Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Quốc Hội Cộng Hoà



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 141028
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Các biện pháp kinh tế khi đảng Cộng Hoà chiếm đa số


* Hillary Clinton: "Các doanh nghiệp không tạo ra việc làm!" Ăn nói vậy mà đòi ra tranh cử Tổng  thống 2016.... *


Thông thường tại Hoa Kỳ, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, cử tri thường trút sự bực bội với Hành pháp bằng cách bầu cho đối lập. Lần này, vì cử tri quá thất vọng với Tổng thống Barack Obama, đảng Cộng Hoà hy vọng tăng số ghế tại Hạ Viện và chiếm lại đa số Thượng Viện. Điều này không là chuyện bất ngờ.

Nhưng cận ngày bỏ phiếu, chưa thấy đảng Cộng Hoà đưa ra chương trình hành động thống nhất, như "Contract with America" năm 1994, hoặc ít ra một dự án trình bày những gì sẽ đệ nạp Quốc hội trong trăm ngày đầu tiên. Điều ấy cho thấy sự thiếu thống nhất khi nội bộ còn bất đồng giữa phe thực tiễn – làm sao thắng phiếu đã – với phe tự do tuyệt đối "libertarian" của phong trào Tea Party, một sự bất đồng kéo dài tại vòng sơ bộ từ đầu năm nay.

Chi tiết kia là quá nhiều ứng cử viên độc lập thuộc đảng thứ ba sẽ chia số phiếu đối lập và sự thắng thế của Cộng Hoà chỉ hiển lộ vào mấy tuần cuối. Cho nên kết quả chung cuộc còn gây bất ngờ. Người viết này lạm đoán rằng sẽ không có làn sóng long trời lở đất, landslide, và đây là một nhược điểm khác của phe Cộng Hoà.

Tổng thống Obama bị đả kích là giữa nhiều đợt khủng hoảng dồn dập và liên tục, ông cứ lo chạy tiền tranh cử cho các ứng cử viên Dân Chủ, dù bản thân như bị phóng xạ nên nhiều ứng viên tránh xuất hiện bên Tổng thống, thậm chí còn không cho biết là có bỏ phiếu cho Obama trong các cuộc bầu cử 2008 và 2012. Thật ra Obama đi vận động là vì muốn giữ đa số cho phe Dân Chủ để bảo vệ thành quả "cải tạo" qua sáu năm cầm quyền và còn bổ nhiệm nhiều thẩm phán cấp liên bang và cả Tối cao Pháp viện để tiếp tục thay đổi nước Mỹ theo nhãn quan của ông.

Khi đi bỏ phiếu cho các Dân biểu Nghị sĩ, cử tri chú ý đến yếu tố địa phương mà quên khía cạnh diễn giải lại Hiến pháp Hoa Kỳ để bánh trướng vai trò của nhà nước trong quá nhiều lãnh vực. Qua một kỳ khác của mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" chúng ta trở lại chuyện này.

Bây giờ, trong cột mục "Kinh tế cũng là Chính trị", xin hãy nói về các dự án Cộng Hoà.

Nhược điểm Cộng Hoà là xoay cuộc tranh cử thành cuộc trưng cầu dân ý về một Tổng thống quá tệ mà không đề xướng một giải pháp tích cực và toàn diện cho nước Mỹ. Khi tập trung vào Obama, và như đã nói từ nhiều năm, phe Cộng Hoà muốn thu hồi Đạo luật Cải tổ Chế độ Bảo dưỡng Y tế ObamaCare, một kế hoạch chi phối tới một phần sáu của Tổng sản lượng Nội địa. Nhưng dù kiểm soát được Lưỡng viện, việc đó ít có hy vọng vì đảng Cộng Hoà thiếu túc số vượt qua quyền phủ quyết của Hành pháp là hai phần ba, mà chưa chắc có được 60 ghế Nghị sĩ tại Thượng viện để tránh thủ tục câu giờ "filibuster".

Thành thử, nhiều phần thì Cộng Hoà sẽ đánh du kích qua từng đề luật nhỏ nhằm thu hẹp tầm áp dụng của ObamaCare, như về thuế suất đánh trên dụng cụ y khoa hoặc tăng số giờ lao động từ 30 đến 40 giờ một tuần thì mới được doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, với hy vọng huy động được một số phiếu Dân Chủ tại Thượng viện. Những đòn du kích ấy sẽ báo hiệu nhiều trận đánh nhiêu khê và... khá bẩn mà truyền thông cảnh tả sẽ lại tường thuật với sự thiên lệch cố hữu.

Nhìn trên tổng thể của kinh té thì sau sáu năm cầm quyền của Obama, doanh trường Mỹ có tỷ lệ ủng hộ Tổng thống còn thấp hơn quần chúng nói chung.

Dù kiếm lời bộn và chi tiền rất rộng cho đảng Dân Chủ, các đại tổ hợp Hoa Kỳ đều bất mãn với môi trường kinh doanh có quá nhiều chặng kiểm soát và thuế suất quá cao nên làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Phần mình, các tiểu doanh thương, có dưới 100 nhân viên, thì tuyệt vọng vì khó vay tiền từ các đại gia ngân hàng nay còn tập trung tư bản hơn trước vụ khủng hoảng 2008. Họ bị sưu cao thuế nặng lại gánh thêm trách nhiệm từ đạo luật ObamaCare nên không dám mạnh tay đầu tư.

So với khối công nghiệp hóa thì kinh tế Hoa Kỳ có triển vọng nhất, nhưng thị trường lao động chưa hồi phục, khoảng cách giàu nghèo càng đào sâu, và trở ngại chính là hệ thống kiểm soát được mở rộng từ năm 2009 và bộ luật thuế vụ quá rườm rà phức tạp nên là lực cản cho đầu tư.

Trong hai năm qua, thất vọng lớn nhất của doanh giới Mỹ là nạn phân cực trên chính trường với hai đảng theo hai hướng bất khả tương nhượng nên cứ duy trì các trở ngại đó. Mẫu số chung lớn nhất của cả hai đảng lẫn thị trường và công chúng là cải tổ thuế vụ. Sau vụ tai tiếng về việc sở thuế IRS cố tình tróc nã các đoàn thể bảo thủ, việc việc đảng Cộng Hoà đòi cải cách chế độ thuế khóa dễ được công chúng đồng ý. Với điều kiện là việc tu sửa bộ luật rắc rối mà đầy lỗ hổng hiện nay còn phải tăng được số thu. Yếu tố ấy khiến đảng Cộng Hoà còn lâm trận... với nhau trước khi có một đề nghị nhất quán, và điều này sẽ đẩy lui hy vọng cải tổ mất vài năm.

Cho đến cuộc tổng tuyển cử 2016.

Khi điểm lại các nghị trình bao quát trên, ta có thể thấy ra vấn đề hai mặt của kinh tế Hoa Kỳ. Thứ nhất là cần tạo thêm việc làm cho một xã hội có quá nhiều đổi thay kể từ vụ khủng hoảng 2008. Và thứ hai là phải nâng lợi tức của giới trung lưu, thành phần bị thiệt nhất kể từ nạn Tổng suy trầm 2008-2009. So sánh đường hướng của hai đảng thì phe Cộng Hoà tương đối được quần chúng tín nhiệm hơn để giải quyết hai vấn đề này, nhưng khó lập tức tạo ra phép lạ.

Kết quả thì sau khi lấy trớn từ thắng lợi bầu cử năm nay, đảng Cộng Hoà có thể tạo ra ấn tượng thay đổi với vài đề nghị dễ nuốt. Một là đạo luât du di ngân sách cho tài khóa tới và hai là tìm cách thông qua dự án lập ống dẫn dầu khí Keystone XL từ Canada qua Mỹ bị Chính quyền Obama ngâm tôm từ nhiều năm để giữ hậu thuẫn của phe bảo vệ môi sinh rất mạnh bên cánh tả. Ba là cải tổ chế độ di trú để đón nhận thêm di dân có tay nghề cao thay vì cứ chạy đi bít lỗ hổng của nạn di dân bất hợp pháp.

Sau đó mới là các kế hoạch sâu xa nhằm đẩy lui trào lưu bao cấp đã bành trướng mạnh từ sau vụ khủng hoảng 2008.

Tổng kết lại thì đảng Cộng Hoà có ưu thế sau khi Tổng thống Obama gây quá nhiều thất vọng. Nhưng ưu thế đó không kéo dài tới kỳ Tổng tuyển cử 2016, khi dân Mỹ sẽ bầu lại cả Tổng thống lẫn 435 Dân biểu Hạ viện và một phần ba Nghị sĩ Thượng viện. Chưa kể là kỳ tới, phe Cộng Hoà còn bị thất thế vì phải bảo vệ 24 ghế Nghị sĩ so với 10 ghế bên đảng Dân Chủ.

Từ nay đến đó, thời sự kinh tế còn được tin xấu là chưa ra khỏi những trì trệ của Tổng suy trầm thì có khi lại bị suy trầm nhẹ vào cuối năm tới. Và thời sự chính trị thì chỉ tập trung vào cuộc tranh cử Tổng thống 2016.

Năm 2008, trong cơn hốt hoảng về vụ khủng hoảng tài chánh váo Tháng Chín, với ửng cử viên Cộng Hoà là John McCain lại hốt hoảng hơn thiên hạ, dân Mỹ bầu cho một Nghị sĩ tay mơ. Đến năm 2012 còn cho ông ta tái đắc cử với dự tính mở rộng sự can thiệp của nhà nước. Ngày nay, nhiều người ân hận - và còn chối, vì số phiếu của Obama trong hai kỳ bầu đó vượt xa số người nay công nhận đã dồn phiếu cho ông ta – nhưng vấn đề hết là chuyện đúng sai của Obama. Cử tri phải tìm con đường khác và nhân sự khác.

Cho đến giờ, đảng Cộng Hòa chưa chứng minh được rằng mình là giải pháp, cho nên ta còn phải chờ đến kỳ tranh cử sau, sẽ mở màn ngay từ đầu năm tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét