Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140109
"Diễn đàn Kinh tế"
"Diễn đàn Kinh tế"
Muốn nhân đôi lợi tức người dân, Việt Nam sẽ mất 14 năm
Trong năm 2014 này, ba cường quốc kinh tế Á Châu là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ đồng loạt cải cách để giải quyết nhiều vấn đề tích lũy ở bên trong từng quốc gia. Riêng Nhật Bản và Trung Quốc còn có những ưu tiên mới về đối ngoại nhắm vào khu vực Đông Á trong khi kinh tế Hoa Kỳ cũng giảm dần để sẽ thu hồi biện pháp kích thích tiền tệ đã áp dụng từ năm năm nay. Trong tình huống đó, kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á sẽ xoay trở thế nào và bị ảnh hưởng ra sao? Diễn đàn Kinh tế tiếp tục loạt bài tổng kết về tình hình kinh tế năm tới qua phần trình bày của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, như đã hẹn từ nhiều kỳ trước, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về viễn ảnh kinh tế 2014, lần này tập trung vào tình hình các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, đặt vào khung cảnh có nhiều thay đổi của các nền kinh tế lớn ở chung quanh, lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Trước nhất, xin đề nghị ông trình bày cho toàn cảnh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta bước vào năm 2014, mà cũng là năm Giáp Ngọ theo âm lịch, với khá nhiều thay đổi từ các quốc gia có ảnh hưởng nhất trong vùng Đông Nam Á như ông vừa hỏi. Tôi sẽ cố gắng tổng hợp một số ý kiến liên hệ đến khung cảnh đổi thay này.
- Trước hết là Hoa Kỳ, như chúng ta đã nhắc tới. Kinh tế Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới và dù số nhập siêu có giảm, xuất khẩu có tăng thì vẫn là thị trường lớn nhất nên mọi động thái đều chi phối các xứ khác. Như chúng ta thấy từ mùa Thu năm ngoái, Hoa Kỳ quyết định giảm dần mức độ bơm tiền kích thích kinh tế và thực hiện một đợt đầu rất nhẹ vào tháng trước. Trong thời gian lâu dài trước mặt, Ngân hàng Trung ương Mỹ còn tiếp tục biện pháp này với hậu quả là nâng giá Mỹ kim, tức là làm sụt giá các đồng bạc khác và gây biến động khác hẳn tình hình năm năm đã qua.
- Thứ hai, cuộc cách mạng về công nghệ dầu khí và cả phương thức sản xuất trong nước đã giảm giá thành tại Hoa Kỳ khiến thị trường này là nơi đầu tư hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư tài chính từng đưa tiền ra ngoài để kiếm lời cao hơn sẽ dần dần rút vốn về Mỹ. Trào lưu ấy sẽ kéo dài chứ không là chuyện ngắn hạn. Từ đó, các nước Đông Nam Á phải đối mặt với sự kiện mới là tiền Mỹ hết rẻ, không còn dồi dào chảy vào Á châu như trước nữa. Cho nên các nước Đông Nam Á phải cạnh tranh để thu hút đầu tư trực tiếp làm sức đẩy từ bên ngoài.
Nói chung, lãnh đạo Trung Quốc ý thức được sự lệ thuộc của kinh tế lẫn an ninh của mình vào khu vực ngoại biên, từ Trung Á qua tới Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, còn trường hợp Trung Quốc thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi lên lãnh đạo đảng Cộng sản từ Tháng 11 năm 2012 và lãnh đạo Nhà nước từ Tháng Ba năm ngoái, ông Tập Cận Bình đang có chiều hướng tập trung quyền lực, thứ nhất là về trung ương và thứ hai là vào trong tay mình. Khác với tình hình của 20 năm qua là khi Tổng lý Quốc vụ viện, tức là Thủ tướng, là người đảm nhiệm hồ sơ kinh tế, như các ông Chu Dung Cơ rồi Ôn Gia Bảo, bây giờ, có lẽ Tập Cận Bình lãnh đạo luôn về kinh tế và cải cách, chứ không nhường việc đó cho Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong một kỳ trước, chúng ta đã nói đến khả năng tập quyền này sau Hội nghị kỳ Ba vào Tháng 11 năm ngoái, bây giờ sự thể đã rõ hơn.
- Việc thâu tóm quyền lực được tiến hành cùng chiến dịch triệt hạ các thế lực kinh tế chính trị vì tội tham nhũng, như người ta thấy qua vụ điều tra Chu Vĩnh Khang và truy tố các đảng viên cao cấp trong khu vực năng lượng. Ngoài yếu tố chính trị kể trên, hệ thống lãnh đạo mới đã công bố ưu tiên cải thiện trong ba lĩnh vực. Thứ nhất là hệ thống tài chính công quyền gồm có quan hệ về ngân sách và thuế khóa giữa trung ương với địa phương, mở rộng căn bản thu thuế và ổn định việc chi thu của chính quyền địa phương. Thứ hai là cải tiến chế độ quản lý năng lượng và tài nguyên thiên nhiên theo quy luật thị trường để nâng cao hiệu năng sử dụng và phần nào giảm bớt hiệu ứng bong bóng trên các thương phẩm. Thứ ba là chính truyền trung ương sẽ nới dần việc kiểm soát tín dụng, tư bản và ngoại hối để tiến tới một chế độ tài chính tự do hơn.
- Tuy nhiên, nhiều khu vực cần cải tổ như hệ thống doanh nghiệp nhà nước hay chế độ hộ khẩu và luật lệ về đất nông nghiệp thì vẫn chưa dám đụng tới và có thể chỉ được tiến hành sau này. Điều ấy cho thấy nhiều trở lực và khó khăn ở bên trong và việc chuyển hướng sẽ mất nhiều năm.
Vũ Hoàng: Thưa ông, về đối ngoại, đặc biệt với các nước Đông Nam Á, thì lãnh đạo Bắc Kinh trù tính những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, lãnh đạo Trung Quốc ý thức được sự lệ thuộc của kinh tế lẫn an ninh của mình vào khu vực ngoại biên, từ Trung Á qua tới Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tại Đông Bắc Á họ có thái độ cứng rắn với cường quốc đáng sợ nhất là Nhật. Ở các khu vực kia, họ mở chiến dịch hợp tác để vừa đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên họ thiếu vừa xây dựng thế liên minh với các láng giềng. Riêng tại Đông Nam Á, Bắc Kinh muốn tranh thủ bốn nước trung lập là Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia vừa hăm dọa vừa chiêu dụ hai nước có tranh chấp về chủ quyền là Việt Nam và Philippines. Mục tiêu chính vẫn là gây phân hóa để Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á khó có tiếng nói thống nhất.
Vũ Hoàng: Ông có nhắc tới trường hợp Nhật Bản, trong năm nay tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ khi lên làm Thủ tướng vào cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã thông báo và vận động một kế hoạch cải cách quy mô, về tín dụng, tài chính, thuế khóa và nhất là về cơ chế kinh tế chính trị của Nhật để phục hoạt kinh tế và chấm dứt hai chục năm trì trệ đã qua. Trong hai cuộc bầu cử tại Hạ viện rồi Thượng viện, đảng Tự do Dân chủ của ông đều thắng lớn, nghĩa là Thủ tướng Abe có khoảng thời gian khá dài cho đến năm 2016 để thực hiện ba mũi cải cách khá liều lĩnh của mình.
- Ông Abe sở dĩ được đa số ủng hộ vì tạo ra kết quả năm đầu dù gặp sự phản đối cùa nhiều thế lực muốn giữ nguyên trạng. Thí dụ như của hiệp hội nông gia vì e sợ cạnh tranh khi Nhật trở thành một đối tác chiến lược của Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP. Một lý do khác khiến Thủ tướng Nhật có hậu thuẫn của nhiều người chính là vì lập trường cứng rắn của ông trước đà bành trướng đáng ngại của Trung Quốc.
- Về đối ngoại thì người ta cũng chú ý đến nỗ lực vận động của Thủ tướng Nhật nhắm vào các nước Đông Nam Á, kể cả năm nước trong khu vực gọi là Tiểu vùng Mekong. Ngay sau khi nhậm chức, một nơi mà ông Shinzo Abe thăm viếng đầu tiên chính là Việt Nam. Nhật muốn trấn an các nước về thiện chí hòa bình và hợp tác kinh tế, được thể hiện bằng viện trợ thiết thực, đồng thời cho thấy quyết tâm của Nhật là sẽ không nhượng bộ Trung Quốc. Ngoài bài toán an ninh, các nước Đông Nam Á có thể được một ưu thế là thu hút tín dụng và đầu tư của Nhật, nhất là khi các doanh nghiệp đều lần lượt rút khỏi Trung Quốc để tìm nơi đầu tư an toàn và có lời hơn.
Nhật muốn trấn an các nước về thiện chí hòa bình và hợp tác kinh tế, được thể hiện bằng viện trợ thiết thực, đồng thời cho thấy quyết tâm của Nhật là sẽ không nhượng bộ Trung Quốc. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Trong quan hệ giữa ASEAN với Nhật, người ta còn để ý tới lập trường của Hoa Kỳ. Tiếng là giữ vị trí trung lập trong cuộc tranh chấp Nhật-Hoa về chủ quyền trên quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, Hoa Kỳ vẫn chặt chẽ hợp tác với Nhật về mặt quân sự hơn hẳn mọi nước Á Châu khác.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua trường hợp Ấn Độ. Thưa ông, năm nay tình hình xứ này không có vẻ khả quan và Ấn Độ sẽ có bầu cử vào Tháng Năm, cục diện đó ảnh hưởng thế nào tới các nước Đông Nam Á?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ấn Độ có Thủ tướng là một kinh tế gia có tài của đảng Quốc Đại theo xu hướng thiên tả. Nhưng tài năng đó vẫn không đủ và kinh tế Ấn Độ sa sút với lạm phát và tham nhũng hoành hành khiến đảng đối lập thuộc khuynh hướng trung hữu có hy vọng thắng lớn. Nếu đảng Bharatiya Janata này chiến thắng như dư luận dự báo, Ấn Độ sẽ có thay đổi lớn để ra khỏi sự trì trệ của nhiều năm qua. Chúng ta không có thời giờ đi vào chi tiết của chính trường Ấn Độ nhưng biết lãnh đạo Ấn sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng quốc tế từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, nghĩa là tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, trước tiên là với Miến Điện, kế tiếp là với Thái Lan và cả Việt Nam. Khuynh hướng quốc tế này của Ấn Độ rất phù hợp với quan niệm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và cả Úc, cho nên năm nay, các nước ASEAN có một hoàn cảnh hy hữu là được ngần ấy quốc gia gần xa cùng chiếu cố.
Vũ Hoàng: Sau khi phân tính một vòng về các cường quốc chung quanh, chúng ta mới nhìn vào Đông Nam Á. Thưa ông, viễn ảnh 2014 của nhóm quốc gia này sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tập thể 10 quốc gia này có những bài toán riêng bên trong từng nước nhưng có chung một hoàn cảnh quốc tế.
- Về kinh tế, các nước Đông Nam Á chia sẻ hoàn cảnh chung là có triển vọng đầu tư cao khi các doanh nghiệp nước ngoài lần lượt rút khỏi thị trường Trung Quốc để tìm nơi làm ăn có lợi hơn. Thứ hai, thị trường Đông Nam Á có hơn 600 triệu dân với lợi tức bình quân là bốn ngàn đô la một người và còn tăng nên cũng có sự hấp dẫn riêng, chẳng thua kém gì Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay, các nước trong khu vực còn chịu chung cảnh ngộ quốc tế là đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại, sức hồi phục của thị trường Âu Châu còn yếu, trong khi Hoa kỳ xiết vòi tín dụng như mình đã nói hồi nãy. Cho nên trong năm nay, các nước ASEAN có nhiều cơ hội mà cũng gặp nhiều thách đố, chưa nói đến hoàn cảnh riêng của từng nước.
Vũ Hoàng: Hoàn cảnh riêng đó là như thế nào, xin đề nghị ông trình bày thêm để thính giả của chúng ta đối chiếu với Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về kinh tế, tình hình Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Malaysia và Indonesia có nhiều khó khăn tự tại và không được bằng Philippines. Việt Nam thì mấp mé ở giữa. Ngoài lĩnh vực kinh tế, Thái Lan rồi Cam Bốt đang trôi vào một chu kỳ nội loạn nên khó đạt mức tăng trưởng cao như trước. Tranh chấp tại Cam Bốt xuất phát từ một chế độ cầm quyền quá lâu và đẻ ra tham nhũng khiến xứ này mất một ưu thế trong lĩnh vực may mặc để xuất khẩu và đấy lại là lợi thế cho Việt Nam. Indonesia sẽ có chính quyền mới và phải cố tìm ra ổn định để khắc phục khó khăn về ngoại thương, ngân sách và lạm phát.
- Nói chung, người ta có thể thấy rằng các nước ASEAN có nguyên nhiên vật liệu để xuất khẩu đều gặp khó khăn kinh tế khi Trung Quốc đang hạ cánh và thương phẩm mất giá. Các chính quyền độc tài và tham nhũng thì càng gặp bất ổn khi những khó khăn đó bùng nổ. Một xứ chẳng có gì xuất sắc mà tương đối lại xoay trở được khác hơn cả chính là Philippines. Yếu tố chính có lẽ là khả năng duy trì dân chủ và giải trừ tham nhũng.
So với tình hình của năm 2011 trở về trước thì Việt Nam xoay trở khá hơn nên nhiều người lạc quan tin vào lời quảng cáo của các nhóm đầu tư đang làm ăn tại đây. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Chúng ta kết thúc bằng Việt Nam. Thưa ông, đâu là rủi ro đâu là thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong năm 2014 này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -So với tình hình của năm 2011 trở về trước thì Việt Nam xoay trở khá hơn nên nhiều người lạc quan tin vào lời quảng cáo của các nhóm đầu tư đang làm ăn tại đây. Thật ra, so với các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á thì Việt Nam chưa là nước khá nhất, thí dụ như về mức độ kiểm soát lạm phát hay khối dự trữ ngoại tệ có thể ứng phó với những biến động ngoại hối sắp tới. Nếu Việt Nam có triển vọng trám vào khoảng trống của Trung Quốc về lĩnh vực ráp chế hàng công nghệ nhờ nhân công rẻ và tay nghề cao, thì vẫn gặp sự cạnh tranh của các nước đã từng có mặt từ lâu trên thị trường này.
Trong một năm mà ngần ấy quốc gia lớn nhỏ đều ra sức cải cách, Việt Nam không nên tự hài lòng và đi chậm hơn thiên hạ mà quên rằng đà tăng trưởng sẽ hết là 7% một năm như trước. Và nếu muốn nhân đôi lợi tức người dân từ trình độ còn nghèo như hiện nay thì phải mất 14 năm.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét