Bệnh viện da liễu TP.HCM đầu tháng 12.2013 đã tiếp nhận một bệnh nhân bị nghi nhiễm HIV do xăm môi. BS Nguyễn Duy Hưng, Tổng thư ký hội Da liễu Việt Nam chỉ ra những khía cạnh sức khỏe cần cân nhắc về xăm.
Theo lời kể của chị N.T.T., 41 tuổi, ngụ ở Đà Lạt, sau một thời gian xăm, môi chị nổi những mụn nước nhỏ. Đi khám ở một cơ sở y tế địa phương được chẩn đoán bị bệnh mụn rộp Herpes nhưng điều trị hoài không khỏi. Kết quả xét nghiệm máu sau đó phát hiện chị bị nhiễm HIV.
Các tai biến
Xăm là cách người ta dùng vật nhọn đâm xuyên vào da và đưa các chất có màu vào sâu tới trung bì da. Các nhà xăm chuyên nghiệp dùng kim điện tử còn các tay chơi nghiệp dư hay dùng kim thường và mực tàu.
Các chất để xăm có màu sắc khác nhau: màu xanh đen sử dụng các-bon, mực tàu; màu đỏ sử dụng cinnabar hoặc thực vật; xanh nhạt dùng cô ban; xanh lá cây dùng crôm; màu vàng dùng cát mi; màu nâu dùng chất liệu đất son, sắt… Khi xăm phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, khiến da bị tổn thương, do vậy có thể xảy ra các tai biến, nhiễm trùng, lây truyền bệnh. Có thể kể đến một số tai biến và các phiền phức thường gặp:
Chỗ xăm nhiễm trùng
Nhiễm trùng thông thường do các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu làm cho nơi xăm bị viêm mủ. Nghiêm trọng hơn, có thể làm nhiễm trùng sâu gây viêm quầng, hoại thư, nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng loại này ngày nay ít gặp do sử dụng các dụng cụ sạch và sử dụng kháng sinh sớm.
Y học đã gặp một số trường hợp bị mắc giang mai, bệnh phong, lao do xăm với các thương tổn bệnh xuất hiện ngay tại nơi xăm. Ngày nay, xăm còn có thể làm lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm gan siêu vi B và C, HIV... Các bệnh do virút khác như đậu mùa và hạt cơm, u mềm lây… cũng có thể lan truyền do xăm trổ.
Phản ứng với chất xăm
Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Phản ứng xảy ra gây ngứa, rấm rứt, đỏ, phù nề. Phản ứng có thể xảy ra sớm nhưng thường sau vài tuần lễ hoặc hàng năm. Biểu hiện có thể là phản ứng dạng liken, đôi khi phản ứng lan rộng ngoài vùng xăm gây eczema, viêm da tiếp xúc hoặc nặng hơn là viêm da tróc vẩy.
Ngoài ra, một số trường hợp gây phản ứng viêm dạng u hạt, rất khó điều trị. Thủy ngân có trong chất xăm cũng có thể gây đỏ da tại chỗ hoặc phản ứng toàn thân. Crôm gây đám da nhiễm màu xanh lá cây. Côban gây đám da màu xanh nhạt và có người bị viêm màng bồ đào. Vùng xăm bị phản ứng viêm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Một số bệnh da xảy ra sau khi xăm (ngoài bệnh giang mai và bệnh phong là hai bệnh lây do truyền vi khuẩn qua các kim nhiễm trùng, còn có các bệnh da khác: bệnh liken phẳng, vẩy nến…). Từng có báo cáo trường hợp u hắc tố ác tính xảy ra tại nơi xăm nhưng cũng có thể do sự trùng hợp mà không phải do xăm gây nên.
Cân nhắc kỹ
Xăm đã có từ rất lâu trên các quốc gia và châu lục, liên quan đến tín ngưỡng, tập tục và lễ nghi. Nhiều bộ lạc cổ xưa đã xăm trên cơ thể mình trong những lễ hội, xăm cho những chiến binh của bộ lạc hoặc những tay săn bắn, người lặn xuống biển mò ngọc trai... Ngày nay, xăm được coi là một môn nghệ thuật độc đáo.
Tại Việt Nam, xăm đã trở thành một sở thích không chỉ của riêng dân chơi mà còn là một nghệ thuật có sức cuốn hút đối với dân văn phòng, kinh doanh và giới trí thức. Trong đó, xăm thẩm mỹ được rất nhiều người ưa chuộng, nhất là chị em phụ nữ: xăm lông mày, xăm môi, xăm nghệ thuật trên da... Hầu hết những ngườiủng hộ xăm mình đều thuộc giới trẻ, sống chủ yếu ở các thành phố, đô thị - những người có phong cách, lối sống và tư duy được coi là sành điệu và hiện đại.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, nhiều tai biến có thể xảy ra khi xăm nên phải hết sức cân nhắc, chọn lựa thật kỹ trước khi quyết định. Đẹp nhưng phải an toàn.
Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ có uy tín chuyên môn trước khi quyết định. Không chỉ một số loại nhiễm trùng làm lây nhiễm các bệnh HIV, viêm gan B, C... mà phản ứng của cơ thể với các chất xăm nhiều khi cũng rất khó chữa.
Đã có nhiều người sau khi xăm xong thấy khó chịu, hối tiếc. Trạng thái này xảy ra do người xăm nhận thức lại thấy không ổn, hoặc kết quả xăm không được như mong muốn. Không ít người phải tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa hoặc trung tâm thẩm mỹ để xoá xăm.
Laser, bào mòn da… có thể sử dụng để xoá các vết xăm nhưng có nguy cơ gây sẹo, thậm chí có người bị sẹo lồi và không phải hình xăm nào cũng có thể xóa hết được. Đôi khi phải phẫu thuật cắt vùng xăm và ghép da trong trường hợp vết xăm sâu và đậm.
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Hưng,
Tổng thư ký hội Da liễu Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét