Nguyễn-Xuân Nghĩa Ngưởi Việt ngày 141215
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Mũi Tên Thứ Tư Của Thủ Tướng Shinzo Abe
* Thủ tướng Abe cười tươi đêm 14: mỗi đóa hồng là một đơn vị thắng cử *
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thắng một keo táo bạo để tiếp tục thi hành giải pháp cứu nguy kinh tế còn táo bạo hơn nữa. Nhưng chuyện không dễ.
Mọi sự có thể khởi đầu vào Tháng Tư, khi Chính quyền Shinzo Abe của đảng Tự Do Dân Chủ (Liberal Democratic Party, LDP) tăng thuế suất tiêu thụ từ năm lên tám phần trăm. Lý do tăng thuế có sự chính đáng về kinh tế vì ngân sách bội chi quá nặng và gánh công trái của nhà nước lên tới mức kỷ lục. Lý do chính trị còn chính đáng hơn nữa vì sức ép từ trong đảng và từ Bộ Tài chánh cùng Ngân hàng Trung ương để giảm trừ hai khiếm hụt đó.
Nhưng việc tăng thuế lại đánh sụt mức tiêu thụ èo uột và sáu tháng sau thì kinh tế bị suy trầm.
Một ngày sau khi nạn suy trầm được xác nhận thì hôm 18 tháng trước, Thủ tướng Abe bèn lùi một bước qua quyết định hoãn việc tăng thuế từ 8% lên 10% cho đến năm tới, và tiến hai bước khi giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm, vào ngày 14 Tháng 12.
Kết quả bầu cử vừa qua là đảng LDP lại thắng lớn với 291 ghế Dân biểu. Cùng đảng Công Minh (Komeito), LDP kiểm soát hơn hai phần ba số phiếu tại Hạ viện Diet. Từ nay cho đến 2018, Thủ tướng Abe có đủ vốn liếng chính trị để thực hiện tiếp chánh sách cứu nguy kinh tế có hỗn danh là "Abenomics". Tháng trước, ngày 18 Tháng 11, cột báo này có giải thích cái khó của ông Abe ("Abenomics" Hích Vào Tường - Thế nan giải của kinh tế Nhật).
Kỳ này ta tìm hiểu về sự xoay trở của Thủ tướng Nhật.
Từng là Thủ tướng, ông Abe bất ngờ từ chức vào năm 2007 sau có một năm cầm quyền. Lần đó, ông khó bung khỏi những trở ngại quá lớn trong đảng. Năm năm sau, ông trở về với nhiều lợi thế hơn, trong đó có cả sự hung hăng của Bắc Kinh về vụ tranh đoạt chủ quyền trên cụm đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Lên làm Thủ tướng từ cuối năm 2012 sau khi thắng lớn, ông đề nghị ba bước cải cách, được coi như ba mũi tên.
Người mê Tử Vi có thể nghĩ tới cách "Tam hóa Liên châu" - một chuỗi ba sao Hóa Khoa, Hóa Quyền và Hoá Lộc!
Mũi tên thứ nhất là biện pháp tiền tệ, bơm tiền như nước; thứ nhì là biện pháp ngân sách, kích thích bằng tăng chi và thuế khóa. Mũi tên thứ ba mới là khó nhất: trên cái trớn của sự hồi phục tạm nhờ hai biện pháp tiền tệ và ngân sách mà cải cách cơ chế kinh tế và thế lực xã hội để nâng khả năng cạnh tranh của một quốc gia bị lão hóa về dân số và sơ cứng về chính trị.
Vì dân số lão hóa, với tỷ trọng ngày càng cao của người già lão, tiết kiệm quá lớn không kích thích tiêu thụ và sản xuất. Nhật bị hiện tượng "giảm phát", hàng họ giảm giá mà bán không chạy và sản xuất không tăng. Vì sơ cứng chính trị, Nhật Bản khó cải tiến hiệu năng và tìm ra hình thái kinh tế hiện đại hơn. Đấy là loại vấn đề lưu cữu trong cơ cấu khiến nưóc Nhật suy bại liền trong hơn hai chục năm, từ khi bị nạn bể bóng đầu cơ năm 1990 và trôi vào khủng hoảng năm 1993.
Trước sự hoài nghi của nhiều người, hai mũi tên đầu của Abenomics đạt kết quả tương đối.
Nạn giảm phát lui vài phân khi lạm phát từ 0% vào năm 2012 lên tới 0,4% vào năm ngoái - mà chưa lên tới 2% như Chính quyền Abe trông đợi - và hăm dọa khi ào ạt bơm tiền. Phải dọa là lạm phát sẽ làm tiền mất giá thì mới khiến dân chúng tiêu thụ ngay và tạo ra sức cầu cho kinh tế. Bội chi ngân sách cũng giảm được vài số sau dấu phẩy, như hạt bụi.
Nhưng biện pháp thuế vụ là giảm thuế doanh nghiệp và tăng thuế tiêu thụ lại gây vấn đề chính trị là mang tiếng nâng đỡ nhà giầu bằng sực tiền thuế của dân nghèo và gây hậu quả kinh tế là làm giảm tiêu thụ rồi bị suy trầm. Vậy mà khó khăn lớn nhất lại không nằm ở đó. Mũi tên thứ ba gần như chưa ra khỏi vỏ vì sức cản của nhiều thế lực kinh tế chính trị trong xã hội - và ngay trong đảng LDP.
Thủ tướng Abe đề nghị một chương trình rộng lớn là gia tăng sức cạnh tranh và sản lượng bằng cải cách lao động và kinh tế. Cụ thể là tu chỉnh bộ luật lao động để doanh nghiệp có thể linh động tuyển dụng và sa thải theo yêu cầu. Ông đòi giải toả khu vực canh nông để cạnh tranh với nông sản ngoại nhập, một trong nhiều điều kiện trở thành Đối tác Xuyên Thái bình dương (kế hoạch TPP do Hoa Kỳ đề xướng với 11 xứ khác). Đi ngược thói quen văn hóa như vậy rồi, ông còn muốn khai thông ách tắc để phụ nữ gia nhập thị trường lao động và đề nghị nhập cảng nhân viên ngoại quốc cho các ngành bảo hộ sức khỏe và người cao niên. Đã vậy, sau thiên tai năm 2011 khiến các nhà máy nguyên tử bị nạn và dân Nhật sợ phóng xạ, Chính quyền Abe vẫn muốn phục hoạt năng lượng nguyên tử để bớt lệ thuộc vào xăng dầu nhập cảng....
Bây giờ, với liên minh cầm quyền có 326 ghế trong Hạ viện 480 ghế, liệu Shinzo Abe có thể hoàn tất kế hoạch cải cách chăng? - Nhiều phần thì sẽ là không!
Ngược với ấn tượng xa xưa khi ông đột ngột từ chức Thủ tướng năm 2007, Shinzo Abe bất ngờ bắn ra một mũi tên thứ tư qua việc giải tán Quốc hội để cho bầu cử sớm. Quyết định ấy khiến đối lập mạnh nhất là đảng Dân Chủ Nhật (Democratic Party of Japan, DPJ) bị lỡ trớn, lãnh tụ đảng là Banri Kaieda còn thất cử, chuyện hiếm hoi từ 65 năm nay. Dù Nội các bị đàn hặc về tham nhũng, ông Abe vẫn được dân tín nhiệm.
Nhưng đấy là một sự tín nhiệm miễn cưỡng:
Cử tri đi bầu ít hơn kỳ trước và đảng LDP mất ba ghế, may là đảng Komeito lấy thêm bốn ghế. Thủ tướng Abe được coi là thắng lớn về chính trị khi dám tổ chức bầu cử ngay giữa suy trầm, nhưng lý do là sự lụn bại của đối lập hơn là vì thành tích của Abenomics. Cho nên, dù có hãnh diện với kết quả bầu cử, ông Abe biết là được cử tri cho thêm một nhiệm kỳ để lo chuyện nan giải.
Shinzo Abe có hy vọng là một trong mấy Thủ tướng cầm quyền lâu nhất từ thời hậu chiến, tương tự như Junichiro Koizumi, nhưng sẽ phải làm những gì?
Thủ tướng Nhật phải phá vỡ nạn sơ cứng chính trị và hệ thống quyền lợi kinh tế tích lũy từ nhiều thập niên và đang bị dân số học, sự chuyển động chậm rãi của xã hội, đẩy vào vùng lạc hậu. Làm sao bắt doanh nghiệp tăng lương, đòi công nhân mất việc, bắt nông gia cạnh tranh với thị trường quốc tế? Khó nhất là việc cải cách ấy lại đụng vào cơ sở quyền lực cố hữu của đảng cầm quyền.
Dù được cách "Tam hóa Liên châu" với Khoa Quyền Lộc nằm đúng vị trí, ông Abe vẫn bị sao Hóa Kỳ che mờ tầm nhìn của đảng cầm quyền LDP. Thủ tướng Nhật phải mất cả thập niên mới khai thông được tình hình, là điều bất khả.
Trừ phi nước Nhật trôi vào một vụ khủng hoảng lớn khiến thần dân tỉnh giấc và trao gươm cho Thủ tướng! Khi ấy, ta nên nhìn ra ngoài.
Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đang có bài toán tương tự khi phải chuyển hướng kinh tế mà làm không nổi vì trở lực trong đảng. Theo thói quen thì Thiên tử lại chỉ ra giặc ngoài để biến pháp ở trong và khiến dân Nhật giật mình tỉnh giấc.
Năm 2015 vì vậy còn nhức tim hơn năm 2014 đầy nhiễu nhương vừa qua....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét