Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 141002
Biên vực rạn nứt của lãnh đạo Trung Quốc
* Hương Cảnh dưới cơn sấm sét *
Hong Kong có nền kinh tế tự do nhất thế giới, nhưng chưa có dân chủ, và đấy là vấn đề của Tập Cận Bình....
Nhân dịp Quốc khánh của "Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc", ra đời ngày một Tháng 10 năm 1949, người dân Trung Quốc và Hương Cảng được nghỉ lễ một tuần. Nhờ vậy mà biến động tại Hương Cảng có thể tạm nguôi vài ngày.
Nhưng sau đó, vấn đề vẫn còn nguyên vẹn.
Khu vực này từng là thuộc địa Anh từ năm 1842, khiến deo đất tựa hòn sỏi bên bờ nước biến thành thỏi kim cương, một trung tâm kinh tế tài chánh tự do và một xã hội cởi mở, với pháp quyền của Đế quốc Anh. Đấy là một nghịch lý của một đất có tự do mà không có dân chủ, nó kéo dài 155 năm.
Từ năm 1997, một nghịch lý khác bắt đầu. Hương Cảng trở thành... thuộc địa Tầu với quy chế "Đặc khu Hành chánh Tự trị", nơi mà Bắc Kinh muốn khai thác ưu thế tự do kinh tế cho hệ thống kinh tế của nhà nước Trung Quốc. Một đất tu bản dẫn khách cho nền tư bản nhà nước của Bắc Kinh.
Y như tại Hoa lục, lãnh đạo Bắc Kinh muốn bắt cá hai tay: vận dụng tự do kinh tế theo quy luật thị trường để củng cố hệ thống chính trị tập quyền của một đảng độc tài. Từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách vào đầu năm 1979, thế giới tham gia trò chơi hai mặt đó, cho nên Trung Quốc mới trở thành cường quốc kinh tế.
Nhưng trò vui đã hết.
***
Xin phải nhắc lại: Do kinh nghiệm về quy chế mập mờ của Đài Loan với nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ" đã thỏa thuận với Hoa Kỳ năm 1972, khi thương thuyết với Anh quốc về tương lai Hương Cảng, Đặng Tiểu Bình đã đồng ý với quy chế tương tự cho Hương Cảng kể từ Tháng Bảy năm 1997. Hương Cảng thuộc về nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, nhưng có chế độ quản lý riêng. Vi diệu chừng nào cái màn "Nhất Quốc Lưỡng Chế" này.
Tuy nhiên, hơn bảy triệu người dân Hương Cảng, trong đó có năm triệu cử tri, dần dần thấy ra mặt trái của chiến lược vi diệu khi nhà nước Bắc Kinh lặng lẽ thu hẹp quyền quyết định căn bản của cư dân qua mỗi lần bầu cử hệ thống nhân sự có trách nhiệm quản lý đặc khu này. Và phủ nhận dần những cam kết ban đầu với Anh quốc. Dân Hương Cảng có phản ứng, nhưng các nhóm đấu tranh cho quyền dân chủ của Hương Cảng bị ly gián, phân hóa và tê liệt dần.
Thế rồi, ngày 10 Tháng Sáu năm nay, Quốc vụ viện Bắc Kinh (Hội đồng Chính phủ) ra Bạch Thư về Chánh sách Áp dụng Nguyên tắc Nhất quốc Lưỡng chế, với những quy định mới có nội dung bác bỏ quy chế phổ thông đầu phiếu đã được đồng ý là sẽ thực hiện kể từ năm 2017. Sau đó, ngày 31 Tháng Tám, Thường vụ Quốc hội Bắc Kinh đưa chánh sách ma quỷ ấy vào thực tế. Người dân chỉ có quyền bầu cử gián tiếp, theo lối "dân bầu đảng cử": dân Hương Cảng chỉ được bầu lên những người do đảng Cộng sản Trung Quốc đề cử theo tiêu chuẩn mơ hồ là "ái quốc".
Khi các nhân vật hay báo chí phản đối sự áp đặt này thì họ bị sách nhiễu và thậm chí cầm tù.
Phong trào biểu tình ôn hòa trong tinh thần bất tuân dân sự mới nổi lên, với sự tham gia của thanh thiếu niên Hương Cảng và rất nhiều thành phần xã hội khác. Họ yêu cầu viên Hành chánh Trưởng quan Lương Chấn Anh do Bắc Kinh cài đặt vào tổ chức quản lý phải từ chức và Chính quyền Bắc Kinh phải tôn trọng lời cam kết về quyền phổ thông đầu phiếu. Nhưng họ bị cảnh sát Hương Cảng ngăn chặn bằng lựu đạn cay và vòi phun nước....
Kỹ thuật tổ chức tân kỳ và kỷ luật chu đáo của dân biểu tình cho thấy lần này, dân Hương Cảng đã nắm kinh nghiệm biểu tình ở nhiều nơi khác. Đáng chú ý và gần nhất là kỹ thuật của sinh viên học sinh Đài Loan trong cuộc biểu tình hồi Tháng Ba năm nay, gọi là "cuộc vận động Hoa hướng dương", để phản đối Hiệp ước bất cân xứng mà Chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng muốn ký với Bắc Kinh. Họ cũng ôn hòa chiếm đóng Lập pháp viện và Hành pháp viện tại thủ đô Đài Bắc cho tới khi Mã Anh Cửu phải nhượng bộ trước sự bực bội của Bắc Kinh.
Chúng ta thấy ra cùng lúc hai vấn đề ở hai nơi, là Đài Loan và Hương Cảng.
***
Nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế" đề ra từ 1972 cho Đài Loan rồi từ 1997 cho Hương Cảng đã không được Bắc Kinh tôn trọng. Đấy là vấn đề cho Tập Cận Bình khi muốn kiểm soát các vùng biên vực, ở vòng ngoại vi của lãnh thổ Trung Quốc. Hai vấn đề kia là Tân Cương và Tây Tạng.
Sau khi Mao Trạch Đông thôn tính đất Tân Cương của dân Hồi vào năm 1949 và xâm lăng năm 1950 rồi thôn tính Tây Tạng của dân Tạng vào năm 1959, Trung Quốc cũng lập ra "Đặc khu Hành chánh Tự trị" ở hai khu vực bát ngát này. Nhưng sự chống đối của các sắc tộc vẫn tiếp tục, rồi chuyển dần theo hai hướng khác biệt.
Người theo Hồi giáo ở Tân Cương, thuộc sắc tộc Hồi Hột (Đột Quyết, sau gọi là Duy Ngô Nhĩ) thì đòi giành lại nền độc lập cho nước Đông Thổ của họ và đấu tranh ngày càng bậo động hơn. Những năm gần đây, nhiều khuynh hướng đã áp dụng phương pháp khủng bố, với sự yểm trợ và huấn luyện của các lực lượng xưng danh "Thánh Chiến", kể cả tổ chức khủng bố al-Qaeda
Người Tây Tạng thì đấu tranh theo chủ trương trung dung của đức Đạt Lai Lạt Ma: không đòi độc lập mà chỉ xin quyền tự trị để bảo tồn văn hóa và Phật giáo Tây Tạng. Đòi hỏi ôn hòa đó không được đáp ứng. Một thể hệ trẻ bèn nghĩ đến phương thức đấu tranh cực đoan hơn, khi bậc lãnh đạo tinh thần là đức Đạt Lai Lạt Ma gần đến tuổi bát tuần.
***
Lãnh đạo Trung Quốc là những người có mưu lược sâu xa và ưu thế của một thị trường hơn một tỷ ba trăm triệu dân.
Họ nghĩ đến việc củng cố để kiểm soát biên vực thành vùng trái độn, từ Tây Tạng đến Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu (nay là ba tỉnh Đông Bắc của lãnh thổ). Sau đó là mở rộng vùng trái độn qua tới lãnh thổ Việt Nam và ngoài Đông Hải của Việt Nam. Về kinh tế thì trung tâm sầm uất Hương Cảng là cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài để bổ sung cho sự yếu kém lạc hậu bên trong. Về chính trị, thì Đài Loan là lãnh thổ sẽ phải thống nhất, bằng cách sát nhập ôn hòa hay thôn tính thô bạo - với sự chọn lựa dễ hiểu là tránh binh đao bằng trò phủ dụ một đảo quốc dân chủ, có hiến pháp và những ước mơ riêng.
Sau khi lên lãnh đạo từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình ra sức tập trung lại quyền lực trong đảng để giải quyết nhiều khó khăn bên trong hầu tránh được một vụ khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ dội vào hệ thống chính trị của chế độ. Nhưng ông ta vẫn tăng cường kiểm soát vòng ngoại vi là biên vực và vùng trái độn.
Thế giới có thể nhu nhược làm như không thấy gì về thực trạng của Tân Cương và Tây Tạng, chứ khó làm ngơ về tình hình Đông Hải, đó là chuyện năm nay.
Còn lại, Hương Cảng vẫn có thể là mồi nhử tư bản quốc tế về kinh tế và mồi nhử Đài Loan về lời thề "nhất quốc lưỡng chế". Khốn nỗi, dân Hương Cảng lại không muốn thủ vai phụ diễn cho màn hát bội của Bắc Kinh. Phản ứng của họ sẽ xác nhận sự hoài nghi của dân Đài Loan và cảnh tỉnh thế giới, kể cả các doanh gia, về một nền kinh tế chỉ có tự do ở dưới mà thiếu dân chủ ở trên.
***
Hương Cảng có tự do nhất thế giới về kinh tế với lợi tức đồng niên của người dân là hơn bốn vạn đô la, thuộc loại cao nhất địa cầu, gần gấp đôi dân Đài Loan và gấp bảy dân Tầu ở Hoa lục. Tại nơi văn minh đó mà Bắc Kinh còn dở trò ma thì mấy ai tin vào "Trung Quốc mộng" của Tập Cận Bình - hay vào "pháp quyền nhà nước" của Trung Quốc? Tư bản sẽ tháo chạy.
Với cùng Hán tộc tại Hương Cảng hay Đài Loan mà lãnh đạo Bắc Kinh còn hành xử như thế thì các "dị tộc" Mông, Mãn, Hồi, Tạng (hay Việt, Ba Đình ơi!) còn mơ ước được gì? Họ sẽ phất cờ.
Chúng ta đều có thể đoán năm Ngọ này có nhiều sự biến. Sự biến Hương Cảng tại nơi biên vực đang phá vỡ vùng trái độn của Bắc Kinh, và mở đầu cho chuyện hợp tan muôn thuở của Trung Quốc.
Tập Cận Bình muốn hợp mà tan, từ vòng ngoại vi lan vào tới trung tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét