Tuần vừa qua là quãng thời gian khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng không thế giới, với 4 vụ tai nạn máy bay liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn, cướp đi sinh mạng của hơn 450 người vô tội, khiến du khách trên toàn thế giới hoảng sợ khi phải nghĩ đến chuyện đi máy bay.
Hôm 17/7, chiếc máy bay MH17 của Malaysia chở 298 người bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraine và nổ tan tành. Thi thể của rất nhiều nạn nhân bị cháy đen hoặc không còn nguyên vẹn.
Trong những ngày vừa qua, liên tiếp hai máy bay chở khách bị rơi vì thời tiết xấu ở Đài Loan và Mali, khiến 164 người thiệt mạng. Hôm 25/7, một máy bay quân sự của Ấn Độ cũng gặp nạn, khiến 7 quân nhân tử vong trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều người bắt đầu đồn đoán về "lời nguyền số 7" của hàng không thế giới |
Theo thống kê của hãng tư vấn hàng không Ascend ở London, Anh, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, số người chết vì tai nạn máy bay trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi số nạn nhân thiệt mạng trong năm 2013, năm được coi là an toàn kỷ lục của hàng không thế giới.
Điều gì đang xảy ra với ngành hàng không thế giới khi các thảm họa liên tiếp xảy ra ở cả 3 châu lục, gây ra thiệt hại to lớn về người và của. Phải chăng các hãng hàng không trên thế giới đang chịu một lời nguyền bí ẩn đầy khủng khiếp nào đó khiến máy bay gặp nạn liên tiếp?
Cộng đồng mạng bắt đầu tìm cách xâu chuỗi thông tin và tìm ra điểm giống nhau giữa các vụ tai nạn máy bay kinh hoàng này. Điều mà họ tìm ra là một con số “7” gần như xuất hiện trong cả 4 vụ máy bay rơi.
Máy bay MH17 bị rơi vào ngày 17/7 sau khi hoạt động được 17 năm. Thậm chí có người còn cất công lục lại hồ sơ để cho thấy rằng chiếc máy bay xấu số trên bắt đầu được đưa vào hoạt động trong tháng 7 năm 1997.
Chiếc máy bay gặp nạn ở đảo Bành Hồ, Đài Loan là loại máy bay chở khách ATR-72, còn máy bay của hãng hàng không Air Algerie rơi ở Mali mang số hiệu AH5017. Tệ hơn, chiếc máy bay quân sự rơi ở Ấn Độ hôm 25/7 cũng khiến 7 người chết.
Thế giới liên tiếp chứng kiến 4 vụ rơi máy bay thảm khốc trong tuần qua |
Trong quan niệm của người phương Đông, số 7 là một con số không may mắn, và nhiều người tin rằng số 7 là con số của sự mất mát. Giờ đây quan niệm này lại được rất nhiều thành viên trên mạng xã hội bàn tán sôi nổi, và không ít người tin “sái cổ” vào thứ mang màu sắc huyền bí này.
Thế nhưng, nhìn từ góc độ khoa học, các chuyên gia hàng không và nhà nghiên cứu về an toàn đều cho rằng những vụ tai nạn máy bay xảy ra trong tuần vừa qua không hề có bất cứ điểm chung đáng chú ý nào, và chúng cũng không hề liên quan đến lời nguyền về con số 7 huyền bí như cư dân mạng vẫn đồn đại.
Theo các chuyên gia hàng không, những nguyên nhân thường gặp nhất khiến máy bay bị tai nạn là do thời tiết xấu, do lỗi của phi công hoặc do trục trặc kỹ thuật trên máy bay. Đây là những nguyên nhân “sơ đẳng” mà bất cứ chuyến bay nào một khi cất cánh lên bầu trời đều có thể gặp phải. Bởi vậy, từ lâu, các chuyên gia an toàn hàng không đã không đưa các nguyên nhân này vào chủ đề thảo luận của họ để tìm cách nâng cao an toàn cho máy bay.
Có thể nhận thấy rằng, hầu hết những máy bay gặp nạn trong tuần qua đều do các nguyên nhân “sơ đẳng” trên, ngoại trừ chiếc máy bay xấu số MH17 bị trúng tên lửa trên vùng chiến sự, một nguyên nhân được coi là bất khả kháng.
Việc 4 vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra liên tiếp chỉ trong vòng một tuần cũng không thể nói lên điều gì về an toàn hàng không trong giai đoạn hiện nay, mặc dù nó có gây ra cú sốc tâm lý cực lớn đối với hành khách đi máy bay, các hãng hàng không và thậm chí là chính phủ các nước có liên quan.
Tin tức tai nạn máy bay dồn dập khiến nhiều người tỏ ra sợ hãi (Ảnh minh họa). |
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, trong một năm vừa qua, tỉ lệ máy bay gặp tai nạn và bị hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được chỉ là chưa đầy 1/2 triệu chuyến bay. Trong số đó có cả các máy bay chở hàng, máy bay chở khách giá rẻ và máy bay cho thuê riêng.
Ông Jon Beatty, Chủ tịch Tổ chức An toàn Bay ở Virginia (Mỹ), nhận xét: “Nếu những vụ tai nạn này có nguyên nhân và diễn biến giống nhau, bạn có thể nói rằng hàng không thế giới đang có vấn đề mang tính hệ thống. Thế nhưng, các sự kiện này không hề có điểm chung, điều đó làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, một loạt tai nạn xảy ra trong thời gian ngắn chính là tiếng chuông báo động cho chúng ta thấy rằng sự cố hàng không sẽ có thể tăng nhanh trong thời gian tới vì sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Càng nhiều chuyến bay cất cánh, nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ càng cao hơn.
Theo ông Tony Tyler, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, việc du khách hoảng sợ và nghi ngờ trước một loạt thảm kịch xảy ra liên tiếp như vậy là điều chính đáng, song ông cũng tìm cách thuyết phục mọi người rằng máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất hiện nay.
Thống kê của Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới cho thấy, tỉ lệ tai nạn đang giảm dần theo thời gian |
Chuyên gia phân tích hàng không Robert Mann thì cho rằng, những thảm kịch máy bay gần đây sẽ không khiến mọi người nhụt chí khi phải đi lại bằng máy bay.
Ông nói: “Mặc dù những sự kiện trên vô cùng khủng khiếp, nhưng rồi chúng cũng sẽ nhanh chóng bị chìm lấp trong dòng chảy cuồn cuộn của thông tin. Ngoài ra, những nơi xảy ra tai nạn máy bay vừa qua đều là địa danh xa lạ đối với 99% du khách trên toàn thế giới. Bởi vậy, người ta sẽ nhanh chóng quên đi và tiếp tục sử dụng máy bay để di chuyển, bất chấp những thông tin về tai nạn máy bay trên báo chí”.
Một cuộc khảo sát do AP thực hiện cho thấy, nhiều hành khách tỏ ra không quá lo lắng về vấn đề an toàn. Một hành khách người Hà Lan tên là Bram Holshoff nói: “Những vụ tai nạn như vậy có thể xảy ra mỗi ngày hoặc chẳng bao giờ xảy ra. Dù ba hay bốn vụ trong một tuần là quá nhiều, nhưng với tôi mọi thứ vẫn vậy”.
Một hành khách khác tên là Nguyễn Lâm đang ở sân bay Charles de Gaulle (Pháp) chuẩn bị bay tới Mỹ nói: “Nếu phải xảy ra, nó sẽ xảy ra. Điều đó không ngăn cản tôi tiếp tục đi máy bay, bởi đây vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất”.
Theo Trí Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét