Thanh Hà & NguyễnXuân Nghĩa - RFI ngày 140107
Tạp Chí Kinh Tế
Một năm sáng nhiều hơn tối và rủi ro lớn nhất là Trung Quốc
Năm 2014 vừa mở ra với nhiều hứa hẹn tình hình kinh tế thế giới sáng sủa hơn năm cũ. Theo dự phóng, tình hình của nước Pháp và khối euro khả quan hơn so với 2013. Nhưng 2014 là một năm đầy thách thức: thay đổi trong chính sách kinh tế, tiền tệ của Mỹ là một ẩn số. Các nền kinh tế đang trỗi dậy đi tìm một luồng sinh khí mới. Nhật bắt đầu tỏ dấu hiệu phục hồi sau hai thập niên đình đốn và giảm phát.
Trước hết về toàn cảnh kinh tế của nước Pháp, sau một năm 2013 khá tệ hại với tỷ lệ tăng trưởng gần như số không, các chuyên gia chờ đợi GDP của Pháp năm nay sẽ tăng ở mức từ 1 đến 1,3 %. Dù vậy thất nghiệp vẫn không thuyên giảm.
Theo dự phóng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, số người bị sa thải vẫn tăng, nhưng ở một mức độ chậm hơn so với hai năm liên tiếp vừa qua. Tình trạng xã hội của nước Pháp do đó còn tiếp tục căng thẳng.
Một chút hy vọng cho châu Âu
Nhìn rộng ra ngoài phạm vi nước Pháp, châu Âu bắt đầu hy vọng trở lại sau hơn ba năm đen tối. Khu vực đồng Euro bắt đầu bước vào vùng đất an toàn hơn. Khác với năm ngoái, GDP không còn giảm sút mà sẽ tăng lên 1,3 %. Đương nhiên, tỷ lệ đó quá èo uột để hy vọng cải thiện thị trường lao động. Những thành viên kém cỏi nhất như Hy Lạp hay Tây Ban Nha vẫn phải đương đầu với một tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục: trên 25 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm.
Hy vọng lớn nhất của châu Âu đến từ chính sách kinh tế của nước Đức: sau khi liên minh với đảng Xã hội Dân chủ SDP, chính sách kinh tế của thủ tướng Merkel có chiều hướng được nới lỏng để kích thích tiêu thụ nội địa. Chính tiêu thụ và đầu tư công cộng của bản thân nước Đức sẽ là một động cơ giúp kinh tế của khối euro đi lên. Nhưng tất cả các cơ quan dự báo đều mới chỉ nói tới một sự phục hồi mới vừa manh nha mà chỉ cần một đợt cơn sóng mạnh cũng đủ dập tắt.
Nhìn sang sang Hoa Kỳ, 2014 là năm kinh tế Mỹ sẽ có hai thay đổi quan trọng: một là chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương và hai là chính sách chi tiêu công cộng của chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Nhưng trước khi đi sâu thêm về những dự phóng liên quan đến nền kinh tế số một toàn cầu, chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa phác họa ra bức tranh kinh tế của thế giới trong năm 2014 như sau:
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ năm năm nay, sau nạn tổng suy trầm thời 2008-2009, cứ đến đầu năm dương lịch là người ta lại chớm hy vọng rồi lại thất vọng vì tình hình kinh tế toàn cầu vẫn chưa mấy khả quan, nhất là trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật của các nước giàu nhất. Riêng năm nay thì mọi người đồng ý rằng dù kinh tế thế giới chưa hẳn là phục hồi sau một năm 2013 có quá nhiều lao đao, tình hình có vẻ sáng sủa hơn, nhất là trong khối công nghiệp hoá.
- Thứ nhất, ta không quên mọi chuyện khởi đầu từ năm 2008 khi các nền kinh tế Âu-Mỹ-Nhật bị khủng hoảng tài chính, chủ yếu là do mắc nợ quá nhiều và đến hồi phải trả nợ. Trong năm năm qua, việc trả nợ ấy của các nước công nghiệp hóa có gây ra vấn đề dây chuyền và đánh sụt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Nhưng qua năm 2014 thì gánh nợ của khu vực tư nhân, là các hộ gia đình, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, tương đối đã giảm, biện pháp kích thích sản xuất cũng có hiệu quả và bội chi ngân sách được thu hẹp, ngoại trừ tại Nhật. Trong bối cảnh đó khối công nghiệp hoá trở thành lực đẩy đáng kể cho kinh tế toàn cầu.
- Cùng lúc, các nền kinh tế thuộc loại gọi là đang lên lại không được khả quan, nhiều nước còn sa sút hơn nữa, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và các nước Châu Mỹ La Tinh hướng ra Đại Tây Dương, như Brazil, Achentina và Venezuela. Kết quả chung là năm nay, kinh tế toàn cầu hết bị suy trầm, theo định nghĩa của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là khi chỉ tăng trưởng có khoảng 2,5%, mà sẽ khá hơn vậy. Tuy nhiên rủi ro vẫn còn và nếu có thì nặng nhất là từ kinh tế Trung Quốc và nhiều quốc gia thuộc loại đang phát triển sống nhờ xuất cảng nguyên nhiên vật liệu.
Rủi Ro từ Trung Quốc
Nhiều thách thức đang đặt ra cho Trung Quốc. Các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đang đứng trước nhiều ẩn số. Vậy vì sao 2014 là một năm có nhiều rủi ro đặt ra cho Trung Quốc cho dù là nước này đã có nhiều bước cải cách ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lại bài học vẫn nóng hổi của khối Euro và Liên hiệp châu Âu.
- Các nước khó cải cách khi kinh tế suy trầm vì việc cải tổ đòi hỏi chấn chỉnh chi thu và tiết giảm nợ nần, là loại biện pháp cần thiết trong lâu dài mà làm sút giảm sản xuất trong ngắn hạn. Lãnh đạo Trung Quốc muốn cải cách từ những năm 2005 đến 2007 mà lại đảo ngược quyết định và bơm tiền kích thích kinh tế khi toàn cầu bị tổng suy trầm năm 2008 với hậu quả là họ mắc nợ đến mức kỷ lục và phải nói đến việc tiết giảm tín dụng. Khi kinh tế cũng suy trầm và lãnh đạo chuẩn bị Đại hội 18 vào cuối năm 2012 thì họ lại tiếp tục kích thích kinh tế trong năm 2012 và gây thêm vấn đề. Đến năm 2014 thì còn trầm trọng hơn trước nên thật ra sẽ khó tiến hành cải cách như đã thông báo.
- Một cách cụ thể thì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là nhờ đầu tư quá nhiều, với phương tiện do lãnh đạo trưng thu của dân và trút vào hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và các công ty đầu tư địa phương, tất cả đều của nhà nước, trong khi tiêu thụ lại bị ép và chỉ còn chiếm 35% của tổng sản lượng. Chiến lược ấy hết tác dụng. Đà sản xuất bị đánh sụt, nay chỉ mấp mé 7% trong khi núi nợ đã lên tới mức báo động như Hoa Kỳ trước cơn khủng hoảng 2008.
- Năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh gặp bài toán lưỡng nan. Một là phải chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn và tiến hành cải cách từ cơ cấu, trước tiên là giảm mức tín dụng. Điều ấy có ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế các nước vì đánh sụt số cầu của một nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới. Hai là họ vẫn “nghiến răng đạp xe thật mạnh” và lao vào một vụ khủng hoảng tài chính khi núi nợ của ngân hàng và công ty đầu tư của chính quyền địa phương sụp đổ. Kịch bản này cũng sẽ gây tai hại cho các nước, nhất là các nền kinh tế bán nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế Trung Quốc. Vì do dự giữa hai điều cùng nan giải, lãnh đạo xứ này có thể chọn giải pháp thứ ba lại còn rủi ro hơn nữa, đó là đàn áp ở bên trong và phiêu lưu quân sự ở bên ngoài.
Điểm khởi đầu mới của Nhật Bản
Nhìn sang Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới: sau hai thập niên bị đình đốn kinh tế và tê liệt vì giảm phát, phải chăng 2014 là một bước khởi đầu mới đối với Nhật Bản?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thủ tướng Shinzo Abe chả có giải pháp nào hơn là liều lĩnh bơm tiền với mức cao gấp ba nước Mỹ để gây mối lo lạm phát khiến dân chúng tung tiền ra xài và tạo sức kéo cho sản xuất đồng thời đẩy mạnh xuất cảng nhờ đồng yen sụt giá khi tiền bơm ra quá nhiều. Ngoài ra, ông Abe còn muốn cải cách toàn bộ cơ chế kinh tế, tài chính và phá vỡ sự cấu kết giữa các thế lực chính trị và kinh tế khi xã hội ù lì với dân số bị lão hóa quá mạnh. Tôi nghĩ rằng ông Abe có thể lý luận là nếu không táo bạo như vậy thì nước Nhật lặng lẽ đi vào một tiến trình tự sát chậm rãi.
- Một năm sau khi lên cầm quyền với đảng Tự do Dân chủ của mình thắng phiếu tại cả Hạ viện và Thượng viện, ông Abe có thể yên tâm cầm quyền cho đến năm 2016 để thúc đẩy cải cách qua ba mũi tên đã bắn ra. Năm nay, dấu hiệu thành công đã rõ rệt hơn nên chính quyền Abe có cái trớn khá mạnh để đẩy tiếp cải cách.
- Chúng ta sẽ có dịp kiểm nghiệm qua trận đánh về thuế khóa và nhất là về ngoại thương khi Nhật Bản cố tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP trước sức cản của các nông gia muốn được bảo vệ bởi chính sách bảo hộ mậu dịch truyền thống của nước Nhật từ sau Thế chiến II.
- Chi tiết đáng chú ý nhất là chính Trung Quốc đã bỏ phiếu cho Thủ tướng Shinzo Abe từ năm 2010 cho đến năm ngoái khi gây tranh chấp nặng với Nhật về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lãnh đạo Bắc Kinh có nhu cầu khích động người dân bằng chủ nghĩa dân tộc và hướng nỗi bất mãn của họ qua xứ khác, nhưng lại khiến dân Nhật đoàn kết sau lưng lãnh đạo và chấp nhận những bất lợi kinh tế trước mắt.
- Nhờ vậy mà Thủ tướng Abe hy vọng thành công và Nhật Bản sẽ hồi phục sau hơn hai chục năm lao đao vất vả. Nhưng cũng vì vậy mà rủi ro xung đột lại gia tăng ngoài Đông hải vì tai nạn dễ xảy ra trong tình trạng căng thẳng này. Vì ông Abe lại sinh vào năm Giáp Ngọ, tôi nghĩ rằng năm Giáp Ngọ này sẽ có sự lạ tại Đông Á! Ta không quên một năm Giáp Ngọ kia, là khi Nhật Bản đại thắng nhà Mãn Thanh vào năm 1894, cách nay 120 năm, hai vòng hoa giáp!
Việt Nam, vùng bản lề của Đông Nam Á
Rời khỏi khu vực Đông Bắc Á để nhìn đến những quốc gia trong vùng Đông Nam Á: đâu là những triển vọng và thách đố với khu vực này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta vẫn trở về Trung Quốc với sự lạc quan tếu về nền kinh tế cứ tưởng là rồng cọp nên mới thổi giá thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, nông sản và kim loại cho kỹ nghệ. Từ mấy năm nay, khi đà tăng trưởng của kinh tế xứ này sụt dưới 8%, rồi 7,8% và nay chỉ còn 7,3% thì giá thương phẩm đã giảm mạnh khiến các nước bán thương phẩm bị tai họa. Nhiều nước khác cũng do yếu kém về quản lý vĩ mô hoặc bất ổn chính trị nên năm nay sẽ còn khốn đốn.
- Tựu chung, trong các nước Đông Nam Á, năm nay có Indonesia, Thái Lan, Cam Bốt là gặp bất trắc. Miến Điện và Việt Nam nằm ở vùng bản lề. Ngược lại, Malaysia và Philippines lại khá hơn cả, dù chưa thể bằng Hàn Quốc hay Đài Loan thì vẫn có mức tăng trưởng cao. Khác biệt chính giữa mạnh hay yếu là 1) sống nhờ xuất cảng nguyên liệu hay sản phẩm chế biến và 2) có quân bình vĩ mô và ổn định tài chánh hay không.
Việt Nam vùng bản lề giống như Miến Điện
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Miến Điện bước vào năm thứ ba của việc chuyển hướng chính trị và cải cách kinh tế với tốc độ tăng trưởng năm ngoái lên tới 6,5% và năm nay có thể lên tới 7%. Nhưng cơ chế lạc hậu tồn tại quá lâu dưới chế độ độc tài chưa giúp Miến Điện bung ra như người ta hy vọng. Dù sao, cục diện chưa sáng sủa cũng sẽ không tụt hậu vào tình trạng cũ vì vậy Miến Điện ở vào vị trí bản lề, tranh tối tranh sáng. Việt Nam là một bản lề khác.
- Sau 15 năm đạt mức tăng trưởng trung bình là trên 7%, Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn và phải cải cách mạnh mẽ từ năm 2008 sau khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới OMC/WTO. Nhưng lãnh đạo xứ này lại do dự giữa hai yêu cầu trái ngược là tống ga cho mạnh để đạt mức tăng trưởng cao hay cải tổ cơ chế cho quân bình hơn. Kết cuộc của sự trí hoãn là chuỗi biến động dài từ năm 2011. Kinh tế có ổn định hơn, lạm phát bị đẩy lui nhưng đã tăng trưởng hết là 7% mà trong những năm tới chỉ còn hơn 5% là mừng. Từ hai năm nay, lãnh đạo kinh tế xứ này lại nói đến cải cách mà vẫn chỉ có nói thôi nên có thể hụt mất cơ hội.
Và những cơ hội bị bỏ lỡ của Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta biết kinh tế Trung Quốc hết là công xưởng toàn cầu nhờ lực lượng lao động dồi dào và tương đối rẻ như trong cả chục năm trước. Nhờ vậy, nhiều quốc gia có thể thu hút đầu tư và trám vào khoảng trống để thành trung tâm biến chế hàng công nghiệp nhẹ. Việt Nam có điều kiện giành lấy ưu thế Trung Quốc đã mất, thí dụ như khi các tập đoàn Intel và Samsung đã đầu tư rất mạnh vào Việt Nam và nâng mức xuất cảng sản phẩm điện tử từ Việt Nam. Nhưng sau đó còn phải bước lên trình độ sản xuất cao hơn và muốn vậy thì phải có hạ tầng cơ sở vật chất và luật lệ hiện đại và có nguồn nhân lực thích hợp.
- So với nhiều xứ khác, Việt Nam quá chậm trong lĩnh vực này, trong khi cơ chế vĩ mô vẫn thất quân bình, ngân hàng thì bất ổn và nhiều doanh nghiệp nhà nước là loại xác chết chưa chôn nên cản trở sức bật của cả nền kinh tế. Vì vậy, dù chỉ tăng trưởng ở khoảng 5%, năm nay Việt Nam vẫn phải cải cách mạnh như đã nói quá nhiều. Nhưng năm nay cũng là năm dễ có biến động từ Hoa Kỳ nên Việt Nam càng gặp nhiều rủi ro.
Ẩn số Hoa Kỳ
«Quẻ bói» về tương lai kinh tế thế giới 2014 sẽ thiếu sót nếu như chúng ta khổng đề cặp tới trường hợp của nước Mỹ :
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm năm qua, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có loại biện pháp kích thích vĩ đại nhất sau khi Chính quyền tăng mức công chi đến kỷ lục mà vô hiệu và chỉ gây tranh luận chính trị. Trong khi ấy, cuộc cách mạng kỹ thuật về năng lượng và công nghệ sản xuất đã lặng lẽ thay đổi mọi sự, khiến năm nay kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn và mạnh nhất trong khối kỹ nghệ hoá.
- Qua năm nay, có hai chuyện đáng chú ý. Thứ nhất Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm dần và thu hồi biện pháp bơm tiền và còn có thể nâng lãi suất khỏi mức mấp mé zero hiện nay. Thứ hai, nhờ cách mạng về năng lượng và về sản xuất khiến giá thành sản xuất tại Hoa Kỳ giảm mạnh, việc đầu tư tại Mỹ lại hấp dẫn còn hơn là đầu tư vào các thị trường chỉ có ưu thế nhân công rẻ.
- Hậu quả của cả hai chuyện này là Mỹ kim lên giá, tư bản nóng sẽ rút khỏi Á Châu mà trở về Mỹ để kiếm lời cao hơn. Khi đó, các nước khác đều có thể bị chấn động sau năm năm quá quen với việc đô la chảy từ Hoa Kỳ vào thị trường của mình. Việt Nam nên tự chuẩn bị cho kịch bản đó, là khi bóng bể, kinh tế trì trệ, đi cùng biến động về hối đoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét