Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Chiến Tranh Không Cân Xứng Tại Gaza



Hùng Tâm - Ngày 140717
"Hồ Sơ Người-Việt"


Thực tế quân sự trong việc kháng cự của Israel 


 * Vòm Sắt Iron Dome từ một khu dân cư của Israel *


Nếu theo dõi tin tức về cuộc giao tranh trên Dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas cùng các nhóm dân quân Hồi giáo quá khích, chúng ta thường thấy hình ảnh của hỏa tiễn Do Thái bắn vào các khu dân cư tại Gaza. Hệ thống phòng không do Israel sản xuất và đặt tên là Vòm Sắt (Iron Dome) đã thành công vượt bậc về quân sự. Mà gây thiệt hại về ngoại giao và chính trị.


Hãy nói về bối cảnh đã.

Mạng lưới phòng không Israel là loại "ám khí chặn ám khí", gồm các hỏa tiễn di động được thiết trí và liên tục cải tiến từ năm 2011 để bắn hạ hỏa tiễn và đầu đạn đại bác của Hamas. Sau một tuần giao tranh, Hamas đã pháo kích và phóng một ngàn 200 (1.200) hỏa tiễn vào các thành phố Israel. Trong số này có cả hai loại tối tân nhất là Fajr5 và Khaibar-1 với tầm xa là 70 và 160 cây số, tức phủ lên 80% diện tích của quốc gia Israel. Nhưng kết quả là võ khí Hamas bị nổ giữa trời, chỉ khiến một người Do Thái tử thương mà chẳng thấy ai chụp ảnh. 

Ngược lại, Quân lực Do Thái (lực lượng phòng vệ Israel, IDF) bắn vào một ngàn 500 địa điểm xuất phát hay cất giấu hỏa tiễn của Hamas, kể cả đền đài hay chung cư của dân Palestine trên Dải Gaza, làm 170 người thiệt mạng. Vì vậy, Israel bị truyền thông Á Rập hay thiên tả của Tây phương kết án là quá khích.

Người ta cho rằng đây là một cuộc chiến tranh không cân xứng giữa chính quyền Israel có quân đội của một quốc gia tám triệu dân Do Thái, với một lực lượng võ trang của hai triệu người Á Rập trên Dải Gaza chật hẹp chỉ có 360 cây số vuông. Cho nên dù lực lượng Hamas có khai chiến và bắn hỏa tiễn vào dân Do Thái thì Chính quyền tại Tel Aviv vẫn phải tự chế.

Từ bối cảnh đó, "Hồ Sơ Người-Việt" tìm hiểu thêm về sự "bất cân xứng" để độc giả có cơ sở thẩm định cách tường thuật của truyền thông và rút tỉa kết luận cho chính mình.



AI ĐÁNH AI?


Vì số trang số chữ có hạn, xin tạm gác qua một bên việc Chính quyền Israel đơn phương nhường đất Gaza (được gọi là Dải Gaza hay Gaza Trip) cho dân Palestine, là người Á Rập, đa số theo Hồi giáo, sống tại khu vực Palestine. Chuyện ấy xảy ra năm 2005 và từ đó, lực lượng Hamas đấu tranh cho quyền độc lập của dân Palestine thực tế làm chủ Dải Gaza và còn tấn công lực lượng Fatah cũng của dân Palestine tại miền Tây của sông Jordan, gọi là Tây Ngạn hay West Bank.

Hai lực lượng đấu tranh của dân Palestine là Hamas và Fatah đã từng nổ súng vào nhau vì Fatah có chủ trương ôn hòa và muốn tiến tới độc lập qua việc đàm phán với Israel. Chính quyền Tel Aviv có thể hài lòng với tình trạng phân cực đó trong cộng đồng Palestine, cho tới đầu năm nay khi hai lực lượng này hòa giải và muốn kết hợp hành động.

Thế rồi, ngày 12 Tháng Sáu vừa qua, ba thiếu nhi Do Thái bị bắt cóc và hạ sát tại vùng Hebron ở Tây Ngạn. Hôm sau Israel kết án Hamas là có nhúng tay vào vụ này. Ngày 14 Tháng Sáu, lực lượng Hamas bèn khai pháo, bắn ba hỏa tiễn vào vùng Hof Ashkelon của dân Do Thái. Ngày tám Tháng Bảy, Israel phát động chiến dịch "Operation Protective Edge" và ra lệnh trưng binh lực lượng trừ bị để ứng chiến. Hamas lập tức bắn hỏa tiễn tầm xa vào thủ đô Tel Aviv và chiến tranh bùng nổ....

Khi vụ bắt cóc xảy ra, có năm tổ chức Á Rập Hồi giáo ra tuyên ngôn xác nhận trách nhiệm hay công trạng rồi lại phủ nhận. Lực lượng thứ sáu là Hamas thì không nhận trách nhiệm mà kêu gọi "intifada" là nổi dậy, lần thứ ba.

Năm tổ chức Á Rập Hồi giáo đó có tên tuổi xa lạ với nhiều người tại Hoa Kỳ hay nơi khác. Đó là 1) Dawlat al-Islam, một chi nhánh của lực lượng "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Đông phương (Islamic State of Iraq and the Levant, ISIL) tại Hebron; 2) Tiểu đoàn Giải phóng Hebron (Liberators' Battalion of Hebron), một nhóm Palestine vừa mới nổi lên; 3) Lữ đoàn Thánh chiến Toàn cầu (Brigades of Global Jihad) một nhóm xưng tên lạ hoắc; 4) Lữ đoàn Tuẫn đạo Al Aqsa (Al Aqsa Martyrs' Brigade) một lực lượng võ trang liên hệ đến tổ chức Fatah tại vùng Tây ngạn; 5) sau cùng là Lữ đoàn Hezbollah (Hezbollah Brigades), một lực lượng võ trang Hồi giáo thoát thai từ tổ chức Hezbollah tại Lebanon do Iran và Syria yểm trợ.

Lực lượng thứ sáu chính là Hamas. Hamas cũng được Iran và Syria yểm trợ bằng tiền bạc và võ khí với sự cộng tác của Hezbollah được Iran và Syria hậu thuẫn tại nước Lebanon ở phía Bắc .

Nói về võ khí thì hoả tiễn tầm xa được Hamas sử dụng xuất phát từ kỹ thuật Trung Quốc, do Iran khai triển, cải tiến và sản xuất rồi đưa cho Syria chế biến và chuyển dần qua xứ Susan vào Dải Gaza cho Hamas ráp chế, đưa qua các địa đạo và cất giấu trong khu dân cư.

Qua gần 400 chữ ở trên, ta thấy ra sự can dự của nhiều quốc gia và tổ chức võ trang hay quân chính (đấu tranh chính trị và quân sự) của khuynh hướng Hồi giáo quá khích ở chung quanh xứ Israel của dân Do Thái. Tại vùng Trung Đông, dân Do Thái là thiểu số tuyệt đối giữa một biển người Á Rập Hồi giáo, đằng sau còn có dân Hồi giáo của sắc tộc Ba Tư tại xứ Iran. Và ở xa hơn, Trung Quốc với Liên bang Nga cũng chẳng là vô can, hai nước này đã cố che chở và yểm trợ Syria cùng Iran để gây lúng túng cho các nước Tây phương.

Vì vậy, vụ Gaza không đơn giản là cuộc chiến bất cân xứng giữa quốc gia Irael chống lực lượng võ trang Hamas. Vì định nghĩa "ai đánh ai", người Việt chúng ta nên liên tưởng đến cuộc chiến nửa thế kỷ về trước giữa Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà tại Sàigon và các nhóm du kích được chúng ta gọi là "Việt cộng" nhưng được truyền thông cùng dư luận Mỹ hiểu lầm là của một lực lượng nổi dậy xuất phát từ miền Nam, gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.


BỐI CẢNH QUỐC TẾ


Ngoài các nước liên hệ, kể cả những kẻ ném đá giấu tay, nhiều quốc gia khác cũng quan tâm đến vụ Gaza.

Sáng ngày 15 Tháng Bảy, Chính quyền Ai Cập (Egypt) đề nghị giải pháp ngưng bắn giữa Israel và Hamas, Chính quyền Israel đồng ý và tạm hưu chiến, nhưng Hamas từ chối và nã pháo. Việc hưu chiến không thành và chiến tranh tiếp tục. Sau đó, có tin là Chính quyền Qatar và Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ, người Thổ, theo Hồi giáo) cũng muốn đứng ra dàn xếp. Trong khi ấy, Hoa Kỳ kêu gọi tự chế.

Ai Cập là nước Á Rập Hồi giáo mà lại là đồng minh của Israel. Các tướng lãnh tại thủ đô Cairo không yên tâm với việc lực lượng Hamas dùng khu vực Sinai của Ai Cập làm nơi chuyển vận võ khí vào Dải Gaza. Nếu các lực lượng Hồi giáo quá khích mà từ Dải Gaza gây loạn vào bán đảo Sinai thì chính Ai Cập sẽ vất vả. Hamas thì không tin các tướng lãnh Ai Cập vì họ lật đổ Chính quyền của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Muslim Brotherhood, một tổ chức quá khích đã đỡ đầu cho Hamas và từ xưa đã là nguồn tư tưởng cực đoan cho các lãnh tụ Hamas.

Ngoài Ai Cập, hai nước Hồi giáo chung quanh là Qatar và nhất là Turkey cũng muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, mà chưa chắc đã được Israel tin tưởng. Dù Turkey là thành viên của Minh ước NATO, và đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng có những tính toán riêng về quyền lợi và vẫn duy trì quan hệ với Hamas, chẳng khác gì tiểu vương quốc Qatar.

Đồng minh chiến lược nhất của Israel là Hoa Kỳ thì bận chuyện khác ở nhà nên cũng chỉ có thể tuyên bố chung chung theo kiểu nước đôi. Việc Chính quyền Barack Obama từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria từ năm ngoái và còn muốn hòa hợp hòa giải với Iran khiến Chính quyền Israel của Thủ tướng Benyamin Netanyahu không mấy yên tâm.

Nếu giải pháp ngưng bắn khó thành, thì người ta nghĩ sao về chuyện thắng bại?



ĐỊNH NGHĨA THẮNG BẠI


Quốc gia Israel có lãnh thổ nhỏ hẹp như lưỡi dao nhọn tại vùng Trung Đông sát biển Địa Trung Hải. Bên trong có hai khu vực sinh hoạt của người Palestine là Tây Ngạn và Dải Gaza. Bên ngoài là các nước Hồi giáo, hoặc "ôn hoà" mà bất ổn như Lebanon, Egypt và Jordan, hoặc quá khích như Syria hay Iran.

Với Chính quyền Israel, vết ung nhọt từ Dải Gaza chỉ là trung tâm xuất phát đặc công và hỏa tiễn nhắm vào sự tiêu hao lực lượng của dân Do Thái. Hậu phương lớn của Hamas và các lực lượng võ trang Hồi giáo là các quốc gia khác. Thẩm định về lẽ chính danh hay chính nghĩa của cuộc chiến là truyền thông Á Rập và báo chí Tây phương. Truyền thông Á Rập có sự chọn lựa của họ, báo thí Tây phương thì muốn cầu hòa với dân Palestine như tại Âu Châu. Chuyện Israel lập quốc trên đất Palestine là tác phẩm của các cường quốc Âu Châu từ sau Thế chiến II, chứ không là ý đồ của Hoa Kỳ. Nhiều người Mỹ thì ít hiểu chuyện mắc mứu ở xa, về cả không gian lẫn thời gian, nên khó thẩm định được sự thể.

Khi ấy, bài toán sinh tử của Israel lại tái diễn: làm sao mưu cầu hòa bình và sống chung nếu không thuyết phục các đối thủ về lẽ thắng bại của việc dụng binh? Hỏi cách khác, thế nào là chiến thắng trong lới đánh để cầu hòa?

Trước hết, Chính quyền Israel không thể tàn sát hay trục xuất mọi người Palestine ra khỏi Dải Gaza.

Về chính trị, các đại biểu của dân Palestine trong Quốc hội Israel cũng chẳng thể kêu gọi sự tự chế của thiểu số cực đoan trong cộng đồng mình. Còn lực lượng Fatah và Chính quyền của "Quốc gia Palestine" do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo thì chẳng có thực lực, mang tiếng tham ô và đầu hàng Do Thái và bị lực lượng Hamas tấn công từ cánh hữu.

Về quân sự, cho tới nay, Israel chỉ có giải pháp không tập là bắn vào nơi xuất phát hỏa tiễn của Hamas và của các lực lượng võ trang khác. Đấy là giải pháp có tính chất bị động hơn là chủ động và đòi hỏi khả năng tình báo và kỹ thuật phòng không với một điều kiện chính trị là đừng giết dân lành Palestine. Dù bắn trúng 100 nơi mà lại phơi thây đàn bà con trẻ thì coi như thắng mà vẫn bại. Hãy nhìn hình ảnh của quốc tế về trận chiến Gaza, toàn những cô nhi quả phụ mếu máo đến mủi lòng!

Cho nên chuyện không tập trường kỳ ấy rất khó vì cả vạn võ khí loại tàn sát được đối phương chuyển qua đường hầm và yểm trong khu vực sinh hoạt dân sự.

Và chỉ cần Vòm Sắt bắt hụt một ám khí là kinh tế lẫn an ninh Israel bị chấn động. Cho tới nay, về lý thuyết thì mức thành công của hệ thống phòng không tối tân của Israel là từ 85 đến 90%. Nhưng có thành công đến 95% thì trong 100 hỏa tiễn cũng hụt mất năm cái!

Chiến tranh bất cân xứng là như vậy.... 

Đấy là lý do khiến Hamas và các lực lượng võ trang chống Do Thái từ chối ngưng bắn. Cùng lắm thì hưu chiến vài ngày để tải thương. Họ đạt thành quả chính trị là "châu chấu đá xe": là dám đương đầu với Chính quyền Israel.

Giải pháp còn lại của Isarel là thả toán, tung biệt kích vào Dải Gaza, đi truy lùng trong từng nhà, từng khu khố, tìm xuống các địa đạo và kho đạn của đối phương. Tức là tiến hành chiến tranh du kích trong thành phố, và bị phục kích trước sự kết án của công luận là "kẻ xâm lăng" và tàn sát dân Palestine....

_____________________________________

KẾT LUẬN Ở ĐÂY LÀ GÌ?

Chúng ta rất khó trung thực trình bày cuộc chiến tại Gaza hiện nay nếu không biết thực tế quốc tế của nội vụ  - và quên mất chuyện... Việt Nam!


(Dainamax xin đăng lại một bài trong Hồ Sơ Người-Việt tuần này để quý độc giả có cơ sở xét đoán chuyện Gaza.... Hồ Sơ Người-Việt là loại bài dài, quãng hai ngàn chữ, trình bày bối cảnh sâu xa của loại tin tức thời sự dồn dập hàng ngày.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét