Ngày 2/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho cán bộ chiến sĩ quân đội và các ngành vào nội thành Hà Nội chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô. Hầu hết anh chị em đã được gặp Bác Hồ, trực tiếp nghe những lời căn dặn của Bác:
“Tiếp quản Thủ đô - trung tâm văn hóa chính trị kinh tế của cả nước, nơi bạn bè chú ý, thế giới quan tâm - quả là một việc vô cùng quan trọng...
Tám, chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội... Đồng bào Hà Nội mong chờ các chú từ ngày các chú ra đi nay đang may cờ đỏ sao vàng chờ đợi hoan hô các chú. Hãy xứng đáng với vinh dự đó, với trách nhiệm đó”.
Trước khi về giải phóng Thủ đô khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng
Ngày 10/10/1954, hàng chục vạn nhân dân “Hà Nội 36 phố phường” cờ hoa, khẩu hiệu chào đón các đoàn chiến sĩ bộ binh, công binh, thông tin, văn công... các đoàn xe pháo binh, cao xạ vừa chiến thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ về giải phóng Thủ đô, Bác đã nhắc Văn phòng Chính phủ điện cho các thành viên Chính phủ đang ở Hà Nội nắm chắc tình hình sau mấy ngày giải phóng về một địa điểm ngoại vi Hà Nội dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ vào ngày 13/10/1954.
Chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên sau ngày Thủ đô giải phóng, Bác đã quan tâm lắng nghe ý kiến của từng thành viên phát biểu.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân Chính thành phố báo cáo: Các tầng lớp nhân dân Hà Nội kể cả Hoa kiều, Ấn kiều rất vui mừng phấn khởi đón tiếp những đoàn cán bộ và bộ đội về giải phóng Thủ đô. Đời sống của nhân dân thành phố trong mấy ngày qua ổn định. Điện đủ dùng mỗi ngày trên 7.000kW. Công nhân các nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy đèn Bờ Hồ thường xuyên thường trực làm việc kể cả 5 nhân viên kỹ thuật người Pháp tình nguyện ở lại. Nước ăn, nước sạch bảo đảm đầy đủ cho toàn thành phố. Dầu và than còn đủ dùng trong 2 tháng. Hiện còn 12 đầu máy xe lửa với 140 toa hoạt động tốt. Bến phà Đen có 7 chiếc tàu thủy vẫn thường xuyên chạy khách, chạy hàng trên sông Hồng.
Việc đổi tiền Đông Dương đã bắt đầu và đang tiếp tục triển khai. Cán bộ tiếp quản Thủ đô đã tuyên truyền và làm tốt các chính sách của Chính phủ ở vùng mới giải phóng với ngoại kiều, với các viên chức đã làm việc dưới thời Pháp thuộc nay muốn tiếp tục cộng tác với Chính phủ ta, chính sách với các tầng lớp tư sản và công thương nghiệp. Lương thực, thực phẩm cho bộ đội, cán bộ vào tiếp quản Thủ đô cùng toàn nhân dân thành phố được bảo đảm tốt.
Các anh Lê Văn Lương, Phan Anh, Tạ Quang Bửu báo cáo kết quả các cuộc đấu tranh của nhiều đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội đến trụ sở Ủy ban Quốc tế phản đối những hành động cưỡng ép di cư, cướp bóc tài sản của nhà cầm quyền Pháp và ngụy quyền Bảo Đại trước khi rút quân khỏi Thủ đô: Tình hình đấu tranh của công nhân, viên chức các nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, nhà máy xe điện Thụy Khuê, ga Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm... Họ đã kiên quyết chống giặc Pháp và bọn tay sai ngụy quyền chuyển máy móc tài liệu, nhất là các hồ sơ, sơ đồ đường dây điện, điện thoại, ống dẫn nước ngầm khắp địa bàn thành phố ra khỏi nhà máy, công sở trước khi giặc Pháp rút quân. Trước khi vào Hà Nội, cán bộ tiếp quản đã được nghe nói chuyện và bồi dưỡng kỹ những bài học kinh nghiệm khi ta vào các khu đô thị mới giải phóng ở Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (Bùi Chu, Phát Diệm).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình cán bộ, chiến sĩ ta trong tiếp quản Thủ đô từ sáng 9/10/1954 vào thành Hoàng Diệu, phủ Toàn quyền (cũ), sân bay Bạch Mai.... cho đến 16g30 cùng ngày chiếm lĩnh trạm gác cuối cùng của giặc Pháp ở đầu cầu Long Biên. Đại tướng báo cáo thêm những thắng lợi của các chiến sĩ Trung đoàn 102 Thủ đô, Trung đoàn 36 Bắc Bắc, Trung đoàn 88 Tu Vũ thuộc Đại đoàn 308 quân Tiên Phong tiếp quản các khu thành Hoàng Diệu, Phủ Toàn quyền (cũ), Sở Tài chính (Bộ Ngoại giao hiện nay), sân bay Bạch Mai, Việt Nam học xá, nhà máy đèn Bờ Hồ, nhà máy nước, nhà máy điện Yên Phụ, ga Hàng Cỏ, sở Bưu điện, nhà dầu Khâm Thiên, bệnh viện Cống Vọng, bệnh viện Phủ Doãn...
Thứ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch báo cáo việc tiếp đón, tiễn đưa đồng bào và bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, chuyện đấu tranh của anh chị em tù Côn Đảo, chuyện có bà cụ xa con 8, 9 năm vừa được gặp lại chưa đầy 1 giờ đã lại tiễn anh ra Bắc.
Trong phiên họp, Chính phủ đã truy tặng linh mục Phạm Bá Trực - Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội Huân chương Độc Lập hạng Nhất do đã có công xây dựng tình đoàn kết tốt giữa đồng bào Lương và Giáo trong kháng chiến chống Pháp.
Bộ trưởng ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đề ra một số việc cần làm sau tiếp quản:
Thực hiện tốt chính sách vùng mới giải phóng, bảo vệ tài sản của đồng bào bị địch cưỡng ép di cư, đại xá cho những người đã làm việc với đối phương đã biết phục thiện. Duy trì hoạt động các nhà máy, công sở, bệnh viện,trường học. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quân chính. Xây dựng cách làm việc mới của các bộ sau ngày về Hà Nội. Nghiên cứu những biện pháp quan hệ và cách làm việc để tranh thủ được sự ủng hộ của Ủy ban Quốc tế đối với chính quyền, quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ chức tốt những cuộc tiếp đón các đại sứ Trung Quốc và Liên Xô là những nước anh em đã cùng ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tiếp đón Thủ tướng Nê-ru và ông Đề - sai Đại sứ Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban quốc tế giám sát, kiểm soát đình chiến ở Việt Nam.
Cuối cùng, Bác kết luận hội nghị: “Việc tiếp quản Thủ đô thành công là do dân ta tốt, bộ đội ta tốt. Sau những ngày vui vừa qua cần giải quyết tốt những phát sinh mới xảy ra... Cuộc đấu tranh tuy còn khó khăn, gian khổ nhưng chính nghĩa về ta. Đoàn kết tốt ta nhất định thắng...”.
Sau cuộc họp, chiều 15/10/1954, Chính phủ và Bác Hồ chuyển từ Sơn Tây về Hà Nội. Tin Bác Hồ về Thủ đô tuy chưa công bố nhưng Hà Nội đã chuẩn bị cờ hoa, biểu ngữ cùng những tiếng trống thiếu nhi tiếng reo ca tưng bừng suốt dọc đường từ Hàng Đẫy, Cửa Nam về Đồn Thủy, nơi làm việc tạm thời của Chính phủ khi mới về Hà Nội những ngày đầu giải phóng.
Công việc bộn bề nhưng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành tốt sứ mệnh cao quí của mình ngay sau ngày Thủ đô vừa giải phóng.
Tôn Tử- Nguồn:tintuc.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét