TẢN MẠN VỚI NỮ CA SĨ QUỲNH GIAO VỀ CA KHÚC VIỆT NAM TRƯỚC 1975
Đoàn Hưng
Nói về nền tân nhạc Việt Nam, rất nhiều người có cùng nhận xét: khán giả cả trong nước lẫn hải ngọai vẫn thích nghe những ca khúc sáng tác trước 1975 hơn là sau này. Cũng chỉ trong khoảng thời gian ba thập niên, những nhạc sĩ Việt Nam trong giai đọan 1945-1975 đã để lại một gia sản ca khúc đồ sộ, vô giá, mà có lẽ các thế hệ sau còn lâu mới bắt kịp.
Bình luận về ca khúc Việt Nam trong giai đọan này, đó phải là công trình cả ngàn trang giấy của các nhà phê bình âm nhạc. Những người hâm mộ thuộc thế hệ hậu bối như tôi, thường thì say mê ca khúc chỉ bằng cảm nhận khi nghe qua tiếng hát của một ca sĩ nào đó. Tôi nghĩ những ca sĩ thường hiểu bài hát và tác giả hơn là người nghe. Sang đến thể kỷ 21 này, tôi giật mình khi nhận thấy rằng những ca sĩ mà mình yêu mến ngày nào như Thái Thanh, Khánh Ly, Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú… đang dần dần trở thành quá khứ!
Tôi vội vàng tìm cách xin gặp nữ ca sĩ Quỳnh Giao, người em út trong lớp ca sĩ thế hệ vàng, để ghi nhận lại một vài suy nghĩ của chị về ca khúc Việt trước 1975…
Hiện nay, chị Quỳnh Giao cũng đã ít xuất hiện trên sân khấu đi nhiều. Lần gần đây nhất là trong đêm nhạc Dương Thiệu Tước - Tiếng Xưa Của Chúng Ta - vào tháng 7/08. Họat động âm nhạc thường xuyên nhất của chị bây giờ là dạy piano tại nhà riêng của chị. Có một điều khán giả hâm mộ như tôi ít biết đến: chị Quỳnh Giao là một pianist được đào tạo chuyên nghiệp có hạng, dỗ thủ khoa của Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn từ năm 1965, trước 1975. Có lẽ là do chị hay xuất hiện trước khán giả như là một ca sĩ hơn. Nhưng nếu có dịp được nghe lại những CD chị tự đệm đàn piano cho mình hát, chúng ta sẽ thấy rằng cả tiếng hát và tiếng đàn đều đẹp như nhau.
Khi được hỏi đâu là giá trị của những ca khúc Việt trước 1975, khiến cho khán giả ngày nay vẫn còn say mê nghe và hát, chị Quỳnh Giao trả lời có lẽ là ở tâm hồn của người nhạc sĩ.
Hãy tưởng tượng khi Cung Tiến viết Hương Xưa năm 18 tuổi, Phạm Duy viết Khối Tình Trương Chi ở lứa tuổi đôi mươi, thì tâm hồn của những nhạc sĩ này đã trưởng thành như thế nào so với thanh niên cùng lứa của thế hệ hôm nay. Có thể nói rằng xã hội ngày nay với nền khoa học tiến bộ đã làm thế hệ trẻ rất giàu về mặt kỹ thuật, nhưng lại nghèo đi về mặt tâm hồn. Người nghệ sĩ ngày xưa, với những phương tiện đơn giản, đã dùng niềm đam mê, sự rung động thật của tâm hồn để sáng tác, cho nên những ca khúc của họ có chiều sâu để đi vào lòng người.
Tuy nhiên, chị Quỳnh Giao còn cho rằng yếu tố kỷ niệm cũng đã góp phần làm cho đời sống của các ca khúc trước 1975 dài hơn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta hay gắn một phần đời tươi đẹp của mình trong quá khứ với một bản nhạc, một lời ca. Khi viết bài Ly Rượu Mừng, có lẽ Phạm Đình Chương đã cảm hứng từ không khí xuân rộn ràng, lạc quan vào tương lai của Miền Nam Tự Do. Rồi từ đó, cứ mỗi độ xuân về, mỗi lần nâng chén chúc nhau trong ngày đầu năm, người dân miền Nam lại cùng nhau nghe, cùng nhau hát Ly Rượu Mừng, để cùng có cảm giác “… hương thanh bình đang phơi phới…”. Bài hát này đã trở thành biểu tượng của mùa xuân miền Nam như vậy đó. Những cảm xúc của chúng ta dành cho bài hát này có thể không có ở những người sống ở miền Bắc, hoặc thế hệ trẻ lớn lên ở hải ngoại.
Một bài hát muốn trở thành bất tử thì bản thân nó phải là một bài nhạc hay. Chị Quỳnh Giao phân biệt ca khúc ra làm hai lọai: ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật. Ca khúc phổ thông thì dễ nghe, dễ hát. Đặt một giai điệu, rồi đặt lời vào là đã có một bài hát. Những ca khúc nghệ thuật thì đòi hỏi nhiều hơn. Phải có sự phối hợp giữa nhạc và lời. Tiết tấu, giai điệu và cả phần hòa âm cùng góp phần hình tượng hóa nội dung của lời hát. Là một trong những ca sĩ hay trình diễn ca khúc nghệ thuật, chị Quỳnh Giao cảm nhận được sâu sắc giá trị của những ca khúc này.
Nghe Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước, ta có cảm giác mình đang lướt trôi trên một dòng sông, qua những bến sông êm đềm, cảm nhận những nhịp sóng vỗ vào mạn thuyền theo mái chèo đưa. Nghe Qua Suối Mây Hồngtrong Đạo Ca của Phạm Duy, ta như đang xem cuộc chiến tranh dành Mỵ Nương của Sơn Tinh và Thủy Tinh, nghe Thủy Tinh làm mưa, dâng nước lũ qua lời hát “…sóng ầm ầm, sóng ầm ầm nổi dậy…”. Hoặc nghe Hội Trùng Dươngcủa Phạm Đình Chương, ta phân biệt được rõ ràng đời sống ba miền Bắc-Trung-Nam trên ba dòng sông Hồng, Hương Giang và Cửu Long… Những ca khúc như vậy là một tác phẩm nghệ thuật, không nhiều trong nền âm nhạc Việt Nam sau 1975. Chị Quỳnh Giao nói những nhạc sĩ lớn thường có trình độ về âm nhạc lẫn bề dầy về văn hóa, cho nên họ mới có được những tác phẩm để đời.
Nhiều nhà phê bình âm nhạc quốc tế cho rằng những tác giả lớn của nền âm nhạc cổ điển Tây Phương như Beethoven, Tchaikovski… đều đem được nguồn nhạc dân gian của dân tộïc mình vào trong tác phẩm. Theo chị Quỳnh Giao, điều này cũng đúng với ca khúc Việt Nam. Dân ca là suối nguồn tâm linh của người nhạc sĩ. Để có giá trị lớn ở tầm vóc quốc tế, những ca khúc Việt cần tạo chỗ đứng của riêng mình bằng cách dựa trên nền dân nhạc.
Tác giả nào thành công nhất trong lĩnh vực này?
Đó chính là Phạm Duy. Ông là người đã đem dân ca vào ca khúc của mình một cách tự nhiên nhất, thậm chí cải biên để cho dân ca trở nên phổ biến hơn trong nền tân nhạc Việt Nam. Những tác phẩm viết về quê hương như Tình Hoài Hương, Tình Ca, Nương Chiều,… đều trở thành bất tử dưạ trên nền dân ca Việt Nam. Còn nhiều nhạc sĩ khác cũng làm được điều này.
Nhạc sĩ Lê Thương sáng tác không nhiều, nhưng Hòn Vọng Phu của ông xứng đáng là một tác phẩm để đời, mang đậm chất dân ca. Mặc dù Dương Thiệu Tước được nhắc đến nhiều với những ca khúc mang đậm nét cổ điển Tây Phương, nhưng hai nhạc phẩm rất được yêu thích của ông là Đêm Tàn Bến Ngự và Tiếng Xưa đều có âm hương dân ca.
Một đặc điểm nữa của những ca khúc trước 1975 là rất giàu cá tính.
Nhiều nhạc sĩ tạo được màu sắc riêng trong những tác phẩm của mình. Giai điệu và lời của nhạc Trịnh Công Sơn như của một kẻ rong ca, không lẫn được với nhạc của ai khác. Ca khúc của Lê Uyên Phương đầy những tình cảm mãnh liệt của đôi uyên ương chưa muốn rời xa nhau. Nhạc Văn Phụng là nhạc của những người hạnh phúc, yêu đời… Những ca khúc đầy cá tính này lại còn được trình bày bởi những giọng ca cũng đầy cá tính nữa chứ.
Chị Quỳnh Giao có cùng nhận xét với tôi là những ca sĩ trong nước bây giờ, giọng hát có thể rất điêu luyện, nhưng lại giống nhau quá! Chứ ngày xưa, từ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu cho đến Thanh Thúy, Mai Lệ Huyền…, khán thính giả chẳng thể lẫn lộn được. Tại sao vậy? Bởi vì ca sĩ ngày xưa ít có ai được học hát trong những trường dạy thanh nhạc chuyên nghiệp. Họ tự nhiên hình thành giọng ca của mình.
Bản thân chị Quỳnh Giao cũng chỉ đi học thêm kỹ thuật hát sau khi đã thành danh. Lại càng ít có chuyện ai bắt chước giọng ai. Người nghe thời ấy tha hồ mà lựa chọn giọng ca cho riêng mình. Nhạc sĩ cũng lựa chọn ca sĩ cho hợp với ca khúc của mình. Ai hát nhạc Trịnh hay hơn Khánh Ly? Ai có thể hát Bà Mẹ Gio Linh thống thiết hơn Thái Thanh? Nhạc Sĩ Vũ Thành thì cho rằng Quỳnh Giao hát Tiếng Chuông Chiều Thu mới là “tuyệt chiêu”. Đời sống tinh thần thời đó nhờ thế mà phong phú làm sao!
Tôi hỏi chị nam ca sĩ nào chị thích nhất, chị trả lời: Anh Ngọc.
Giọng hát của ông là giọng hát của một “đại trượng phu”. Ông hát nhạc tình một cách từng trải, như người đã đứng trên những niềm vui nỗi buồn trong tình yêu mà kể lại, độc đáo vô cùng…Trong khi đó, giọng Sĩ Phú tình cảm hơn, kể chuyện tình nhiều cảm xúc hơn. Vì vậy, Sĩ Phú hát Cô Láng Giềng là nhất rồi.
Thế còn nữ ca sĩ? Chị Quỳnh Giao nói ngay: "Thái Thanh. Cô Thái là một hiện tượng, không ai có thể so sánh được. Nhưng nhiều khán giả chưa thích giọng hát này khi còn trẻ. Phải trưởng thành một chút, càng nhiều kinh nghiệm, vui buồn trong đời, nghe giọng cô Thái càng hay…"
Thế còn nữ ca sĩ? Chị Quỳnh Giao nói ngay: "Thái Thanh. Cô Thái là một hiện tượng, không ai có thể so sánh được. Nhưng nhiều khán giả chưa thích giọng hát này khi còn trẻ. Phải trưởng thành một chút, càng nhiều kinh nghiệm, vui buồn trong đời, nghe giọng cô Thái càng hay…"
Nói chuyện với chị Quỳnh Giao về ca khúc Việt Nam trước 1975 như nói với người tri kỷ, không dứt ra được. Khi chia tay, chị còn gởi cho tôi vài CD của một số ca khúc Vũ Thành hòa âm trước 1975. Chị bảo rằng sau này nhiều nhạc sĩ cũng có dàn dựng lại, với kỹ thuật âm thanh cao hơn, nhưng không thể so sánh được với version này. Chị bảo đó là những món quà vô giá dành cho khán thính giả Việt Nam. Tôi nghĩ thầm (dù chị không hề nhắc): chị cũng là một phần trong món quà vô giá đó, đối với thế hệ sau như tôi…
_______________________
Xin đăng lại một bài phỏng vấn Quỳnh Giao được bạn bè gửi cho. Tác giả là một tay đàn lục huyền cầm, con trai một nhà văn lớn của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét