Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Ngự Bình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, Người luôn quan tâm xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tư tưởng về đạo đức của Hồ Chí Minh rất đa dạng, sâu sắc; có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giai đoạn hiện nay và mai sau. Đó là tài sản vô giá của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên “đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Người khẳng định: đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, là nguồn của sông suối, là gốc của cây cối. Người nói “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”

Đạo đức là nền tảng tạo nên sức mạnh của người cách mạng trong nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – xã hội XHCN. Đó là một nhiệm vụ hết sức vẻ vang và cũng rất nặng nề, Người đa từng nói “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đạo đức của người cộng sản lấy việc được nhân dân tin theo, nhân dân yêu mến, dân phục. Để đạt được điều đó người cán bộ cách mạng phải lấy hành động thực tiễn, thiết thực với nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân và đặc biệt người cán bộ, đảng viên của Đảng phải có đạo đức, có nhân cách, không phải ta cứ “viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức” và “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho con người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Đặc biệt trong điều kiện Đảng ta là chính đảnh cầm quyền lãnh đạo cách mạng, đạo đức của người cán bộ, đảng viên càng phải được coi trọng hơn nữa để xứng đáng là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Vì trong lúc Đảng nắm quyền lãnh đạo là điều kiện để các “bệnh” của người cán bộ bộc lộ ra bên ngoài như quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, xa rời quần chúng, xa rời cuộc sống, thoái hóa biến chất, đi vào chủ nghĩa cá nhân – kẻ thù của chế độ mới. Người đã từng nói: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” và chỉ muốn “mọi người vì mình”. Vì vậy, Người yêu cầu Đảng ta phải: “là đạo đức, là văn minh”; Người dặn dò: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là đạo đức thuyết giáo, là đạo đức nói suông mà là đạo đức phải được gắn liền với thực tế của cuộc sống, đó là thước đo của đạo đức của cán bộ, đảng viên. Với Người “Đức” và “Tài” phải đi đôi với nhau cũng như “hồng” và “chuyên”. Người nói “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất, mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.

Đạo đức cách mạng còn là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn cuả CNXH. Sự hấp dẫn đó được thể hiện qua đạo đức, lý tưởng cách mạng, nhân cách, lối sống gương mẫu của người cán bộ đảng viên. Chính tấm gương đạo đức , lối sống cao đẹp của từng cán bộ, đảng viên đã tạo nên nét riêng biệt, đực thù của chế độ mới mà ở các chế độ khác không hề có, nhân dân không thấy được ở những con người của chế độ cũ. Chính tấm gương đạo đức cách mạng, nhân cách , lý tưởng cao đẹp, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân lao động đã tạo nên sức hấp dẫn của chế độ CNXH được nhân dân ta và nhân dân thế giới tin theo, ca ngợi, là nguồn cổ vũ, động viên cho toàn thể dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Những phẩm chất đạo đức cách mạng cần có của người cán bộ, đảng viên cộng sản theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm.

- Trung với Đảng, hiếu với dân, đây là quan điểm kế thừa và phát triển quan niệm đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam “Trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Nhưng với chế độ mới, khi chế độ quân chủ không còn, Đảng Cộng sản trở thành chính đảng cầm quyền, lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp, con người nói chung và người cán bộ, đảng viên nói riêng “trung với Đảng” cũng đồng nghĩa với trung thành với Tổ quốc, trung thành với lý tưởng của Đảng - lý tưởng của bản thân. “Hiếu với dân” nghĩa là trọng dân, yêu dân, quý dân, trong nhân dân có cả cha mẹ, người thân của mình, đồng chí, đồng đội, đồng bào của mình - nhân dân là lực lượng làm chủ vận mệnh đất nước. Trọng dân, gần dân, học tập từ nhân dân, lấy nhân dân là nguồn gốc làm nên thành công của mọi công việc. 

“Trung với Đảng, hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức đầu tiên, cần có của mỗi người cán bộ, đảng viên tạo nên bản chất riêng của người cộng sản.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những phẩm chất đạo đức gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, thực hiện những yêu cầu trên mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở thành những tấm gương sáng để nhân dân noi theo và đem lại lợi ích, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

“Cần” là cần cù, siêng năng, chăm chỉ; lao động có kế hoạch, có hiệu quả, năng suất lao động cao với tinh thần tự giác cao.

“Kiệm” là tiết kiệm thời gian, vật chất, tiền bạc,… của nhân dân, của nhà nước, không lãng phí, không sử dụng tùy tiện, bừa bãi, làm thất thoát, mất mát.

“Liêm” là liêm khiết, trong sạch, tôn trọng của công, của nhân dân, không tham ô, tư lợi cho bản thân, không tham lam tiền của, danh vọng, đại vị.

“Chính” là thẳng thắn, đứng đắn, không nịnh bợ kẻ trên, không tự cao tự đạo, lên mặt hách dịch với cấp dưới, với nhân dân. Mọi việc đều phải lấy việc chung, việc của nhân dân, đất nước làm trọng từ những việc nhỏ nhất miễn là việc thiện, việc có ích.

“Chí công vô tư” là công bằng, công tâm, dân chủ, không thiên vị, biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, là nêu cao tinh thần chủ nghĩa tập thẻ, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.

- Thương yêu con người, sống có nghĩa tình. Yêu thương, nghĩa tình là những phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng sản, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mấy ngàn đời nay. Người làm cách mạng trước hết phải có lòng thương người bởi mục đích cuối cùng của cách mạng là giải phóng con người, giải phóng giai cấp, dân tộc chính từ lòng yêu nước thương dân đã thúc đẩy con người đến với cách mạng.

Người chiến sĩ cách mạng phải yêu thương nhân dân lao động, yêu gia đình, bạn bè, đồng đội, đồng chí, nói rộng ra là yêu đồng bào, yêu quê hương đất nước; khoan dung, nhân ái, chan hòa, thậm chí với cả kẻ thù, những người lầm đường lạc lối“Lấy chí nhân thay cường bạo”. Người từng dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”. Trong Di chúc Người căn dặn “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

- Có tinh thần quốc tế trong sáng.

Chủ nghĩa quốc tế là một phẩm chất cao đẹp của đạo đức cộng sản quốc tế, nó khác với chủ nghĩa đế quốc đó là thứ “tinh thần” mua bán, vay nợ, ràng buộc phụ thuộc nhau, ở người cộng sản tinh thần quốc tế đó là “Giúp bạn là giúp mình”, là nghĩa tình keo sơn, sống chết có nhau. Người đã từng nói: “Tôi sung sướng hơn nữa vì từ nay chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cũng đi đến đại đoàn kết... Thế là dân tộc Việt Nam đại đoàn kết, dân tộc Miên đại đoàn kết, dân tộc Lào đại đoàn kết. Chúng ta nhất định đi đến Việt - Miên – Lào đại đoàn kết”

Đó là sự tôn trọng, hiểu biết, thương yêu và đoàn kết với giai cấp vô sản toàn thế giới, với tất cả các dân tộc và nhân dân các nước với nhân loại yêu hòa bình, chống lại mọi sự chia rẽ, hận thù, bất công, chủ nghĩa nước lơn, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc… vì một nền hòa bình, tự do cho cả nhân loại.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là những tư tưởng kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc và nhân loại, của chủ nghĩa Mác – Lênin,... Tư tưởng và đạo đức của Người là tấm gương sáng để chúng ta đời đời noi theo, xây dựng một nền văn hóa, con người của xã hội mới văn minh – đạo đức của người cách mạng vô sản.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét