Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Obama Vi Vút Chuyện Vô Vi


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140529
 
Chủ Thuyết Đối Ngoại Của Obama: "Làm Cái Không Làm, Ấy Đế Vương"


 * Tổng thống Mỹ tại lễ mãn khóa West Point 2014 *



Được rầm rộ quảng cáo trước, bài diễn văn hôm Thứ Tư 28 vừa qua về chánh sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama là một sự rỗng rang. Rỗng mà rang rảng.

Vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã lãnh giải Nobel Hoà Bình dù chưa làm cái gì cho hòa bình thế giới. Bây giờ, còn 20 tháng nữa ông mới hoàn tất tám năm lãnh đạo, khi nghe bài diễn văn ông đọc tại lễ mãn khóa của Trường Võ Bị Quốc Gia West Point, người ta thấy ra tương lai của Obama... nằm ở sau lưng.

Nhưng người ta có thể lầm, chuyện ấy sẽ nói sau....

Trước hết, bài diễn văn thiếu nội dung thật ra vẫn có mục đích. Đó là phản bác những công kích của đối lập ở nhà về chính sách đối ngoại của Obama sau hơn năm năm cầm quyền. Ta có thể thông cảm với nhu cầu đó khi mức tín nhiệm của dân Mỹ về đối sách ngoại giao của Tổng thống tuột dốc thê thảm, và sắp bắt kịp tỷ lệ thất vọng về nội chính. 

Nhưng dù thông cảm thì cũng thấy ra nét khiếm nhã.

Nội dung của một bài diễn văn về ngoại giao phải nhắm vào đối tượng quốc tế, để thế giới thấy lãnh đạo Hoa Kỳ nghĩ sao và muốn làm gì, chứ không để biện bạch chuyện nội bộ và dành những lời đanh thép nhất cho đối lập! Cho các nước đối thủ của Mỹ thì Obama lại làm thinh.... Tối! 

Hãy nhắc lại bối cảnh đã: thế giới nghĩ sao về những thách đố trước mắt? Những bài toán ấy là gì?


***

Xin mở tấm bản đồ thời sự và xem lại tờ lịch cũ về đối sách của Obama để thấy ra bảy cái không.... Bốn cái có mà cũng là cái khó thì sẽ nói sau.

Liên bang Nga và vụ khủng hoảng tại Ukraine là mối nguy đang đe dọa nhiều nước Đông Âu, từ Moldovia tới Georgia, Ba Lan và vân vân trên vùng Baltic. Trước bài toán ấy, các nước trong Liên hiệp Âu châu lại tê liệt vì phân hóa quan điểm và quyền lợi. Xuất phát từ chủ trương về quyền lợi hay từ giá trị tinh thần của nền dân chủ Mỹ, Hoa Kỳ có giải pháp nào với hoàn cảnh đó? 

Về tờ lịch cũ, Obama nghĩ sao khi đã đòi cải thiện quan hệ với Liên bang Nga từ năm 2009? Thất bại của chuyện "reset the button" là điều không dám nói. Một không.

Vừa liên kết với Liên bang Nga, Trung Quốc đang tạo ra những thách đố mới tại Châu Á. Mối nguy từ Trung Quốc với các nước Đông Á từ Bắc xuống Nam là chuyện có thật. Là cường quốc Á Châu, đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ nghĩ sao và muốn gì trước bài toán đó?

Nói về tờ lịch để nhắc tới chủ trương của Obama thì khi Chính quyền ông vừa nhậm chức năm 2009, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã có lời phát biểu lạnh mình vì chửi cha cái giá trị tinh thần mà Hoa Kỳ vẫn đề cao. Đó là "không để chuyện nhân quyền gây trở ngại cho việc làm ăn!" Hơn hai năm sau, cũng Clinton này lại có bài viết và chính quyền Obama có chủ trương mới, về nhu cầu chuyển trục tại Đông Á. Bây giờ, thất bại của ngón "pivot" là điều không dám nói. Hai không!

Nội chiến và nạn tàn sát thường dân tại Syria đã qua năm thứ ba, với số thương vong chất đống. Và sau cuộc đổi đời năm 2011, Libya vẫn chưa ổn định mà sẽ là xuất phát điểm của khủng bố Hồi giáo. Đã thế, lực lượng khủng bố núp dưới phiêu hiệu al-Qaeda lại mở tầm hoạt động từ Trung Đông tới Bắc Phi, từ Đông Phi qua Tây Phi và gieo họa cho xứ Mali, hay Nigeria....

Về tờ lịch của đối sách Obama với những chuyện đó: Tổng thống Mỹ nhiều lần kẻ vạch trên cát những lằn đỏ mà chế độ độc tài hiếu sát của Bashar al-Assad tại Syria không được vượt qua. Kẻ rồi lại xoá, và bán cái cho Liên bang Nga giải quyết mối nguy võ khí hóa học. Không kết quả! Ba không.

Tại Libya, Hoa Kỳ hùng hổ đi vào lật đổ lãnh tụ Muammar Gaddhafi – một kẻ đã biết sợ và đang tìm cách cải thiện quan hệ với Tây phương – rồi để lại vụ tàn sát ở Benghazi hai tháng trước khi dân Mỹ đi bầu, mà Chính quyền Obama cố giấu nhẹm và đánh lạc hướng để lừa cử tri. Vì vậy, bài diễn văn tại West Point không dám nhắc lại. Bốn không!

Tại Trung Đông, mâu thuẫn giữa quốc gia Israel với dân Palestine là ung nhọt lịch sử. Chính quyền Obama coi đây là một ưu tiên của nhiệm kỳ hai. Tiến trình xây dựng hòa bình do Ngoại trưởng John Kerry thi hành đã huy hoàng thất bại. Trong cộng đồng Palestine, mâu thuẫn giữa chính quyền "ôn hoà" của Mahmoud Abbas thuộc cánh Fatah với lực lượng khủng bố Hamas là vấn đề không giải pháp. Vì vậy, bài diễn văn West Point tránh không nhắc tới. Năm không!

Thế giới này bất an vì quá nhiều chế độ hung đồ đang nắm võ khí hạch tâm trong tay để bắt bí thiên hạ. Một trong những chủ trương lớn của Barack Obama từ khi còn đi sách động cộng đồng là giải trừ võ khí hạch tâm cho thế giới. Về tờ lịch thì Obama nhắc lại điều ấy trong bài diễn văn năm 2009 tại thủ đô Praha của Cộng hòa Tiệp, đã tiến hành thỏa ước tài giảm binh bị với Liên bang Nga và đang cố hòa giải với Iran để đạt lời hứa là không tiến hành kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. 

Thực tế thì Nga đã vi phạm thỏa ước, Iran chưa lùi một bước, Bắc Hàn vẫn tung hứng võ khí tàn sát! Vì vậy, bài diễn văn tại West Point không có đến chữ hạch tâm, atomic. Sáu không!

Trong một chuỗi biến động toàn cầu, từ Âu sang Á, thế giới phân vân trước sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc, của tinh thần quốc gia và quyền lợi kinh tế, với những hậu quả bất lợi cho hòa bình quốc tế. Hiện tượng này được Nga khai thác (Ukraine là thí dụ), gây rối cho Trung Quốc (hồ sơ Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng), biện minh cho khủng hố tại Tây Phi (vụ Boko Haram), đe doạ sự hội nhập của Liên Âu (cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu vừa qua, với sự thắng thế của phe cực hữu và khuynh hướng quốc gia quá khích).... 

Trước loại vấn đề quá phức tạp như vậy, Hoa Kỳ là một nước đa văn đa chủng có chủ trương hay giải đáp gì không? Xuất thân từ cõi đa văn đa chủng ấy, Obama có gì đề nghị không? Bảy không.

Kết cuộc thì Barack Obama đã học thơ Vũ Hoàng Chương trong bài "Tương tư thảo": Làm cái không làm, ấy đế vương! Ông muốn... "vô vi nhi trị"?


***
Một cách khách quan thì ta cũng nên hỏi lại, rằng ông có thể làm được những gì và đề nghị những gì trong bài diễn văn?

Đảo ngược quan điểm truyền thống đã từng trình bày trong hai bài diễn văn năm 2009 tại Cairo và Ankarra, bây giờ Tổng thống Mỹ xác nhận rằng Hoa Kỳ là quốc gia xuất chúng nên có trách nhiệm với thế giới về thiên hạ sự. Đấy là chủ trương tích cực và đổi mới của một người vẫn cứ đi vái tứ phương và còn viết hồi ký phê phán nước Mỹ với quan điểm của các nước nghèo hèn hậm hực thuộc Thế giới thứ ba.

Phải mất năm năm ngồi trên ngai, Obama mới học thấy cái sai và sửa lại điều ấy!

Sau khi đặt lại vấn đề, về sự chọn lựa cần thiết hiện nay là nên lui về chủ nghĩa tự cô lập hay nên bung ra can thiệp vào thế giới, Tổng thống Mỹ chọn giải pháp trung dung đến ba bốn phải. Và nói vào dăm ba chuyện cụ thể.


Obambi huê dạng dưới nét hý họa cũa Micheal Ramirez trên tờ IBD ngày 140530!




















Đây là phần "bốn có" mà cũng là khốn khó. Hãy điểm lại những cái có trong bài diễn văn.

Thứ nhất, Hoa Kỳ của Obama vẫn can thiệp vào thế giới, nhưng cùng với các định chế quốc tế như Minh ước NATO hay Liên hiệp quốc và các nước đối tác. Thật ra, xưa nay các Tổng thống Mỹ đều làm như vậy. Gần đây, Bill Clinton vào Kosovo dưới lá cờ NATO, hay George W. Bush hắc ám cũng mở chiến dịch Afghanistan với NATO, và vào Iraq sau mấy chục Nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án chế độ Saddam Hussein. Nghị sĩ Hilary Clinton là người ủng hộ việc này. Sau khi nhậm chức, Obama cũng chẳng làm khác tại Libya, với Nghị quyết Liên hiệp quốc và bình phong của các đối tác Âu châu. Nhưng, khi cùng các nước hay các tổ chức can thiệp vào chuyện quốc tế, Hoa Kỳ vẫn thực tế lãnh đạo, và chi tiền mệt nghỉ. 

Nay Obama núp sau thiên hạ để khỏi lãnh đạo!

Thứ hai, Hoa Kỳ điều chỉnh đối sách chống khủng bố với một khảo hướng (approach) lạ: vừa thu hẹp sự hiện diện tại Afghanistan vừa tăng cường sự can thiệp vào Syria qua các nhóm nổi dậy chống chế độ al-Assad. Với Obama, chuyện chiến lược như Afghanistan hay chiến thuật như Syria, Mali hay Nigeria sẽ trở thành đồng hạng: nặng nhẹ như nhau trong một quỹ chung trị giá năm tỷ bạc.

Thay vì kẻ vạch trên cát, nếu Tổng thống Mỹ sớm yểm trợ các tổ chức chống al-Assad tại Syria từ vài năm trước thì biết đâu đã tránh được chuyện ngày nay! Thôi đành, thà trễ còn hơn không! Và việc Mỹ báo trước là duy trì chưa tới vạn quân tại Afghanistan, mà chỉ đến năm 2016 thôi lại là tin vui cho quân khủng bố Taliban. Thời điểm 2016 còn có ý nghĩa thiêng liêng: đó là năm Obama mãn nhiệm. Ông chuẩn bị thành tích hòa bình cho ngày đó!

Thứ ba, trong nỗ lực diệt trừ khủng bố, Hoa Kỳ tận dụng phương pháp "của đi thay người". Chính quyền Obama triệt để dùng máy bay tự động (drones) để hạ sát quân khủng bố và có tiến trình quyết định khá mờ ám khi chọn mục tiêu và đối tượng. Bây giờ, Tổng thống Mỹ hứa hai chuyện mới: một là sẽ chuyển công tác đó từ cơ quan tình báo CIA qua Ngũ giác đài; và hai là sẽ yêu cầu quân đội công khai hóa một số hồ sơ cho công chúng biết. Phương pháp sạch sẽ này có nhược điểm là đôi khi mù quáng mà sát hại dân lành và mặc nhiên vi phạm nhân quyền của người khác.

Giới trí thức thường sợ bẩn tay, Obama là Tổng thống rất trí thức trong trò chơi đó và làm các đồng chí thiên tả và phản chiến của ông thất vọng. Đành vậy chứ sao!

Sáng kiến thứ tư, Hoa Kỳ của Obama khỏi cần xin phép ai khi phải tự vệ và sẽ cương quyết dùng võ lực để tự vệ. Ngon! Nhưng sẽ chỉ làm như vậy khi quyền lợi cốt lõi và sự an toàn của người dân bị đe dọa. Tức là Obama định ra tiêu chuẩn cao hơn và khó hơn cho việc sử dụng quân đội.

Thật ra, sáng kiến ấy là sao bản của "chủ thuyết Caspar Weinberger" (Tổng trưởng Quốc phòng) thời Reagan-Bush: chỉ dụng binh khi quyền lợi sinh tử bị đe dọa, nhưng khi vào thì phải định rõ mục tiêu, phương tiện và định cả ngày hát khúc khải hoàn. Khác với thời xưa, ngày nay Hoa Kỳ không thể phao phí phương tiện quân sự cho một cuộc phiêu lưu không hẹn ngày về. Bội chi ngân sách vì cải tạo xã hội, nhu cầu giảm chi quốc phòng để khỏi vay tiền quá sức trả và nhất sự mệt mỏi của dân Mỹ khiến Tổng thống Hoa Kỳ phải liệu cơm gắp mắm.

Nhưng khi Obama minh định tiêu chuẩn ra quân quá rõ như vậy, các chế độ hung đồ đều yên tâm: "làm gì cũng được, miễn là đừng bắn vào Mỹ!" Còn các nước Đông Âu dưới tầm đạn của Nga, hay các nước Đông Nam Á trong vòng "hải giám" của Trung Quốc đều được Obama thông báo: đừng trông vào Mỹ!

Xin hãy thông cảm, đầu Tháng Ba vừa qua, Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng Đặc trách Tiếp liệu là Katrina McFarland đã nói chuyện tay hòm chìa khóa: "Bây giờ phải xét lại việc chuyển trục." Bà nói thật, rằng vì nhu cầu cắt giảm quân phí, Mỹ không có tiền mua trục để chuyển!

Thành thử, người ta cứ muốn tìm một "chủ thuyết Obama", bài diễn văn tại West Point chẳng đưa ra chủ thuyết nào có giá trị lịch sử. Và những đối sách lặt vặt mà ông đề nghị đều khó thực hiện.


***


Chúng ta hiểu ra vì sao Barack Obama phải vi vút nói chuyện vô vi khi tương lai nằm ở sau lưng. Nhưng nghĩ như vậy vẫn là đánh giá sai con người siêu hạng này.

Vừa nhậm chức Tổng thống một siêu cường thì đã lãnh giải Nobel Hoà Bình. Nếu vậy, Obama còn có bệ nào cao hơn để leo hay để tranh cử nữa không sau khi làm Tổng thống mà mắc ghiền tranh cử? 

Có chứ! Tranh cử làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc để cầm súng nước đi bình thiên hạ và phát tiền cứu giúp dân nghèo. Đâm ra chẳng khác gì bài diễn văn tại Đại hội đảng Dân Chủ năm 2004, bài diễn văn West Point 2014 cũng là một chương trình tranh cử mới của Obama sau 2016. Để bước lên một đài vinh quang khác tại New York.

Nơi đó, ông sẽ tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ sau tám năm tiêu xài tan hoang! 

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ra Khỏi Bóng Rợp Kinh Tế Của Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140528
Diễn đàn Kinh tế

bien-dong-305.jpg
* Tàu hải giám Trung Quốc (màu trắng, phía sau) sát tàu Việt Nam trên Biển Đông hôm 14/5/2014. AFP* 


Ba tuần sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan trong thềm lục địa Việt Nam, tình hình vẫn căng thẳng qua nhiều vụ va chạm và chiều Thứ Hai 26 một ngư thuyền Việt Nam bị tầu cá của Trung Quốc đâm chìm ở cách giàn khoan 17 hải lý. Song song, nhiều người Việt cũng bất mãn về việc kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc Trung Quốc nên sợ là có thể bị họ bắt chẹt. Trong nỗ lực bảo vệ độc lập và chủ quyền, làm sao Việt Nam ra khỏi bóng rợp kinh tế Trung Quốc? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây:

 

Vỏ cứng, ruột mềm


Vũ Hoàng: Kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn căng thẳng sau ba tuần đầy biến động khiến cả thế giới chú ý vì hai quốc gia này gắn bó về ý thức hệ lẫn ngoại giao và kinh tế. Khi quan hệ suy đồi hơn thì người ta cũng thấy kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào Trung Quốc như chúng ta có dịp phân tích cách nay hai tuần. Trong chương trình kỳ này, xin được hỏi ông với tư cách một chuyên gia kinh tế và đã theo dõi tình hình Trung Quốc từ lâu, ông nghĩ Việt Nam có thể làm gì để thoát dần khỏi sự lệ thuộc đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo thông lệ thì tôi nghĩ là ta cần nhìn bối cảnh từ rộng tới hẹp và tìm hiểu về những việc cần làm ngay đặt trong viễn cảnh trường kỳ. Nói về từ rộng tới hẹp thì trước tiên ta cần đánh giá lại Trung Quốc để thấy ra ưu nhược điểm của xứ này mà đừng quá sợ. Và nói từ gần đến xa thì mình mới nghĩ đến các biện pháp kinh tế căn cứ trên sự đánh giá đó.

- So với Việt Nam thì quả là Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự đáng kể và trong mọi tình huống thì dĩ nhiên Việt Nam nên tránh chiến tranh với xứ này. Nên tránh chứ không hẳn là vì sợ mà thúc thủ. Và khi đã phải đối đầu thì cũng lượng định nhược điểm và rủi ro của họ.

Vũ Hoàng: Ông đang dẫn vào bối cảnh, thưa ông những nhược điểm ấy là gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc mới phục hưng từ 30 năm sau gần 200 năm nhục nhã. Trên đà phục hưng, giới lãnh đạo và trí thức của họ không nhớ lại vì sao lại lầm than lụn bại mà chỉ nói đến mối nhục phải rửa. Từ đó mới có thái độ kiêu căng và gây khó chịu cho thế giới. Chuyện thứ hai, mặc cảm của Trung Quốc tập trung vào cái nước giàu mạnh nhất hiện nay là Hoa Kỳ, với chủ đích không là gây chiến mà chỉ dọa già nhằm làm Mỹ e dè mà nhường cho họ không gian hùng cứ là khu vực Á Châu. Tức là họ theo chủ nghĩa bá quyền nước lớn, y như cách họ đả kích Hoa Kỳ. Thứ ba, chưa thấy Hoa Kỳ tỏ thái độ rõ rệt thì Trung Quốc đã thực tế gây hấn với các lân bang như Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Á Châu khác. Nói tóm lại, Trung Quốc có nhiều bạn hàng mà thật ra rất ít bạn nếu so với các cường quốc như Mỹ, Nhật hay Âu Châu. Đó là về cái vỏ cứng, bên trong là cái ruột mềm. 

Có mấy ai muốn hợp tác với một chế độ ngang ngược như vậy? Và nếu có, thì thiên hạ cũng thủ kỹ, đòi hỏi điều kiện cao để tránh nạn ăn cắp vặt và ăn cướp sống. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Hãy tìm hiểu về cái ruột mềm đó, phải chăng là những nhược điểm nội bộ của họ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu Trung Quốc có đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 30 năm thì họ cũng hủy hoại môi trường sinh sống của họ với tốc độ tự sát. Không xứ nào bị ô nhiễm môi sinh nặng như Trung Quốc. Lãnh đạo có thể bất cần tới phản ứng quốc tế chứ người dân lại cực kỳ bất mãn vì môi trường đó là không gian sinh tồn, là khí trời và nước uống, của các thế hệ về sau.

- Thứ hai, người dân còn bất mãn hơn nữa vì nạn bất công xã hội, cửa quyền và sự phè phỡn của thiểu số có chức có quyền và đám thân tộc ở trên. Lãnh đạo có thể ru ngủ người dân rằng rồi đây ai cũng sẽ là trung lưu khá giả, nhưng dân chúng chỉ thấy đám thượng lưu ăn trên ngồi chốc. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng không đẩy lui sự căm phẫn của quần chúng mà còn cho thấy một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cũng có thể là trùm tham ô, với tay chân hay bí thư nay vào Trung ương đảng và thành đại gia, tài phiệt.

- Thứ ba, sức ép các sắc tộc thiểu số đã gây sức bật, là phản ứng bạo động của dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo khiến an ninh của Trung Quốc gặp hai vấn đề. Với ngân sách quốc an còn cao hơn ngân sách quốc phòng để nuôi bộ máy Cảnh sát Võ trang đông đảo, lãnh đạo xứ này vẫn phải đưa quân đội vào bảo vệ an ninh tại các thành phố lớn sau hàng loạt những vụ khủng bố của dân Duy Ngô Nhĩ. Vấn đề thứ hai là họ mở cửa cho các lực lượng khủng bố Hồi giáo xưng danh Tháng Chiến như kiểu al-Qadeda sẽ nhập cuộc để hỗ trợ dân Hồi giáo bên trong.

- Chuyện thứ tư mới là kinh tế. Thật ra Trung Quốc căng phồng như trái bóng sắp bể với một núi nợ xấu sẽ sụp. Chúng ta đã đề cập tới vụ này từ nhiều năm nay, có lẽ tuần tới sẽ tập trung vào chuyện này. Trong khi đó và đây là điều có liên hệ đến Việt Nam, xã hội Trung Quốc sớm bị lão hóa, người dân chưa giàu đã già. Xứ này mất dần ưu điểm nhân công nhiều và rẻ và hết là hãng xưởng ráp chế toàn cầu nên giới đầu tư quốc tế đang tìm nơi có lợi hơn. Khi động loạn xã hội bùng nổ bên trong thì họ chạy còn nhanh hơn nữa. Điều này, chúng ta đã nói từ năm ngoái và sẽ còn phải nói lại vì mở ra một cơ hội cho Việt Nam.


000_Hkg987465-305.jpg
Đoàn xe chở hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, ảnh minh họa chụp trước đây.


Vũ Hoàng: Như ông vừa tóm lược thì Trung Quốc có đến bảy tám rủi ro vì các nhược điểm trầm trọng bên trong. Đó là tình trạng mà ông ví von là "vỏ cứng ruột mềm". Nhưng điều ấy có lợi gì cho Việt Nam trong tương quan hiện nay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về kinh doanh hay kinh tế thì chẳng ai sợ Việt Nam mà xứ nào cũng ngại khi làm ăn với Trung Quốc. Nếu vì mối lợi hiển nhiên là có thì họ vẫn tính đến rủi ro bất ngờ, trong đó có rủi ro tráo trở của Trung Quốc. Một cách cụ thể thì đến Tháng Tám này, giàn khoan chưa hút lên một giọt dầu nào nhưng Bắc Kinh đã mặc nhiên làm chủ và cai thầu khai thác tài nguyên ngoài Đông hải. Có mấy ai muốn hợp tác với một chế độ ngang ngược như vậy? Và nếu có, thì thiên hạ cũng thủ kỹ, đòi hỏi điều kiện cao để tránh nạn ăn cắp vặt và ăn cướp sống.

- Nhìn cách khác, khi đối chiếu thì ta thấy Việt Nam phải làm nổi bật ưu điểm của mình là không có những chứng tật của Trung Quốc. Tức là nên ráo riết cải cách hạ tầng cơ sở luật lệ lẫn vật chất để có môi trường kinh doanh và sinh sống lành mạnh hơn. Song song, nên tạo ra hình ảnh của một dân tộc cần cù và đáng tin. Chúng ta đang tiến dần vào trọng tâm kinh tế của đề tài này.

 

Việt Nam nên làm gì?

Vũ Hoàng: Từ mấy tuần qua, thế giới đã có dịp so sánh. Thưa ông, liệu rằng nạn bạo động vừa xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp ngoại quốc tại Việt Nam bị thiệt hại có khiến cho các nước xa lánh hay rút khỏi thị trường Việt Nam không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một câu hỏi rất hay vì có hai khía cạnh trong ngoài.

- Với bên trong, những người theo dõi vụ việc ở tại chỗ thì cho rằng vụ bạo động là kết quả của một âm mưu khiêu khích nhằm gây thiệt hại cho Việt Nam vì mất bạn và có lợi cho Trung Quốc vì kẻ cướp lại thành nạn nhân. Người dân có thể đoán ra mà cần biết là những ai trong lớp lãnh đạo đã cho tiến hành việc khiêu khích đó? Đây là dịp minh chứng giá trị lời nói của những người trên thượng tầng. Nếu không, toàn bộ vụ giàn khoan chỉ là sự dàn dựng giữa Bắc Kinh và tay sai ở tại Việt Nam.

- Với bên ngoài, các nước chưa quên phản ứng thô bạo của dân Trung Quốc với doanh nghiệp Nhật Bản vào cuối năm kia do vụ tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Senkaku của Nhật mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Vì vậy, các nước cho rằng dân Việt Nam cũng phản ứng như vậy, mà chỉ có một ngày. Do đó tôi không nghĩ là giới đầu tư nước ngoài sẽ tháo chạy khỏi Việ Nam. Đấy là về mặt tiêu cực, chứ về mặt tích cực thì phải nghĩ xa hơn thì mới ra khỏi bóng rợp kinh tế của Trung Quốc.

Trong hạn một tuần, các cơ quan hữu trách lập tức kiểm tra số tồn kho nguyên liệu nhập từ TQ để xem khả năng xoay trở của doanh nghiệp VN là bao nhiêu và bao lâu nếu mâu thuẫn kéo dài.  Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Bước qua phần đó, ông cho là Việt Nam nên làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là ba tháng nữa thì mọi chuyện sẽ như ba tháng trước, tức là Bắc Kinh kéo giàn khoan đi nơi khác sau khi khẳng định được cái quyền phi pháp của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng dù mọi việc sẽ có vẻ như đã dịu, Việt Nam vẫn nên khẩn cấp rút tỉa bài học mà thi hành việc thoát hiểm.

Vũ Hoàng: Thưa ông, việc đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, trong hạn một tuần, các cơ quan hữu trách lập tức kiểm tra số tồn kho nguyên liệu nhập từ Trung Quốc để xem khả năng xoay trở của doanh nghiệp Việt Nam là bao nhiêu và bao lâu nếu mâu thuẫn kéo dài. Phải khởi đi từ kịch bản tồi tệ là Bắc Kinh cấm vận để gây sức ép, và đừng tưởng rằng họ không dám làm vì có thể mất một thị trường 90 triệu dân. Thực tế thì họ mua vào một lại bán ra hơn hai chục lần cho Việt Nam nên sẽ gây áp lực.

- Rồi từ việc kiểm tra đó, nội hai tuần phải tính đến các giải pháp thay thế để chuẩn bị, dù là có gặp bất lợi. Và nên công khai hóa chuyện lợi hại ấy, với lệnh nghiêm cấm đầu cơ tích trữ vì làm vậy là tiếp tay Trung Quốc xiết cổ dân ta. Chế độ thừa công an làm việc đó, nếu họ không toa rập với ngoại bang để trục lợi. Nhiều người cứ lãng mạn hỏi theo ca khúc của Lưu Hữu Phước, rằng "Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến?" Nhưng khi nói đến chữ "hy sinh" – dù mới chỉ là quyền lợi kinh tế nhỏ nhoi - thì mấy ai dám? Tôi nghĩ rằng đây là lúc thật sự nguy biến rồi!

- Song song, giới hữu trách ở trung ương phải rà lại toàn bộ chuỗi cung ứng hay "supply chain" của Việt Nam, là mua gì ở đâu, về cho ai làm ra sản phẩm gì, để bán cho xứ nào? Mục đích là để xác định vị trí của sản phẩm Trung Quốc trong chuỗi mua bán và chế biến đó của Việt Nam. Nếu không có hàng Trung Quốc thì Việt Nam xoay trở thế nào, có sản phẩm gì ờ đâu khả dĩ thay thế sau này? Từ việc rà lại chu trình cung cấp, Việt Nam nên chuẩn bị giải pháp thay thế từ năm tới.

- Việt Nam đang yêu cầu Nhật Bản cung cấp cho tầu tuần tra, là điều chỉ có trong vài năm. Nhưng Việt Nam nên xin Nhật viện trợ kỹ thuật để xem là sau vụ thiên tai hồi Tháng Ba năm 2011 khi chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật bị đứt đoạn bất ngờ, họ giải quyết ra sao? Mình có thể học được nhiều lắm để làm cơ sở cho chính sách đầu tư và sản xuất của mình sau này.

Vũ Hoàng: Ông đi từ chuyện cấp bách đến ngắn hạn, trong trường kỳ thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là về trường kỳ, phải chặt cái neo đã giàng kinh tế Việt Nam như cái phao của Bắc Kinh để bung lên cao hơn. Giới đầu tư đều đang tìm thị trường khả dĩ thay thế thị trường Hoa lục vì có tay nghề mà lương thấp hơn. Việt Nam là loại thị trường đó, còn khá hơn Bangladesh hay Miên, Lào. Nếu có năng suất cho những ngành đòi hỏi mức công nghệ cao như thấy được qua các dự án lớn của Intel and Samsung, thì Việt Nam vẫn thừa khả năng vươn lên trong trung hạn. Miễn là lãnh đạo kinh tế phải thấy ra điều đó mà sớm tiến hành.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, phải chăng vấn đề là giải phóng nội lực?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hình như có ông nào đó trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Hà Nội cũng nói đến việc "tăng cường nội lực" khi bị Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế. Tôi xin đề nghị cách nhìn khác: đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không bằng của Nam Hàn, Đài Loan hay Nhật Bản vậy mà sao họ vẫn chi phối được kinh tế Việt Nam? Vì không chỉ đầu tư vào doanh nghiệp, Trung Quốc đầu tư vào con người, vào những người đang lãnh đạo. Cho nên nội lực Việt Nam bị triệt từ trên đầu xuống, làm sao mà tăng cường?

- Tổng hợp lại, Trung Quốc là vấn đề của thế giới thì thế giới phải lo. Nhưng Trung Quốc cũng là vấn đề của Việt Nam thì dân Việt phải lo. Vấn đề ấy là đảng cầm quyền lại tiếp tay cho Bắc Kinh. Cho nên người Việt phải giải quyết vấn đề chính trị ấy thì mới ra khỏi bóng rợp kinh tế của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.




Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Phí Tổn Bảo Tiêu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140526
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Kinh tế học của an ninh toàn cầu



* Nhiều nước có thể khó chịu về sự hùng mạnh của Hoa Kỳ - cho tới khi cần Mỹ *


Đầu năm 1991, khi "Bão Sa Mạc" nổi lên tại Vịnh Ba Tư, lãnh đạo Bắc Kinh bị chấn động.

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi ấy là Đô đốc Lưu Hoa Thanh đã trình Đặng Tiểu Bình tập băng hình của CNN để xem Hoa Kỳ mở cuộc không tập đánh tan quân đội Iraq như thế nào. Khi ấy, người cầm đầu quân đội Trung Quốc đã báo cáo, rất nghiêm và buồn: "Thưa lão đồng chí, kể từ hôm nay, coi như Trung Quốc hết còn hệ thống phòng thủ!"

Lưu Hoa Thanh là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị, nổi tiếng ở bên trong là người chỉ huy cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Với bên ngoài, ông là vị Đô đốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được đưa lên cầm đầu quân đội và là công trình sư của kế hoạch hiện đại hóa Hải quân của Bắc Kinh. Với kết quả đang thấy ngày nay.

Hai chục năm sau, đầu năm 2011, khi "Mùa Xuân Á Rập" nổi lên tại Bắc Phi và đẩy Libya vào nội chiến, lãnh đạo Bắc Kinh lại bị chấn động nữa.

Giá dầu đã tăng vọt từ tháng trước, rồi bất ổn tại Egypt khiến thế giới e là Kênh đào Suez có thể bị khóa và các nước có thể bị khủng hoảng kinh tế vì thiếu dầu khí Trung Đông. Khi động loạn lan vào Libya thì các giếng dầu của tập đoàn CNPC (China National Petroleum Corporation) tại đây bị đe dọa. Lúc đó, Bắc Kinh làm hai điều có vẻ như mâu thuẫn: 1) vừa vận động bên trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để ngăn Tây phương đừng can thiệp và lật đổ chế độ Muammar Gaddhafi mà mình đã đấm mõm rất kỹ, 2) vừa cấp tốc thuê tầu bè và phi cơ để di tản ba vạn kiều dân ra khỏi Libya.

Có hai bài toán đặt ra ở đây cho các đấng con trời: kinh tế và an ninh. Bài này xin đi vào đề.


***

Về kinh tế, là một xứ đói ăn khát dầu, Trung Quốc cần nguyên nhiên vật liệu cho bộ máy sản xuất vừa mới công nghiệp hóa.

Do bản chất độc tài và lạc hậu – hai chữ đó đồng nghĩa – họ đầu tư vào nhiều quốc gia có vấn đề chính trị, để bảo đảm nguồn cung cấp với giá hời nhưng vì vậy mới hay gặp bất ổn. Mà có được tài nguyên rồi, còn phải đem về Hoa lục. Việc chuyển vận đó đặt ra vấn đề an ninh. Làm sao bảo vệ được tài sản đó trên những lộ trình tỏa rộng ra toàn cầu, từ các nước Á Phi tới Trung Nam Mỹ?

Khi đó, ta cần nhìn vào tấm bản đồ để hiểu ra bài toán địa dư của Thiên triều đỏ.

Dù mua vào hay bán ra với Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Đông, Đông Phi hay Trung Nam Mỹ, thì Trung Quốc vẫn phải ra biển - và vượt qua nhiều yếu hầu. Từ Kênh đào Suez hay eo biển Hormuz tới mỏm Bab al-Mandeb giữa Yemen với Djibouti, hoặc từ kênh đào Panama qua Mũi Hảo vọng hay các eo biển Malacca và Sunda, Lombok, v.v... ngần ấy nơi đều có ý nghĩa sinh tử cho kinh tế Trung Quốc. Quan trọng nhất là Eo biển Malacca trên vùng biển Đông Nam Á nối liền Ấn Độ dương với Thái Bình dương.

Sau Đặng Tiểu Bình, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình, đều thấy ra một nhu cầu tiệm tiến là kiểm soát được vùng biển cận duyên, rồi viễn duyên. Từ xanh lục tới xanh dương, biển xanh phải tô màu đỏ thì mới an toàn.

Giữa năm ngoái, lãnh tụ vừa mới lên là Tập Cận Bình nói ra điều ấy: "quốc gia thịnh vượng phải có quân đội hùng mạnh." Họ nói và làm: từ năm 1990 đến nay, mỗi năm Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng 10%, nhân gấp 10 trong 24 năm, để lên tới gần 190 tỷ đô la năm ngoái, bằng 9% quân phí toàn cầu. Nhiều lắm!

Nhưng vẫn chưa đủ.

Nhìn vào trong, ngân sách quốc phòng còn thua ngân sách quốc an, bảo vệ an ninh và trật tự nội địa, với lực lượng Cảnh sát Võ trang là chính. Những vụ tàn sát vừa bùng nổ với dân Hồi giáo thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ phần nào che giấu nhiều nguy cơ động loạn xã hội khác.

Nhìn ra ngoài, ngân sách 190 tỷ có thể là vĩ đại nếu so với 90 tỷ của Liên bang Nga, 50 tỷ của Nhật Bản hay Ấn Độ, mà chưa thể bằng 640 tỷ của Hoa Kỳ. Đó là về lượng, chứ về phẩm thì còn tệ hơn vì chiến cụ lỗi thời và nạn tham ô trong bộ máy tiếp liệu khiến quân đội Trung Quốc vẫn thuộc loại lạc hậu. Mới chỉ xưng hùng xưng bá với các nước Đông Nam Á mà thôi.

Khi đó, ta nhìn về Hoa Kỳ, một quốc gia đang có tranh luận gay gắt về ngân sách và các ưu tiên xã hội khác như Tổng thống Barack Obama sắp nói tại trường Võ bị West Point – bài này viết về "Kinh tế cũng là Chính trị" mà!

***

Từ cả trăm năm nay, từ Thế chiến I, Hoa Kỳ tự cho mình một nhiệm vụ chẳng ai khiến. Đó là bảo đảm quyền tự do vận chuyển trên toàn cầu, với một lực lượng quân sự có thể can thiệp ở khắp mọi nơi.

Các quốc gia thù ghét Mỹ đều nói đến tinh thần Đế quốc của Hoa Kỳ vì khả năng can thiệp ấy. Nhưng xứ nào cũng vậy, kể cả Trung Quốc thời mon men, đều mừng là có Hải quân Mỹ bảo vệ sự an toàn ngoài biển.

Luận về kinh tế thì nước Mỹ mở ra một phiêu cục toàn cầu, lãnh việc bảo tiêu - hộ tống hàng hóa - cho thiên hạ, mà nhiều khi chẳng đòi tiền bảo phí. Nhiều quốc gia được bảo vệ miễn phí mà không hay. Khi hữu sự, bị hải tặc hay thiên tai, thì ai ai cũng trước tiên nhìn vào Hạm đội Mỹ.

Về ngoại giao, xứ nào cũng có thể than phiền về vai trò quá bao biện của nước Mỹ. Về an ninh và kinh tế, mọi người đều yên tâm là có chiến hạm Hoa Kỳ tại Kênh đào Suez, trong Vùng Vịnh, giữa lạch nước Hormuz, bên cạnh Somalia ở Đông Phi hay Nigeria tại Tây Phi, ngoài Ấn Độ dương và trên mặt biển Thái Bình. Nhất là ở Eo biển Malacca.... Khi Hoa Kỳ nói tới phạm vi hoạt động của Hạm đội Thái Bình dương cũng bao trùm lên Ấn Độ dương thì có người lo người mừng. Mừng nhiều hơn lo.

Ngày nay, người dân Mỹ có quyền tự hỏi, họ đã hỏi như ta thấy của các cuộc khảo sát mới nhất: "Mắc mớ chi mà nước Mỹ cứ xía vào chuyện quốc tế?"

Hoa Kỳ có thị trường vĩ đại, là lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu, mà số nhập cảng chỉ bằng 12% số tiêu thụ. Và xuất cảng chưa tới 10% của Tổng sản lượng GDP. Nói cho nôm na thì kinh tế Mỹ có thể cóc cần thiên hạ. Nếu dân Mỹ ý thức được nhu cầu kinh tế và an ninh kiểu đó thì họ có thể rên là vì sao tại tốn 640 tỷ hàng năm để bảo vệ an ninh toàn cầu, rồi nhức đầu vì chuyện thiên hạ!

Người ta cứ nói Hoa Kỳ can thiệp khắp nơi là để tìm dầu khí hay để bán hàng. Khi Mỹ mở ra cuộc cách mạng năng lượng và bớt cần đến dầu khí Trung Đông, thì thiên hạ lại sợ Hoa Kỳ sẽ thả nổi chuyện Hồi giáo hay Syria cho xứ khác! Khi Mỹ đòi chuyển trục về Đông Á, các nước lại sợ rằng lực bất tòng tâm, nước Mỹ không thể dồn 60% lực lượng Hải quân về biển Thái Bình.

Không chỉ có Hoa Kỳ mới hay mâu thuẫn về ngoại giao. Cả thế giới đều mâu thuẫn vì vừa mong vừa sợ Hoa Kỳ về kinh tế.

Riêng có Bắc Kinh thì không!

***


Bắc Kinh cần buôn bán với Hoa Kỳ, nhân dịp còn ăn cắp công nghệ của Mỹ đế. Bắc Kinh cũng rất cần Mỹ khi buôn bán với thiên hạ, vì mọi tầu hàng ngoài biển đều đặt dưới sự bảo tiêu của con ó. Bị hải tặc tại Sừng Phi Châu hay trên Eo biển Malacca thì họ mong con ó xuất hiện.

Nhưng Trung Quốc vẫn sợ Hoa Kỳ, khi Bắc Kinh hiện nguyên hình là Hải tặc! Ngày nay, HD81 hay Hải cảnh, Hải ngư, Hải giám, đều là hải tặc. Thiên hạ đâm lo khi nước Mỹ ngó lơ lên trời....



Uống nước theo 7 cách sau, bạn đang tự hại mình


Việc uống nước tưởng chừng thật dễ dàng, nhưng lại không hề đơn giản. Bạn cần tránh những sai lầm dưới đây để việc uống nước mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.
1. Uống nước ngọt có ga, sinh tố thay nước lọc
Nên nhớ rằng, thức uống này không thể thay thế được cho nước lọc. Vì chúng không những không có tác dụng bổ sung lượng nước thiếu hụt cho cơ thể mà còn làm giảm cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và trao đổi chất.  Đó chỉ là đồ uống phụ mà thôi, bạn có thể thỉnh thoảng uống chúng để thỏa mãn cơn thèm.

2. Chỉ uống khi thấy quá khát
Đa số mọi người chỉ uống nước khi thấy khát. Thói quen này không tốt cho sức khỏe chút nào. Thiếu nước trong thời gian dài khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch. Vì vậy, chúng ta cần phải uống nước thường xuyên hơn với từng lượng nhỏ ngay cả khi không khát để bù đắp cho quá trình bài tiết làm mất nước. Và đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của tế bào, điều hòa nhiệt và cải thiện chức năng tim mạch.

3. "Vừa ăn vừa uống"
Không nên uống nước trong bữa ăn do nước sẽ pha loãng dịch vị tiêu hóa của dạ dày gây cản trở cho việc tiêu hóa thực phẩm. Bạn nên uống nước trước khi ăn 30 phút hay sau khi ăn khoảng 2,5 giờ.

4. Uống nước trong chai nhựa
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn nên uống nước bằng cốc thủy tinh hoặc những loại bình nước chuyên dụng có chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những chiếc chai nhựa nhỏ gọn tiện lợi cho bạn mang theo. Nhưng chai nhựa được làm từ polyester có thể gây hại cho cơ thể khi gặp nhiệt độ cao nếu như chúng không được sản xuất đúng theo quy chuẩn.

5. Không chịu uống nước vào sáng sớm
Trải qua một giấc ngủ dài, cơ thể cũng như răng bạn, cần được “vệ sinh” để đào thảo các chất cặn bã ra ngoài và làm tăng dung lượng tuần hoàn máu. Đây là thời điểm cơ thể hấp thu nước một cách dễ dàng nhất để giúp bổ sung lượng nước bị mất trong đêm. Một cốc nước lọc vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy là bí quyết giúp kéo dài tuổi thọ.

6. Không uống nước ngay khi ăn quá mặn
Ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp, sưng miệng, giảm cảm giác thèm ăn… Vì vậy sau khi ăn đồ ăn mặn điều cần làm trước tiên là phải uống nước lọc.

7. Không uống nước trước và sau khi tập thể dục
Bạn nên uống một lượng khoảng 200 - 500ml nước trước khi vận động, nhất là khi thực hiện những cuộc vận động mất quá nhiều sức để bổ sung dự phòng cho lượng nước sẽ bị mất. Sau khi vận động cũng cần phải uống nước để bảo vệ sức khỏe.

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

7 kiểu ăn sáng làm hại sức khỏe rất nhiều người mắc phải



           Mặc dù ngày càng có nhiều người nhận ra tầm quan trọng của bữa ăn sáng nhưng ăn sáng đúng cách vẫn còn là điều xa lạ với không ít chị em.
           Hãy tham khảo những sai lầm phổ biến khi ăn sáng dưới đây để không tự “phá hoại” sức khỏe của mình nhé.

1. Dậy sớm và ăn sáng
           Rất nhiều người dậy sớm và ăn sáng ngay sau khi thức dậy. Nhưng trên thực tế, ăn sáng quá sớm (khoảng 5, 6 giờ sáng) không những không tốt mà còn có thể tổn thương dạ dày.
          Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối. Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để “xử lý” và hấp thụ nốt phần ăn đó.
          Nếu bạn ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
         Nếu thức dậy sớm thì tốt nhất nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. Sau đó khoảng 20 đến 30 phút mới nên ăn sáng.

2. Vừa đi vừa ăn
          Nhiều người (đặc biệt là dân văn phòng) do buổi sáng không có thời gian nên tranh thủ vừa ăn vừa đi bộ hoặc ăn khi chờ xe buýt…
          Thói quen này không có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng. Chưa nói đến việc ăn khi đi ngoài đường có thể không đảm bảo vệ sinh, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

3. Chỉ ăn trái cây
            Ăn bữa sáng chỉ bằng trái cây – thói quen này thường gặp ở chị em, đặc biệt là những người muốn giảm cân. Tuy nhiên, biện pháp này lại không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.
            Bởi vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể. Ngoài ra, các loại trái cây như quả hồng vàng, cà chua, chuối… không thích hợp để ăn khi đói.

4. Ăn nhiều thịt
            Rất nhiều người nói bữa ăn sáng không ăn thịt sẽ dễ bị đói vì không cung cấp đủ calo. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên bạn không nên ăn nhiều thịt hay nhiều dầu vào bữa sáng. Bởi những loại thức ăn này chứa nhiều protein, và chất béo nên không tốt cho dạ dày.

5. Dùng thực phẩm lạnh vào buổi sáng
            Buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông.
             Có thể ban đầu bạn chỉ thấy khó chịu ở đường tiêu hóa nhưng lâu dài bạn sẽ phải đối diện với chứng táo bón, da trở nên xấu hơn hoặc thậm chí có đờm ở cổ họng. Vấn đề này tuy nhỏ nhưng làm tổn thương khá lớn đến sức đề kháng của cơ thể.
              Vì vậy, khi bạn ăn sáng nên tránh ăn trái cây đông lạnh, nước rau ép lạnh, cà phê đá hay sữa đá… Thay vào đó nên thưởng thức một tô cháo nóng, bánh mỳ, ngũ cốc nóng, sữa nóng.

6. Sử dụng thức ăn thừa
              Nhiều người nghĩ rằng tận dụng lại đồ ăn từ tối hôm trước cho bữa sáng để tránh lãng phí, lại thuận tiện. Nhưng ý tưởng này là một sai lầm lớn!
              Các chuyên gia chỉ ra rằng thức ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng toàn vẹn sau thời gian dài lưu trữ. Thậm chí sau một đêm, thức ăn có thể sản sinh ra nitric có hại cho sức khỏe con người.

7. Món ăn nhẹ cho bữa ăn sáng
               Đồ ăn nhẹ mà nhiều người chọn cho bữa sáng phần lớn là các thực phẩm khô trong khi đó cơ thể buổi sáng đang trong trạng thái mất nước. Nếu sử dụng đồ ăn khô cho bữa sáng thì sẽ không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu.
              Hơn nữa, những đồ ăn này có thể cung cấp năng lượng ngay lập tức nhưng chỉ được trong một thời gian ngắn và sẽ khiến bạn cảm thấy đói hơn vào buổi trưa.
              Ăn sáng với các loại thực phẩm khô dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cũng như sự suy giảm về thể chất, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Nếu chân có 5 triệu chứng bất thường sau, nhất thiết phải đi khám


             Bạn không nên coi thường bất kì triệu chứng bất thường nào ở chân vì nó có thể là manh mối cảnh báo một số bệnh trong cơ thể mà bạn có thể đang mắc phải.

1. Vết loét lâu lành dưới lòng bàn chân

Chẩn đoán: Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường . Lượng đường trong máu cao dẫn đến tổn thương thần kinh ở bàn chân - có thể gây ra các vết xước nhỏ, vết cắt, hoặc kích ứng da do ma sát gây ra. Nếu những tổn thương này không được điều trị, các vết loét có thể dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí phải phẫu thuật để cắt bỏ chỗ nhiễm trùng.
Những vết thương này kéo dài có thể có thêm mùi hôi. Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường bao gồm khát nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, nhìn mờ, nhanh đói và giảm cân đột ngột.
Phải làm gì: Bạn cần đi khám để được điều trị vết loét nhanh chóng và được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường cần phải kiểm tra bàn chân hàng ngày ( những người lớn tuổi hoặc những người béo phì nếu không thể tự kiểm tra thì nên nhờ người giúp) và đi khám 3 tháng/lần.

2. Rụng lông chân hoặc lông ở ngón chân

Chẩn đoán: Triệu chứng bất thường này dễ nhận thấy ở nam giới hơn và nó có thể là dấu hiệu của sự lưu thông máu kém. Khi tim mất khả năng bơm đủ máu đến các chi do xơ cứng động mạch thì chân nhận được ít máu hơn và lông ở chân cũng rụng dần, nhất là ở ngón chân.
Việc cung cấp máu tới chân bị giảm sẽ dễ dàng nhận biết bằng cách quan sát màu sắc của chân. Khi bạn đứng, bàn chân có thể có màu đỏ tươi hoặc sẫm, khi nâng lên, chân sẽ có màu nhạt đi nhanh chóng. Da sáng bóng . Những người có tuần hoàn máu kém thường có xu hướng gặp rắc rối về tim mạch (như bệnh tim hoặc động mạch cảnh) nhưng không phải ai cũng nhận ra mình gặp khó khăn trong lưu thông máu.
Phải làm gì: Bạn cần điều trị các vấn đề về tim mạch có thể cải thiện lưu thông máu. Tuy nhiên, lông ở chân có thể không mọc lại

3. Bàn chân bị lạnh

Chẩn đoán: Đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo bạn bị bệnh ở tuyến giáp . Phụ nữ trên 40 người có bàn chân lạnh thường gặp tình trạng suy giáp vì tuyến giáp đóng vai trò điều hòa nhiệt độ và ổn định trao đổi chất. Tuần hoàn kém cũng có thể là một nguyên nhân khiến bạn thường xuyên lạnh bàn chân.
Sự suy giảm tuyến giáp có thể gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể làm cho bạn có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm , tăng cân, da khô...
Phải làm gì: Bạn nên giữ cho bàn chân mình ấm bằng cách đi tất, giày. Bạn cũng nên đi khám để biết nguyên nhân là do hoạt động của tuyến giáp hay do sự tuần hoàn trong cơ thể, từ đó mới có thể điều trị hiệu quả nhất.

4. Tê ở cả hai bàn chân

Chẩn đoán: Cảm giác tê, nặng, cứng chân có thể là một dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại vi, hoặc do hệ thống thần kinh ngoại biên bị tổn hại. Đó là cách cơ thể truyền tải thông tin từ não bộ và tủy sống tới các bộ phần còn lại của cơ thể. Tổn thương thần kinh ngoại biên có nhiều nguyên nhân, nhưng 2 nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tiểu đường và lạm dụng rượu.
Cảm giác ngứa râm ran hoặc như bị đốt cũng có thể xuất hiện ở tay và dần dần lan rộng đến cánh tay và chân.
Phải làm gì: Không có cách chữa bệnh thần kinh ngoại vi, nhưng các loại thuốc như thuốc giảm đau thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng để điều trị triệu chứng này. Vì vậy, bạn nên đi khám để được dùng đúng thuốc điều trị.

5. Đau khớp ngón chân

Chẩn đoán: Nếu bị đau khớp ngón chân, rất có thể bạn đã bị viêm khớp dạng thấp (RA) - một bệnh thoái hóa khớp, thường cảm thấy đau ở các khớp nhỏ trước tiên, chẳng hạn như các ngón chân và các khớp ngón tay.
Ngoài cảm giác đau, có thể bạn còn thấy ngón chân mình bị sưng và cứng. Cơn đau này có xu hướng đối xứng , ví dụ, nó sẽ xảy ra đồng thời ở cả hai ngón chân cái hoặc 2 ngón tay cái. Viêm khớp dạng thấp phát triển đột ngột hơn viêm khớp thoái hóa và các cơn đau có thể lúc xuất hiện lúc biến mất. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 4 lần so với nam giới.
Phải làm gì: Đi khám là việc bạn nên làm vì như vậy mới có thể xác định được nguyên nhân của bất kì cơn đau khớp nào. Nếu được chẩn đoán sớm, chính xác, việc điều trị sẽ có kết quả tốt và tránh được nguy cơ biến dạng chân, tay vĩnh viễn.

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Tắm xe cùng chân dài những ngày oi bức

Dưới cái nóng như đổ lửa những ngày đầu hạ, có lẽ cánh mày râu nên tìm những quán rửa xe như có chân dài vừa để hạ nhiệt cho xế yêu, kết hợp "tắm mắt" cho mát mẻ. Theo Nguyễn Thanh

Ngắm 20 mỹ nhân được đàn ông khát khao nhất

Mới đây, tờ tạp chí đàn ông nổi tiếng Maxim đã công bố danh sách 100 mỹ nhân nóng bỏng nhất hành tinh năm 2014. Trong số đó, thiên thần người Nam Phi nổi tiếng của hãng nội y Victoria's Secret - Candice Swanepoel. Thu Hương (Khampha.vn)
Thiên thần Victoria's Secret xếp đầu bảng.

Cô hiện là một trong những viên ngọc quý của hãng nội y.
Ánh mắt mơ màng, bờ môi dày đầy đặn, sức hút của Candice là không thể bàn cãi.
Scarlett Johansson vẫn còn nguyên sức nóng.
Cô xếp ở vị trí thứ hai.
Cô ca sĩ có thân hình phồn thực Katy Perry ở vị trí thứ ba. 
Irina Shayk xứng đáng xếp thứ tư.
Jennifer Lawrence thường xuyên lọt vào top mười. Lần này cô xếp thứ năm.
Zooey Deschanel quyến rũ nhờ gương mặt thơ trẻ. Cô xếp thứ sáu 
Alessandra Ambrosio thứ bảy.
Jessica Alba xếp thứ tám. 
ở vị trí thứ chín là người đẹp có đôi mắt biết nói Milla Kunis.
Kate Upton sở hữu cơ thể nóng bỏng. Tuy nhiên cô chỉ xếp vị trí mười hai. 
Cara Delevinge nằm ở vị trí thứ mười. 
'Bà nội trợ kiểu Mỹ' Eva Longaria ở vị trí mười ba.
Rihanna xếp thứ mười một. 
Ở vị trí mười bốn là nữ diễn viên Olivia Wilde.
Christina Aguilera lấy lại được vóc dáng và xếp thứ mười lăm.
Người mẫu có cơ thể nở nang Brooklyn Decker xếp thứ mười sáu.
Laura Vandervoort xếp thứ mười bảy.
Người mẫu Samantha Hoopes xếp thứ mười tám. 
Selena Gomez bất ngờ lọt top. Cô xếp thứ mười chín.
Kaley Cuoco nằm cuối top hai mươi.