Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

CẢNH GIÁC

Thangquynho

Vào ngày 15/7, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 đã “hoàn thành nhiệm vụ thăm dò” dầu mỏ, khí đốt và được kéo về đảo Hải Nam sau 75 ngày hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự kiện này đã được dự luận trong nước và quốc tế đưa ra rất nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên chúng ta có thể thấy rằng xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì Trung Quốc đã đạt được rất nhiều mục đích khi thực hiện chiêu bài “giàn khoan Hải Dương 981” ở Biển Đông. Một mặt Trung Quốc thực hiện được mục tiêu thăm dò nguồn năng lượng ở Biển Đông để tính toán những bước tiếp theo nhằm khai thác năng lượng ngoài khơi để thỏa mãn cơn khát trong nước, mặt khác cũng rất quan trọng đó là Trung Quốc đã đưa ra phép thử để thăm dò phản ứng và thái độ của các nước trong khu vực khi thực hiện chính sách bành trướng ngang ngược và khiêu khích, đồng thời qua đó quan sát động thái của các cường quốc từng tuyên bố có lợi ích liên quan ở Biển Đông như Mỹ, Nga, Nhật....Những kết quả này là cơ sở quan trọng để Bắc Kinh lên kế hoạch thực hiện các chính sách có lợi cho mình về sau này. 

Về phía Việt Nam, trong suốt thời gian 75 ngày mà dàn khoan của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta và đi kèm với nó là hàng loạt các hoạt động khiêu khích lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, thực hiện các hành vi vô nhân đạo, coi thường luật pháp quốc tế khi gây ra hàng loạt vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân chúng ta. Mặc dù chúng ta chịu thiệt hại không nhỏ, tuy nhiên một lần nữa lịch sử lại chứng minh mỗi khi có dấu hiệu ngoại xâm thì tất cả những người Việt Nam có tinh thần yêu nước chân chính lại xích lại gần nhau, nắm chặt tay để cùng với Đảng và Chính phủ thực hiện những biện pháp đấu tranh hoà bình, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng và độc lập chủ quyền của dân tộc. Có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 là thành quả của quá trình đấu tranh không biết mệt mỏi trong hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế của Việt Nam - một nước nhỏ nhưng thể hiện nhân cách lớn trong quan hệ quốc tế. 

Song, trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đó là chúng ta thiếu cảnh giác và không chủ động, do vậy mà chúng ta đã không có các phương án phù hợp để để giải quyết vấn đề, từ việc tuyên truyền, định hướng dự luận cho quần chúng nhân dân để phát huy sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân với Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện chính sách đấu tranh ngoại giao, hoà bình, cho đến công tác nắm tình hình về an ninh trật tự ở các koancong nghiệp có các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan kinh doanh. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì những kẻ cơ hội, phản động không có cơ hội để thực hiện âm mưu kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ nhân dân, từ đó có điều kiện toan tính những âm mưu bẩn thỉu của bọn chúng, không để xảy ra tình trạng công nhân bị kích động đạp phá doanh nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư vốn là thế mạnh của chúng ta và làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng tiền hỗ trợ và đền bù cho các doanh nghiệp. Có thể ví sự việc trên giống như một gia đình bị kẻ lạ đột nhập, thăm dò tài sản trong nhà vì các thành viên trong gia đình đều mất cảnh giác rồi sau đó quay ra đổ lỗi cho nhau khi biết được thủ phạm vụ đột nhập là ai. 

Hiện nay, tuy Trung Quốc đã rút gian khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta thì chúng ta cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, để có kế hoạch khắc phục những hạn chế như đã xảy ra và chủ động các phương án phù hợp đối phó sao cho vừa giữ vững sự ổn định trong nước, vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ và như được biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch đóng tàu khai thác khí đốt di động (FLNG). Đây là một công nghệ chưa từng xuất hiện trên thế giới. Con tàu này cho phép quốc gia sở hữu có thể hoạt động dài ngày trên biển để khai thác, hóa lỏng, chiết xuất khí đốt ngay trên biển, sau đó các bồn khí hóa lỏng sẽ được tàu vận tải chở về đất liền. Nếu được phát triển, công nghệ này sẽ rất thích hợp để khai thác khí đốt trên những vùng biển sâu ở Biển Đông. 

Một mô hình tàu khai thác khí đốt trên biển (FLNG) 

Theo các chuyên gia phân tích, khi khai thác khí đốt trong vùng biển tranh chấp, một con tàu sẽ dễ bảo vệ hơn là hàng trăm km đường ống dẫn khí đốt từ nơi khai thác vào đất liền. 

Tàu khai thác khí đốt Prelude của tập đoàn Shell (Úc) đang được chế tạo 

Nếu trong tương lai gần, Trung Quốc đưa những con tàu khai thác khí đốt di động này vào Biển Đông thì lúc đó chúng ta không chỉ đối phó với kẻ “đột nhập” ngang ngược, mà lúc đó chúng ta phải đối đầu với “kẻ cướp” được trang bị vũ khí hiện đại. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần cảnh giác, chủ động và có các phương án phù hợp để tránh rơi vào tình trạng đối đầu, xung đột không cần thiết. Dù với phương án nào đi nữa, thì một yếu tố vô cùng quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chính là sự đồng thuận, đoàn kết của mọi giai tầng trong xã hội hướng tới một một mục tiêu chung là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét