. Ban tam ca Pháp Anh Đức đồng ca bản "hiếu hòa". Từ Tổng thống Pháp François Hollande tới Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tuyên bố ngay từ đầu là sẽ không dùng võ lực để bảo vệ Ukraine. Và nếu có phải trừng phạt Putin về kinh tế thì cũng đừng nên gây thiệt hại cho mình! Làm sao dung hòa hai nhu cầu trái ngược đó?

Vì vậy, với Putler, lời hăm của Âu Châu không đáng sợ.

Khốn thay, đằng sau ba nước đồng minh, Hoa Kỳ là thế lực duy nhất khả dĩ ngăn được Putin lại do Obama lãnh đạo. Ngoài thuật hùng biện có thể "đẩy sóng ra khơi, nối chân trời gần lại", Obama còn có cái tài là biến những người như Jimmy Carter hay Neville Chamberlain thành... diều hâu!

Không nói chuyện võ mà chỉ dùng văn, Obama vẫn chưa vận động được võ khí năng lượng để hóa giải sức ép của Putin. Dầu khí của Mỹ chưa thể cấp cứu Ukraine hay Âu Châu ra khỏi vòng phong tỏa của Putler. Hay là phải quan niệm lại cái lẽ chiến hòa và mở ra cuộc thi đua võ trang như bọn diều hâu Cộng Hoà?

Đấy là lúc Hillary nghĩ đến cái nút sẽ bật lại khi nhắc mọi người về thành tích của Hitler và nghĩ đến chân trời 2016.

Hãy tưởng tượng đến một Hillary Clinton lẫm liệt trong ngày tranh cử với trang phục của một người hùng Winston Churchill! Nếu có thiếu cái điếu xì gà thì đã có ông nhà cho mượn....

Hài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét