Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Vì sao bạn bị bệnh tiểu đường


          Bệnh đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường, là một bệnh do rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. 
        Lối sống không lành mạnh có thể khiến bạn mắc bệnh tiểu đường.
         Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, …
         Bệnh này liên quan đến chất insulin trong cơ thể. Ðây là một kích thích tố dược phân tiết ra từ tụy tạng (pancreas) hay còn được gọi là lá mía (có người gọi lầm là lá lách (spleen) là một cơ quan của hệ bạch huyết). Chất Insulin có nhiệm vụ chính trong sự vận chuyển đường vào trong tế bào nhưng không có vai trò gì trong sự biến dưỡng của đường để tạo năng lượng. Vì lý do nào đó, Insulin không được sản xuất hoặc sản xuất không đủ, hoặc dù có được sản xuất ra Insulin bị cơ thể đề kháng không dùng được, chất đường sẽ không vào tế bào được và ứ đọng trong máu và thoát ra nước tiểu để sinh bệnh tiểu đường.
         Hiện khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, dường như cả 2 yếu tố là di truyền và lối sống đều có vai trò nhất định trong quá trình hình thành bệnh. Trên thực tế, một số bệnh nhân tiểu đường sinh ra trong gia đình có nhiều người bị bệnh này. Nhưng ở một số khác, việc lười vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
           Trong xã hội hiện nay có rất nhiều các nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường được chia thành 2 loại: Bệnh tiểu đường tuyp 1 và bệnh tiểu đường tuyp 2:

Nguyên nhân gây tiểu đường loại 1:
            Bệnh tiểu đường loại 1 là do sự thiếu insulin trầm trọng của cơ thể, khi bị thiếu insulin thì lượng đường trong máu không được chuyển hóa đến tế bào trong cơ thể nên không thể sinh ra năng lượng. Lúc này đường theo máu và được đào thải qua nước tiểu.
- Di truyền: Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ai là người có khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 1. Nếu gia đình có bố mẹ mắc bệnh tiểu đường thì con cái khả năng mắc bệnh tiểu đường cao.
- Hệ thống miễn dịch: Các tế bào bạch cầu trong hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào beta. Chính lý do này làm cho tuyến tụy suy giảm hoặc mất hẳn chức năng sản xuất insulin.
- Môi trường: Thực phẩm, vi khuẩn, virus và các độc tố chính là các yếu tố này gây ra sự phá hủy tế bào beta của tuyến tụy gây nên bệnh lý
Tiểu đường loại 2:
             Bệnh tiểu đường loại 2 được phát hiện khi cơ thể không còn sản xuất đủ insulin hoặc sự suy giảm về khả năng sử dụng insulin.
- Yếu tố di truyền: Gen đóng vai trò quan trọng đối với bệnh tiểu đường loại 2. Gen hoặc những nhóm gen biến thể có thể tác động làm suy giảm khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy.
- Do béo phì và lười vận động: Do dư thừa Calo, mất đi sự cân đối calo với hoạt động của cơ thể gây tình trạng kháng insulin. Khi nạp quá nhiều dinh dưỡng vào cơ thể mà không có chế độ vận động hợp lý sẽ tác động tới tuyến tụy và gây áp lực ép tuyến tụy phải sản xuất insulin, trong thời gian dài tuyến tụy sẽ suy yếu và mất dần đi khả năng sản xuất insulin gây nên bệnh tiểu đường.

Một số yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường

Ngủ không đủ giấc: Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ. Các nhà khoa học cho rằng thiếu ngủ làm rối loạn đồng hồ sinh học, vốn có nhiệm vụ điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ tự nhiên của cơ thể, làm tăng hàm lượng hormone gây stress là cortisol và gây mất cân bằng glucose trong cơ thể.
Làm việc thất thường: Nghiên cứu chỉ ra rằng, người thường xuyên đổi ca làm việc giữa ngày và đêm trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thể 2 tăng 50%. Lý do là những người có giờ giấc làm việc không ổn định dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, gây ra bệnh.
Buồng trứng đa nang: Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2, nhưng ít người nhận biết được nguy cơ đó do đa nang buồng trứng có liên quan đến tình trạng mất cân bằng insulin. Cùng với chức năng kiểm soát đường huyết, insulin cũng kích thích buồng trứng tạo ra nội tiết tố testosterone quá mức ở phụ nữ. Khi mức insulin bắt đầu tăng nhiều và gây tổn hại buồng trứng và tuyến tụy, người phụ nữ có thể mắc bệnh tiểu đường.
Ngáy ngủ: Những người ngủ ngày thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng thêm 50%. Tật ngáy càng nặng, nguy cơ cao huyết áp càng lớn và đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ.
Bỏ bữa ăn sáng: Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, những người thường bỏ qua bữa ăn sáng có thể bị hạ đường huyết đột ngột, khiến họ thèm ăn món ngọt. Việc giải tỏa cơn thèm sẽ làm đường huyết tăng đột ngột và kích thích sản sinh insulin quá mức, gây ra bệnh.
                                                                                                                 Theo Vnmedia


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét