Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Thánh Mẫu Liễu Hạnh Bất Tử Trong Sử Việt


Dưỡng Chân - Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014

Công Chúa, Bồ Tát hay Con Hát Bất Hạnh?






















Cuốn biên khảo của Olga Dror về Liễu Hạnh


Dân ta thường có một câu nhắc nhở hai ngày giỗ quan trọng nhất năm: "Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ". 

Tháng Tám âm lịch vào ngày 16 là giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhân vật có thật của dân tộc vào đời Trần (1225-14000. Sinh năm 1228 và mất năm 1300, ngài chỉ huy ba trận chiến đánh bại quân Mông Cổ của nhà Nguyên bên Tầu vào các năm 1258, 1285 và 1287, được dân ta dựng tượng thờ và cúng bái hàng năm.

Còn mùng Ba Tháng Ba âm lịch là ngày giỗ Công chúa Liễu Hạnh, được nhiều người tôn vinh là Thánh Mẫu, và trải qua mấy trăm năm, được các triều Lê và Nguyễn sắc phong là Mẫu Nghi Thiên Hạ - mẹ của muôn dân.

Nếu Hương Đạo Vương là nhân vật có thật duy nhất được dân ta tôn là Thánh thì Công chúa Liễu Hạnh còn siêu phàm hơn vậy.

Liễu Hạnh là phụ nữ duy nhất trong bốn thần linh được dân ta đưa lên hàng "Tứ Bất Tử", giữa ba nhân vật thần thoại kia là Tản Viên Sơn Thần, Thánh Gióng và Chử Đồng Tử. Trong số ba vị nữ lưu được nhiều người cúng bái như Mẹ, thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh đứng đầu, trước Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Trong thế giới của người hầu đồng, với Tam Phủ hay Tứ Phủ ở từng nơi, Liễu Hạnh cũng ở trên cùng, cai quản Thiên Phủ, trước Địa Phủ, Thoại Phủ và Nhạc Phủ....

Vậy mà chúng ta biết rất ít về Liễu Hạnh. Bà là người có thật hay chăng? Là Công chúa, Thánh Mẫu, Bồ Tát hay con hát, chúng ta cũng chẳng hay....

May là qua thế kỷ 20 này, một nữ học giả gốc Nga, giáo sư tại Hoa Kỳ, lại say mê văn hóa Việt Nam và tận tụy tìm hiểu về Liễu Hạnh. Bà Olga Dror đã đi nhiều nơi, tham khảo mọi tài liệu sách báo và vẽ lại chân dung Liễu Hạnh qua hai cuốn biên khảo mà người Việt chúng ta nên biết....

Bài này khởi đi từ đó để tìm về Liễu Hạnh.


***

Olga Dror


Bà Olga Dror sinh tại nước Nga vào thời Liên bang Xô viết. Sau năm năm theo học về Việt Nam - nên gọi là Việt học chăng? - tại Leningrad State University, năm 1988 bà có đến Việt Nam làm thông dịch viên cho một phái đoàn Xô viết khi Liên Xô sắp tan rã. Sau khi Liên Xô sụp đổ, bà Olga Dror qua Mỹ, học hỏi tiếp về Việt Nam theo lối chính quy nền nếp của các Đại học Hoa Kỳ. Tốt nghiệp Tiến sĩ, bà giảng dạy về lịch sử và văn hóa Á Châu tại nhiều đại học Mỹ, nhưng vẫn chuyên chú về Việt Nam, bên ngoài và hiển nhiên trái ngược với phạm vi hay quy cách thời Xô viết. Có thể là do thiện cảm của một người đã tìm hiểu về dân tộc này với lăng kính mở rộng.

Nhờ vậy, bà đã cống hiến hai tác phẩm mà các nhà nghiên cứu về Việt học nên chú ý.

Cuốn thứ nhất, "Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkeneses", là bút ký của một linh mục người Ý, cha Adirano di Santa Thecla thuộc dòng tu Augustinian Chân đất. Tài liệu có thể đã bị lãng quên sau khi xuất hiện vào năm 1750 nếu không lọt vào trí tò mò của Olga Dror từ năm 2000, khi bà đang nghiên cứu về Liễu Hạnh. 

Vì Liễu Hạnh, bà Olga Dror đọc kỹ tiểu luận bằng tiếng Latinh của nhà truyền giáo thời xưa, rồi phiên dịch và bổ chú. Nhờ đó, ta có cuốn "A Small Treatise on the Sects among the Chinese and Tonkinese". Đây là một tiểu luận mấy trăm trang về các giáo phái của người Tầu và người Việt trên đất Bắc Hà vào Thế kỷ 18 – được Đại học Cornell xuất bản năm 2002.

Ngoài một đoạn ly kỳ về Liễu Hạnh, cuốn sách còn cung cấp nhiều thông tin bất ngờ về tín ngưỡng của những người sinh sống tại Bắc Hà vào cuối thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Đấy là lời tường thuật khách quan - và ân cần - của một nhà truyền giáo muốn tìm hiểu thế giới tâm linh của người Việt để thi hành mục vụ, và cố gắng để không trái với huấn chỉ đáng dị nghị của Toà Thánh Vatican. Nhờ sự dẫn giải của Olga Dror, người đọc không chỉ biết thêm về sinh hoạt thờ cúng của dân ta tại miền Bắc mà còn hiểu ra bài toán của Giáo hội Công giáo.

Hoàn tất công trình biên khảo và phiên dịch này rồi, Olga Dror mới trở lại với Liễu Hạnh.

Bổ xung cho loạt tiểu luận từ năm 2002 về Liễu Hạnh qua cái nhìn của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, vị học giả này tìm hiểu tiếp về một nhân vật hư hư thực thực nhưng có ảnh hưởng toả rộng trong tâm tư của người Việt. Kết quả là cuốn sách thứ nhì.

Được Đại học Hawaii xuất bản năm 2007, cuốn "Cult, Culture, and Authority – Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History" của Olga Dror đã theo chân Liễu Hạnh qua các thời kỳ và địa phương để nói về quan niệm thờ cúng, văn hóa và quyền lực của người Việt, từ ngàn xưa cho đến ngày nay.... Những ai muốn nghiên cứu về Việt học đều nên đọc cuốn này. Nếu muốn quảng bá Việt học thì nên xin tác giả cho phép phiên dịch, với rất nhiều bổ chú, để mình nhận ra mình.

Thuần về văn học sử, cuốn sách có giá trị ở việc thu thập và trình bày lại Liễu Hạnh qua cách tường thuật có gói ghém cả tâm tư của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm vào Thế kỷ 18 (Vân Cát Thần Nữ truyện, trong cuốn Truyền kỳ Tân phả bằng chữ Hán), của Hy Văn Nguyễn Công Trứ vào Thế kỷ 19 (Liễu Hạnh Công Chúa Diễm Âm bằng chữ Nôm) và Kiều Oánh Mậu vào đầu Thế kỷ 20 (Tiên Phả Dịch Lục bằng chữ Nôm).

Những truyện kể từ Hán đến Nôm đã là chuyện ly kỳ. Nhưng truyện kể từ cuối thời Trịnh Nguyễn của Đoàn Thị Điểm qua thời Nguyễn Sơ của Nguyễn Công Trứ, khi quân Pháp sắp vào làm chủ đất nước, qua thời thực dân của Kiều Oánh Mậu, hình tượng Liễu Hạnh phản ảnh tâm tư và hoài bão của thành phần ưu tú nước ta.

Bước sang lãnh vực tín ngưỡng, truyện Liễu Hạnh của Olga Dror còn cho thấy nhiều tranh giành ảnh hưởng giữa Đạo giáo với Phật giáo, kể cả các màn đấu phép giữa Công chúa Liễu Hạnh và Nội Đạo Tràng, một tông phái rất lạ xưng danh Phật giáo, hay ở trong các sinh hoạt Đạo giáo được cuốn Hội Chân biên ghi lại.... Được các triều đình theo Khổng Nho ban sắc phong là Mẫu Nghi, Công chúa Liễu Hạnh cũng là Tiên là Phật của những người theo Lão theo Phật. Và là Thánh Mẫu tối cao của những người lên đồng.

Hấp dẫn hơn thế, Liễu Hạnh cũng hiện diện trong các tranh chấp lịch sử dưới triều Lê, triều Mạc, rồi suốt thời Nội chiến phân tranh giữa hai họ Trịnh-Nguyễn. Dường như phe nào cũng có một Liễu Hạnh của mình, hoặc dùng biểu tượng Liễu Hạnh để gây bè kết phái trong sự tôn sùng của dân gian. Thời Pháp thuộc, tín ngưỡng của dân gian cũng được tận tình khai thác và chế độ thực dân cùng các phong trào kháng Pháp đều nói đến phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa nên cũng huy động và đề cao Liễu Hạnh.

Kinh nghiệm của Olga Dror dưới chế độ cộng sản tại Liên Xô còn giúp bà giải thích những quốc sách về tín ngưỡng và tôn giáo dưới các chế độ độc tôn, từ thời quân chủ chuyên chế qua thời thực dân, xã hội chủ nghĩa cho đến ngày nay. Qua chân dung Liễu Hạnh, may ra, chúng ta thấy được thân phận người dân trong thời tao loạn.....

Với sự hiểu biết trung bình – nghĩa là khá thấp mà không biết – về nền văn hóa cổ của nước nhà, người viết xin tìm lại Liễu Hạnh từ những biên khảo của Olga Dror rồi từ nhiều tác giả khác....



Tam tòa Thánh Mẫu - Thượng Thiên ngồi giữa Thượng Ngàn và Mẫu Thoải



Liễu Hạnh Đa Diện


Bên ngoài thế giới khoa học, và nói về thế giới thần bí của tín ngưỡng, người ta có nhiều chân dung khác nhau của Liễu Hạnh. Nhưng chúng ta cũng có thể kết hợp làm một, như về một nhân vật duy nhất, qua cách giải thích là nhờ hóa thân, nhờ chuyện đầu thai. Vì vậy, thời nào và nơi nào cũng có thể có "Liễu Hạnh của mình", được trình bày trong các truyền thuyết....

Trước khi đi vào truyền thuyết, chuyện đầu tiên là sự tai hại của tấm "lịch tròn" theo lối viết sử biên niên tại Việt Nam hay Trung Quốc. Với người xưa, thời gian vận chuyển theo hình tròn. Mọi chuyện tái diễn trong một vòng hoa giáp 60 năm và vào một niên hiệu nào đó của ông vua đang cai trị, mà niên hiệu thì có đổi thay nếu có chuyện đổi ngôi hay ông vua thấy hứng. Thí dụ như một biến cố chỉ được ghi lại là vào một năm Quý Sửu, chi tiết hơn thì có niên hiệu của ông vua đời Lê, thời Hồng Đức, hay Thiên Hựu hay Cảnh Trị thì còn tùy! Còn không gian là tên của nhiều địa danh, từ ấp, xã, huyện phủ lên đến tỉnh, thì cũng đổi thay theo từng triều đại.

Nhờ sự mông lung mơ hồ đó, Liễu Hạnh có thể xuất hiện ở nhiều nơi và thi thố thần thông vào nhiều thời.

Theo một truyền thuyết còn giữ tại Nam Định như văn bản chính thức, lần đầu tiên Liễu Hạnh xuất hiện là vào đời Hậu Lê, tại trấn Sơn Nam, nay là tỉnh Nam Định. Thời điểm là mùng sáu Tháng Ba âm lịch của năm Quý Sửu. Dùng tấm lịch thẳng, ta đoán ra năm 1433, lùi lại vào năm Quý Sửu 1493 thì sai bét. Khởi đầu, có cô con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế là Công chúa Hồng Liên đã giáng trần thành nàng Phạm Tiên Nga trong một gia đình họ Phạm.

Sống đời gương mẫu, nàng lo tròn chữ hiếu với hai thân phụ mẫu. Sau khi cha mẹ tạ thế thì nàng bắt đầu tế độ chúng sinh ở tuổi 35 bằng hoạt động từ thiện như đắp đê, xây cầu, lập chùa và bằng những lời khuyên răn về chuyện nhân đức. Phạm Tiên Nga hóa thân về trời ở tuổi 40, vào đêm mùng hai rạng mùng ba Tháng Ba năm Quý Tỵ, ứng vào năm 1473, đời Hồng Đức, là đời Lê Thánh Tông. Dân chúng địa phương lập đền thờ ở nhiều nơi và lễ hội tưởng nhớ Liễu Hạnh có thể khởi sự từ đó, ít ra theo cách diễn giải của giới chức địa phương.

Một thuyết khác, phổ biến hơn mà cũng có thể xuất phát từ cách trình bày của Đoàn Thị Điểm, Công chúa Liễu Hạnh là hóa thân của nàng Phạm Tiên Nga. Vì ở trên thiên đình nàng vẫn thương nhớ mẹ cha dưới trần, nên lại tái sinh vào năm Đinh Tỵ đời Thiên Hựu, tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, cách chốn cũ có bảy cây số ngàn. Theo tờ lịch thẳng thì đấy là năm 1557. Lần này thì nàng giáng thế trong một gia đình họ Trần hay họ Lê, và kết duyên với một người tử tế có học, sinh được một con trai, rồi thăng vào tuổi đôi mươi, năm 1577, đời Lê Gia Thái. Lăng mộ và đền thờ được lập tại đó và lễ hội Phủ Dầy là một sinh hoạt trọng đại cho đến sau này.

Thời điểm 1557 rất đáng chú ý vì chỉ là một năm trước khi Nguyễn Hoàng xin vào Thuận Hoá. Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh bắt đầu từ đấy, với Đàng Trong mở ra hướng khác, về Đông Nam Á.

Truyền thuyết thứ ba, theo dòng thời gian trước sau, Công chúa Liễu Hạnh lại tái sinh lần nữa vào ngày 10 Tháng 10 năm Canh Dần, ứng vào năm 1650. Lần này cũng vì thương nhớ chồng con thuộc kiếp trước, bà giáng sinh tại một nơi xa hơn ở phía Nam, làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá và tái hợp với người chồng tử tế và có học của kiếp trước nay đầu thai trong một gia đình họ Mai. Sinh được một con thì bà lại thăng, ở tuổi 18, vào ngày ông Táo về trời năm Mậu Thân 1668. Dân chúng lập đền thờ tại phủ Sòng Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Xuyên qua ba truyền thuyết cũ, trước khi lại có truyện mới, thì Liễu Hạnh không phải người trần, mà là con gái Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì lỡ tay làm rơi chén ngọc mà bị giáng xuống thế gian nên mới có tên như Tiên Nga, Giáng Tiên, v.v... Dưới trần thế, nàng tiên xinh đẹp là người giỏi văn thơ và âm nhạc, sống một đời gương mẫu với gia đình và ban phát phúc lành cho dân gian. Nàng cũng là người đi nhiều nên thấy xuất hiện ở khắp mọi nơi, vào nhiều thời, có khi còn thơ phú với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và bằng hữu, như bà Đoàn Thị Điểm kể lại.

Con người tài đức ấy được dân gian tin tưởng nên nhiều nơi xây miếu đền để thờ phượng một đấng linh thiêng. Thờ phụng vì đấy là người thiêng, mà cúng bái xin xỏ gì thì cũng toại nguyện nên mới là người linh. Triều đình nghe danh nên sắc phong làm Thượng đẳng Phúc thần rồi Mẫu Nghi Thiên Hạ và Công chúa Liễu Hạnh mới lên tới ngôi vị thần linh.

Trước một hình tượng linh thiêng và đa diện như vậy trong dân gian, danh nho hay nữ sĩ cũng phải cúi đầu, nhưng mỗi người một cách vì một mục tiêu.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết về Liễu Hạnh bằng chữ Hán cho thiểu số ưu tú được đọc, không để đòi nam nữ bình quyền như người sau diễn giải. Bà muốn cho thấy phụ nữ còn trên đàn ông rất xa mà không chỉ về thơ phú ngâm vịnh. Hồng Hà nữ sĩ mở đường cho Hồ Xuân Hương....

Còn danh nho Nguyễn Công Trứ viết về Liễu Hạnh khi nước nhà sắp lâm nguy. Ông viết bằng chữ Nôm cho quần chúng nghe và lưu truyền, rằng sông núi nước Nam có thần linh ngự trị. Đến Kiều Oánh Mậu vào thế kỷ 20, khi nước Nam đã mất chủ quyền, ông cũng viết bằng chữ Nôm cho dân gian dễ lưu truyền. Ông viết về một bản sắc riêng của dân tộc, khi việc khai hoá của thực dân là trò chơi hai mặt.

Với Liễu Hạnh, thế giới song ngữ Hán Nôm, của thiểu số ưu tú và đa số dân giả, đã hợp chung làm một. Người thì cúng bái cầu khẩn, người thì ca tụng bằng thơ văn và triều đình ở trên bèn vơ vào một mối, với sắc phong và cờ biểu tưng bừng.

Nhưng nào chỉ có vậy!




Liễu Hạnh Hồng Nhan



Xuyên qua công trình sưu tập và diễn giải của Olga Dror, với những trích dẫn tường tận về các tác giả khác, chúng ta thấp thoáng thấy một chân dung độc đáo, mà rất "người", của Liễu Hạnh.

Vì sử gia Tạ Chí Đại Trường nói đến Liễu Hạnh như một vị thần dữ, lại có hơi hướng của sông nước, nên ta chú ý đến vài khía cạnh ít ngờ. Vị Thánh Mẫu này đôi khi ra tay trừng phạt nên mới có tiếng là thần dữ. Và bà cũng nổi trôi theo mệnh nước mà tiến dần vào Nam, có khi được Việt hoá từ một hình tượng thần linh Chiêm Thành. Chúng ta tiếp nhận văn hóa và cả nghệ thuật lẫn tín ngưỡng Chàm từ đời Lý mà đã quên rồi. Cho nên bà  Po Nagar của dân Chàm có khi nhập Việt tịch mà thành Thiên Y A Na rồi hóa thân ra Hậu Thổ Phu Nhân và trở thành Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Chi tiết khác được nhà truyền giáo di Santa Thecla ghi lại trong tập Opusculum do Olga Dror phiên dịch, là Liễu Hạnh được dân gian sùng bái rất rộng, nhưng chỉ là người thường.

Mà khá bất thường. 

Vì "Nàng hát, theo lời kể lại là một cách thô tục và vô xỉ (disgracefully and impudently) nên bị người ta ghen tức giết chết và vứt xác xuống sông!" Chữ Latinh của di Santa Thecla là impudica được Olga Dror dịch ra impudently và diễn giải là shamelessly, nên có thể hiểu là "không biết xấu hổ".

Nhưng biết đâu chừng, đấy là cái tội dâm đãng? Một kỹ nữ dâm đãng bị ai đó giết bên bờ nước mà được lập đền thờ và đời sau tôn là Công chúa, là Giáng tiên và lên ngôi Thánh Mẫu? Thuyết này không có gì là hoang đường, vì sau nhà truyền giáo di Santa Theckla 30 năm, một nhà ngoại giao Pháp là François-Louis Lebreton cũng xác nhận năm 1782, rằng theo lời kể của nhiều người Việt, "Liễu Hạnh là một ả giang hồ, bán dâm - prostituée - được thờ cúng ở nhiều nơi....."

Liễu Hạnh không chỉ đa diện mà còn có thể là hồng nhan đa truân!

Đầu Xuân xin hãy hỷ xả mà theo dõi chuyện này, vì trước tiên chúng ta trở lại với một phong tục xưa. 
Từ tâm là một nét đặc thù rất Việt. Dân ta có thể vì lòng thương cảm với người chẳng may chết oan mà lập đền thờ. Nổi tiếng nhất và dẫn đầu chính là Hai Bà Trưng, được dân thương là chết trận mà lập đền, trước khi được đời sau tôn là anh hùng dân tộc.

Và đi vào thế giới tâm linh thì ta mới có chuyện thiêng, rồi linh. Thiêng là khi thấy người chết hiển thị được phép siêu hình, có lành có dữ. Linh là khi pháp thuật đó lại đáp ứng lời cầu xin của người lễ bái. Xin gì được nấy thì đấy là linh.

Chỉ vì lòng nhân, không thiếu gì ngôi làng đã chôn kẻ hành khất thuộc diện "sinh vô gia cư, tử vô địa táng". Khi thấy mả có mối đùn hay điềm lạ thì dân làng lập miếu thờ hồn thiêng, nếu lại có sự linh ứng được đồn đãi thì kẻ ăn mày đó có thể là thành hoàng của ngôi làng. Sau này còn được sắc vua ban.

Chẳng nói đến chuyện khất cái thì hãy nhớ tới Sầm Nghi Đống! Mấy ai phục kẻ xâm lăng nhưng vẫn thương người chết trận ở phương xa mà lập miếu thờ. Ngõ Sầm công và bài thơ Hồ Xuân Hương vẫn còn đó....

Trở lại với Liễu Hạnh, xin lần giở trang sử.

Hiện tượng sùng bái Liễu Hạnh xuất hiện sau đời Lê Thánh Tông và bộ Luật Hồng Đức. Bộ luật này có ưu điểm là tiến bộ hơn bộ Luật Gia Long đời sau, nhưng vẫn có những quy định nghiệt ngã dành cho bọn "xướng ưu", nôm na là con hát và nghệ sĩ trình diễn: "Ca nhi, đám diễn trò, kẻ bạn nghịch và lũ tòng vong của kẻ thù, cùng con cháu về sau, thảy đều không được đi thi". Sĩ làm quan cũng không được lấy kẻ xướng ca vô loài.... Vi phạm thì lãnh 70 trượng và sụt ba cấp.

Sự hẹp hòi khiến Đào Duy Từ phải trốn vào Đàng Trong đã xuất phát rất lâu từ trước, từ thời Lê Thánh Tông. Các Nho thần cúc cung tận tụy với đạo Thánh hiền còn quên một ả đào có công trong những năm kháng chiến chống quân Minh: nàng chuốc rượu quân thù, cho vào bao bố trôi sông.

Người phụ nữ không tên mà có tích này chẳng được nhớ ơn thì dân chúng nghiêng về Liễu Hạnh.

Công chúa Liễu Hạnh có thể là ca nhi, con hát, một ả đào trong kỹ viện được người xưa gọi khá tục là "Cung Dâm". Rồi vì ghen tuông hay bất kỳ lý do nào đó mà thiệt mạng và chẳng có ai lo việc hương khói. Nhưng lại được cư dân xót thương mà chôn cất, rồi phất dần nhờ lời đồn về chuyện linh thiêng.

Kết cục thì dân ta có một nhân vật với xuất xứ mơ hồ nhưng lại có ảnh hưởng đến nhiều người khác. Ảnh hưởng đó cho thấy cả bối cảnh sâu xa ở dưới về chuyện quyền lực....


Quyền Lực Liễu Hạnh













 
Trong một giai đoạn quá lâu, chúng ta lầm tưởng về một thế giới cởi mở và hòa đồng giữa ba tôn giáo truyền thống là Nho, Lão, Phật.

Chuyện "Tam giáo đồng nguyên" được nhiều người ca tụng chỉ là trò phỉnh gạt của hình thái "chính phủ ba thành phần" sau này. Thực tế thì trong chế độ khoa cử từ sau đời Lý, giáo trình bắt buộc cho sĩ tử chỉ là lý luận Khổng Nho. Hệ thống Khổng Nho và các Nho thần chép sử lẫn thầy đồ dạy học đều lặng lẽ đẩy lui tư tưởng Lão giáo và ảnh hưởng Phật giáo ra khỏi triều đình.

Về sau, những miếu đền hay chùa chiền gì đều nằm ở ngoài rìa, vì trung tâm sinh hoạt của cộng đồng làng xã sẽ là cái đình. Không những vậy, việc bài xích Phật giáo còn được coi là phải đạo, từ đời Lê qua đời Nguyễn. Các ông vua xây nhiều chùa chiền thì bị sử gia đời sau phê phán là mê tín, hoang phí.

Dân ta có một khoảng trống mở ra ở Đàng Trong, nhờ chín đời Chúa Nguyễn, từ 1558 đến 1786. Cơ hội giải trừ ách Khổng Nho và chế độ tự Hán hóa như vậy lại chấm dứt khi Nguyễn Ánh lên ngôi. Gia Long tự coi như một tiếp nối của nhà Lê và Nho thần viết sử đã cho chín đời Chúa vào ngoặc đơn.

Ở bên dưới sự thống trị mặc nhiên của Nho giáo, thì Lão giáo với Phật giáo có đấu tranh mà cũng có hòa hợp và cứ biến thái dần. Liễu Hạnh là người xuất hiện và hiển linh trong thế giới nửa Lão nửa Phật đó, nên mới có hình tượng Bồ Tát lẫn gốc gác con gái Ngọc Hoàng, là một hiện tượng nằm ngoài Phật giáo và xuất hiện khá trễ tại Việt Nam.

Thế rồi, khi thấy Liễu Hạnh được nơi nơi thờ cúng, Triều đình bèn nhảy vào ăn có, như trong nhiều trường hợp khác, qua tờ sắc phong là Mẫu Nghi Thiên Hạ. Việc tiếp thu tín ngưỡng đối nghịch, trước đó bị gọi là "mê tín dị đoan", rồi nâng lên hàng thánh của mình, vẫn chỉ là chuyện quyền lực muôn thuở.

Nhưng dân gian bất cần!

Họ vẫn cúng bái tế lễ theo phong cách riêng được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Khát vọng tâm linh của con người là chuyện muôn đời, từ khi thờ hòn đá, cây đa cho đến các đấng nhân thần cao quý hơn. Chế độ chính trị ở trên có thể cấm đoán, bài xích chứ người dân ở dưới vẫn lặng lẽ giữ lòng thủy chung với niềm tin của mình.

Họ lập ra truyền thống riêng khiến dân Ta chẳng phải dân Tầu mà có những màu sắc đa diện và độc đáo. Trải qua thời phong kiến tự Hán hóa đến thời thực dân rồi cộng sản, truyền thống đó vẫn còn.

Và ngày nay, Liễu Hạnh vẫn sống. Nàng Công chúa hay con hát năm xưa không chỉ hiện diện trong sinh hoạt của người hầu đồng mà còn rầm rộ thu hút du khách từ mọi nơi và cho phép một chế độ xuất thân là vô thần được vênh váo nói về "bản sắc dân tộc"....

Qua thế kỷ 21, ảnh hưởng của Liễu Hạnh có thể được đọc thấy trên một tấm bích chương hai về của nhà nước tại huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định trong dịp lễ hội ở Phủ Dầy có cả vạn người tham dự: "Phát huy thuần phong mỹ tục của lễ hội truyền thống – Kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan và hủ tục".

 Vế dưới mới diễn tả sự bất lực của chế độ trước một nàng Liễu Hạnh vô hình mà đầy bóng.

______________

Trích từ trang 87 Việt Báo Xuân Giáp Ngọ. 

Bà Olga Dror vừa phiên dịch sang Việt ngữ cuốn "Giải Khăn Sô Cho Huế" của Nhã Ca, với rất nhiều chú giải công phu về biến cố Mậu Thân 1968 tại Huế. Cuốn sách Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968” do Indiana University Press xuất bản đang được nhà Amazon phát hành. Quý vị có thể đặt mua trước trên website của Amazon theo mạch dẫn sau đây:
 
http://www.amazon.ca/dp/0253014174/ref=cm_sw_r_fa_asp_sPNsG.0S1HXRY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét