Đây không phải lần đầu tiên hãng công nghệ này đưa ra lời xin lỗi khi họ “nghịch ngợm” với các thông tin thu được từ người dùng. Trước đó, những sự kiện tương tự từng làm dấy lên lo ngại về hiện tượng người dùng trao quá nhiều thông tin cá nhân cho các hãng công nghệ mạng internet.
“Thí nghiệm” tâm lý người dùng
Với xì-căng-đan mới nhất này, Facebook đã tự ý thay đổi các nội dung trong bản tin “News Feeds” để nghiên cứu phản ứng của người dùng. Các thay đổi này bao gồm những thứ đơn giản như kích cỡ ảnh, số lượng quảng cáo cho đến những nội dung như số lượng các bài post mang tính tích cực hay tiêu cực. Các thí nghiệm được áp dụng cho hơn nửa triệu người dùng được Facebook lựa chọn với mục đích giúp tạo ra các sản phẩm hữu dụng và hấp dẫn hơn. Người dùng đều không hề hay biết họ đã được lựa chọn để làm thí nghiệm. Dù cuộc thí nghiệm này nằm trong khuôn khổ điều khoản mà Facebook đặt ra với người dùng (TOS) khi đăng ký tài khoản nhưng dưới cái nhìn của cư dân mạng internet, hãng này đã bị chỉ trích nặng nề.
Một “Like” trên Facebook có tác hại nhiều hơn ta nghĩ. (Nguồn: Wired) |
Nhiều người lên tiếng lo ngại những thí nghiệm tâm lý của Facebook có thể đem đến các tác động tiêu cực cho người dùng, đặc biệt là các nạn nhân của chứng trầm cảm. Ngoài ra, việc thực hiện nghiên cứu mà không có sự đồng ý từ đối tượng thí nghiệm được xem là phản tính đạo đức của khoa học. “Facebook không làm gì trái luật nhưng họ cũng không làm điều đúng đắn với người dùng” - nhà phân tích công nghệ Brian Blau của hãng Gartner nhận định.
Đã nhiều lần “xin lỗi”
Trước làn sóng phản đối, Facebook đã phải đăng lời xin lỗi chính thức của nhà nghiên cứu đứng đầu dự án - Adam D. I. Kramer. Trong lời xin lỗi này, ông viết: “Tôi có thể hiểu được tại sao nhiều người quan tâm đến cuộc nghiên cứu này. Tôi và các đồng tác giả hết sức lấy làm tiếc về cách mà bản nghiên cứu đã mô tả, dẫn đến những lo ngại”. Tuy bản nghiên cứu đã chỉ ra hiện tượng lan truyền cảm xúc qua mạng xã hội (nếu người dùng thấy nhiều nội dung tiêu cực, họ sẽ phản ứng tiêu cực hơn với các nội dung khác trên mạng xã hội và ngược lại) nhưng ông Kramer cho biết cuộc thí nghiệm này không gây ảnh hưởng nhiều đến người dùng.
Trước đây, Facebook cũng từng nhiều lần mắc phải những xì-căng-đan xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng như khi mạng xã hội này giới thiệu “News Feed”, một bản tin cho thấy tất cả hoạt động của người dùng và cả những người dùng trong danh sách bạn bè cũng bị phản ứng.
Các xì-căng-đan khác như khi Facebook đưa ra tính năng Beacon đăng tải tất cả hoạt động của người dùng trên các dịch vụ như eBay hay khi Facebook đơn giản hóa các tinh chỉnh bảo mật trong tài khoản vào năm 2009 đều làm cư dân mạng không hài lòng. Những lần như thế, CEO Mark Zuckerberg của Facebook lại phải lên tiếng xin lỗi.
Zuckerberg thú nhận: “Đôi khi chúng tôi đi quá nhanh và lỡ mất những điểm quan trọng”. Một trong những điều khiến các nhà hoạt động bảo vệ tự do thông tin trên mạng internet lo lắng nhất là các thuật toán kiểm soát nội dung trên Facebook. Các thuật toán này được sử dụng để quyết định những nội dung mà người dùng thấy trên trang mạng xã hội. Cơ chế này khuất tầm mắt người dùng, dựa hoàn toàn vào việc phân tích các thông tin thu thập được từ thói quen sử dụng Facebook và hoàn toàn được điều khiển bởi công ty này.
Lo ngại tự do thông tin cá nhân
Không chỉ có Facebook là hãng công nghệ duy nhất khai thác thông tin cá nhân của người dùng. Google cũng là một cái tên khét tiếng trong việc sử dụng thông tin thu thập từ thói quen tìm kiếm của người dùng, tương tự với Yahoo!. Hai hãng trên lý giải mục đích của họ là để cải thiện trải nghiệm của người dùng nhưng khó biết rõ họ sử dụng các thông tin này để làm gì sau lưng người dùng. Google cũng từng phải đưa ra lời xin lỗi khi tin về các xe chụp hình bản đồ Street View của họ thu thập thông tin người dùng trên các mạng Wi-Fi mà các xe này đi qua.
Nhiều nhà vận động bảo vệ bảo mật thông tin cá nhân trên mạng internet lo ngại việc người dùng cung cấp thông tin cho quá nhiều hãng công nghệ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Ngoài việc các hãng công nghệ mạng có quyền tự do thay đổi những nội dung người dùng thấy trên mạng, “điều khiển cuộc sống mạng” của người dùng thì còn có các lo ngại về tiết lộ thông tin qua những vụ tấn công của hacker. Vào tay kẻ xấu, thông tin cá nhân có thể là một vũ khí lợi hại để theo dõi, tống tiền và khủng bố tinh thần. Ví dụ tiêu biểu là một hành động thường hay xảy ra trên mạng internet với tên gọi “Doxing”, ám chỉ việc sử dụng thông tin cá nhân để truy ra địa chỉ sinh sống, các thông tin liên lạc của một đối tượng, để sau đó liên tục quấy rối.
Theo Xuân Hạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét