Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Cà phê giúp nhớ lâu hơn trong 72 giờ


               Các bạn sinh viên chú ý, tin vui: Cuộc nghiên cứu gần đây khuyến cáo, một ly đúp Espresso (café pha đậm kiểu Ý) có thể hổ trợ cho trí não của sinh viên khi gặp bài vở khó nhớ!

            Bằng chứng khoa học từ ĐH Johns Hopkins, Mỹ, cho thấy chất caffein giúp tăng cường trí nhớ.
           Các nhà khoa học đã tìm thấy các bằng chứng đầu tiên và rõ ràng về hiệu quả về trí nhớ của caffeine có hiệu lực ít nhất 24 giờ.
           Các tình nguyện viên đã tham gia vào một cuộc thử nghiệm mù đôi (không nhìn thấy nhãn hiệu). Năm phút sau khi xem một loạt các hình ảnh, các tình nguyện viên được cho dùng một viên thuốc 200 mg chất caffeine hoặc một viên giả dược.
          Kiểm tra một ngày sau đó đã chứng minh rằng bộ nhớ của những người có dùng caffeine được tăng cường hơn.
         Số lượng hoạt chất caffeine được sử dụng trong thí nghiệm tương đương với một xuất đúp Espresso.
         Nhà nghiên cứu Tiến sĩ Michael Yassa, trợ lý Giáo sư khoa học tâm lý và não bộ tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ, cho biết: "Chúng tôi đã luôn biết rằng caffeine có tác dụng cải thiện nhận thức, nhưng hiệu quả đặc biệt của nó về tăng cường trí nhớ và chống chứng mau quên chưa bao giờ được tìm kiếm chi tiết ở con người".
"Chúng tôi báo cáo một tác dụng cụ thể lần đầu tiên của chất caffeine đối với việc chống quên sau hơn 24 giờ", ông nói.
        Hơn 100 người đã tham gia vào nghiên cứu này, trong đó không ai thường sử dụng các sản phẩm có chứa caffein.
        Trước khi được cho dùng thuốc caffeine hoặc giả dược, họ được yêu cầu xác định một loạt các đối tượng hình ảnh như các mặt hàng nội ngoại thất.
         Ngày hôm sau, cả hai nhóm được thử nghiệm về khả năng nhận ra những hình ảnh mà họ đã xem trước đó. Một số hình ảnh như những gì mà họ đã xem, một số là mới, và một số hình  tương tự nhưng không giống hệt nhau.
         Mặc dù tất cả tình nguyện viên xác định chính xác hình ảnh "mới" và "cũ" nhưng những ai dùng chất caffeine có thể phát hiện tốt hơn các hình ảnh "tương tự".
         Người tham gia không dùng caffeine bị nhầm lẫn vào những hình ảnh tương tự đã xem hôm trước.
         Nghiên cứu cho biết, việc nhận ra sự khác biệt giữa hai vật tương tự nhưng không giống hệt nhau phản ánh mức độ sâu sắc của trí nhớ.
           "Nếu chúng tôi dùng cách kiểm tra trí nhớ theo thông lệ mà không lắt léo thêm vào việc xác định những hình ảnh tương tự thì chúng tôi đã không tìm thấy tác dụng của caffeine", tiến sĩ Yassa nói.
           "Tuy nhiên, dùng cách này đòi hỏi sự phân biệt khó khăn hơn đối với não bộ - những gì chúng ta gọi là mô hình tách lớp, và nó dường như là sự tăng cường xử lý do chất caffeine trong vụ này", tiến sĩ giải thích.
           Ông nói thêm: "Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều cung cấp caffeine trước khi trắc nghiệm, vì vậy nếu có một hiệu ứng thì nó không rõ ràng là do tác dụng của caffeine vào sự chú ý, sự cảnh giác, sự tập trung hoặc các yếu tố khác".
          "Bằng cách cung cấp caffeine sau khi trắc nghiệm, chúng tôi loại trừ tất cả các hiệu ứng này và đảm bảo rằng nếu có một hiệu ứng thì đó là do trí nhớ và không có gì khác".
          "Bước tiếp theo, chúng tôi tìm các cơ chế tiềm ẩn cơ bản của não bộ. Chúng tôi có thể sử dụng các công nghệ quét ảnh não để giải quyết những câu hỏi này".
         "Chúng tôi cũng biết rằng chất caffeine có liên quan đến sự trường thọ khỏe mạnh và có thể có một số tác dụng bảo vệ đối với sự suy giảm nhận thức như bệnh Alzheimer. Chắc chắn đây là những câu hỏi quan trọng cho tương lai".
          Caffeine có thể tác động trên vùng hippocampus - phần não bộ hoạt động như một trung tâm lưu trữ và hình thành ký ức ngắn và dài hạn.
          Hầu hết các nghiên cứu về trí nhớ, từ những ảnh hưởng của chấn động đối với vận động viên đến những người bị chấn thương đầu trong chiến tranh và đãng trí ở người lớn tuổi, đều liên quan vào các vùng não hippocampus.
        Cho đến nay, một vài nghiên cứu về chất caffeine đã cho thấy nó có ít hoặc không có ảnh hưởng đến ký ức dài hạn.
                                                                                    Nguyên Trí (theo Huffingtonpost)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét