Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Kỷ niệm về một người thầy

Nguồn: ttp://dantri.com.vn

(Dân trí) - Với tôi, nửa chiếc bánh mì của thầy giáo năm xưa không chỉ đem lại giá trị vật chất, mà còn tiếp sức về tinh thần, giúp tôi thêm nghị lực vượt khó, trở thành học sinh giỏi thành phố. Đó còn là bài học về giá trị nhân văn, về tình người và sự sẻ chia.


Năm học cuối cấp II (1979), tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Ngày đó chưa có hệ thống trường chuyên như bây giờ, mà chỉ có 12 học sinh đạt điểm cao (từ trên xuống) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, gom vào một lớp. Hàng ngày vẫn học các môn văn hóa tại trường mình. Mỗi chủ nhật chúng tôi lại “cơm nắm cơm đùm” đến địa điểm ôn thi cả ngày. Phụ trách lớp văn của chúng tôi là thầy Nguyễn Đăng Giáp.

Lớp học chuyên văn của chúng tôi năm đó trong một gian nhà cấp 4 mượn tạm của lớp vỡ lòng, tại một xã cách nhà tôi khoảng 3 cây số. 12 đứa chúng tôi đến từ nhiều ngôi trường khác nhau, tham gia lớp bồi dưỡng để chọn lọc ra 6 đứa “gà nòi” giỏi nhất, đại diện đi dự thi thành phố.

Trong số 12 bạn, có lẽ tôi là đứa nghèo nhất. Bố mẹ tôi đều làm nông nghiệp, thu nhập của gia đình chỉ bằng công điểm Hợp tác xã, lại đông con. Quần áo mặc phần lớn chị “thải” cho em, nhiều cái có vài miếng vá nữa, mà cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ vài bộ lành lặn tươm tất hơn cả để đi học. Nhà tôi cách nơi học khoảng 3 cây số, tôi lại không có xe đạp, thường phải dậy sớm đi bộ đến nơi cho kịp giờ học. Trong khi các bạn mang cơm đi ăn, thì tôi có hôm củ khoai luộc, có hôm mẩu bánh mì qua bữa. Tôi đã không ít lần nghĩ đến chuyện nghỉ học để giúp đỡ mẹ, nhưng mẹ động viên nhiều lắm, nên tôi lại tiếp tục cố gắng.

Có một kỷ niệm đã theo tôi suốt thời đi học. Mỗi khi gặp khó khăn vất vả, kỷ niệm đó lại nhắc tôi cố gắng vượt khó để đi đến thành công.

…Hôm đó cũng là ngày chủ nhật, theo thường lệ tôi đến ôn tập ở lớp học chuyên văn. Vì đêm trước mưa dột vào giường, tôi phải thức dậy mấy lần, sáng dậy muộn không kịp luộc khoai mang đi. Mẹ đi chợ bán rau chưa về nên không thể xin được tiền mua bánh mì. Đến bữa trưa, tôi đành nhịn. Các bạn rủ tôi đi ăn trưa nhưng tôi lấy lí do đau bụng, để lát nữa ăn sau. Trong khi các bạn ăn cơm bên ngoài, tôi ngồi trong lớp vờ xem sách mà bụng như có kiến bò. Bát cháo loãng húp từ tối qua, sau một đêm ngủ dậy, cộng với một thôi đường cuốc bộ 3 cây số đã khiến bụng tôi sôi réo đòi “nạp năng lượng”. Trời se lạnh, có mỗi chiếc áo phong phanh, vừa đói vừa rét, tôi vờ nằm ngủ trong lớp, nghĩ lan man… Rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tôi lơ mơ hình như nghe tiếng thầy Giáp hỏi các bạn về tôi…

Rồi thầy bước vào lớp, trên tay là cái bánh mì. Thầy khẽ lay tôi dậy và hỏi tôi đau bụng thế nào. Thầy sờ trán xem tôi có sốt không, hỏi tôi về sức khỏe. (Nhìn thấy chiếc bánh mì trên tay thầy, tôi thèm lắm, nhưng nhớ đến lời dặn của mẹ: “Nhà mình nghèo, đói cho sạch rách cho thơm. Con không được ăn chực nhà ai. Đến bữa thấy người ta dọn cơm thì về nhé. Ai cũng khó khăn con ạ”). Tôi trả lời thầy rằng tôi không sao, chỉ hơi mệt chút thôi. Nhưng liền sau đó, khi tôi đứng dậy đi ra ngoài uống nước thì lảo đảo hoa mắt, phải vịn tay vào cửa mới khỏi ngã.

Thầy đỡ tôi lên. Tuy “bản lĩnh” nhưng tôi vẫn còn là một đứa trẻ con, nên miệng nói vậy mà mắt vẫn nhìn vào chiếc bánh mì trên tay thầy. Chút thoáng qua đó không qua được mắt thầy. Thầy bẻ đôi chiếc bánh mì, đưa cho tôi 1 nửa, bảo ăn. Tôi ngập ngừng một lát rồi đưa miếng bánh lên miệng, chỉ một loáng đã “giải quyết” xong, dần dần đỡ đói, hết hoa mắt. Thầy nói chuyện với tôi. Thầy bảo rằng nhà thầy cũng vất vả lắm. Vợ thầy làm ruộng ở một vùng quê đồng chiêm trũng, lương dạy học của thầy chỉ “ba cọc ba đồng” thôi, không đỡ đần được gì nhiều. Nhưng các con thầy cũng vẫn học hành đến nơi đến chốn vì thầy không muốn chúng nghèo khổ mãi như thầy. Thầy bảo tôi viết văn rất tốt, có triển vọng, nếu chịu khó học sẽ có khả năng vào đội tuyển chính thức. Thầy bảo đừng vì một khó khăn trước mắt mà chấp nhận đầu hàng hoàn cảnh… Thầy còn nói nhiều nữa về ý chí nghị lực, về niềm tin, về khát vọng của con người. Nhưng tôi thì thấy lòng mình như được mở ra, không hẳn vì giá trị vật chất của nửa chiếc bánh mì thầy đưa đã giúp tôi dịu đi cái đói cồn cào. Điều quan trọng hơn là bài học về tình người, là sự sẻ chia, lời động viên đúng lúc và là lời khuyên vượt lên hoàn cảnh. Tay mân mê tà áo rách mẹ vừa vá chiều qua, co ro trong se lạnh đầu mùa, tôi nói mình cảm thấy thấy xấu hổ, thua kém bạn bè vì cảnh nghèo. Nhưng thầy nói nghèo không phải là tội, mà hèn nhát nhất là người đã đầu hàng hoàn cảnh mà thôi… Thầy cởi áo khoác lên vai tôi, nắm chặt tay động viên.

Buổi học chiều hôm đó, thầy đưa tôi một chiếc áo len còn lành lặn, bảo là thầy mặc chật, đưa tôi mặc cho đỡ phí. Đón chiếc áo từ tay thầy mà lòng rưng rưng cảm động. Thầy kể cho lớp nghe về câu chuyện buổi trưa thầy trò tôi trao đổi, lúc đó các bạn trong lớp mới biết hoàn cảnh của tôi.

Từ hôm đó, tôi thấy mình tự tin hơn. Tôi thấy thích đi học lớp văn bởi một phần được phát huy năng lực sở trường, phần bởi có thầy hiểu hoàn cảnh mà động viên chia sẻ. Đến lớp, tôi bớt tự ti về những bộ quần áo của mình không được bằng các bạn. Những bữa trưa “cầm hơi” đạm bạc của tôi đều có thầy ngồi cùng và san sẻ một phần thức ăn cho tôi. Tôi bẽn lẽn cúi đầu, trong lòng thầm cảm ơn thầy đã động viên dìu dắt để tôi có thêm niềm tin, nghị lực học tiếp. Tự nhủ mình phải đỗ để khỏi phụ công dạy dỗ của thầy.

Kỳ thi đó, tôi đạt giải nhì. Khi báo tin này cho tôi, thầy động viên tôi cố gắng vượt khó để tiếp tục học mặc dù còn nhiều vất vả, có gì cứ nói với thầy. Tôi rưng rưng nước mắt cảm động. Nghĩ đến chặng đường học hành trước mắt còn dài, lo vì nhà nghèo, không biết có đủ nghị lực để vượt qua hay không? Nhưng cứ nghĩ đến nửa chiếc bánh mì thầy đưa lúc đói hoa mắt và tấm áo cũ còn lành lặn thầy khoác cho tôi, bao nghị lực quyết tâm thúc giục tôi phải cố gắng hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Đã nhiều năm qua đi. Thầy Giáp của chúng tôi đã già, những học sinh năm đó giờ tóc đã pha sương, đang gánh vác trọng trách xã hội. Cô học trò nghèo năm xưa của thầy giờ đã là hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở. Mỗi khi gặp gỡ động viên học sinh nghèo vượt khó, vẳng bên tai tôi là lời của thầy Giáp đã động viên năm xưa. Tôi như thấy lại bài học tình người của thầy ngày ấy. Bài học đó đâu chỉ có nửa chiếc bánh mì, đâu chỉ là cái áo len cũ.

Lớn lao hơn nhiều - đó là bài học về nghị lực vượt khó, bài học của sự sẻ chia.


Nguyễn Thị Diệp

Hiệu trưởng THCS Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét