Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Chiến tranh biên giới năm 1979: VN đã tuân thủ ý kiến TBT Lê Duẩn


 Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Dù Trung Quốc đã rút quân vào đầu tháng 3/1979 nhưng những hy sinh mất mát của người Việt Nam chỉ kết thúc thực sự vào năm 1989, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giúp bạn đọc có những góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của quân và dân Việt Nam cũng như bản chất của hành động gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Nói về kết quả của cuộc chiến tranh biên giới, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng: “Chính Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc bài học về mặt chỉ huy chiến trường, dạy Trung Quốc về tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành, dạy cho Trung Quốc cách đánh phân đội nhỏ và những chiến thuật luồn sâu, chia cắt và chiến thuật bao vây, tiêu diệt những phân đội, đơn vị chiến đấu cơ bản của Trung Quốc. Chúng ta đã dạy cho Trung Quốc nhiều bài học chứ không phải như Đặng Tiểu Bình nói dạy cho Việt Nam một bài học”.

Và thông qua cuộc phát động chiến tranh xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam, Trung Quốc đã ngộ ra nhiều điều. Trung Quốc đã mất một người bạn chiến lược, một người láng giềng hết sức thân thiện. Với ta, ta đã làm cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của quân Trung Quốc: “Biến bạn thành thù” và vô cớ phát động chiến tranh xâm lược dưới giọng điệu kiêu ngạo: “Dạy cho Việt Nam một bài học”, vu khống Việt Nam như kẻ vô ơn bạc nghĩa. 

Nhưng Trung Quốc đã không hình dung ra được cuộc chiến tranh đó đã khiến họ tổn thất rất lớn về mặt con người, về hình ảnh của đất nước với thế giới, uy tín của một nước lớn khi phát động chiến tranh để đánh lại một nước XHCN nhỏ hơn, yêu chuộng hòa bình như Việt Nam. Một cuộc chiến tranh thảm khốc và Trung Quốc không phải là người thắng cuộc.

Trung Quốc đã không khuất phục được Việt Nam. Cuộc chiến đó là một sự thất bại mà Trung Quốc không muốn nhắc lại nó. Đối với các quân nhân của quân đội Việt Nam, anh em chúng tôi bước vào cuộc chiến đó với tâm thế của người chiến thắng: Chiến thắng Mỹ và sẵn sàng đối đầu với một thế lực mới. Anh em cũng rất tự hào khi giành chiến thắng mặc dù chúng ta đã có những tổn thất không nhỏ về người và kinh tế. 

Tuy nhiên, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1979 trước Trung Quốc đã làm cho chúng ta thấy được bản chất của Trung Quốc – Chủ nghĩa sôvanh nước lớn và luôn gây hấn với các nước xung quanh, luôn làm cho các nước xung quanh nghi ngờ, cảnh giác”.

"Sau ngày 5/3/1979, Đặng Tiểu Bình quyết định dừng cuộc tiến công Việt Nam và rút quân. Theo tướng Lê Mã Lương, nếu ngày 5/3, Trung Quốc không rút quân thì Việt Nam sẽ đưa sư đoàn 312, đưa cơ động lên để bước vào cuộc chiến tiêu diệt cấp trung đoàn của Trung Quốc ở Lạng Sơn. 

Lúc bấy giờ, tôi được rút ra cùng một số cán bộ khác ở Bộ Tổng Tham mưu và đến làm nhiệm vụ đốc chiến Sư đoàn 312 để bước vào một trận đánh, một trận đánh thử nghiệm tiêu diệt cấp trung đoàn. Khi Đặng Tiểu Bình cho rút quân thì Sư đoàn 312 cũng án binh bất động rồi rút quân về phía sau.

Quân đội Việt Nam cũng tuân thủ ý kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn là đảm bảo cho các đơn vị của Trung Quốc rút quân mà không có bất kỳ sự bao vây, ngăn chặn gây khó khăn nào cho các đơn vị của Trung Quốc. Chúng ta đã thực hiện điều đó nghiêm túc như trong lịch sử khi quân phương Bắc xâm lược thua trận kéo về nước mà không bị đánh tiếp. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là một cuộc chiến tranh hao người tốn của. Cuộc chiến đã để lại cho người Việt Nam một vết hằn, nỗi nhức nhối về Trung Quốc. Như vậy sau 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước, chúng ta bước vào cuộc chiến mới 12 năm bảo vệ Tổ quốc và nâng thời gian chiến đấu liên tục của Việt Nam lên con số 42 năm – điều hi hữu đối với bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới. Chúng ta đã chiến đấu hết sức kiên cường, giữ được nền độc lập của dân tộc".

Tôn Tử - Nguồn: sohaNEWS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét