Cô Tư Sài Gòn - Việt Báo Ngày 140801
Lòng Ta Mãi Ở Với Người
* Quỳnh Giao trong một lần xuất hiện cuối, với dàn hoà tấu của Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng tại California *
Quỳnh Giao đã ra đi. Một phần tinh anh của Sài Gòn đã từ biệt cõi gian nan này. Một mảng Tiếng Tơ Đồng đã bị bứt ra khỏi cuộc đời. Một đóa quỳnh đã rơi, một cành giao đã gãy...
Cuộc đời Quỳnh Giao là một phần của nghệ thuật Sài Gòn, nơi đó là tiếng hát hoàn toàn cất lên từ tự do, từ khát vọng tự do, không hề lệ thuộc một thế lực chính trị nào. Quỳnh Giao là biểu tượng của một nhan sắc Sài Gòn, từ dung nhan tới tiếng hát, tới tài viết văn, tới cách xử thế dịu dàng, quý phái.
Hôm nay được một người bạn chuyển qua email một bản ghi lại, lời nói thương tiếc của nhà văn Nhã Ca trong tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao. Xin ghi lại để cùng ngậm ngùi.
Cuộc đời Quỳnh Giao là một phần của nghệ thuật Sài Gòn, nơi đó là tiếng hát hoàn toàn cất lên từ tự do, từ khát vọng tự do, không hề lệ thuộc một thế lực chính trị nào. Quỳnh Giao là biểu tượng của một nhan sắc Sài Gòn, từ dung nhan tới tiếng hát, tới tài viết văn, tới cách xử thế dịu dàng, quý phái.
Hôm nay được một người bạn chuyển qua email một bản ghi lại, lời nói thương tiếc của nhà văn Nhã Ca trong tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao. Xin ghi lại để cùng ngậm ngùi.
Bằng hữu Quỳnh Giao tưởng niệm: Cung Tiến, Kim Tước, Mai Hương, Trần Dạ Từ, Phạm Phú Minh, Kiều Chinh |
Và Tenzin Dorjee đọc bài chú bên chồng và con của Quỳnh Giao |
Nhã Ca:
“KÍNH CHÀO QUÍ VỊ
Cho phép tôi nói đôi chút về Quỳnh Giao. Và với Quỳnh Giao, người bạn, người em, người cháu.
Ba giờ sáng ngày Thứ Tư tuần trước, khi biết Quỳnh Giáo đã thực sự ra đi, đầu tôi bật lên tiếng kêu: Không đúng. Không thể. Đâu đã tới phiên Quỳnh Giao?” Tiếng kêu trong đầu lúc ba giờ sáng ấy, cho tới phút này, lúc này vẫn không chịu yên.
Sở dĩ gọi lộn xộn vừa bạn, vừa em, vừa cháu, vì nhiều thứ thân tình chồng chất lâu rồi! Từ nhỏ, cô chị lớn Đoan Trang và các em Ti Cưng, Tí Ti, Tí Xíu, Tí Dung... của anh chị Dương Thiệu Tước - Minh Trang, với tôi là “cô cô, cháu cháu”. Có lúc Tí Xíu Dương Vân Quỳnh đối với tôi đã lên chức chị, vẫn “cô cô, cháu cháu”. Sau này, chị Đoan Trang Quỳnh Giao thành bà Nguyễn Xuân Nghĩa, vợ ông bạn thân. Dù đã là bà bạn, là chị em, cách gọi cô cháu thành nếp từ nhỏ vẫn không thay đổi được. Giống như tình thân; một đời, hai đời, ba đời, không cột mà tự nhiên cứ chặt.
Mới đó, Sàigon năm nào, trong vườn khuya cả nhà cùng hát.
Mới đó, đúng ngày, mấy đứa con tôi mở sẵn hai cánh cổng sắt, chờ chị Quỳnh Giao lái cái xe Dauphine màu trắng vào nhà, dạy và kiểm bài học dương cầm.
Và mới đây thôi, đứa cháu nội ba tuổi, khi cắt bánh ăn, còn nhất định để phần cho bà nội, bà Chinh và bà Giao.
Tuy lên chức Bà, có cháu chung, bà vẫn trẻ nhất, tươi tắn nhất, khỏe nhất.
Vậy mà sao bà Giao nằm kia mà bà Chinh, bà Nhã đứng đây.
Giao ơi! Bạn quí, em thương, cháu cưng,
Lỡ hái bông hoa hồng mà gãy tay! Rồi vẫn lành mà. Hôm đi châm cứu về, Quỳnh Giao đã reo lên trong điện thoại: “Cô ơi, tay cháu sắp khỏi rồi, cháu sắp đánh đàn trở lại!”
Ngày nằm giường bệnh, Quỳnh Giao nhẹ nhàng nói: Cô ơi, cô ôm cho cháu ngủ, cháu sẽ mau lành. Vì lo cho cháu bệnh mà anh Nghĩa khổ quá!”. Anh Nghĩa, cô Nhã, chị Huyền đã cùng ngồi quanh giường bệnh khi chư tăng Tây Tạng đến cầu an cho Giao.
Giao ơi, hóa trị xạ trị gì đó đều xong. Rồi sẽ yên. Như ánh trăng bị mây che lấp, mây sẽ qua, trăng sẽ sáng. Nhưng Giao muốn đến sớm, xuyên qua mây và đến thẳng với ánh trăng.
Quỳnh Giao của chúng tôi! Quỳnh Giao của chúng ta đã ngủ yên.
Ngủ yên nhé. Bạn quí, em thương, cháu cưng.
Ngủ quên thân và ngủ để lành lặn tâm trong vô thường.
Hôm nay, chùa gần, chùa xa, từ Cali, từ Sài Gòn tới Dharamsala đều có chuông lễ cho Quỳnh Giao. Xin tất cả quí vị cùng chúng tôi lặng lẽ cầu nguyện và tiễn biệt Quỳnh Giao lên đường về cõi Phật.”
Lời của nhà văn Nhã Ca như thế: “Quỳnh Giao của chúng ta đã ngủ yên. Ngủ yên nhé...”
Xin góp lời cầu nguyện: Ngủ yên nhé...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét