Tân thời
Dòng sông nho nhỏ hiền lành xứ miền Trung nắng cháy ấy sau khi Hiệp định Geneva được đại diện các phe hòa đàm hạ bút trở thành giới tuyến chia 2 miền Bắc, Nam. Nhà thơ Thanh Hải viết câu thơ xót lòng “Xa nhau chỉ một mái chèo, Mà trăm núi vạn đèo đến đây”. Đúng vậy! Hiệp định Geneva kí vào ngày 21.7.1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định gồm có 6 chương, 47 điều trong đó có điều khoản không như phái đoàn ngoại giao Việt Nam mong muốn là Việt Nam chia làm 2 vùng tập trung, lấy sông Bến Hải (Quảng Trị) làm ranh giới.
Nhìn chung, Hiệp định Geneva vốn trong tâm thức của người Việt có ý nghĩa sâu sắc, là trận đánh ngoại giao vang dội của toàn dân tộc. Ấy vậy mà chỉ dựa vào một điều trong hiệp định, nhân dịp kỉ niệm 60 năm, trên các trang mạng xã hội, không ít các ngòi bút đã “sáng tạo” lịch sử”: “Hiệp định Geneva, niềm đau và nỗi nhục của đất nước”, “60 năm Geneva, nghĩ về cuộc hội ngộ vẫn còn dang dở”, “…ngày quốc hận vì là ngày tấm bi kịch huynh đệ tương tàn”, “đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, gây cảnh chia lìa và chiến tranh tang tóc”.
Buồn thay, là con dân nước Việt sao lại có thể phát ngôn bừa bãi đến thế? Đánh giá lịch sử một cách phiến diện, liệu họ nhìn nhận vấn đề trên quan điểm khách quan hay lý lẽ để đạt được mục đích khác? Bộ GD&ĐT hàng ngày hàng giờ đau đầu nhức óc vì điểm Sử dưới điểm sàn quả là có lý do! Cần đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể để xem xét Hiệp định. Tuy rằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp thua to trên chiến trường, đoàn đàm phán Việt Nam đến với Geneva với uy thế của người chiến thắng nhưng Việt Nam không thể tự quyết định số phận của mình mà bị chi phối bởi mối quan hệ phức tạp giữa các nước lớn. Các bên đến tham dự hội nghị mang theo những lợi ích, chiến lược và những mục tiêu khác nhau song do tương quan lực lượng quốc tế lúc đó, hội nghị bị các nước lớn Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp chi phối.
Tại Geneva, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh, đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương.
Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ Việt Nam tham gia Hội nghị để đi đến một giải pháp hòa bình, đồng thời cũng hiểu rằng cả hai nước đều vì lợi ích riêng của họ mà thúc đẩy nhanh Hội nghị, muốn hoà hoàn với Mỹ và phương Tây nằm làm dịu tình hình thế giới để xây dựng đất nước; cả hai đều bộc lộ ý đồ ủng hộ giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương theo kiểu Triều Tiên, tức là một giải pháp chia cắt Việt Nam tại Hội nghị Gieneva.
Pháp được Anh ủng hộ, muốn đạt được giải pháp đình chiến ít có hại nhất, không lập chính phủ liên hiệp, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn càng tốt trong khi hạn chế tối đa thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Đông Dương.
Trong khi đó, Mỹ chống Liên Xô quyết liệt ở châu Âu, bao vây cấm vận Trung Quốc ở châu Á. Mỹ tìm mọi cách ngăn cản Pháp không được thỏa hiệp quá mức hoặc kí hiệp định bất lợi cho ý đồ của Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khác với lập trường Trung Quốc, ta đã kiên quyết đấu tranh, đàm phán rất gay go với Pháp trên mọi điều khoản. Kết quả của Hội nghị Geneva về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương không đáp ứng được tất cả các yêu cầu và mục tiêu của Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra lúc đầu như phân chia giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử, vùng tập kết của lực lượng kháng chiến nhưng nó phản ánh tương quan lực lượng giữa ta và đối phương trong bối cảnh lúc đó, cả chiến trường lẫn trên bàn đàm phán. Về mặt chính trị và pháp lý, các nước tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Không phải “Hồ Chí Minh không thừa thắng xông lên mà lại kí Hiệp định Geneva” mà chính phủ Hồ Chí Minh đã kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán, linh hoạt trong sách lược để đạt được lợi ích cao nhất. Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể. Việc chia cắt đất nước là giải pháp tạm thời để đình chỉ chiến sự, chấm dứt ách đô hộ thực dân Pháp và ngăn bước chân xâm lược của đế quốc Mỹ. Bác Hồ đã từng nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một: Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Xét trong bối cảnh thời đại, Hiệp định Geneva được kí kết là thắng lợi của nền ngoại giao non trẻ của nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sao phải xem đó là ngày quốc hận? Dân tộc Việt Nam bị chia cắt về địa lý nhưng chưa bao giờ chia cắt về tinh thần dân tộc. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thành hậu phương vững chắc để chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất nước nhà. Sự tuyên truyền xằng bậy kia nếu tiêm nhiễm vào đầu óc thế hệ trẻ sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ, hiểu sai về lịch sử dân tộc, lãng quên cống hiến của cha ông.
Nội dung bài viết này một mặt tác giả muốn khẳng định lại ý nghĩa của hiệp định Geneva, mặt khác muốn chỉ ra nguyên nhân dân đến hạn chế nhất định của Hiệp định là yếu tố thời đại chi phối. Cần có một cách đánh giá lịch sử đúng, một cách xác đinh bạn – thù trong từng thời điểm cụ thể! Đọc và cần suy ngẫm, “quốc hận” đối với những kẻ phản bội Tổ quốc, vinh danh hám lợi hay “quốc hỉ” đối với dân tộc Việt Nam chính nghĩa?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét