Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Kích Thích Kinh Tế

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140423
Diễn đàn Kinh tế 

Nhà nước kích cầu, nhà giàu rất sướng và nhà nghèo lại khổ  


Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (ảnh minh họa)
* Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (ảnh minh họa) RFA files* 
 


Nghe bài này


Kinh tế Việt Nam đang có một số dấu hiệu đình đọng có thể giảm đà tăng trưởng và gây ra tình trạng suy trầm. Trước sự thể đó, một số kinh tế gia trong nước nói đến việc Chính phủ nên có một gói hỗ trợ kinh tế qua biện pháp kích cầu trong khi nhiều người lại nêu ra những yếu tố khiến người ta nên thận trọng về kích cầu. Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về việc kích cầu này. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra một báo cáo có nội dung lạc quan về tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương trong năm nay và năm tới thì tại Việt Nam, người ta lại thấy một vài chỉ dấu đình đọng, gọi là giảm phát hay thiểu phát về kinh tế Việt Nam. Vì thế, có người đã nói đến việc Chính phủ phải hỗ trợ kinh tế bằng một gói kích cầu, nhưng nhiều nhà nghiên cứu kinh tế lại cho là nên cẩn trọng với việc kích cầu và tránh chuyện lợi bất cập hại. Trên diễn đàn này, ông cũng thường nói tới một hiện tượng là "liều thuốc đổ bệnh" khi nhà nước chẩn đoán sai và tung ra biện pháp kinh tế với hậu quả bất lường và có hại. Vì vậy, xin đề nghị ông nêu ý kiến về chuyện kích cầu này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi rất thận trọng khi đề cập đến việc này và sẽ đi từng bước để thính giả của chúng ta hiểu ra sự hợp lý trong tiến trình quyết định về chính sách can thiệp kinh tế.
-
 Tôi cho rằng ta nên ý thức được hoàn cảnh bất thường của việc quản lý kinh tế ở cấp quốc gia khi kinh tế toàn cầu đang ở vào tình trạng phục hồi vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm biến động và trước những nguy cơ khủng hoảng khác, về cả an ninh lẫn kinh tế. Chẳng hạn như từ chuyện Ukraine đến việc Trung Quốc phải chuyển hướng và Hoa Kỳ điều chỉnh lại chính sách kích thích kinh tế bằng biện pháp tiền tệ. Đó là về bối cảnh cho Việt Nam.

Vũ Hoàng: Nói về bối cảnh cho Việt Nam, ông nghĩ là người ta nên thận trọng như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là tình trạng "mơ hồ" hay ambiguity của hệ thống thu thập thống kê thiếu rõ ràng. Một thí dụ ai cũng nói tới là sự mơ hồ của khối nợ xấu, không sinh lời và sẽ mất của các ngân hàng. Thí dụ khác là dấu hiệu đình trệ kinh tế của Quý một mà có người gọi là "giảm phát" hay "thiểu phát". Người ta thật ra chưa thống nhất ý kiến về các dấu hiệu này.


Một công trình xây khách sạn đang hoàn thành . AFP
Một công trình xây khách sạn đang hoàn thành. AFP


- Thứ hai là tình trạng bấp bênh hay bất định của môi trường kinh tế khiến cho không ai biết chắc là việc gì sẽ xảy ra. Đây là sự thể khách quan của lãnh đạo nhiều nước chứ không riêng gì của Việt Nam. Thứ ba là hiện tượng tôi xin gọi là "trồi sụt bất ngờ" hay "volatile", là khi mà kinh tế toàn cầu đang khúc quanh với giá nguyên nhiên vật liệu, thương phẩm, nông sản và lương thực lẫn tỷ giá đồng bạc có thể thăng giáng khá bất ngờ và gây hậu quả cho kinh doanh và kinh tế. Thứ tư và sau cùng, khi tổng hợp lại thì ta phải thấy rằng sinh hoạt kinh tế có yếu tố phức tạp từ bên trong ra lẫn từ bên ngoài tác động vào, chứ không là một bài toán đơn giản.

- Trong cái khung bốn góc là mơ hồ, bất định, trồi sụt và phức tạp của tình hình, người lãnh đạo kinh tế hoặc lãnh đạo bất cứ một lĩnh vực nào cũng phải nhìn thấy trước những gì mà người khác chưa thấy ra. Rồi từ đó xác định được thực tại và đề ra mục tiêu sẽ phải thi hành. Thông thường thì ta dễ rơi vào hoàn cảnh bất động nên chẳng dám làm gì và càng ở trên cùng thì càng dễ bị tê liệt. Trong khi ở dưới thì nhìn sự thể một cách đơn giản hơn nên tưởng là cứ làm việc này việc kia là xong. Lãnh đạo giỏi là người phải dám làm trên cơ sở của các dữ kiện thật ra chưa hoàn hảo. Đó là về bối cảnh chung, sau đó là mới nói đến kích cầu hay không.

Khi một nền kinh tế còn phương tiện sản xuất dư dôi mà chưa đạt hết công xuất hoặc chưa giải phóng hết tiềm lực và vì vậy bị đình trệ hay suy trầm thì nhà nước có thể can thiệp. Biện pháp can thiệp thông dụng cứ được nói tới là kích thích số cầu trên thị trường - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Nhưng trước hết thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết "kích cầu" là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi đơn giản này thật ra rất hay vì giúp mình hiểu được là đang nói về chuyện gì.

- Trong một giai đoạn khá lâu, người ta cứ cho là kinh tế vận hành theo quy luật tự nhiên và tự động tìm ra một quân bình tối hảo nào đó. Thật ra, kinh tế là kết quả tổng hợp của nhiều quyết định kinh doanh của cả triệu cả tỷ tác nhân, là doanh nghiệp, nhà sản xuất hay giới tiêu thụ và có những chu kỳ lên hay xuống, tăng hay giảm. Khi một nền kinh tế còn phương tiện sản xuất dư dôi mà chưa đạt hết công xuất hoặc chưa giải phóng hết tiềm lực và vì vậy bị đình trệ hay suy trầm thì nhà nước có thể can thiệp. Biện pháp can thiệp thông dụng cứ được nói tới là kích thích số cầu trên thị trường, hay nói cho dễ hiểu là tạo ra sức hút. Nếu số cầu gia tăng thì doanh nghiệp hay con người sẽ tận dụng những phương tiện có sẵn, mà dư dôi vì chưa dùng tới, để nâng cao sản lượng và tạo thêm việc làm tức là gia tăng lợi tức cho người khác.

- Do đó, kích cầu chỉ là kích thích số cầu trên thị trường, để từ đó nâng mức cung và đem lại điều kiện lý tưởng mà ta gọi là "toàn dụng" hoặc tận dụng các phương tiện sản xuất có sẵn.


Một phiên giao dịch
Một phiên giao dịch "đỏ sàn"; tại một công ty chứng khoán Việt Nam trước đây, ảnh minh họa. AFP

Vũ Hoàng: Thưa ông, thế tại sao nhiều người lại nói đến nguy cơ lạm phát của biện pháp kích cầu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì người ta chưa hiểu hai chuyện quan trọng. Thứ nhất là phương tiện sản xuất dư dôi chưa được tận dụng. Nhà máy của tôi có thể sản xuất ra 1000 sản phẩm một ngày nhưng vì thị trường chỉ mua có 800 thì tôi không tận dụng công xuất để làm thêm 200 món hàng sẽ nằm chất đống trong kho. Nếu nhà nước có biện pháp kích cầu là nâng số cầu từ 800 lên 1000 thì nhà máy của tôi sẽ chạy hết công xuất, nhân viên có thêm việc làm và lợi tức.

Khu vực kinh tế nhà nước thì có năng suất kém mà vẫn cứ được nhà nước nâng đỡ và kích thích vì thế lực của các nhóm lợi ích. Họ cần phương tiện của nhà nước qua ngân sách, công chi và các dự án của khu vực công, để đi làm những chuyện không có lợi cho kinh tế quốc dân mà có lời cho họ - Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Thứ hai là chênh lệch cung cầu. Khi phương tiện sản xuất dư dôi ấy không có, như đất đai, thiết bị hay nhân công mà chưa có sẵn hoặc chưa sẵn sàng cho sản xuất mà người ta vẫn kích cầu, tức là vẫn bơm tiền vào kinh tế thì lượng tiền đó không tạo ra sức hút mà người ta trông đợi. Lượng tiền được bơm ra như vậy không khởi động cái nhà máy đã chạy hết công xuất mà chỉ làm nóng máy và gây ra một thất quân bình khác là quá nhiều tiền chạy theo những hàng hóa có giới hạn và đấy là nguyên do lạm phát. Nói chung, biện pháp can thiệp theo lối kích cầu như vậy phải đáp ứng tình hình thực tế để nhất thời khai thông một ách tắc giai đoạn. Khốn nỗi, bơm tiền ra thì dễ, chứ hút vào mới khó và yêu cầu nhất thời thường gây ra tai họa lâu dài.

Vũ Hoàng. Từ sự mô tả đó, ông có thể minh diễn vào hoàn cảnh của Việt Nam như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta để ý thấy là đã có các chuyên gia kinh tế trong nước nêu ra hai vấn đề về kích cầu. Thứ nhất kích thế nào, vào đâu? Thứ hai là không nên kích dàn trải hoặc lại chạy theo nhu cầu của một số nhóm lợi ích thì lợi bất cập hại.  


Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi cũ kỹ gỉ sét 83M với giá hơn 24 triệu USD
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi cũ kỹ gỉ sét 83M với giá hơn 24 triệu USD


- Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ta chứng kiến hai chuyện. Đầu tiên là khu vực kinh tế nhà nước thì có năng suất kém mà vẫn cứ được nhà nước nâng đỡ và kích thích vì thế lực của các nhóm lợi ích. Họ cần phương tiện của nhà nước qua ngân sách, công chi và các dự án của khu vực công, để đi làm những chuyện không có lợi cho kinh tế quốc dân mà có lời cho họ. Tiêu biểu mà ai cũng thấy là chuyện Vinashin hay Vinalines. Khi ấy, kích cầu chỉ là biện pháp nuôi béo thành phần này và phí tổn của biện pháp đó thì người khác phải gánh qua nạn bội chi ngân sách chẳng hạn. Vì vậy người ta mới hoài nghi chuyện kích cầu. Thật ra, nhà nước càng kích cầu thì dân càng khổ, chỉ có tay chân của nhà nước là sướng.

- Chuyện thứ hai là bên dưới hệ thống kinh tế nhà nước, cả triệu xí nghiệp tư nhân thì khốn đốn vì thiếu phương tiện cho sản xuất, thí dụ như vay tiền không được, hoặc phải vay với cái giá rất đắt từ tay chân của nhà nước. Ai cũng biết và nói rằng tư doanh mới tạo ra nhiều việc làm hơn và có hiệu năng đầu tư cao hơn là quốc doanh, tức là tốn ít mà lời nhiều về kinh tế. Nhưng tư doanh lại chết lâm sàng vì bị quốc doanh ớm bóng. Tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là "kích cầu" mà "kích cung".
Để tư doanh góp phần nâng cao khả năng cung ứng, tức là làm ăn được dễ dàng và có lời. Muốn như vậy thì không chỉ có biện pháp nhất thời và vô dụng là giảm thuế theo một kỳ hạn nhất định mà phải giản lược hoá thủ tục hành chính và gia tăng mức độ minh bạch trong sáng của luật lệ kinh doanh để giải trừ được nạn tham nhũng Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu rằng ông bắt đầu đi vào giải pháp. Thưa ông, thế nào là kích cung?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta biết rằng nhà nước cần và nên can thiệp vào kinh tế để tạo điều kiện phát triển hài hòa qua tăng trưởng có phẩm chất - chứ không nên chú mục vào mức tăng trưởng và sùng bái tốc độ tăng trưởng.

- Khi can thiệp thì nhà nước có thể nhắm vào về cầu để nhất thời tạo sức hút cho doanh nghiệp có sẵn phương tiện sản xuất dư dôi mà chưa dùng hết. Nhưng nhìn trong trường kỳ thì nhà nước còn phải nhắm vào vế cung, là khai thông những ách tắc để đẩy mạnh khả năng cung ứng. Tại Việt Nam, người ta cứ máy móc nói đến chữ "kích cầu" thay cho chữ "kích thích kinh tế" ở cả hai vế cung cầu. Ách tắc của Việt Nam là ở số cung khiến tiềm lực kinh tế mới bị nghẽn.

Vũ Hoàng: Phải chăng ông muốn nhắc tới lý luận hay học thuyết kinh tế gọi là "trọng cung" với biện pháp cắt thuế khá nổi tiếng tại Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của mỗi nước lại mỗi khác nên mình không thể máy móc áp dụng một cách đồng dạng hay đồng hạng được.

- Thông thường, khi kinh tế bị đình trệ hay suy trầm, hoặc tệ hơn vậy là bị suy thoái nghĩa là có mức tăng trưởng thuộc số âm, thì ai cũng có thể nghĩ đến các biện pháp tín dụng là hạ lãi suất và bơm tiền cho vay, hoặc ngân sách là tăng chi hay giảm thuế. Những biện pháp ấy đều có thể công hiệu nhưng luôn luôn di hại với hậu quả bất lường nếu kéo dài quá lâu hoặc bơm không đúng chỗ và thổi lên bong bóng, lại còn tạo ra thói quen vay mượn mà khỏi nghĩ đến lúc trả nợ. Trường hợp của Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy khi ta nhớ đến lượng tín dụng ào ạt bơm ra và gây thất quân bình trong mấy năm trước.

- Tuy nhiên, vẫn nằm trong tinh thần phải nhắm vào vế cung hơn vế cầu, Việt Nam cần khai thông nhiều ách tắc để tư doanh góp phần nâng cao khả năng cung ứng, tức là làm ăn được dễ dàng và có lời. Muốn như vậy thì không chỉ có biện pháp nhất thời và vô dụng là giảm thuế theo một kỳ hạn nhất định mà phải giản lược hoá thủ tục hành chính và gia tăng mức độ minh bạch trong sáng của luật lệ kinh doanh để giải trừ được nạn tham nhũng và bắt bí tư nhân.

- Song song, Việt Nam cần cải cách để giảm thiểu vai trò và sức tác hại của khu vực kinh tế nhà nước và chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng lẫn thủ tục ngân sách để dẹp bớt các dự án được nhà nước tài trợ với lý cớ là kích cầu. Tôi cho rằng lãnh đạo kinh tế xứ này đều biết là cần làm như vậy và từ nhiều năm nay có nói tới cải tổ cơ chế mà chẳng đi tới đâu vì không vượt khỏi rào cản của các trung tâm quyền lợi nằm ngay trong hệ thống kinh tế chính trị của xứ này. Cách hay nhất để kích thích kinh tế là nhà nước nên thu bàn tay của mình về và đừng nói chuyện kích cầu nữa!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét