SGTT.VN - Nhu cầu về người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM và tại gia đình ngày một tăng lên. Công việc tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng nhiều người đã gắn bó với nghề hơn mười năm nay. Nghề chăm sóc bệnh nhân mang lại cho họ thu nhập và niềm vui nhưng cũng rất đỗi khó khăn, nhọc nhằn.
Yêu thương người bệnh như người thân
Bất kỳ ai muốn gắn bó với nghề nuôi bệnh, ngoài tiêu chí sức khoẻ tốt, thật thà, yếu tố yêu thương người bệnh như người thân cũng vô cùng quan trọng. Có yêu thương, gắn bó người bệnh như người nhà của mình thì mới làm việc tận tình, chăm sóc người bệnh tốt.
Anh Đặng Trần Phương quê ở Bình Đại (Bến Tre) đang chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng (quận 8), cho biết anh đã làm nghề chăm sóc bệnh nhân hơn tám năm ở nhiều bệnh viện khác nhau. Bàn tay anh đã nâng niu chăm sóc, bế bồng rất nhiều người bệnh. Hầu hết người bệnh ai cũng yêu thương, quý mến anh như người nhà. Anh đang chăm sóc ông Bình tại khoa ngoại thần kinh của bệnh viện đã hơn một tháng nay. Ông Bình ngụ tại quận 10, TP.HCM bị tai nạn đụng xe khiến ông chấn thương sọ não nằm liệt hơn một tháng qua. Vì gia đình neo người, vợ ông phải đi làm và lo cho con nhỏ, nên anh Phương được gia đình tin tưởng giao cho anh chăm sóc ông Bình. Mỗi buổi sáng, anh Phương dậy sớm mua cháo đút cho ông Bình ăn, rồi đưa ông đi tắm nắng, tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân, hoặc xoa bóp chân tay, làm vật lý trị liệu để ông Bình cảm thấy thoải mái.
Theo anh Phương, để gia đình tin tưởng và quý mến mình như người thân trong nhà, anh phải xem người bệnh như người anh em ruột thịt của mình. Đổi lại, đó cũng là động lực giúp anh hoàn thành công việc theo một cách nhẹ nhàng hơn.
Đang chăm bà cụ Hoà (75 tuổi) bị suy giãn tĩnh mạch chân di chuyển khó khăn tại khoa ngoại lồng ngực – mạch máu, bệnh viện Nhân dân 115, chị Võ Thị Liên (59 tuổi) quê ở Bến Tre chia sẻ, chị đã làm nghề chăm sóc bệnh nhân được hơn mười năm nay ở bệnh viện lẫn ở nhà. Đây là công việc chị yêu thích, vì nó không những mang lại thu nhập cho chị, mà còn mang lại cho chị niềm vui khi mình làm việc có ích. Nhìn chị Liên ân cần lau rửa vết thương, vệ sinh toàn thân sạch sẽ, rồi nhẹ nhàng đỡ bà cụ ngồi dậy, người ngoài nhìn thấy sẽ tưởng như đứa con gái chăm sóc cho mẹ già. “Con gái nuôi tôi giỏi ghê, nó làm việc cẩn thận, biết chiều lòng tôi và lau rửa sạch sẽ cho tôi còn kỹ hơn con gái tôi nữa”, bà Hoà khẽ nói.
Một ngày uống bảy gói càphê
Tuy nhiên, để có được lời khen của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, thực không đơn giản đối với những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân. Chị Liên chia sẻ, làm nghề nuôi bệnh không đơn giản, rất nhiều chông gai và thử thách. Chị kể, có lần chị nuôi một người bệnh tâm thần, có lúc đang truyền nước biển thì bệnh nhân rút ống dịch ra, chảy máu và khóc, chị phải dỗ dành, ôm ấp, trò chuyện mãi bệnh nhân mới cho truyền dịch tiếp. Hoặc có khi bệnh nhân đòi mặc tã, nhưng suốt ngày bắt chị dẫn đi vào nhà vệ sinh ngồi; hoặc có nhiều lúc cho bệnh nhân ăn rồi, nhưng khi người nhà đến thăm, hỏi ăn cơm chưa thì bệnh nhân lại trả lời chưa...
Đến bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng, cứ hỏi bà Tám Đen nuôi bệnh thì hầu như ai cũng biết. Bà Tám Đen hành nghề chăm sóc bệnh ở đây đã được 12 năm. Bà đang chăm sóc cho một bà cụ bị bệnh tim mạch, tiểu đường phải nằm một chỗ. Bà chia sẻ, khó khăn nhất là thời điểm chăm sóc bệnh nhân nhiều ngày trong phòng cấp cứu. Họ bất tỉnh, có khi quấy rối, la hét… phải túc trực 24/24 giờ, không được chợp mắt, không được ra vào tự do. Có lần, phải chăm sóc người bệnh trong phòng cấp cứu, bà Tám Đen phải thức suốt bốn đêm liền. Do đó, để tỉnh táo chăm sóc bệnh nhân, mỗi ngày bà phải uống bảy gói càphê, người của bà bị phờ phạc như bị bệnh vậy.
Khó khăn là vậy, nhưng những người chăm sóc bệnh nhân ở đây đều yêu thương, đùm bọc nhau như những người thân, người hàng xóm tốt bụng của nhau. “Chúng tôi coi bệnh viện là nhà, coi gia đình người bệnh là anh em, những đồng nghiệp ở đây như người thân trong nhà”, bà Tám Đen tâm sự.
HOÀNG NHUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét