Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140402
Diễn đàn Kinh tế
Khi kinh tế Nga suy thoái thì Putin hết tiền khuynh đảo tài chính
Khi dư luận thế giới theo dõi biến chuyển vừa có tính cách an ninh, quân sự vừa ngoại giao giữa Liên bang Nga và các nước Tây phương về cục diện tại Ukraine, có một trận đấu khác đã diễn ra âm ỉ với những lẽ được thua ít ai nhìn thấy. Đó là trận địa tài chính. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu quy quy luật lời lỗ và chìm nổi của trận đánh này qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Xin quý vị theo dõi Vũ Hoàng đặt vấn đề như sau:
“Phóng tài hóa để thu nhân tâm”
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, một số người cho rằng vụ khủng hoảng Ukraine có thể đã bùng nổ từ Tháng 12 năm ngoái khi Liên bang Nga cho Chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych vay 15 tỷ đô la dưới hình thức mua trái phiếu và còn giảm giá dầu khí bán cho Urkaine đến 33%. Giải pháp tài chính đó mới khiến ông Yanukovych hủy bỏ việc ký kết Hiệp ước Thương mại và Hợp tác với Âu Châu làm dân chúng biểu tình phản đối, dẫn tới việc ông ta ra quyết định đàn áp và bắn sẻ nên mới bị Quốc hội truất phế. Từ đó, Tổng thống Vladimir Putin của Nga mới tung biện pháp uy hiếp Ukraine và thôn tính luôn bán đảo Crimea. Sau đấy, mâu thuẫn bùng nổ giữa Liên bang Nga và các nước Tây phương về số phận và nền độc lập của Ukraine, thể hiện qua những biện pháp trừng phạt tài chính của Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ.
Thưa ông, nhắc lại bối cảnh, chúng tôi xin đề cập tới một loại võ khí ngầm ngầm là tiền bạc. Độc giả của chúng ta có thể muốn biết là ai được và ai thua trong trận đánh tài chính đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu lịch sự thì ta dùng ngạn ngữ Á Đông là ông Putin muốn "phóng tài hóa để thu nhân tâm", hoặc nói cho phũ phàng là dùng tiền bạc lung lạc xứ khác, và tiền chỉ là phương tiện mà thôi. Vì thế, chúng ta cần tính điểm lời lỗ theo một tiêu chuẩn khác.
Nếu lịch sự thì ta dùng ngạn ngữ Á Đông là ông Putin muốn "phóng tài hóa để thu nhân tâm", hoặc nói cho phũ phàng là dùng tiền bạc lung lạc xứ khác, và tiền chỉ là phương tiện mà thôi. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Tôi lấy ví dụ trong vụ Ukraine là khi biến động bùng nổ thì hôm 13 Tháng Giêng cựu Tổng trưởng Tài chính của Nga là Alexei Kudrin đã cảnh báo rằng nếu Ukraine không cải tổ kinh tế mà được vay như vậy từ một quỹ đầu tư của Nga thì quỹ này sẽ bị rủi ro mất tiền. Ngay hôm sau Bộ Tài Chính Nga thông báo quỹ đầu tư này bị lỗ 763 triệu đô la trong Tháng 12, còn quỹ An sinh thì lỗ mất hơn 660 triệu đô la. Ví dụ nói trên làm nổi lên ba chuyện.
- Đầu tiên, giới chức Nga biết rõ sự bất trắc kinh tế và bất toàn tài chính đầy tham ô của Ukraine dưới triều Yanukovych. Điển hình là sau khi ông ta đào thoát qua Nga thì chính quyền lâm thời tại Kyiv mới phát giác là trong bốn năm chấp chánh của ông ta, cỡ 70 tỷ đô la bị tẩu tán và công khố có 37 tỷ cho vay ra mà biến mất tiêu. Thứ hai, các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hay Ngân hàng Thế giới, hoặc các chính quyền hay ngân hàng thương mại Tây phương không thể cho một chế độ như vậy vay tiền mà phải đặt điều kiện sử dụng và hoàn trái rõ ràng. Thứ ba, vậy mà Putin vẫn tài trợ các nước này thì hiển nhiên là ông ta nhắm vào mục tiêu khác biệt với chuyện lời lãi. Kết luận ngắn gọn ở đây là Nga đưa ra các dự án cho vay với chủ đích tranh thủ các nước Đông Âu, và ở trong là các nước Trung Âu. Mục tiêu là chiến lược, tài chính chỉ là phương tiện.
Vũ Hoàng: Như vậy thì Ukraine không là ngoại lệ mà nằm trong trào lưu mua chuộc của Nga hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cho đến khi vụ Ukraine bùng nổ, người ta mới thấy Liên bang Nga đã có chiến lược tung tiền tài trợ để lôi kéo các nước trong vùng biên vực. Nhìn từ Bắc xuống Nam, các nước như Belarus, Ukraine, Hungary, Serbia, Bulgaria, thậm chí cả Cyprus, đều được Nga cho vay với điều kiện ưu đãi mà bất kể rủi ro mất vốn. Chúng ta sẽ lần lượt điểm danh các quốc gia này.
- Belarus là nước chư hầu giữ vị trí địa dư và chính trị then chốt giữa Liên bang Nga và các nước trong Minh ước NATO, từ vùng Baltic tới Ba Lan và Ukraine. Cuối năm ngoái, chính ông Putin công bố quyết định cho Belarus vay hai tỷ đô la trong kỳ hạn 10 năm. Cũng năm ngoái, Ukraine được hứa cho vay 15 tỷ và ba tỷ đã chi ra để mua trái phiếu cho tới khi Yanukovych bị lật. Một xứ dân chủ và e ngại Nga là Hungary còn được Putin o bế và ngày 14 Tháng Giêng vừa qua được vay tới định mức gần 14 tỷ trong 30 năm để nâng cấp nhà máy hạt nhân và giữ chân đứng của Nga trong khu vực năng lượng.
- Thứ tư là xứ Serbia, dù muốn giữ thế hợp tác với cả Âu lẫn Nga, cũng được cho vay tỷ rưỡi kể từ đầu năm ngoái để tài trợ thiếu hụt ngân sách, canh tân hệ thống vận tải và thực hiện dự án lập ống dẫn khí ở mạn Nam, gọi là South Stream. Thứ năm là xứ Bulgaria, được chiếu cố để góp phần tiến hành dự án ống dẫn South Stream nhằm bán khí đốt vào thị trường Âu Châu qua ngả khác. Sau cùng, dù là xứ hải đảo rất nhỏ đang bị khủng hoảng, Cộng hoà Cyprus hay Síp như lối gọi của Việt Nam cũng được Nga tung tiền và giảm lãi suất đề nâng đỡ. Những thí dụ nói trên cho thấy Nga chẳng sợ lỗ mà cố dùng tiền tranh thủ các nước tiếp cận để xây dựng vùng trái độn cho mình.
Nghịch lý hai chiều
Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, một tỷ nơi này vài tỷ nơi kia thì cộng lại cũng là khoản tiến lớn. Mà kinh tế Nga đang bị suy trầm với tốc độ tăng trưởng năm qua chỉ có 1,3% và kỳ trước ông còn nói đến nguy cơ vỡ nợ của 63 địa phương Nga đã đi vay quá sức hoàn trả. Đã vậy, Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo hôm 26 rằng năm nay kinh tế Nga không có triển vọng sáng sủa và có thể gặp kịch bản họ gọi là "rủi ro cao" là kinh tế không tăng trưởng được tới 1,1% như dự báo mà còn sụt 1,8%. Trong hoàn cảnh đó thì ông Putin lấy tiền đâu ra để phóng tài hóa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thấy câu hỏi rất hay vì giúp ta lượng định rủi ro khi đôi bên, là Nga và các nước Tây phương, bước vào trận đấu lực về kinh tế tài chính với nhau vì vụ Ukraine. Trước hết, xin nhắc chuyện xưa để mình hiểu ra cách cân nhắc rủi ro của đôi bên.
Nếu đôi bên cùng leo thang thì tác dụng mạnh nhất sẽ là làm kinh tế Nga không chỉ suy trầm mà còn suy thoái. Tức là không tăng trưởng chậm hơn mà còn sụt đà tăng trưởng theo số âm. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Khi còn là sĩ quan tình báo, ông Putin đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991 mà ông cho là "đại họa của thế kỷ". Bước vào vị trí cầm quyền từ năm 1999, ông ta khó quên gần 10 năm hỗn loạn của Liên bang Nga với tài sản quốc gia bị một thiểu số tẩu tán hoặc thu vét trong khi quốc gia vỡ nợ vào năm 1998 do hiệu ứng của khủng hoảng Đông Á. Vì vậy, khi lãnh đạo từ đầu năm 2000, ông Putin triệt để thâu tóm cả quyền lực lẫn tài chính vào trong tay chính quyền của mình.
- Sau đó thì chính trị có ổn định, kinh tế khởi sắc nhờ năng lượng lên giá và nhờ hợp tác với các doanh nghiệp và ngân hàng Tây phương. Phải chăng Putin cho là có thể phản công để thu hồi ảnh hưởng đã mất từ thời Xô viết, như người ta đã thấy trong vụ khống chế Georgia năm 2008? Nhưng ngay sau đó lại có một vụ khủng hoảng khác do nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009.
- Số là năm 2009, hậu quả khủng hoảng tài chính bên Âu và Mỹ khiến sản lượng kinh tế Nga bị sụt 8%, là con số suy sụp nặng nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Trong có vài tuần, thị trường chứng khoán Nga mất toi cả ngàn tỷ đô la, doanh nghiệp, ngân hàng và cả nhà nước Nga đều điêu đứng. Đấy lại là lúc các ngân hàng Tây phương tháo chạy khỏi thị trường Nga và trở về đối phó với những khó khăn ở nhà. Hậu quả là một nghịch lý hai chiều rất đáng chú ý.
Vũ Hoàng: Ông vừa tóm lược một chuỗi biến động trong hai chục năm và nói đến một nghịch lý hai chiều, điều ấy có nghĩa là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu được giải phóng và hội nhập với Âu Châu, họ phát huy kinh tế thị trường và xây dựng dân chủ. Các chính quyền và ngân hàng Tây phương mở rộng hợp tác với Nga trong tinh thần lạc quan tương tự, là góp phần cải tạo kinh tế Nga, với quy cách làm ăn trong sáng minh bạch của khu vực tư doanh. Nhờ đó mà còn có thể kéo Nga theo trào lưu dân chủ và kinh tế thị trường. Thế rồi vụ khủng hoảng năm 2009 tại Nga và năm 2010 trong khối Euro là gáo nước lạnh xối thẳng vào lý tưởng đó. Chẳng những vậy, biến động Âu Châu còn khiến ông Putin nghĩ là đã có cơ hội tái diễn việc khuynh đảo Georgia trên một quy mô lớn gấp bội, là Ukraine. Đấy là một nghịch lý bất ngờ cho những ai nuôi ảo tưởng là cải tạo kinh tế sẽ dẫn tới cải cách chính trị cho dân chủ.
- Nghịch lý kia là khi các ngân hàng Tây phương bị chấn động, các đại gia tài phiệt Nga bị mất vốn và cũng tháo chạy ra ngoài thì doanh nghiệp Nga trông cậy vào đâu? Câu trả lời là vào nhà nước. Tức là khủng hoảng và tổng suy trầm tại các nước Tây phương dẫn tới hậu quả ngược ở tại Nga, là càng lánh xa kinh tế thị trường và càng củng cố chế độ tập quyền, của nhà nước, tập đoàn kinh tế và ngân hàng của nhà nước. Khi ấy, ta hiểu vì sao mà trung ương nắm chặt ngân sách và để các địa phương mắc nợ ngập đầu như mình đã trình bày tuần trước. Khi tập trung phương tiện như vậy rồi thì ông Putin cho là có thể tung tiền hoặc đưa các tập đoàn kinh tề nhà nước như Gasprom nhằm lung lạc xứ khác. Kết luận lý thú ở đây là hai phe đều muốn tác động bằng quyền lực là tiền bạc.
Vũ Hoàng: Khi đó ta trở lại chuyện cơ bản là đôi bên đang đánh trận tài chính như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bước đầu, các nước Tây phương đánh vào túi tiền của tài phiệt Nga để làm suy yếu hệ thống chính trị của Putin. Nếu đôi bên cùng leo thang thì tác dụng mạnh nhất sẽ là làm kinh tế Nga không chỉ suy trầm mà còn suy thoái. Tức là không tăng trưởng chậm hơn mà còn sụt đà tăng trưởng theo số âm. Trong khi đó, kinh tế Nga vốn đã suy yếu sẽ chẳng cầm cự được lâu. Việc tung tiền mua chuộc các nước trong vùng biên vực như chúng ta phân tích ở trên sẽ khó tái diễn. Ngược lại, Nga sẽ hết tiền đầu tư để hiện đại hóa kinh tế, dù là theo định hướng của nhà nước Putin, mà còn bị khủng hoảng ngân sách như đã từng bị năm 2009. Nếu năng lượng lại sụt giá nữa thì tình hình còn bi đát hơn nhiều.
- Để kết luận, tôi trộm nghĩ là trong 14 năm cầm quyền vừa qua, chưa khi nào ông Putin có cái thế mạnh như hiện nay, nhưng cái lực lại tiêu hao dần cho tới khi kinh tế khủng hoảng làm hệ thống chính trị bị lung lay. Vì lẽ ấy mà mình rất nên theo dõi trận địa tài chính đầy hấp dẫn này.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét