Viện Walter và Eliza Hall (WEHI), thành phố Melbourne, Úc, nói họ đã tìm ra cách ngăn chặn một loại protein gây một số bệnh ung thư trong đó có bệnh bạch cầu và ung thư hạch. Điều này trao cho các bệnh nhân ung thư hy vọng về thuốc điều trị các bệnh ung thư trên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gen và Phát triển ngày 9.1.
Trước đây các nhà nghiên cứu đã nhận biết được rằng loại protein tên MYC không chỉ hiện diện trong các tế bào khỏe mạnh của cơ thể mà còn có mặt với mật độ cao, khoảng 70%, trong tất cả các tế bào ung thư.
Hơn ba thập kỷ qua, các nhà khoa học tại WEHI đã cố gắng tìm ra cách mà protein MYC phát triển mạnh trong cơ thể và thúc đẩy sự phát triển ung thư. Theo các nhà nghiên cứu, họ đã tìm thấy tế bào ung thư dựa trên protein MCL-1 để sống và nếu có thể dừng sự phát triển của nó thì các tế bào ung thư tồn tại trong cơ thể cũng sẽ bị tiêu diệt.
Tiến sĩ Gemma Kelly thuộc WEHI, một trong những nhà nghiên cứu về protein, cho biết nhóm nghiên cứu của bà muốn xác định làm thế nào các tế bào ung thư sống nhờ vào MYC lại có thể sống được vì rõ ràng dữ kiện này có thể giúp tìm ra mục tiêu của các loại thuốc mới.
Và những gì các nhà khoa học khám phá ra là họ có thể tiêu diệt các loại ung thư đặc thù, như các tế bào bạch huyết (lympho), bằng cách vô hiệu hóa một loại protein khác tên MCL-1.
Phương thức thực hiện là sử dụng kỹ thuật di truyền hoặc công cụ bắt chước tính năng của thuốc trong phòng thí nghiệm với hy vọng trong tương lai sẽ chế tạo được các loại thuốc đặc trị hoặc chất ức chế MCL-1. Hiện các nhà nghiên cứu đang tập trung vào các lympho, thử nghiệm trên một loại tế bào bạch huyết của người có tên Burkitt.
Theo tiến sĩ Kelly, một trong những khía cạnh thú vị nhất trong nghiên cứu lần này là phát hiện ra các tế bào bạch huyết mà họ thử nghiệm có thể tiêu diệt các tế bào ung thư trong vòng 24 đến 72 giờ. Dù chỉ là bước thành công trong phòng thí nghiệm, nhưng cũng đã nhen nhúm hy vọng điều trị ung thư.
"Chúng tôi hy vọng rằng trong vài năm tới sẽ có thể kiểm tra các mô hình tiền lâm sàng và sau đó đi vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân”, tiến sĩ Kelly chia sẻ.
Dù vẫn có nhiều lo ngại về tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị nhưng tiến sĩ Kelly khẳng định đột phá mới mà nhóm nghiên cứu của bà đang thực hiện rất có tiềm năng. Hiện kết quả cho thấy các tế bào ung thư hạch mà nhóm nghiên cứu xem xét nhạy cảm hơn với sự ức chế protein MCL -1 so với các tế bào khỏe mạnh bình thường.
Giáo sư Andreas Strasser thuộc WEHI cho hay đang bắt đầu phát triển các loại thuốc mới, nhưng những thử nghiệm lâm sàng có lẽ sẽ được thực hiện trong vòng hai hay ba năm nữa. Hiệp hội bệnh bạch cầu Úc là một trong những tổ chức tại Úc và nước ngoài tài trợ cho việc nghiên cứu.
Khánh Nguyên (theo ABC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét