Hùng Tâm / Người Việt 131009
Trung Quốc Vào Trung Á Khi Hoa Kỳ Ra Khỏi A Phú Hãn....
* Vì năng lượng và nhiều động lực khác *
Hoa Kỳ nhất quyết triệt thoái khỏi A Phú Hãn (Afghanistan) vào cuối năm tới. Một ẩn số còn lại là việc Hoa Kỳ cùng các đồng minh trong Minh ước NATO sẽ rút hết (Mỹ gọi là "Zero Option") hay còn giữ lại một số đơn vị với lý do huấn luyện cho quân đội và an ninh của chính quyền Afghanistan tại Kabul? Sau năm 2014, Tổng thống Hamid Karzai cũng hết nhiệm kỳ và xứ này sẽ có lãnh đạo mới, phù hợp với tình hình chính trị mới, trong đó vai trò của lực lượng Taliban là yếu tố đáng kể nhất. Nhưng dù sao, hết năm 2014, Hoa Kỳ cũng hết hiện diện tại Trung Á và tình hình khu vực này sẽ có thay đổi. Mà Trung Á lại là khu vực đang được Trung Quốc chiếu cố vì lý do an ninh lẫn năng lượng. Tiếp theo kỳ trước, "Hồ Sơ Người-Việt" sẽ tổng hợp các dữ kiện làm bối cảnh cho một cục diện mới.
Trung Á và A Phú Hãn
Khi Hoa Kỳ triệt thoái thì A Phú Hãn sẽ có thay đổi.
Dễ hiểu nhất và có xác suất cao nhất là vai trò quan trọng hơn của lực lượng Taliban, về cả mặt an ninh và chính trị. Nhưng trong nội tình xứ này còn có nhiều lực lượng tôn giáo và sắc tộc khác, cho nên đấu tranh sẽ bùng nổ bên trong. Cũng vì vậy, lực lượng Taliban đang đàm phán với Hoa Kỳ để nhờ sự thu xếp của nước Mỹ mà họ có thêm tư thế so với các lực lượng khác. Việc đàm phán ấy cũng trực tiếp liên quan đến giải pháp "Zero Option" mà Hoa Kỳ đang dàn xếp với chế độ Karzai hiện nay. Nói tóm tắt thì Hoa Kỳ vẫn còn một chút ảnh hưởng trong chính quyền "hòa giải hòa hợp" sau này, miễn là quân lực và dân chúng Mỹ hết còn phải lo về chuyện A Phú Hãn nữa.
Nhưng bên ngoài A Phú Hãn còn các nước láng giềng Trung Á.
Các nước này không muốn Hoa Kỳ mãi mãi có mặt, nhưng cũng lại sợ là sau khi Mỹ rút, họ sẽ gặp một chế độ Taliban quá mạnh ở Kabul và chế độ này có thể hợp tác với các lực lượng Hồi giáo quá khích tương tự như lực lượng Al-Qeada. Đó là một chuyện đáng lo.
Chuyện đáng lo kia là ngoài Taliban, các nhóm dân quân võ trang thuộc các sắc tộc hay hệ phái khác tiếp tục gây loạn trong vùng biên giới giữa A Phú Hãn với các lân bang. Trong các nhóm này, nếu Phong trào Hồi giáo Uzbekistan đã bị suy yếu thì còn nhiều nhóm khác, với khí giới và ma túy á phiện sẽ là võ khí. Sau khi Mỹ rút lui, các lực lượng dân quân Hồi giáo đó có thể từ A Phú Hãn bung ra tung hoành ở xứ khác.
Các nước khác, như Uzbekistan, Takijistan hay Kyrgyzstan, đều mới chỉ giành lại độc lập từ khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991 và họ mất 10 năm xây dựng một cơ chế chính trị khác với rất nhiều nhược điểm. Việc xây dựng đó chưa hoàn tất thì có vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ khiến nước Mỹ nhập cuộc. Một số quốc gia, kể cả Liên bang Nga lẫn Iran và vài nước Trung Á đã công khai hay kín đáo hợp tác với Mỹ trong chiến dịch A Phú Hãn chính là để nhờ tay Mỹ triệt hạ bớt các lực lượng Hồi giáo quá khích hay các nhóm dân quân chuyên đánh du kích và quấy phá vùng biên giới.
Hơn 10 năm sau là ngày nay, tình hình tương đối đã khả quan hơn cho các nước Trung Á.
Trước hết, họ có nền móng và định chế chính trị vững hơn xưa. Thứ hai, nhiều cường quốc ở xa đã quan tâm đến khu vực này và không muốn khủng bố, ma túy hay du kích sẽ tràn vào Trung Á để tái diễn một hoàn cảnh A Phú Hãn khác. Những quốc gia đó là Liên bang Nga, Iran, Turkey, Trung Quốc và tất nhiên là Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu. Vả lại, dù có trở về Kabul, lực lượng Taliban cũng không mạnh như xưa, nhất là ở miền Bắc Afghanistan và họ cũng chẳng dại dột yểm trợ quân khủng bố hay các lực lượng dân quân phiến loạn tại Trung Á. Vì vậy, mối lo của các nước Trung Á thì vẫn còn, nhưng một sự bùng phát của các phong trào dân quân hay khủng bố lại có xác suất thấp hơn - hoặc sẽ xảy ra chậm hơn.
Tuy nhiên, bên trong từng nước Trung Á như Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan lại có những bất ổn riêng vì chưa hẳn là đã xây dựng được nền dân chủ hoàn chỉnh, và có nước thật ra vẫn còn chế độ độc tài. Vì vậy, khi cái chốt Hoa Kỳ được rút khỏi A Phú Hãn, các lực lượng cực đoan vẫn có cơ hội gây rối trong từng nước.
Sau cùng, người ta không quên rằng trong cả khu vực bao trùm lên A Phú Hãn và hàng loạt quốc gia họ "stan", từ Pakistan tới Turkmenistan và Kazakhstan, v.v... thì hàng hóa, á phiện, võ khí lẫn các nhóm võ trang vẫn thường đi lại. Họ hợp tác hay giết hại lẫn nhau từ nhiều năm nay, và bị chặn nơi này thì lẩn qua nơi khác.
Khi "sen đầm quốc tế" là Hoa Kỳ rút lui, ngần ấy yếu tố bạo động lại dễ xảy ra.
Trong các cường quốc khu vực, Trung Quốc thấy có lợi nhất vì nước Mỹ mắc bận mà khỏi ngó ngàng đến Đông hải của Bắc Kinh. Và trong khi Hoa Kỳ bận rộn tại A Phú Hãn thì cũng mặc nhiên giải quyết cho Bắc Kinh mối nguy khủng bố! Tình trạng ấy đang chấm dứt.
Trung Quốc Thèm Trung Á
Tháng Chín vừa qua, khi lãnh đạo Hoa Kỳ còn lúng túng về vụ Syria, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lại rất bận.
Ông dành 10 ngày thăm bốn nước Cộng hoà Trung Á là Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan, qua Nga dự Thượng đỉnh G-20 tại St. Peterburg và tới thủ đô Bishkek của dân Kyrgyz dự Thượng đỉnh SCO (Shanghai Cooperation Organisation). SCO là tổ chức hợp tác giữa bốn nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan với hai lân bang Nga Hoa để cùng bảo vệ an ninh trong một vùng bát ngát ít được Tây phương chú ý.
Lần này, đến xứ nào họ Tập cũng đưa ra những cam kết tài chánh hấp dẫn để nâng cấp hợp tác ngoại giao, năng lượng và an ninh lên tầm chiến lược. Tại Turkmenistan, ông khánh thành một trung tâm khí đốt, tại Kazakhstan thì hứa 30 tỷ đô la cho các dự án năng lượng và vận tải. Tại Uzbekistan và Kyrgyzstan cũng vậy, Tập Cận Bình đề nghị những kế hoạch đầu tư to tát cho nhiều năm tới. Hôm mùng bảy, tại thủ phủ Astana của Kazakhstan, họ Tập nói về viễn kiến của mình: xây dựng "Vòng Đai Kinh Tế Trên Con Đường Tơ Lụa" chạy dài từ Tân Cương đến Trung Á.
Vì truyền thông Hoa Kỳ không để ý đến chuyện xa xôi đó, còn truyền thông của ta thì chú ý đến Đông hải, "Hồ Sơ Người-Việt" mới dành hai kỳ cho viễn kiến này của Trung Quốc.
Dù có lãnh thổ bát ngát rộng bằng Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn thiếu năng lượng và nguyên liệu gốc kim loại cho công cuộc kỹ nghệ hoá. Từ 15 năm nay họ trở thành nước nhập cảng số một thế giới về than đá, quặng sắt, đồng, kền và nhôm aluminum, và số hai (sau Hoa Kỳ) về dầu thô. Năm nay, họ cũng đã vượt Mỹ lên số một về nhập dầu.
Chi tiết đáng chú ý: ngày nay, 85% lượng ngoại thương và 80% số nhiên liệu nhập cảng vào Trung Quốc phải dùng đường thủy.
Là một xứ lệ thuộc vào xuất cảng hàng hóa và nhập cảng nguyên nhiên vật liệu, Trung Quốc ý thức được những bất trắc trên đường hàng hải qua các đại dương lớn để thông thương với Đông Nam Á, Úc, Âu Châu, Hoa Kỳ và các khu vực khác. Dù đã phát triển hải quân từ hơn 20 năm qua và ngày càng bành trướng ra Đông hải (của Trung Quốc tại Đông Bắc Á và của Việt Nam tại vùng biển Đông Nam Á), họ vẫn sợ là thương thuyền bị hải tặc hay khủng bố tấn công. Hoặc có thể bị Mỹ và nhiều nước khác phong toả qua những dòng hải lưu và eo biển vùng Đông Nam Á.
Vì vậy, từ mấy năm nay, Bắc Kinh muốn vạch ra những con đường huyết mạch khác.
Con đường tơ lụa thời xưa đang được Bắc Kinh vẽ lại và khuếch trương để nối liền khu vực Tân Cương với Trung Á, từ đó có thể tiến tới Trung Đông và Âu Châu. Song song, ở phía Bắc và về hàng hóa mua bán với Âu Châu, Trung Quốc đã nghĩ tới và lập ra đường thiết lộ.
Hôm 17 Tháng Bảy, lãnh đạo Bắc Kinh khánh thành đường hỏa xa nối liền thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam với Hamburg của Đức để đưa sản phẩm điện tử của hãng Foxconn của Đài Loan ở đấy vào tới trung tâm Âu Châu. Dù rằng có vận chuyển bằng đường hỏa xa có đắt hơn đưởng thủy khoảng 25%, nhưng thời gian tiết kiệm được là 40% (ba tuần thay vì năm tuần nếu đi bằng tầu thủy qua biển Đông Nam Á). Đó là tiết kiệm cho các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào nội địa Trung Quốc, thí dụ như Foxconn, HP hay DHL....
Trở lại chuyện năng lượng, năm 2012, Trung Quốc nhập từ Turkmenistan hơn 21 tỷ thước khối khí đốt với chỉ tiêu là 65 tỷ vào năm 2020. Từ Kazakhstan, họ sẽ mua dầu thô, từ Uzbekistan thì mua khí đốt và họ cũng đã mau mắn đầu tư vào các dự án dầu khí hay kim loại tại Afghanistan, dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ là liên quân quốc tế.
Chuyến đi của Tập Cận Bình chính là để khai triển những dự án này trong một kế hoạch lớn lao là phát triển Tân Cương, khai thác Trung Á và qua ngả Trung Á mở đường nối kết cả đại lục Âu- Á mà khỏi phải bị ai bắt bí ngoài Thái bình dương hay Ấn Độ dương.
Nhưng dù có tiền và có người, Bắc Kinh vẫn khó vượt qua nhiều chướng ngại tại Trung Á.
Từ Thiên San Tới Những Gian Nan Khác
Như tên gọi, Tân Cương là vùng biên vực mới mà Trung Quốc chỉ kiểm soát được một phần từ đời Thanh và chiếm đoạt từ thời Mao Trạch Đông. Khu vực này rộng bằng phân nửa Ấn Độ mà chỉ có 22 triệu dân (17% diện tích toàn quốc cho 2% dân số toàn quốc). Bên trong thì đã có mầm loạn vì sắc tộc và tôn giáo, như mọi người đều nghe nói đến.
Vượt rặng Thiên San thì mới đến Kazakhstan và Kyrgyzstan qua những đường vận chuyển hiểm trở và phải đầu tư rất tốn kém. Qua đến Trung Á thì sự thể còn bất trắc hơn vì cho dù có mua chuộc được các chính quyền - chuyện không đương nhiên và không đương nhiên được Liên bang Nga thiết tha yểm trợ - chuyện làm ăn của Trung Quốc vẫn có thể bị các lực lượng dân quân tự trị hay nhóm đặc công khủng bố phá hoại. Hoặc làm tiền.
Mà xưa nay, các sắc tộc Trung Á đã có ác cảm và nghi ngờ Hán tộc.
Trong hơn 10 năm, những tỵ hiềm hay thù hận của họ có thể tập trung vào Hoa Kỳ tại A Phú Hãn, tương tự như phản ứng của họ với Hồng quân Liên Xô trước đó. Nhưng một khi nước Mỹ rút quân, tình hình của cả khu vực từ A Phú Hãn qua đến Tân Cương, có thể gặp bất ổn lớn. Trong khu vực nhiễu nhương này, ý thức căn thuộc vào sắc tộc thật ra vẫn mạnh và có khi còn mạnh hơn ý thức quốc gia. Và cương vực của các quốc gia xưa nay cũng chẳng rõ rệt.
Với sự xuất hiện của Trung Quốc, theo lề lối làm ăn và cư xử của Hán tộc giữa đám dị tộc mà họ coi thường, hiềm khích và bạo động sẽ có động lực và đối tượng mới. Qua những lời kể của dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đang bị đàn áp tại Tân Cương, các lực lượng dân quân hay nhóm khủng bố sẽ nhìn kiều dân Trung Quốc với con mắt thù nghịch.
Bắc Kinh ít nhiều thấm được kinh nghiệm qua dự án nối liền ốc đảo Kashar của họ tại Tân Cương với quân cảng Gwadar của Pakistan bên Biển Á Rập: xa lộ vĩ đại này phải đi qua tỉnh Balochistan mà an ninh của Pakistan không bảo vệ được vì bị các sắc tộc địa phương tấn công. Một kinh nghiệm khác của Bắc Kinh chính là hai dự án dầu thô và đồng ở A Phú Hãn. Bị gián đoạn vì thiếu an ninh và vì mâu thuẫn với chính quyền Kabul lẫn các nước Trung Á láng giềng của A Phú Hãn.
Khi đã phát triển các dự án sinh tử cho nặng lượng của mình, Trung Quốc sẽ đổ người vào đông hơn và đám công nhân hay dân công của Thiên triều rất dễ trở thành mục tiêu của khủng bố.
Kết luận ở đây là gì?
Không có Hoa Kỳ lãnh đạn thì các Hoa kiều sẽ khó làm ăn tại Trung Á.
Lợi dụng khoảng trống do nước Mỹ để lại ở A Phú Hãn, Trung Quốc có thể mở đường vào Trung Á, rồi mới khám phá những gian nan khi vượt khỏi rặng Thiên San.
Cùng với chuyện Đông hải, chúng ta cũng nên theo dõi các động thái của Trung Quốc. Quả thật là lãnh đạo xứ này muốn bành trướng, nhưng không phải cứ muốn là được.
__________________________
Giới Thiệu: Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao.... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Đó là mục "Hồ Sơ Người-Việt", xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét