Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Thủy Triều Rút Về Phương Tây



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140414
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
 
Cái bình thông đáy và sự u mê không đáy trong vụ khủng hoảng hối đoái sắp tới...

* Biện pháp QE quăng tiền vào trật tự tài chính Á Châu - Bây giờ tiền lại rút - còn mệt hơn nữa! * 


Trong khi thị trường Hoa Kỳ chờ đợi một vụ điều chỉnh giá chứng khoán sắp tới, chúng ta có thể nhìn ra ngoài, vào các thị trường của các nước gọi là "đang lên"....

Mọi chuyện có thể xảy ra cách nay một năm, hay năm năm, hoặc còn lâu hơn nữa.

Tháng Năm của năm ngoái và sau năm năm bơm tiền kích thích, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo trước quyết định "vuốt nhọn chính sách tiền tệ" – tapering – khi kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn. Lập tức, các thị trường tài chánh thế giới trôi vào điên đảo. Kể từ đó, sau mỗi kỳ họp của Ủy ban Tiền tệ Hoa Kỳ (FOMC), sáu tuần một lần, Ngân hàng Trung ương Mỹ giảm dần 10 tỷ Mỹ kim trong số tiền bơm ra hàng tháng (là 85 tỷ). Con số 10 tỷ mỗi tháng của nước Mỹ chẳng có là bao so với gần bốn ngàn tỷ được tung ra từ cuối năm 2008, nhưng báo hiệu một chu kỳ mới, làm thế giới chấn động với nguy cơ khủng hoảng hối đoái.

Ta nên tìm hiểu lại chuyện này, để thấy ra mối quan hệ gắn bó giữa các nền kinh tế toàn cầu, ít ra là giữa các nước công nghiệp hoá (tạm gọi là các nước Tây phương, "giàu có") với các nền kinh tế đang phát triển, tạm gọi là các nước "nghèo hơn".


***

Khi Tây phương bị khủng hoảng tài chánh rồi Tổng suy trầm (2008-2009), biện pháp ứng phó bất thường của họ là cắt lãi suất tới mấp mé số không và ồ ạt bơm tiền qua thủ thuật gọi là QE, "quantitative easing", với chủ ý là nhờ tiền nhiều và rẻ, đầu tư sản xuất và tiêu thụ sẽ tăng. Việc kích thích kéo dài quá lâu nên gây ấn tượng là sẽ còn tồn tại. Và đấy là vấn đề.

Nhưng trong một thế giới "nhất thể hóa", suốt giai đoạn kéo dài đó, đồng tiền có chân lại chạy qua xứ khác, chứ không chỉ tụ vào kinh tế Hoa Kỳ, Âu Châu hay Nhật Bản. Từ đầu năm 2009 tới nay, lượng tiền "nóng" đã tăng gấp đôi, từ năm ngàn tỷ đô la lên tới 10 ngàn, và tràn vào các nền kinh tế đang lên, để kiếm cơ hội sinh lời cao hơn. Muôn sông đều chảy về Đông, đây đó gây ra hiện tượng úng thủy.

Vì kinh tế cũng là chính trị, hãy nói về chính trị của biện pháp kinh tế.

Việc Tây phương xả tiền khiến tiền nhiều và rẻ cũng làm đồng bạc mất giá. Khi ấy, nhiều người lý luận là tư bản mắc nợ đã đến thời mạt vận. Tiền Mỹ, Âu, Nhật hết là ngoại tệ dự trữ có sức áp đảo. Hoặc ngược lại, Tây phương có gian ý nên bơm tiền làm đồng bạc hạ giá, hàng hóa dễ bán hơn. Họ ra sức xuất cảng để ra khỏi khó khăn bằng việc gián tiếp phá giá đồng bạc và gây ra trận chiến hối đoái. Dù các nước ở thượng nguồn bị chê như vậy, đồng bạc của họ thì chẳng đáng chê.

Dưới hạ nguồn lại có lý luận trái ngược.

Tương lai là các nước đang lên, với dân số chưa bị co cụm vì lão hóa, mức nợ nần thấp hơn, môi trường kinh doanh ít rủi ro bằng. Đấy mới là nơi kiếm bạc an toàn hơn cả. Nhiều tổ hợp đầu tư Tây phương cổ võ cho lối giải trình phải đạo như vậy, để khuyên thân chủ đẩy tiền vào đó. Họ còn khuyến khích giới có tiền nên mua Công khố phiếu của các nước đang lên, an toàn hơn giấy nợ Âu Châu đang biến thành giấy lộn. Và do đồng tiền Tây phương mất giá, phép hốt bạc lời gấp bội là đầu tư bằng tiền nội địa của các nước đang lên. Hai cửa lãi suất và hối suất đều ăn!

Giữa cuộc hồ hởi, bỗng dưng Thống đốc Ben Bernanke lại vuốt nhọn chính sách tựa cái kim, làm xì trái bóng của thiên hạ nên mới bị rủa xả lung tung. Xin trở lại chuyện kinh tế để hiểu tại sao.

So với một hai phần trăm của Tây phương, khi các nền kinh tế đang lên lại đạt mức tăng trưởng cỡ năm sáu phân thì tư bản tất nhiên là chảy về đó. Kiếm lời, hoặc áo cơm, không là cái tội!

Bản luân vũ vào cõi thịnh vượng bắt đầu qua ba bước. Bước một, nơi thu hút tư bản là khu vực hay dự án có năng suất cao nhờ đó có lời đậm. Bước hai, "trâu chậm uống nước đục", dòng tư bản tới sau bèn chảy vào dự án ít lời mà nhiều rủi ro. Rồi nhờ dàn nhạc inh ỏi nên chưa thấy quan tài, chưa ai đổ lệ: với sự tuyên truyền của nhà nước, và sự cổ võ của nhà cái là giới đầu tư, người ta dìu dặt vào nhịp ba, đầu tư quá nhiều, thậm chí đầu cơ, và theo nhau tiêu thụ cùng sản xuất mà bất kể tới nguồn gốc của tư bản, cứ tưởng là bất tận.

Các nước gọi là đang lên đã dựng lên một hệ thống bất ổn và chỉ cần một tin xấu rất nhỏ cũng làm nhạc lắng mây chìm và gây ra thảm kịch lớn. Thảm kịch đó là tư bản tháo chạy, và khủng hoảng hối đoái dẫn tới suy thoái kinh tế. Chúng ta đang ở vào điểm lật đó.

Khi Ngân hàng Trung ương Mỹ báo tin vuốt nhọn chính sách - giảm dần mức bơm tiền và nâng lãi suất khỏi số không để sẽ hút lại lượng tiền đã bơm ra – thì đấy là tin xấu cho thiên hạ. Ai cũng đoán là tiền lời tại Mỹ sẽ tăng, đồng Mỹ kim sẽ lên giá. Bao giờ và tới mức nào thì chưa ai rõ, nhưng kết luận kế tiếp là các đồng tiền thuộc loại đang lên sẽ xuống giá nếu so với Mỹ kim.

Trên sàn nhảy thì tư bản tháo chạy thì cũng mù quáng như lúc chảy vào. Tài sản tại các nước đang lên bị mất giá cùng hối suất đồng bạc. Chính quyền sở tại muốn chặn đà sa sút thì phải bán ngoại tệ, mua nội tệ, nâng lãi suất và tăng chi ngân sách nên bị bội chi và thổi lên nguy cơ lạm phát.... Kinh tế bị suy trầm, có khi suy thoái, khủng hoảng.

Trong các nước thuộc loại đang lên, riêng năm quốc gia đã tiếp nhận một phần ba của 10 ngàn tỷ tư bản nóng chảy vào từ Tây phương. Đấy là năm xứ bấp bênh nhất hiện nay: Ấn Độ, Brazil, Nam Dương, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau năm năm lừng lẫy, ngũ hổ giờ này gặp cảnh diều đứt dây. Mà năm nay, cả năm xứ này đều có bầu cử. Họ ăn nói thế nào với quốc dân đây?

Thì cũng tại tư bản Tây phương!


***

Quả thật là các nước Tây phương từng có lúc thổi bóng như vậy, từ mấy trăm năm trước cho tới vụ gia cư địa ốc thời 2002-2006, với việc vay mượn quá sức cho đến ngày bể bóng. Châu Mỹ La Tinh thì khó quên cơn say đầu thập niên 1980 là vụ khủng hoảng Tequila. Các nước Đông Á bị vụ khủng hoảng 1997-1998 sau khi tưởng mình vươn thành rồng cọp. Trung Quốc đi sau cũng đòi qua mặt tư bản trong trò nguy hiểm đó và nay tần ngần dưới chân núi nợ. Tuần qua, Thứ trưởng Tài chánh của họ còn gân cổ phán bác khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng coi chừng hạ cánh nặng nề!...

Vì chính trị cũng là kinh tế, hãy lật mặt trái của đồng bạc để xem cuộc tranh luận đang xảy ra.

Các ngân hàng trung ương đều có nhiệm vụ với nền kinh tế quốc gia và lấy mọi quyết định căn cứ trên tình hình thực tế của xứ sở. Nhưng trong hoàn cảnh mà kinh tế quốc gia lại hội nhập vào sinh hoạt quốc tế, mọi quyết định đều có thể vượt khỏi biên cương mà tác động vào xứ khác. Khi thấy sự thể ngon lành nhờ tư bản chảy vào, lãnh đạo xứ nào cũng có thể ca bài "đất lành chim đậu" để tự khen mình là giỏi. Khi tư bản tháo chạy thì đấy là lỗi của xứ khác.

Hình như kinh tế thế giới đã thành cái bình thông đáy. Mà lãnh đạo kinh tế của nhiều xứ lại có sự u mê không đáy. Ta nên nhớ bài học nhập môn ấy khi khủng hoảng hối đoái sắp tái diễn.... Và mừng cho nhiều nước dân chủ lại có thể tìm ra lãnh đạo khác. Trong số đó, chưa có Việt Nam!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét