Hòa Tiến
Trong thời gian gần đây, tình hình chính trị thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp cũng như sự gia tăng hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức lớn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã chỉ ra rằng: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.” Như vậy, có thể thấy đối với cả chiến lược “diễn biến hòa bình” và vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” Đảng ta đều chú trọng đánh giá; phân tích để có quyết sách phù hợp, không xem nhẹ nguy cơ nào.
Hình ảnh minh họa |
1. Thuật ngữ TDB, TCH chính thức được đưa vào trong Văn kiện của Đảng tại Đại hội lần thứ XI, đặc biệt được đề nhấn mạnh trong nội dung và quá trình triển khai Hội nghị Trung ương 4. Trước hết, TDB, TCH không phải là một, mà là hai khái niệm có mối quan hệ chặt chẽ, chuyển hóa cho nhau trong quá trình vận động, biến đổi. TDB là khái niệm nhấn mạnh đến quá trình tự thân vận động, tự thân biến đổi của sự vật, còn TCH là khái niệm nhấn mạnh đến quá trình thay đổi cả về chất và lượng của bản thân sự vật theo những chiều hướng khác nhau. Như vậy, TDB, TCH là một quá trình vận động, biến đổi và chuyển hóa diễn ra bên trong mỗi sự vật, hiện tượng từ dạng này sang dạng khác. Quá trình này chịu sự tác động và chi phối của cả nhân tố khách quan và chủ quan, song yếu tố bên trong, nguyên nhân chủ quan luôn giữ vai trò quyết định. Nói cách khác, TDB, TCH là quá trình tự phủ định của sự vật trong sự vận động, biến đổi của chúng. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều nằm trong quá trình vận động, biến đổi không ngừng. Sự vật vận động, biến đổi là đang thực hiện quá trình tích dần về lượng đến “độ” nhất định sẽ tạo ra “bước nhảy” làm thay đổi về chất của sự vật tạo ra chất mới và lượng mới. Quá trình này có thể diễn ra theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
TDB, TCH nói đến ở đây mang hàm ý tiêu cực, là quá trình tự phủ định, nhưng nó không phải là phủ định biện chứng, mà là quá trình tự phủ định cái khẳng định, mặt tích cực của chính bản thân mình, nó đi ngược với nguyên lý phát triển của phép biện chứng và do đó, nó là bước thụt lùi dẫn đến tự suy thoái, tự tiêu vong của sự vật. TDB, TCH mà Đảng ta đề cập trong Văn kiện XI, về bản chất là một quá trình suy thoái từ bên trong của lực lượng cách mạng. Nói cách khác, TDB, TCH là quá trình thay đổi về chất diễn ra ở bên trong của mỗi cá nhân con người. Quá trình thay đổi này có thể là tích cực, tiến bộ hoặc ngược lại là tiêu cực, phản tiến bộ. Trên thực tế, TDB, TCH là thuật ngữ ám chỉ quá trình tự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, phản tiến bộ về tư tưởng, chính trị của con người. Nếu coi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng là tích cực, tiến bộ thì TDB, TCH ở đây là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thiếu niềm tin, hoài nghi, thậm chí phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; xa rời các nguyên lý xây dựng Đảng, đòi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ để hướng theo tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phê phán lịch sử thiếu khách quan; đòi xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thay bằng con đường phát triển tư bản chủ nghĩa; xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguyên nhân cơ bản, giữ vai trò quyết định đến quá trình TDB, TCH là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân bên trong, chứ không phải nguyên nhân khách quan, nguyên nhân bên ngoài. Nguyên nhân khách quan, bên ngoài chỉ đóng vai trò là tiền đề, điều kiện làm thúc đẩy sự phát sinh, hình thành và phát triển của nguyên nhân chủ quan, bên trong. Sinh thời, V.I. Lênin đã cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta… Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ XX là một minh chứng rất rõ mà các thế lực thù địch đã thành công khi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, hiểm độc nhằm tạo ra và thúc đẩy TDB, TCH từ bên trong các nước XHCN. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô trước đây bắt nguồn từ sự TDB, TCH ngay trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô. Đó là sự suy thoái, biến chất từ bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, David Code đã từng nhận xét: Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình.
Ở đây ta cũng cần phân biệt, giữa TDB, TCH với “tính vượt trước” của tư tưởng, lý luận so với thực tiễn. Ý thức xã hội trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định có thể “vượt trước” và mở đường cho tồn tại xã hội, góp phần định hướng, dẫn dắt tồn tại xã hội phát triển. Ví dụ, quan điểm về nền kinh tế trị trường XHCN ở nước ta xuất hiện trước Đại hội VI (1986) là tư tưởng trái ngược, mâu thuẫn với quan điểm của Đảng, Nhà nước lúc đó. Có phải những ý kiến đó là biểu hiện của TDB, TCH? Tất nhiên là không, vì thứ nhất đây là ý kiến, quan điểm sau này đã được Đảng ta thừa nhận, thực tiễn khách quan thừa nhận là đúng đắn, hợp quy luật; thứ hai, ý kiến, quan điểm trên không đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc và quyền lợi của nhân dân, như tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng khả biến”; thứ ba, nó mâu thuẫn với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta lúc đó nhưng đây không là mâu thuẫn đối kháng không thể giải quyết được mà là giải quyết được mâu thuẫn này chính là động lực cho sự phát triển lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng CNXH. Đây là hiện tượng ý thức xã hội vượt trước so với tồn tại xã hội và đã làm tiền đề lí luận cho nhiệm vụ dẫn dắt, mở đường để thực tiễn xã hội phát triển đi lên. Do đó không thể quy tất cả các quan điểm, tư tưởng khác với quan điểm của Đảng, Nhà nước vào cái gọi là TDB, TCH. Cho nên, việc nhận thức bản chất, dấu hiệu, đặc trưng của TDB, TCH là rất cần thiết trong đấu tranh chống chiến lược DBHB của các thế lực thù địch. Nếu không phân biệt đâu là TDB, TCH, đâu là quá trình phát triển của tư duy lí luận có “tính vượt trước” so với thực tiễn khách quan thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và vô tình mắc vào cái bẫy trò chơi “phi bằng không” của các thế lực thù địch.
Chủ thể của TDB, TCH là người cán bộ, đảng viên. Song chủ thể đó có vị trí càng cao, quyền lực càng lớn và trong tay nắm tài sản càng nhiều thì hậu quả gây ra càng nguy hiểm. Nếu coi TDB của người cán bộ, đảng viên làm quá trình thẩm thấu từng ngày, từng hoạt động thì TCH như là cái đích đến của TDB. Đó là quá trình “tự tha hóa”, làm cho người cán bộ, đảng viên không còn là chính mình mà đã chuyển sang thành kẻ suy thoái, biến chất gây nguy hiểm cho Đảng, tổ chức và xã hội. Nếu “thóa hóa” của Mác là do chế độ tư bản chủ nghĩa trực tiếp gây nên thì TDB, TCH của người cán bộ, đảng viên lại có nguyên nhân bên trong bản thân mình là chính.
Như vậy, thực chất của TDB, TCH là quá trình thay đổi về lập trường, tư tưởng chính trị theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải bộc lộ ngay ra bên ngoài bằng lời nói và hành động mà chúng diễn biến trong một quá trình bắt nguồn từ những suy thoái, biến chất về đạo đức, lối sống, sinh hoạt cụ thể của con người. Quá trình suy thoái này diễn ra theo chiều hướng tích dần về lượng đến một lúc nào đó sẽ “biến chất” thành TDB, TCH. Quá trình này diễn ra trong thời gian nhanh hay chậm là còn phụ thuộc vào từng cá nhân, tổ chức đó có “độ” vững vàng về chính trị, liêm khiết, trong sáng về đạo đức, lối sống của họ.
2. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Foster Dulles là người đầu tiên đề ra chiến lược “Diễn biến hòa bình” (“DBHB”) vào đầu những năm 50 thế kỷ XX. Nhưng mầm mống của tư tưởng chiến lược này đã nảy sinh từ năm 1949. Ngày 20-7-1949, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ lúc đó là Akison trong một bức thư gửi Tổng thống Tơruman đã đề ra chiến lược với mục tiêu khuyến khích “những người theo chủ nghĩa dân chủ cá nhân” ở Trung Quốc, tạo ra sự diễn biến từ bên trong để lật đổ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, làm sụp đổ chính quyền nhân dân.
Cách nói của John Foster Dulles trong bản tường trình trước Quốc hội Mỹ ngày 15.1.1953, với âm mưu rõ ràng và thủ đoạn lộ liễu hơn khi nói rằng: Muốn giải phóng nhân dân bị nô dịch ở các nước xã hội chủ nghĩa cần phải dùng “phương pháp phi chiến tranh”, tức là dùng “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”, và nhấn mạnh “những ái không tin tưởng vào sức ép tinh thần và sức ép tuyên truyền có thể sản sinh ra hiệu quả thì quả thực là người đó không hiểu biết”. Ông ta còn chủ trương thúc đẩy những thay đổi theo hướng đi lên trong các nước xã hội chủ nghĩa, gửi gắm hy vọng vào những người thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đến lúc đó, chiến lược “DBHB” có thể coi như đã xác lập bước đầu.
Có thể nói, “DBHB” là chiến lược có tính toàn cầu do các thế lực thù địch phản động quốc tế lợi dụng thời cơ tình hình thế giới có xu thế phát triển hòa bình và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) tiến hành cải cách, mở cửa nhằm xóa bỏ các nước XHCN trên phạm vi toàn thế giới, hướng các nước XHCN đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa (TBCN), trong đó có Việt Nam. Đó là sự tác động chuyển hóa chế độ nhà nước XHCN sang chế độ TBCN do chủ nghĩa đế quốc tiến hành bằng các hình thức, biện pháp, phương tiện phi quân sự, trước hết và chủ yếu là chuyển hóa, thay thế cơ sở tư tưởng chính trị và cơ sở giai cấp xã hội của chế độ nhà nước XHCN bằng cơ sở chính trị và cơ sở giai cấp xã hội của chế độ xã hội TBCN. Chúng dựa trên cơ sở tuyên truyền phủ nhận đi đến xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời truyền bá, xác lập hệ tư tưởng tư sản ở các nước XHCN; thay đổi, chuyển hóa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sang nền kinh tế thị trường tự do của TBCN trên cơ sở xóa bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đồng thời khuynh hướng tư hữu hóa tư nhân hóa nền kinh tế ở các nước XHCN; thay đổi, chuyển hóa văn hóa, lối sống XHCN sang văn hóa, lối sống tư sản trên cơ sở phản bác, phủ định sạch trơn văn hóa, lối sống XHCN, đồng thời truyền bá văn hóa, lối sống của giai cấp tư sản. Cuộc tấn công đó thay vì trực tiếp và diễn ra trên lĩnh vực quân sự và chính trị là chính, đã chuyển sang hình thái gián tiếp là chủ yếu và diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Hoạt động của các thế lực thâm nhập ngày càng sâu vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, dân tộc, tôn giáo... của các nước xã hội chủ nghĩa; ủng hộ và mua chuộc “những phần tử bất đồng chính kiến”, nuôi dưỡng tư tưởng sùng bái phương Tây một cách mù quáng. Khi chúng thấy thời cơ đến, có thể hàng động thì phao tin đồn nhảm, gây rối, kích động bạo loạn, tiến hành lật đổ để cuối cùng biến các nước XHCN thành thành viên của thế giới TBCN.
3. Như vậy, DBHB và TDB, TCH là hai vấn đề khác nhau. DBHB là chiến lược do các thế lực thù địch tiến hành một cách chủ động với động cơ, mục đích rõ ràng là nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, hướng các nước XHCN đi theo quỹ đạo của CNTB. Đây là hoạt động tác động từ bên ngoài của các thế lực thù địch vào nộ bộ nhằm hình thành các nhân tố, lực lượng chống đối từ trong lòng các nước XHCN. Trong khi đó, TDB, TCH mà Đảng ta đề cập lại nhấn mạnh đến quá trình tự vận động, biến đổi và chuyển hóa theo chiều hướng tiêu cực trong nhận thức và hành động của người cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh đến yếu tố bên trong, yếu tố nội tại. TDB, TCH là một quá trình thụ động, không có động cơ và mục đích rõ ràng. Mặc dù mục tiêu và kết quả của DBHB với TDB, TCH không có gì khác nhau khi cả hai đều muốn phủ định đi đến xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… nhưng chủ thể của DBHB gắn liền với các thế lực địch, còn chủ thể của TDB, TCH lại gắn chặt với người cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, trong nội bộ Đảng Cộng sản. Nói cách khác, nhìn vào chiến lược DBHB chúng ta có thể nhận thấy rõ “kẻ thù” của mình nhưng đối với TDB không dễ đến nhận ra “kẻ thù”, bởi nó nằm ngay trong chính bàn thân người cán bộ, đảng viên, là “tha hóa” trong người cộng sản mà nếu không phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả thì dưới tác động tiêu cực của nhân tố khách quan và chủ quan có thể dần dần dẫn tới TCH.
Tuy nhiên, chiến lược DBHB và TDB, TCH lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, DBHB có mối quan hệ khăng khít, không tách rời với quá trình TDB, TCH. Bản chất của chiến lược DBHB là thông qua các phương thức, thủ đoạn khác nhau tác động vào nội bộ, làm cho các nước XHCN TDB ngay từ bên trong, dẫn tới TCH theo con đường TBCN. Thúc đẩy quá trình TDB, TCH trong lòng các nước XHCN chính là một trong những cách thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược DBHB. Nguy cơ TDB, TCH có nguyên nhân từ bên trong, nguyên nhân nội tại còn được thúc đẩy bởi các nguyên nhân bên ngoài. Một trong những nguyên nhân bên ngoài hết sức quan trọng đó là do chiến lược DBHB của các thế lực thù địch tạo ra. Thực tế rằng, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ định con đường xây dựng CNXH ở nước ta của các thế lực thù địch trong thời gian vừa qua cũng đã góp phần không nhỏ dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đây là biểu hiện rõ nét nhất của TDB, TCH. Mà nguyên nhân của nó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, một trong bốn lý do quan trọng đó là do sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chắc mẩm đây là cơ hội để họ dấn tới tác động, làm chuyển hóa tình hình, thay đổi đường lối ở nước ta, cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong phá ra, làm cho “cộng sản tự diệt cộng sản”, “cộng sản con diệt cộng sản bố”.
Thứ hai, DBHB và TDB, TCH có thể xem là hai mặt của một vấn đề, có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Chiến lược DBHB hướng tới thúc đẩy các yếu tố TDB, TCH và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ TDB, TCH. Đến lượt nó, TDB, TCH lại là môi trường, điều kiện để chiến lược DBHB của các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá. Nếu người cán bộ, đảng viên không có biểu hiện TDB, TCH thì chiến lược DBHB của các thế lực thù địch sẽ không có hiệu quả. Ngược lại, chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên lại là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng, triển khai và thúc đẩy chiến lược DBHB.
Thứ ba, DBHB và TDB, TCH đang là nguy cơ tồn tại hiện hữu, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng và khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, nếu không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thì có thể dẫn tới những hậu quả khủng khiếp – đó là sự tan rã của Đảng Cộng sản, sự diệt vong chế độ XHCN và mọi thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đấu tranh có được hoàn toàn bị xóa bỏ.
TDB, TCH có mối quan hệ mật thiết với chiến lược DBHB của các thế lực thù địch nên việc phòng, chống TDB, TCH cũng phải có sự liên hệ chặt chẽ với đấu tranh chống DBHB. Đấu tranh chống DBHB góp phần ngăn chặn quá trình TDB, TCH. Ngược lại, phòng, chống TDB, TCH góp phần hạn chế điều kiện, triệt tiêu “môi trường màu mỡ” mà chiến lược DBHB của các thế lực thù địch dựa vào lợi dụng, khái thác. Phòng, chống TDB, TCH cũng như đấu tranh chống DBHB đều hướng tới mục đích là bảo vệ Đảng, chế độ XHCN, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Trước hết và quan trọng nhất là phòng, chống TDB, TCH trên lĩnh vực tư tưởng chính trị. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ, giữ vững và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện tiên quyết, chi phối và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực khác. Có giữ vững, bảo vệ được nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng thì mới có cơ sở và kim chỉ nam cho việc phòng, chống TDB, TCH cũng như đấu tranh chống chiến lược DBHB trên các lĩnh vực khác được thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét