Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Đồ chơi sành điệu của bác sĩ chữa ung thư

 

           Kính khoanh vùng ung thư, dao mổ biết “nhìn” ung thư và mũi điện tử ngửi được mùi ung thư - đó là vài món “đồ chơi” thời công nghệ cao hứa hẹn giúp mấy ông bác sĩ “xử đẹp” nỗi ám ảnh của nhân loại.

Nhuộm bệnh nhân
         Cắt khối u là cách rất phổ biến hiện nay trong điều trị ung thư. Đó cũng là cách thường xuyên... không thành công. Ấy là vì rất khó để khoanh vùng chính xác khối u. Đôi khi rất nhiều mô lành bị cắt lây, trong khi tế bào ung thư thì vẫn sống sót, tiếp tục “ngao du” khắp cơ thể, khiến một thời gian sau bệnh nhân phải quay lại phòng mổ hoặc lắm lúc đi thẳng ra... nghĩa trang.
         Chẳng hạn ở bệnh ung thư vú, đến 20% bệnh nhân ở Anh và 40% bệnh nhân Mỹ phải mổ lần 2, theo BBC. Tìm cách vạch mặt chỉ tên tất cả những chỗ tế bào ung thư đang chơi trò trốn tìm vẫn là cuộc vật lộn vất vả của mấy ông bác sĩ và các nhà khoa học.
         Kính thông minh là một trong những công nghệ mới nhất giúp khoanh vùng khối u. Đó là con đẻ của bác sĩ người Mỹ Samuel Achilefu. Để kính thông minh phát huy tính... thông minh, trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ “nhuộm” bệnh nhân bằng tiêm dung dịch chứa peptide - một loại protein vào cơ thể họ. Thuốc nhuộm sẽ không chuyển cả cơ thể bệnh nhân sang màu xanh, đỏ, tím, vàng mà tự động đi tìm các tế bào ung thư mà bám dính vào đó, khiến nó phát sáng theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này”. Cả tế bào tiền ung thư cũng bị peptide “nhuộm sáng”.
         Nhưng đừng tưởng khối u sẽ nhấp nháy sáng rỡ như đèn màu ở quán cà phê. Nó phát sáng ở một bước sóng mà mắt thường chẳng thể thấy được. Thế nên mấy ông phù thủy áo blouse trắng mới cần thêm món đồ chơi gắn trên mắt, vốn chứa một thiết bị cảm biến đặc biệt có thể nhìn được thứ ánh sáng này, cho phép họ tha hồ bứng hết mấy gốc ung thư, không cần xâm lấn tới các “thường dân vô tội”.
          Hiện công nghệ kính thông minh chỉ mới được thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư vú và da, tuy nhiên nó được đánh giá là đầy hứa hẹn, bởi thuốc nhuộm cũng vạch mặt chỉ tên được tế bào ung thư tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết, tuyến tụy... 


Gắn mắt vào dao mổ
          Sở dĩ món đồ chơi mang tên iKnife của mấy ông bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy được đâu là tế bào ung thư, đâu là tế bào khỏe mạnh là vì nó được gắn cái mũi ngửi được mùi ung thư, thứ mùi mà mũi bác sĩ chịu chết. Một nhóm khoa học gia của Trường hoàng gia London (Anh) đã “chế” ra iKnife với mục tiêu tương tự như kính thông minh: khoanh vùng chính xác khối u.
            iKnife là loại dao mổ dùng nhiệt vẫn đang được sử dụng phổ biến khắp thế giới. Thứ khác biệt là cái mũi công nghệ cao được gắn vào dao có khả năng ngửi được trong tích tắc mô mà con dao đang chạm vào là ung thư hay không ung thư. Chính xác là nó ngửi khói bốc ra khi dao nhiệt chạm vào da thịt bệnh nhân, phân tích và cho kết quả chỉ trong vòng có vài giây.
            Bác sĩ Zoltan Takats, người phát minh ra loại dao này hoan hỉ: “Nó đưa ra kết quả gần như là ngay lập tức, cho phép các phẫu thuật gia cắt bỏ khối u ở mức độ chính xác chưa từng có trước đây”.

Máy ngửi ung thư
          Loài động vật 2 chân thông minh nhất hành tinh xưa nay vẫn tự hào vì khả năng vượt trội so với tất cả các động vật khác, cả động vật từ hai đến mấy chục chân. Nhưng xét ở khả năng đánh hơi thì bá chủ trái đất vẫn còn thua xa lũ cẩu (cơ quan thụ cảm khứu giác của người ở mức chừng 5 triệu, trong khi con số này ở lũ cẩu là 300 triệu!). Thế nên nhà nghiên cứu George Preti thuộc Trung tâm giác quan hóa học Monell ở Philadelphia (Mỹ) mới phối hợp với một cơ sở huấn luyện chó để luyện 4 chú cẩu chuyên đi ngửi mùi... ung thư buồng trứng. Kết quả chính xác đến hơn 90%.
           Tuy nhiên, mục tiêu của các nhà nghiên cứu không phải là tuyển dụng lũ chó, cho chúng khoác áo blouse trắng mà ngày ngày vào khoa ung thư của bệnh viện làm việc. Họ sẽ dựa vào chúng để xác định ra “mùi đặc trưng” của bệnh ung thư buồng trứng, từ đó tạo ra thiết bị cảm biến nhận diện được thứ mùi này. Chính các mũi điện tử này mới được đưa vào bệnh viện.
          Nhà nghiên cứu Preti giải thích cơ thể luôn sản sinh ra nhiều hóa chất bốc hơi ra không khí trong quá trình trao đổi chất tự nhiên. Các tế bào ung thư có cơ chế trao đổi chất khác với tế bào bình thường, từ đó phóng thích ra những hóa chất khác biệt mang mùi khác biệt.
           Với khứu giác giới hạn, con người không ngửi được sự khác biệt đó nhưng loài chó thì có. Và ung thư buồng trứng chỉ là một ví dụ đơn lẻ trong quá trình nghiên cứu phát hiện ung thư, vốn mở rộng ở nhiều loại ung thư khác nhau.
            Một trong những điều thú vị nhất là mũi chó ngửi được mùi ung thư ở giai đoạn rất sớm, khi người bệnh chưa có triệu chứng gì khác thường, từ đó hứa hẹn kết quả điều trị khả quan.
Mùi của bệnh tật
Đoán bệnh dựa trên mùi cơ thể không phải là điều gì mới mẻ mà trong suốt lịch sử y học. Mùi hơi thở, nước tiểu, phân và các chất dịch khác từ cơ thể vẫn được mấy ông bác sĩ dùng để chẩn bệnh. Dưới đây là mùi của một số loại bệnh được tổng hợp trong tài liệu khoa học mang tên Tiến bộ trong công nghệ mũi điện tử được phát triển cho ứng dụng y sinh học:    
Loại bệnh
Nơi phát mùi
Loại mùi
Nhiễm vi khuẩn kỵ khí
Da, mồ hôi
Táo thối
Nhiễm trùng bàng quang
Nước tiểu
Amoniac
Tiểu đường
Hơi thở
Acetone(mùi sơn móng tay)
Suy gan
Hơi thở
Rubella
Mồ hôi
Mùi hôi lông trên gia cầm chết
Tâm thần phân liệt
Mồ hôi
Giấm
Tràng nhạc (lao hạch cổ)
Cơ thể
Bia thiu
Thương hàn
Da
Bánh mì nướng
Sốt vàng da
Da
Mùi hàng thịt

                                                                     Kiều Oanh  (Tin nóng Online)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét