Chấn Lê - Việt Báo Xuân 2013
Nửa thế kỷ sau một vụ ám sát bí hiểm nhất lịch sử Hoa Kỳ, xin hãy tìm một bóng hồng....
Trung Quốc có nền văn hóa lâu đời và một bộ sử vĩ đại dài hơn nửa triệu chữ, bộ "Sử Ký" của Tư Mã Thiên. Bộ sử nổi tiếng còn có giá trị văn chương và nội dung đầy tính chất xã hội về một khoảng thời gian trải dài trên 25 thế kỷ. Bộ Sử Ký có một thiên 86 làm đời sau say mê là dành cho năm tay thích khách: Tào Mạt, Chuyên Chư, Dự Nhượng, Nhiếp Chính và Kinh Kha.
Xuất hiện sau bộ sử chừng 1880 năm, Hoa Kỳ là một nước rất trẻ mà trong vòng 100 năm đã có bốn Tổng thống bị ám sát trong khoảng trước sau 20 vụ mưu sát. Nổi tiếng nhất là vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, vì tìm ra thích khách mà không biết hung thủ hay chủ mưu là ai. Cả trăm người đã điều tra, cả ngàn cuốn sách đã được viết mà bí mật vẫn hoàn bí mật.
Được yêu cầu mở lại hồ sơ kỳ bí này của nước Mỹ, người viết là một nhà thám tử nghiệp dư - dư thời giờ mới lo cho nghề nghiệp – đã theo chân dân Pháp mà mở cuộc điều tra. Từ câu thành ngữ của họ là "chercher la femme", người viết xin tìm đến một mỹ nhân ở trong cuộc....
Vào lúc 12:30 trưa Thứ Sáu 22 Tháng 11, 1963, Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy bị ám sát tại thành phố Dallas của tiểu bang Texas. Nội hai tiếng sau, Lee Harvey Oswald bị bắt vì là nghi can của vụ ám sát sau đó được coi là bí hiểm nhất lịch sử Hoa Kỳ. Bí hiểm vì chưa đầy hai ngày sau, sáng Chủ Nhật 24, chính Oswald lại bị người chủ một phòng trà là Jack Ruby bắn chết trên đường giải giao từ trại tù....
Nửa thế kỷ sau là năm nay, dư luận Hoa Kỳ và thế giới đều tưởng niệm vụ ám sát với bao nghi vấn về những gì đã thật sự xảy ra. Trong vòng năm chục năm, cả ngàn cuốn sách, có thể là hai ngàn, đã được viết với nhiều giả thuyết ly kỳ, hấp dẫn hoặc phi lý. Tất cả đều phù hợp với trí tưởng tượng của mọi người trong một xã hội có đầy tự do thông tin và tinh thần sáng tạo. Nhưng không mấy ai hài lòng về những giải thích đó và bí ẩn vẫn bao trùm lên một vụ án có quá nhiều nghi can và đáp số.
Trước tiên, người ta không thỏa mãn với cách giải thích của một ủy ban điều tra đặc biệt do chính Chủ tịch Tối cao Pháp viện là ông Earl Warren chỉ đạo. Được công bố năm 1964, Phúc trình Warren kết luận rằng vụ ám sát là do một mình Lee Oswald tiến hành. Giải đáp ấy khiến người ta nêu ra nhiều câu hỏi và tiếp tục điều tra, hoặc thêu dệt về lý do thật với khoảng hai chục giả thuyết và nhiều lập luận.
Ai đó đã có âm mưu tiến hành vụ ám sát rồi sau đấy còn che giấu tang chứng. Mà ai đó là ai?
Trong số hai chục giả thuyết ly kỳ nhất, hoặc còn đáng nghi hơn giải đáp của Phúc trình Warren, người ta có thể lọc ra bốn năm kịch bản khác nhau:
Thứ nhất và khá phổ biến là Kịch bản Mafia. Tổ chức Mafia của Mỹ ra tay vì em trai Kennedy là Tổng trưởng Tư pháp Robert Kennedy đã bội phản những cam kết của thân phụ là Joseph Kennedy với một tay trùm Mafia là Sam Giancana. Giả thuyết này hấp dẫn mà không giải thích được vai trò của Lee Oswald.
Kịch bản thứ hai là Tình báo Cuba ra tay vì Kennedy đã tính mưu sát Fidel Castro. Hợp lý không kém, nhưng tìm đâu ra vai trò của Jack Ruby trong âm mưu này? Giả thuyết thứ ba là chính Trung ương Tình báo CIA đã can thiệp vì Kennedy dự tính triệt thoái khỏi Việt Nam, hoặc nhượng bộ khối Cộng sản. Kịch bản này khó đứng vững gì khi ấy Chính quyền Kennedy đang có cả chục hồ sơ đối ngoại khá gay go chứ không chỉ riêng có cục diện Việt Nam.
Nó cũng phi lý như giả thuyết Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà có nhúng tay vào vụ ám sát! Lý do là Chính quyền đó đã tiêu vong và Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ là Ngô Đình Nhu bị sát hại trước đấy đúng ba tuần. Nhóm CIA nào đã vừa hạ sát hai ông Diệm Nhu lại vừa cộng tác với chính quyền của hai ông để hạ sát Kennedy sau đó ba tuần?
Giả thuyết thứ năm là một nhóm Cuba lưu vong đã ám sát vì Kennedy thất bại trong vụ đổ bộ Vịnh Con Heo và vì sau vụ khủng hoảng về hỏa tiễn của Liên Xô thiết trí tại Cuba, Tổng thống Mỹ lại cam kết với Nikita Krushchev là sẽ không lật đổ Castro. Giả thuyết này vẫn kẹt vì câu hỏi "nhân vật Oswald làm gì ở trong đó?"
Ly kỳ hơn cả là giả thuyết thuộc loại hổ lốn hỗn hợp. Ngần ấy nhóm người có thể đã vì từng lý do riêng mà tiến hành chung một việc là ám sát Tổng thống Mỹ và để lại quá nhiều dấu vết làm mọi người đều rối bù mà không tìm ra sự thật. Tên tuổi những người hay tổ chức liên hệ đến vụ này có thể mà một chuỗi hỏa mù: Phó Tổng thống Lyndon Johnson, Giám đốc FBI là J. Edgar Hoover, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Earl Warren, Sở Bảo vệ Yếu nhân (Secret Service), tài phiệt cực hữu tại Texas, Fidel Castro, Trùm Mafia Sam Giancana, Fidej Castro, Nikita Kruschchev hay Chính quyền Sàigon và cả tổ chức ma túy của... Pháp.
Đây có thể là đề tài của một cuốn truyện trinh thám chính trị, mà chẳng giải thích nổi sự hợp tác của quá nhiều người với chủ trương đối nghịch, thậm chí thù nghịch - và còn triệt để nghi ngờ nhau. Làm sao thực hiện mà không bị tiết lộ trước hay sau khi hoàn thành công tác?
Việc ai đó đã tung ra tờ truyền đơn như một Lệnh Truy Nã Kennedy vì tội phản quốc chỉ một ngày trước vụ ám sát có thể là một đòn hỏa mù, nhưng là của ai và có liên hệ gì đến vụ ám sát hay chăng?
Truyền đơn kết án Tổng thống Kennedy về bảy tội phản quốc (thực tế là đầu hàng cộng sản), được tung ra ngày 21 Tháng 11, 1963, chỉ một ngày trước khi Kenneday bị ám sát.
Ngần ấy suy luận chỉ có giá trị khả tín là nếu không liên quan gì tới Lee Oswald, hoặc nếu nhân vật này chỉ là thứ mồi giả được gài vào để đánh lừa. Nghĩa là Lee Oswald là nạn nhân vô tội, hoặc là con chốt được kẻ chủ mưu hóa trang và đẩy vào cuộc để làm hung thủ giả, trong khi hung thủ thật có cơ hội ra tay....
Ngẫm lại thì sở dĩ những giả thuyết ấy vẫn cứ được lưu truyền chỉ vì cách giải thích quá đơn giản của Phúc trình Warren, rằng Lee Oswald là thích khách, và một mình thực hiện việc đó. Sau khi mở cuộc điều tra không công và không lương, người viết bài này thấy ra nhiều nghi vấn về giả thuyết của Ủy ban Warren. Xin chỉ gom vào ba bốn điểm đáng ngờ sau đây.
Đầu tiên, vào thời điểm sinh tử ấy ở thành phố Dallas, Lee Harvey Oswald có giây phút "lý tưởng" để bóp cò là khi đoàn xe của Tổng thống Kennedy đi qua nơi y đang làm việc và ẩn náu tại lầu sáu, là toà nhà Texas Schoolbook Depository. Vì sao y đợi cho tới khi đoàn xe quẹo trái và bị một tàng cây che khuất thì mới ra tay?
Nếu là một sát thủ độc hành thì chẳng ai bỏ lỡ cơ hội như vậy!
Phi lý thứ hai là khẩu súng trường Carcano của Ý - mà Ủy ban Warren cho là Oswald đã sử dụng - không thể nhả ra ba viên đạn trong có vài giây. Và theo lằn đạn thì Tổng thống Kennedy và Thống đốc Texas khi đó là John Conolly không thể bị cùng một viên đạn. Nghĩa là Lee Oswald có thể đã bấm cò, nhưng không là người duy nhất - và chưa chắc đã là thủ phạm thật.
Sau cùng, bảo rằng Jack Ruby giận dữ về vụ Kennedy bị Oswald ám sát mà lẻn vào ty cảnh sát để giết hung thủ thì người ta nói chuyện viễn mơ. Jack Ruby có thể là tay anh chị với đủ loại tiền án nhưng không là kẻ lãng mạn đa cảm mà cầm súng thi hành công lý trong một phút bốc đồng.
Những chi tiết trên khiến cho, trong một cuộc khảo sát của đài Fox News vào năm 2004, gần hai phần ba dân Mỹ (66%) cho rằng Kennedy bị ám sát vì âm mưu mờ ám, chứ không vì Lee Oswald. Và gần ba phần tư dân Mỹ (74%) cho rằng sự thật đã bị che giấu sau đó.
Bây giờ đến lượt kẻ hèn này nhập cuộc mà đi tìm mỹ nhân được lọt sổ Thiên Tào....
*
* *
Trong lúc ráo riết điều tra, người ta đã vội quên nàng Marina Oswald, cô vợ của nghi can Lee Oswald.
Khi thảm kịch xảy ra, dư luận chỉ chú ý và sau này còn nhớ đến người vợ trẻ của một nhân vật mờ ám. Nàng run rẩy bàng hoàng vì biến cố quá lớn lao và ấp úng trả lời nhân viên điều tra của Quốc hội với dáng vẻ của con chim bị đạn với những chi tiết buộc tội rất rõ. Sau đó, nàng được lãng quên, hai năm sau thì ăn tô tái giá, sống đời hiền lành với người chồng mới, cho đến ngày nay - và nói rằng Lee Oswald vô tội....
Khi kiểm điểm lại nội vụ thì chúng ta thấy ra cái gì đó không ổn
Sinh năm 1941, Marina Oswald có tên thật là Marina Nikolayevna Prusakova là người Nga, gặp Lee Oswald tại thành phố Minsk, thủ đô của xứ Belarus trong Liên Bang Xô Viết vào tuổi 19. Thuộc gia đình liệt sĩ có người cha chết trận, Marina về sống với bố dượng rồi với người bác là Đại tá Prusakov của sở An ninh MDV trong Bộ Nội Vụ. Được đào tạo làm dược sĩ, gia nhập đoàn Thanh niên Cộng sản, Marina là thiếu nữ có sắc đẹp, sống trong khu gia cư bề thế của một Đại tá An ninh. Vậy mà vẫn được gặp môt tên lính Thủy quân Lục chiến Mỹ có tiền án và vừa đào thoát qua Liên Xô năm 1959, là Lee Oswald.
Người đẹp biết quá nhiều Marina Prusakova, khi đã là bà Lee Oswald
Theo báo cáo của Ủy ban Warren, trong năm 1961, Oswald đã nhiều lần đến tận nhà của Marina, bên trong có một Đại tá An ninh, vốn không hài lòng về việc giao du đó, chi tiết rất đáng chú ý.
Vậy mà chỉ một tháng sau khi gặp nhau, trong đó có hai tuần mắc bệnh nằm nhà thương, Oswald đã ngỏ lời xin cưới dù chỉ làm trong nhà máy, có tương lai mờ mịt, quá khứ là một tên lính đánh thuê của Mỹ đế và nhân dạng thì cũng chẳng là loại bảnh trai phong nhã như Robert Taylor. Nàng điên sao?
Và ông bác Đại tá An ninh bị mù hay sao mà lại thiếu cảnh giác như vậy?
Đáng chú ý hơn thế, vì quy chế nước ngoài của Oswald, hôn nhân và hộ khẩu phải được công an cho phép. Ít ra cũng phải có sự đồng ý của ông bác trong Bộ Nội Vụ. Và hồ sơ phải được đưa về tận Moscow. Vậy mà chỉ 10 ngày sau là đôi uyên ương trái mùa này lại được phép xây tổ ấm. Theo "thủ tục khẩn cấp" chăng?
Chưa hết, chỉ một tháng sau hôn lễ, Oswald bỗng nhớ nhà và đòi dời tổ ấm về Mỹ!
Chuyện trở thành ly kỳ vì một kẻ có tiền án lại đào thoát qua đất địch - Chiến Tranh Lạnh thời ấy còn nóng lắm – và nay thì xin trở về, mà vẫn được sứ quán Hoa Kỳ cho phép! Khá nhanh! Chiêu hồi ư? Ly kỳ hơn nữa là sáu tuần sau khi nộp đơn, cả Marina cũng được phép theo chồng về Mỹ.... Chuyện Giang Tả Cầu Hôn chăng?
Dù sao mặc lòng, ngày Giáng Sinh năm 1961, hai vợ chồng có đầy đủ hộ chiếu lẫn chiếu khán để rời Nga về Mỹ làm lại cuộc đời.... Và hai năm sau, họ đi vào lịch sử bằng cánh cửa sau, tại Dallas.
*
* *
Nữ diễn viên Helena Bonham Carter trong vai Marina Oswald trên phim truyền hình
Bây giờ mình hãy cột lại câu chuyện cho chặt như một đòn bánh tét ngày Xuân nhá. Những chi tiết này đều nằm trong phúc trình Warren mà người viết chỉ xin tóm lại cho gọn, giấy mực vốn không rẻ...
Ngày xửa ngày xưa, một thiếu nữ kiều diễm có lý lịch trong sáng của một chế độ đa nghi bỗng phải lòng một kẻ khả nghi từ đất địch bò sang. Liên Xô nào phải là hết người! Phải lòng trong bốn tuần chớp nhoáng, kể cả hai tuần thăm nuôi chàng trong nhà thương, cô cháu gái của một Đại tá An ninh nhận lời xin cưới dù ông bác có vẻ không vui. Rồi được phép sau có 10 ngày mà chẳng qua thủ tục điều tra điều mẹ gì về an ninh.
Cần gì điều tra khi đã có an ninh ở ngay trong nhà?
Một tháng sau khi lấy được cô vợ quý, Oswald lại đòi hồi hương và hai vợ chồng được đôi bên cho phép, Mỹ Nga gì cũng đề huề để mấy tuần sau vợ chồng Oswald đã có mặt tại Hoa Kỳ. Nghĩa là làm sao? Nghĩa là Chính quyền Liên Xô muốn tác thành cho đôi trẻ và muốn họ sớm vào Mỹ.
Được đào tạo theo đúng chính quy nền nếp của một gia đình cách mạng, Marina cũng chẳng dễ gì bước qua ngần ấy chông gai nếu không được ai dẫn dắt. Suy đoán của kẻ hèn này là nàng không chỉ là một dược sĩ dựa hơi ông bác làm Đại tá An ninh. Nàng được qua lò đào tạo của Mật vụ KGB. Nếu không, thì phải là nữ kịch sĩ đại tài để làm mọi người kết luận rằng nàng là nhân viên KGB có nhiệm vụ kết nạp Lee Oswald. Nhưng để làm gì trên đất Mỹ? Và làm cho ai?
Nửa thế kỷ sau, chúng ta vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa có giải đáp. Kể cả một câu chình ình là tại sao Toà Đại sứ Hoa Kỳ lại cho nàng Marina vào Mỹ? Những bí ẩn đó mới khiến mọi người vẫn còn bán tín bán nghi. Nhưng có một sự thật khó chối cãi là nếu như Ủy ban Warren nói đúng, rằng Lee Oswald là hung thủ kiêm chính phạm duy nhất, thì người ta đã cố tình bỏ quên vai trò của Marina Prusakova.
Quả nhiên là sau đó nàng được lãng quên, sang ngang bước nữa và trở thành một thiếu phụ Mỹ hiền thục sau khi được vào quốc tịch năm 1989. Và nói lại rằng Lee Oswald vô tội.
*
* *
Beata Posniak và Gary Oldman trong vai Marina và Lee Oswald trong cuốn phim JFK nổi tiếng của đạo diễn Oliver Stone
Không ai hài lòng với cách giải thích chính thức của Ủy ban Warren, nhưng nếu muốn đưa nàng Marina Prusakova ra khỏi nghi án Kennedy thì mình phải đồng ý với ba chuyện.
Thứ nhất, thiếu nữ khả ái Marina đã chỉ vì một bước khiêu vũ với Lee Oswald mà nhất quyết chối bỏ quê hương, tổ quốc, giai cấp và đảng thì đây là một truyện tình chỉ có trong cổ tích. Thứ hai, nàng có thể bị tiếng sét của ái tình, chứ bộ máy an ninh và mật vụ tại Liên Xô cũng có thể bị biến chất hay loạn thị nên mới dễ dàng cho cháu gái một Đại tá An ninh đang sống với ông bác lại được làm hôn thú và đổi hộ khẩu trong có 10 ngày. Thứ ba là mối tình cổ tích ấy cũng làm Đại sứ quán Hoa Kỳ mủi lòng, nên họ nhanh nhẩu cấp giấy thông hành cho Marina vào Mỹ. Trong có sáu tuần thì đấy là một kỷ lục về thủ tục di trú!...
Trong nửa thế kỷ, người ta cứ đồn đoán rằng Oswald đào thoát qua Mỹ rồi lại trở về dễ dàng là vì từ đầu đến cuối y là nhân viên của cơ quan CIA. Có thể lắm, nhưng để làm gì? Để kết nạp bông hoa Marina? Khi quá chú ý đến bàn tay nhám của CIA trong một vụ kỳ án chưa có đáp số, người ta quên mất bóng hồng Marina và cuộc tình chớp nhoáng của nàng. Phúc trình Warren không thỏa mãn nhiều người chỉ vì đã quên mất giai nhân trong cuộc và cơ quan KGB ở đằng sau.
Lee Oswald chỉ là con rối trong một âm mưu rộng lớn hơn? Có thể lắm, nhưng ai là kẻ giật dây con rối Marina? Nhiều tác giả sau này đã dựng phim về vụ án Kennedy, với nàng Marina thấp thoáng ở hậu trường. Như phim "JFK" của Oliver Stone, có nàng Beata Pozniak thủ vai Marina, hoặc loạt phim truyền hình "Fatal Deception: Mrs. Lee Harvey Oswald", với Helena Bonham Carter là nàng Marina.
Họ chỉ bắt được bóng giai nhân mà chưa tìm ra ác quỷ....
___________________
Bài viết trên Việt Báo Xuân Quý Tỵ xuất bản đầu năm 2013, xin đăng lại theo thời sự ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét