Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Từ Việt Nam Mơ tới Trung Quốc Mộng


Việt Báo Xuân Giáp Ngọ

Ngàn năm, 60 năm, 40 năm, 35 năm.... Rồi sao?

 * Tầu ngầm lớp Kilo vào Cam Ranh - có ký lô nào không? *


Bước vào một năm Giáp Ngọ có quá nhiều ý nghĩa lịch sử, tờ Xuân Việt Báo năm nay được thực hiện với tinh thần một bó nhang chung, cùng dâng lên tiên tổ. Từ đó, xin ngẫm lại chuyện ngàn năm, trăm năm, 60 năm, 40 năm, 35 năm.... Nhiều bài học lịch sử. Ngoại xâm là một bài học. Canh tân để có sức đứng vững trước ngoại xâm là một bài học khác. 




Chuyện Ngàn Năm


Trong lịch sử lâu dài của Việt Nam, việc Trung Quốc xâm lược nước Nam là chuyện thường tình, vì xảy ra quá nhiều lần.

Sau một giai đoạn Bắc thuộc kéo dài 1050 năm, nước Nam không bị đồng hoá mà còn giành lại độc lập kể từ năm 939 nhờ Ngô Vương Quyền. Trong 10 thế kỷ ngoại thuộc đó, không thiếu gì người Hoa đã qua nước ta, kẻ làm quan, người làm dân, tỵ nạn hay kiếm sống. Họ không Hán hóa nước Việt mà lại tự Việt hóa. Nhiều người trở thành danh tướng nước Nam và dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược phương Bắc. Sau bảy đời sống với nước Nam, Lý Bôn là một trong nhiều trường hợp. Năm 544, khi lên ngôi, ông đặt tên nước là Vạn Xuân và xưng hiệu Lý Nam Đế. Ông khẳng định căn cước và bản sắc Nước Nam.

Bài học khác, sau khi dân ta giành lại độc lập với chiến công trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, qua các đời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn, mọi cuộc xâm lược từ Trung Quốc đều trước sau bị bẻ gãy. Mà lần nào cũng có danh tướng phương Bắc phơi thây trên chiến hào, chìm sâu dưới đáy nước hay ôm đầu tự ải nếu không kịp bỏ ấn tín chui vào ống đồng tháo chạy.... Tên tuổi của họ như Hoằng Tháo, Toa Đô, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng, Hứa Thế Hanh hay Sầm Nghi Đống , v.v... đều đánh dấu những trang chiến sử rạng rỡ của Nước Nam. 

Cho đến thế kỷ 20.


Chuyện Trăm Năm 


Trong Thế kỷ 20, Trung Quốc cũng có nhiều danh tướng từng sang nước ta, như Trần Canh hay Vi Quốc Thanh, nhưng để giúp lực lượng Cộng sản Việt Nam lập nên chiến công làm đổi vận nước, vào năm Giáp Ngọ 1954. Từ Việt Bắc đến Điện Biên Phủ, những chiến tướng đó của phương Bắc đều có thành tích ở nước Nam.

Chiến trường Việt Bắc 1950, từ trái: Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Chí Minh, Tướng Trần Canh của Trung Quốc, Lê Văn Lương và Cố vấn La Quý Ba của Bắc Kinh, biên đạo của "chỉnh phong", "đấu tố", "cải cách ruộng đất" tại miền Bắc.... Ảnh (lẫn người) của Trung Quốc!


Chuyện rất lạ, trong Thế kỷ này, Trung Quốc cũng nhiều lần tấn công nước Nam.

Lịch sử ghi rõ, đúng 40 năm về trước đã có trận Hải chiến giữa Quân lực Việt Nam Cộng Hoà với Hải quân Trung Quốc Cộng sản, vào ngày 19 Tháng Giêng năm 1974. Từ một chế độ đang bị cột tay bức tử, những người lính Việt Nam vẫn xả thân trước một hỏa lực áp đảo để gỡ cờ Trung Quốc ngoài đảo hoang vu. Dù chiến hạm có bị đánh đắm thì cũng vùi thân vào đảo vắng, để còn có vật ghi dấu chủ quyền của nước Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Chiến công đó khiến các danh hiệu Lý Thường Kiệt, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng hay Nhật Tảo đã bừng sáng ý nghĩa khác: đó là tên các chiến hạm đã cố chống cự để bảo vệ Hoàng Sa. Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã thành danh nhân vì nguyện chôn thây cùng Hộ tống hạm Nhật Tảo cùng hơn sáu chục chiến binh Hải quân.

 Hộ tống hạm Nhật Tảo - HQ10


Trải qua 40 chục năm, sự hy sinh của 74 chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, từ sĩ quan, thủy thủ, bộ binh đến người nhái trong trận Hải chiến Hoàng Sa vẫn nung nấu tâm khảm những người đã sống và chiến đấu ở miền Nam. Lịch sử ghi lại là họ bị nhục mạ là ngụy quân ngụy quyền, họ bị đầy ải sau khi thất bại trong một cuộc chiến họ biết là tương tàn, không chọn lựa mà chỉ chống đỡ.

Những người đã sống và chiến đấu tại miền Nam không quên được quyền lợi của Tổ quốc và tưởng nhớ những người đã hy sinh vào giờ phút vô vọng. Sau này, nhiều người tại miền Bắc cũng thấy ra điều ấy mà lặng lẽ làm lễ tưởng niệm trước sự lúng túng của Hà Nội. Vì lúng túng nên mới ra vẻ thờ ơ.

 Báo chí Sàigòn 1974 về vụ hải chiến Hoàng Sa


Ngay từ năm 2011, người dân trong nước đã ghi ơn Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã hy sinh tại Hoàng Sa



Dĩ nhiên là trong cuộc xung đột chớp nhoáng tại Hoàng Sa, với tương quan lực lượng quá thuận lợi cho mình, không có danh tướng Trung Quốc nào tử trận! 

Trong cuộc chiến năm năm sau cũng vậy.

Đó là khi Trung Quốc đưa đại quân đồng loạt tấn công các tỉnh miền Bắc vào ngày 17 Tháng Hai năm 1979 trong cuộc chiến họ nghĩ là áp đảo với 12 vạn binh lính chưa kể dân tải đạn. Lần này, cháu chắt của Hứa Thế Hanh từng bỏ mạng trong trận Kỷ Dậu 1789 của Quang Trung, là Thượng tướng Hứa Thế Hữu lãnh nhiệm vụ Tổng chỉ huy một chiến dịch quy mô "để cho Cộng sản Hà Nội một bài học", theo lối nói của Đặng Tiểu Bình. Họ Hứa cũng muốn rửa nhục cho tiên tổ của mình....

Tất nhiên là người dân miền Bắc lãnh đủ.

Hơn chục vạn thường dân bị tàn sát khi các tỉnh biên giới bị tàn phá. Từ chân cầu bị nhổ, cái bát bị đập tới đôi đũa bị bẻ, rợ phương Bắc bày tỏ sự thịnh nộ của mình. Có chiến tướng của Hà Nội thành danh từ thành tích Mậu Thân 68 ở trong Nam đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, trong khi các lãnh tụ lật di tản vào Đà Nẵng, trốn sâu dưới hầm kiên cố do Mỹ xây năm xưa.

Nhưng quân dân trong các lực lượng miền Bắc vẫn làm Trung Quốc rát tay. Vào được Lạng Sơn với cái giá 27 ngàn quân xâm lược bỏ xác, sau năm ngày không cón sức tiến, Bắc Kinh đành phải tuyên bố dạy xong bài học và bắt đầu rút chạy. Đám lãnh tụ bấn loạn và các chiến tướng của Hà Nội vội buôn súng hưởng ứng. Chỉ thiếu điều ăn mừng. Họ quên bài học của tiền nhân là phải đuổi đánh giặc cho đến tận biên ải. 

Không còn cảnh Chi Lăng chém tướng. Chẳng một viên tướng Tầu nào phải phơi thây nơi ải Chi Lăng hay chết đuối dưới sông Kỳ Cùng. Hậu quả là dù phải rút chạy, Trung Quốc vẫn chiếm thêm được 60 cây số vuông bao gồm nhiều địa danh lịch sử, như Ải Nam Quan hay Thác Bản Giốc. Chẳng những vậy, nhờ biết tẩy Hà Nội quân Tầu còn dịp quay lại kéo dài cuộc chiến cả chục năm, chiếm thêm nhiều cao điểm chiến lược và ngày càng ngang ngược.

Biến cố ấy cũng giúp Đặng Tiểu Bình thuyết phục phe tướng lãnh và phái bảo thủ ủng hộ việc tứ hiện đại hóa, trong đó có hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó thì Hà Nội ngày càng khiếp nhược cầu an, họ quỵ lụy phương Bắc mà không lo hoà giải bên trong để tiến hành cải cách.

Bài học trăm năm là trong có năm năm, thanh niên Việt Nam hy sinh dưới hai lá cờ đối nghịch để chống lại cùng một lực lượng xuất phát từ Bắc Kinh, lực lưọng đã từng yểm trợ Việt Minh tại chiến trường Việt Bắc. Quái lạ!


Lòng Mơ Của Bắc Kinh


Năm xưa, người thơ Chế Lan Viên đã từng kiêu hãnh viết trên tuần báo Văn Nghệ, hình như vào một năm Binh Ngọ 1966 hay loanh quanh gần đó: 

Phương Nam nguyện hái hoa màu lửa
Cho thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh!

Diễn nôm câu thơ có cái khí nô lệ của bác Lành, là nhà thơ Tố Hữu, hay mùi sấm ký của sự điên dại tập thể: dân Việt đã hy sinh để thỏa lòng mơ của Bắc Kinh.

Lòng mơ của Bắc Kinh khiến người quốc gia bị tàn sát, nông dân bị đấu tố, người có công với Việt Minh bị vùi thây, văn nghệ sĩ bị quy tội. Đó là chuyện miền Bắc. Lòng mơ của Bắc Kinh cũng là cuộc tương tàn để "giải phóng miền Nam" khiến hai triệu người Việt mất mạng trong 21 năm từ 54 đến 75. Và cả triệu người chết thảm sau đó khi đảng ta chiến thắng.

Lòng mơ của Bắc Kinh là "Trung Quốc Mộng" do Tập Cận Bình vừa nhắc lại năm qua!

Lòng mơ đó khiến sau Hoàng Sa đã bị thôn tính vào năm 1974, Trường Sa của Việt Nam đang bị uy hiếp. Và kết cục là mừng năm Giáp Ngọ, Việt Nam vừa yểm trong quân cảng Cam Ranh một tầu ngầm lớp Kilo mua lại của Nga. Nhiệm vụ là để canh chừng biển Đông trước sức ép của Hải quân Trung Quốc. Cam Ranh! Cam Ranh!

Chuyện Cam Ranh ngày nay khiến chúng ta phải xoay đủ 360 độ trong 120 năm. Để tê tái nhìn ra những dại dột lịch sử.


Những Dại Dột Lịch Sử


Năm 1853, khi bị pháo hạm Hoa Kỳ uy hiếp, lãnh đạo Nhật lập tức mở cửa canh tân và vài chục năm sau đã trở thành cường quốc hiện đại. Trong khi đó lãnh đạo nước ta mài thơ nhá chữ! 

 Quan quân Mãn Thanh xin hàng tướng lãnh Nhật Bản sau trận chiến Nhật-Hoa năm Giáp Ngọ 1894


Đến năm Giáp Ngọ 1894 thì Nhật Bản đại thắng nhà Đại Thanh của Trung Quốc. Đó là thời điểm 120 năm mà ngày nay ta cần ngẫm lại. Vì chỉ 10 năm sau đấy, trong cuộc chiến Nhật-Nga, Hải quân Nhật lại đánh tan hạm đội Viễn Đông của Đế quốc Nga tại eo biển Đối Mã. Duy nhất một chiến hạm Nga thoát chết là nhờ trốn vào Cam Ranh!

Năm năm sau đó, Nhật lại vào bán đảo Triều Tiên rồi chiếm Mãn Châu và khuất phục Trung Quốc bằng cả trăm bài học. Rồi trong Đệ nhị Thế chiến, năm Nhâm Ngọ 1942, Hải quân Nhật đã từ Cam Ranh mở cuộc chinh phục các nước Đông Nam Á và chỉ bị đánh bại khi Hoa Kỳ dội bom nguyên tử. 

Suốt giai đoạn đằng đẵng ấy, dại dột lịch sử là lãnh đạo nước ta đã chẳng canh tân mà còn nương thân Trung Quốc! Có muốn chống Pháp, chống Nhật hay chống Mỹ thì cũng đều lấy Trung Quốc làm hậu phương, và coi Bắc Kinh là gương sáng. Đến ngày nay thì mới thấy ra mối họa.

Không nói chuyện Nhật Bản quá xa quá mạnh, mà chỉ nhìn vào Triều Tiên. Nằm chết kẹt trong một bán đảo lạnh lẽo giữa Nga và Nhật, Nam Hàn cũng đã canh tân và chấp nhận dân chủ, để có sức mạnh kinh tế và khả năng tự vệ mà dù nằm mơ, Việt Nam vẫn chưa thể có được.

Cam Ranh không chỉ là một địa danh, một cảng sâu có giá trị quân sự chiến lược. Cam Ranh còn là biểu tượng của những cam go của dân tộc nếu không sử dụng cái đầu....

Suốt 60 năm qua, cái đầu cộng sản cứ nguyện là "cho thoả lòng mơ bạn Bắc Kinh". Còn giấc mơ của người Việt sau khi mất đứt trăm năm, giấc mơ đó là gì? Và ai đó sẽ thực hiện nếu không phải là dân Việt?

Giáp Ngọ 2014, xin mời cùng suy nghiệm lịch sử và thời cuộc.

______________________

Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014 đã xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 140112. Đây là một trong những bài giới thiệu chủ đề.....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét