Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC VỀ AN NINH – QUỐC PHÒNG TẠI CỬA KHÈM (ĐÈO HẢI VÂN)

Thanh Ba


Thông tin gần đây trên các trang mạng xã hội đang xoay quanh vấn đề xây dựng dự án khu du lịch triệu đô trên đèo Hải Vân - nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong quốc phòng, an ninh của nước ta là chủ đề nóng và có nhiều luồng ý kiến từ các chuyên gia.

Với thông tin thu thập của các nhà báo thì tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép cho Cty CP Thế Diệu (thuộc Cty TNHH World Shine Hong Kong, Trung Quốc) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân có vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia về quân sự, quốc phòng của các quân khu IV, V đã phân tích cho thấy vị trí hiểm yếu về quốc phòng của khu vực này và kiên quyết phản đối xây dựng dự án này.

Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cấp gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân (nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của Chính phủ) cho Cty CP Thế Diệu. Dự kiến, khi hoàn thành, ở khu vực mũi Cửa Khẻm sẽ có một khu nghỉ mát cao cấp. Ngoài một khách sạn đạt chuẩn 5 sao với 450 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ, nơi này sẽ hiện diện 350 biệt thự, 220 căn hộ cao cấp với đầy đủ các loại hình giải trí như: sân golf mini, bãi tắm… với tổng mức đầu tư lên đến 250 triệu USD.

Tuy nhiên nếu chỉ nhìn thấy những cái lợi trước mắt mà không tính đến những yếu tố về quốc phòng, an ninh thì sẽ đem lại hậu quả không thể lường hết được. Chưa cần biết việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp đất và đồng ý cho xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên có đúng quy định, thẩm quyền hay không nhưng nhiệm vụ trước mắt và quan trọng hơn cả là giữa các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ của tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cũng như về phía quân khu IV, V cần phải cùng nhau bàn bạc để giải quyết vấn đề, xem xét vấn đề nào có thể chấp nhận được, vấn đề nào phải giữ vững lập trường nguyên tắc, kiên quyết không thể chấp nhận bởi đây là dự án ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.


Vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh tại Của Khèm (đèo Hải vân)
Tuy nhiên với cách nhìn nhận của chúng tôi thì vấn đề cho xây dựng các công trình quy mô lớn và mang yếu tố nước ngoài tại những vị trí chiến lược như vậy là không hợp lý.

Trước hết, vị trí giữa đèo Hải Vân với đảo Hải Nam (Trung Quốc) tạo ra một gọng kìm chiến lược khống chế và chia cắt 2 miền Bắc – Nam của Việt Nam. Nếu như có được các cao điểm chiến lược ở vị trí đèo Hải Vân và khống chế được các mục tiêu chiến lược của quân đội ta bố phòng trên các cao điểm ấy thì kết hợp với các mục tiêu quân sự đặc biệt là các lực lượng hải quân đồn trú trên căn cứ quân sự ở đảo Hải Nam thì sẽ chỉ mất vài tiếng đồng hồ để khống chế toàn bộ bán đảo Sơn Trà, vùng đèo Hải Vân hay có thể là cả Đà Nẵng. Bởi vị trí đèo Hải Vân là nơi quan trọng ảnh hưởng đến cả khả năng tác chiến của Đà Nẵng, mất đèo Hải Vân thì Đà Nẵng cũng khó có thể giữ được.

Thứ hai, nếu vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân kết hợp với các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép thì sẽ rất nguy hiểm khi tác chiến trên biển. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Do đó với âm mưu của mình, Trung Quốc sẽ tìm cách khống chế các căn cứ quân sự giáp bờ biển của Việt Nam để khống chế toàn bộ các hoạt động trên biển. Vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân cũng vậy nếu làm chủ được nơi này thì giữa căn cứ quân sự của đảo Hải Nam (Trung Quốc) với các căn cứ trên các quần đảo Hoàng Sa và đèo Hải Vân sẽ tạo ra một tam giác quân sự rất kiên cố. Do vậy bằng mọi cách chúng ta phải giữ vững bằng được vị trí này, không thể để cho bất cứ lực lượng nước ngoài nào có thể đe dọa tới an ninh, quốc phòng của quốc gia dân tộc.

Thứ ba, đèo Hải Vân là nơi có vị trí giao thông huyết mạch giữa 2 miền Bắc – Nam, vì vậy đây là điểm mấu chốt quan trọng về cả vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Nơi đây là vị trí quan trọng cho tuyến đường sắt Bắc - Nam. Nó không chỉ là đầu mối giao thông trọng điểm về trung chuyển hàng hóa mà còn là con đường huyết mạch của tuyến quốc lộ 1A khi đi qua Thành phố Huế với 824km, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Do đó, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể để mất đèo Hải Vân bởi kéo theo đó là mất đi tuyến giao thông huyết mạch đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A… đe dọa tới chia cắt 2 miền đất nước về địa chính trị, địa kinh tế…

Thứ tư, vị trí đèo Hải Vân là nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, do đó khống chế được đèo Hải Vân là điều có thể uy hiếp được một trong 2 tỉnh còn lại từ các phía. Nhận định được tầm quan trọng của nơi này mà trước đây khi cả 2 quân khu IV, V đều xin với Bộ Quốc phòng làm chủ vị trí đèo Hải Vân thì Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê nói rằng: Đèo Hải Vân liên quan đến an ninh – quốc phòng quốc gia của Việt Nam không riêng của quân khu nào. Đèo Hải Vân nằm tiếp giáp giữa hai quân khu, vì thế cả hai quân khu đều phải tập trung chứ không chỉ có quân khu nào. Chính vì vậy, một khi có được Đèo Hải Vân thì đều có khả năng khống chế được cả quân khu IV, V và do đó cả hai quân khu cần toàn lực dốc sức bảo vệ vững chắc vị trí huyệt yếu này.

Chính bởi vậy, tất cả chúng ta cần phải thận trọng trong từng bước và từng quyết định trong các vấn đề trên, cần phải luôn đặt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ biện chứng với nhau. Chỉ có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc khi dựa trên nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh, tự chủ, độc lập. Tuy nhiên, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững, hiện đại phải được đảm bảo về an ninh, ổn định về chính trị. Do đó, chúng ta không nên nhất thời chú trọng về kinh tế mà xem nhẹ vấn đề cốt tử trong bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tuy nhiên để có một quyết định quan trọng như vậy tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có những tham khảo và phân tích tình hình chiến lược về khả năng khống chế các cao điểm mà các dự án được cấp phép. Nhưng để đảm bảo chắc chắn cũng cần phải có sự thẩm định và phân tích của các chuyên gia quân sự một cách tỉ mỉ để có những quyết định thận trọng và đúng đắn.

Nếu như việc xây dựng dự án trên đèo Hải Vân có ảnh hưởng nghiêm trọng tới bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia thì dứt khoát không thể chấp nhận tiếp tục dự án trên. Đó là điều cần phải dứt khoát về nguyên tắc, chúng ta không thiếu các nhà đầu tư, doanh nghiệp có khả năng thực hiện những dự án như thế này. Mong rằng trong thời gian sớm nhất Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ đưa ra quyết định cho vấn đề trên. Và cũng qua đó một hồi chuông cảnh báo cho tất cả những dự án trong tương lai, hãy đặt vai trò vị trí của những yếu tố kinh tế - chính trị - quốc phòng lên bàn cân một cách công bằng để chúng ta có thể thực hiện đồng thời thành công cả 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét