Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Tam Trung Hội – Sao Đã Vội Già?


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 131108

Lãnh Đạo Trung Quốc Trước Những Thử Thách Mới


* Rồng già chống gậy - Hý họa của tờ Financial Times *


Tuần này, đảng Cộng Sản Trung Hoa có Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương khóa 18, từ mùng chín đến ngày 11, để quyết định về tương lai Trung Quốc trước nhiều thử thách vài chục năm mới thấy một lần.
Trước hết, xin hãy nói về tiến trình và thủ tục quyết định, sau đó mới là quyết định về cái gì.

Từ 20 năm nay, cứ năm năm, đảng lại có một Đại hội toàn đảng để hơn hai ngàn đại biểu cho 80 triệu đảng viên tại 40 khu vực địa phương hội họp về đường lối và nhân sự lãnh đạo cho thời gian tới. Gọi tắt là "Thập bát đại", Đại hội khóa 18 được tổ chức cách nay đúng một năm (ngày tám Tháng 11, 2012) sau chín tháng biến động vì vụ thanh trừng Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Đại hội đã để cử một hệ thống lãnh đạo mới, là Ban chấp hành Trung ương gồm 376 người - 205 Ủy viên Trung ương đảng và 171 Ủy viên Dự khuyết.

Vừa ra đời, Ban chấp hành Trung ương của khóa 18 lập tức họp Hội nghị Kỳ Một (ngày 15 Tháng 11 năm ngoái) để đề cử 25 người vào Bộ Chính trị. Cơ chế này mới chọn bảy người vào Thường vụ Bộ Chính trị (thay vì chín người như khóa trước).

Như vậy thì theo thứ tự từ dưới lên, một tỷ 300 triệu dân được 80 triệu đảng viên đương nhiên làm đại diện để bầu lên từng cấp lãnh đạo trên thượng tầng. Ở trên cùng thì bảy trong 25 ủy viên Bộ Chính trị quyết định về mọi việc. Họ gọi tiến trình đó là "dân chủ tập trung".

Thực tế thì trước khi vào Đại hội, Bộ Chính trị cũ đã tranh luận, vận động và thuyết phục nhau để chuẩn bị nghị trình và nhân sự sẽ lãnh đạo, ai đi ai ở, ai lên ai xuống và ai làm việc gì. Sau đó mới phân công trách nhiệm điều khiển các bộ phận then chốt trong Đảng, Nhà nước và Quân đội, được công bố sau Hội nghị Trung ương Kỳ Hai (ngày 26-28 Tháng Hai năm nay).

Lãnh đạo đảng là Tổng bí thư, Ban Bí thư Trung ương và các Ủy ban Trung ương. Bên Nhà nước thì Tổng bí thư đương nhiên kiêm nhiệm chức Chủ tịch và lãnh đạo 1) Quốc vụ viện do một Tổng lý cầm đầu, là Thủ tướng của Hội đồng Chính phủ, 2) cơ chế đại diện nhân dân là Quốc hội và 3) cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị gọi tắt là Chính Hiệp. Trong Quân đội là hai ủy ban trung ương có cùng tên và cùng thành phần gọi là Trung ương Quân ủy hội, một bên là đảng, một bên là nhà nước, do Tổng bí thư cầm đầu, để đảng và nhà nước cùng lãnh đạo quân đội.

Hệ thống đó được duy trì 10 năm, với vài thay đổi về nhân sự sau Đại hội 19 vào năm 2017, cũng là Đại hội chuẩn bị cho việc chuyển quyền năm năm sau, tại Đại hội khóa 20 vào năm 2022, nếu như Đảng còn tồn tại.

So với các chế độ khác, như tại Hoa Kỳ, khái niệm về thời gian dài ngắn là một đặc tính đáng chú ý. Do kinh nghiệm lịch sử, lãnh đạo Cộng đảng Trung Hoa rất thận trọng trong quyết định và thường xuyên e sợ đột biến.
Kiểm lại thì sau một năm chuẩn bị Đại hội 18, Đảng công bố thành phần lãnh đạo sau Hội nghị Kỳ Hai vào cuối Tháng Hai cho Quốc hội hợp thức hóa. Từ đó đến nay là tám tháng bàn thảo để Đảng công bố chủ trương đường lối cho thời gian tới sau Hội nghị Trung ương Kỳ Ba. Hội nghị này được gọi tắt là "Tam trung hội" và quốc tế phiên dịch là Third Plenum hay Third Plenary Session. Trong tám tháng bàn thảo đó, mỗi lãnh tụ hay cơ chế lại có những phát biểu về đường lối để chuẩn bị dư luận và cũng để thuyết phục lẫn nhau hầu đưa ra một đường lối thống nhất.

Tạm tổng kết thì sau 30 năm lãnh đạo của Mao Trạch Đông nhờ cực quyền và gian trá với cao điểm là 10 năm hỗn loạn của Cách mạng Văn hoá cho đến khi Mao tạ thế vào Tháng Chín năm 1976, Đặng Tiểu Bình mất hai năm đảo chánh nội bộ trước khi giành lại quyền bính. Ông công bố chiến lược "cải cách và khai phóng" sau Hội nghị Kỳ Ba của Khoá 11 vào Tháng 12 năm 1978. Nhưng 10 năm sau thì việc cải cách lại gây động loạn xã hội ở dưới và phân hóa chính trị trên thượng tầng nên mới có vụ khủng hoảng và tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào Tháng Sáu năm 1989.

Khi ấy, dưới sự điều động của Đặng Tiểu Bình, Đảng củng cố lại quyền lực và rà lại tiến trình quyết định chính trị trong tinh thần tập thể lãnh đạo và chuyển quyền qua đồng thuận rồi Đảng tiếp tục chủ trương kinh tế là áp dụng quy luật thị trường, nhưng phải bảo vệ quyền lãnh đạo của tập thể. Với Đặng Tiểu Bình sau hậu trường, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Giang Trạch Dân công bố chủ trương ấy sau Hội nghị Trung ương Kỳ Ba của Khoá 14, vào đầu năm 1993.

Nói vắn tắt thì sau Hội nghị Ba của khóa 11 vào năm cuối năm 1978 rồi Hội nghị Ba của Khoá 14 vào đầu năm 1993, Hội nghị Ba của khóa 18 có tầm quan trọng vài chục năm mới thấy một lần. Các nhân vật lãnh đạo số một là Tổng bí thư Tập Cận Bình, số hai là Thủ tướng Lý Khắc Cương và số bốn là Chủ tịch Chính Hiệp Du Chính Thanh đều nhấn mạnh đến ý nghĩa này vì những vấn đề nan giải của đảng.

Sau khi tổng kết về những gian nan trong quyết định, bây giờ hãy nói đến chuyện cải cách những gì để giải quyết các vấn đề ấy.

***

Thông trường thì mọi quốc gia chỉ có thể phát triển sau nhiều năm tăng trưởng có phẩm chất về kinh tế và xã hội. Tăng trưởng có phẩm chất hay không là kết quả của chọn lựa chính trị: kinh tế tùy thuộc vào chính trị chứ không phải ngược lại như lý luận kiểu Marx.

Nói về nội dung chữ nghĩa, tăng trưởng là mức sai biệt dương, thặng dư chứ không hao hụt, giữa các xuất lượng đạt được so với nhập lượng là phương tiện đưa vào sản xuất. Nếu xuất lượng lại thấp hơn nhập lượng, ta có hiện tượng "sản nhập" chứ không phải "sản xuất", là trường hợp phổ biến của các nền kinh tế cộng sản trước khi chuyển theo quy luật thị trường. Đi sớm nhất nên sụp đổ trước nhất là nền kinh tế cộng sản Xô viết. Các nước Cộng sản đi sau đều theo đó làm gương mà cải cách và áp dụng quy luật thị trường. Trung Quốc rồi Việt Nam cũng chẳng khác, nhưng chỉ vận dụng quy luật thị trường và cho phép tự do kinh tế trong giới hạn căn bản là không xâm phạm vào quyền lãnh đạo của một đảng độc tài.

Thuần về kinh tế thì nhập lượng đưa vào sản xuất gồm có nhân lực và tư bản. Nhân lực là dân số lao động và trình độ kiến năng - kiến thức và khả năng. Tư bản gồm có đất đai, tiền bạc và kỹ thuật lẫn trang thiết bị. Cả hai loại phương tiện này có hai mặt giá trị, về số lượng và phẩm chất. Để nói về phẩm, chữ "chất lượng" của Hà Nội là nét vô văn hóa kỳ lạ.

Nói về lượng, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng cao, trung bình là 10% một năm trong 30 năm liền theo thống kê đáng ngờ của họ, nhờ đưa thêm phương tiện vào sản xuất.

Phương tiện đầu tiên là nhân lực thì mấy trăm triệu người được sản xuất kiếm ăn và được giải phóng từ nông nghiệp qua công nghiệp, từ nông thôn về thành thị. Về lượng thì quả là đáng kể. Về phẩm lại còn một yếu tố đáng kể hơn nữa vì đông mà rẻ; lực lượng này nhận đồng lương thấp và vẫn bị chế độ hộ khẩu kiểm soát nên không được chu cấp tối thiểu về xã hội, nhưng tạo lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, cũng về phẩm thì trình độ tay nghề có được cải tiến và nhờ đó nâng cao năng suất so với thời Mao. Kết quả là một đà tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử xứ này.

Nhưng, cái nhưng tai hại của đường lối chính trị, từ năm 1978 lãnh đạo tiêu cực áp dụng chế độ kiểm soát dân số qua chánh sách "mỗi hộ một con". Hậu quả 35 năm sau là dân số tăng chậm hơn rồi bị lão hóa và sẽ hết tăng kể từ năm 2020. Nạn lão hóa dân số, với tỷ lệ người già ngày càng cao trong xã hội, khiến đà tăng trưởng ngoạn mục năm xưa chỉ là chuyện xưa. Vì vậy mới có chuyện "chưa giàu đã già"!

Đã thế, ưu thế nhân công rẻ của một lực lượng lao động đông nhất địa cầu cũng chấm dứt. Xứ này hết là "công xưởng của thế giới" để ráp chế hàng tiêu dùng với giá cực rẻ.

Lý do là công nhân đòi lương cao hơn khi doanh nghiệp bắt đầu khó tìm ra nhân lực cho yêu cầu. Thành phần 250-280 triệu "dân công" được giải phóng từ nông thôn về thành thị cũng bất mãn với quy chế công dân hạng nhì vì không có hộ khẩu ở nơi làm việc từ mấy chục năm nay. Họ nêu ra đòi hỏi về an sinh xã hội, y tế, giáo dục. Những người tuyệt vọng xuống đường biểu tình ngày một nhiều hơn vì mọi lý do lý cớ ở địa phương.

Mà lý do thì có rất nhiều. Từ nạn đảng viên cường hào ác bá cướp đất, phá hoại môi sinh đến tham nhũng cửa quyền và gây tai họa mà không lãnh trách nhiệm. Không chỉ biểu tình, người ta còn gây bạo động hoặc đặt bom phá hủy trụ sở đảng ở địa phương. Mới nhất là vụ đánh bom trụ sở đảng ở thủ phủ Thái Nguyên của tỉnh Sơn Tây vào sáng mùng sáu vừa qua.

***

Phương tiện thứ hai là tư bản thì còn tai hại hơn nữa ở cả hai mặt.

Trước hết là mặt đất đai, vẫn do nhà nước quản lý và thuộc quyền quyết định của đảng bộ địa phương. Vì sự lệch lạc trong hệ thống công chi thu từ năm 1994 – 20 năm trước - các địa phương đưa đất đai của toàn dân vào các dự án của mình để trưng thu được 40% ngân sách. Nhân đó trưng thu cho đảng viên cán bộ và khai triển những dự án ảo, có rất ít giá trị kinh tế, mà đầy cơ hội trục lợi và thổi lên bong bóng đầu cơ, với thành phố ma và thương xá vắng khách, xa lộ không người.

So với dân số quá rộng, Trung Quốc có diện tích đất đai có thể canh tác chỉ bằng một phần ba diện tích khả canh trung bình của thế giới. Nhưng lại công nghiệp hoá và đô thị hóa một cách hỗn loạn và hoang phí. Cho nên, đến cả chục năm nữa vẫn chưa giải quyết được một vấn đề mà lãnh đạo cho là sinh tử, là tự túc về lương thực.

Về mặt tiền bạc thì chế độ kinh tế có đặc tính "trưng thu" đã khai thác nguồn tiết kiệm rất cao của người dân và đền bù rất ít để trút vào các dự án có giá trị kinh tế rất thấp.

Cơ chế trưng thu và phân phối đó gồm có các ngân hàng của nhà nước và doanh nghiệp của nhà nước lẫn các công ty đầu tư cũng của nhà nước ở địa phương. Quy chế đền bù là mức lương, lãi suất ký thác và hối suất quá thấp đã giúp đảng và nhà nước thu vét phương tiện cùa toàn dân – ngoài đất đai đã nói – vào những công trình vĩ đại về sự hoang phí.

Kết quả là tình trạng sản xuất thừa, được bút ghi như tăng trưởng để tuyên truyền cho chế độ. Hậu quả là những trái bóng đầu cơ về địa ốc, thương phẩm nguyên nhiên vật liệu, và một khối tín dụng cao gấp đôi tổng sản lượng.

Ngần ấy chuyện tích lũy sẽ dẫn tới khủng hoảng tài chánh và ngân hàng khi núi nợ sụp đổ.

***

Từ cả chục năm nay, lãnh đạo đảng thuộc thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, đã thấy ra nhược điểm của một nền kinh tế không cân đối, không phối hợp, quá bất công và không bền vững. Nhưng họ không thể cải cách để chuyển hướng nên trao trách nhiệm cho "thế hệ Tập-Lý", thế hệ thứ năm sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Họ cũng biết rằng không thể lấy đầu tư quá rẻ và quá nhiều làm lực đẩy mà phải nâng mức tiêu thụ và cho người dân được hưởng thì mới có tăng trưởng quân bình. Lãnh đạo mới sẽ phải khai thông trở ngại để cải cách về tài chánh, thuế vụ, ngân hàng, và quy chế của doanh nghiệp nhà nước, về chế độ hộ khẩu và quản lý đất đai, v.v....

Dù gặp đầy biến động, Đặng Tiểu Bình đã có thể giành lại quyền bính và tiến hành cải cách vì chỉ phải xử lý với tham vọng của các lãnh tụ ở trên, như "Tứ nhân bang" hay Hoa Quốc Phong của thời Mao. Ngày nay, tập thể lãnh đạo ở trên đã biết sợ nên kềm chế nhau trong hệ thống tập trung ở trên cùng. Nhưng vì chủ trương chính trị căn bản là phải bảo vệ quyền đảng, họ để các đảng viên cao cấp phát triển mạng lưới cấu kết về quyền lực để bảo vệ đặc quyền kinh tế. Hệ thống cấu kết tai hại này đã cản trở mọi nỗ lực cải cách khiến lãnh đạo càng khó xoay trở.

Nếu Đảng có đạt nhất trí trên thượng tầng - để ban bố chiến lược chuyển hướng sau Hội nghị Kỳ Ba - thì chưa chắc là chủ trương này sẽ được chấp hành nghiêm chỉnh. Sau giai đoạn tăng trưởng, chuyện phát triển vẫn chỉ là giấc mơ.

Dân xứ này chưa giàu đã già và họ bất mãn với hệ thống cai trị già đòn trưng thu và bóc lột.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét