Hùng Tâm / Người Việt 141126
Hồ Sơ Người-Việt
Khi Đi Biển, Tầu Phải Mang Theo Túi Dầu....
* Những vì sao mới mọc *
Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ta đang chứng kiến một nghịch lý là sự đồng thuận của hai lý luận trái chiều. Một số người ảnh hưởng đến dư luận bên Tầu – "trí thức và học giả" trên các cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản – thì nói đến sự suy tàn bất lực của nước Mỹ. Bên này biển Thái bình, nhiều học giả và bình luận Hoa Kỳ trên các diễn đàn độc lập thì báo động về sự lớn mạnh đầy tính chất đe dọa của Tầu ở ngoài biển. Cả hai nguồn dư luận dẫn tới một kết luận mặc nhiên: Tầu đang đe dọa quyền lợi và an ninh của Mỹ nên sẽ là vấn đề mà Hoa Kỳ phải giải quyết.
"Hồ Sơ Người-Việt" cố đi xa hơn vậy để tìm hiểu về thực lực của Hải quân Trung Quốc từ một khía cạnh thiết thực hơn....
Hải Quân Trung Quốc Tung Hoành
Quả thật là hơn 20 năm qua, lãnh đạo Bắc Kinh từ thời Đặng Tiểu Bình đến sau này đã có kế hoạch phát triển khả năng của Hải quân (được quốc tế gọi tắt là PLAN – People's Liberation Army Navy). Sáu năm nay, ngẫu nhiên từ khi Tổng thống Barack Obama lên lãnh đạo nước Mỹ, thì Hải quân Trung Quốc đã đạt một số thành tích nổi bật, xin ghi lại thật ngắn gọn sau đây.
- Năm nay, lần đầu tiên mà Hải quân Tầu tham gia cuộc thao dượt quân sự RIMPAC do lời mời của Tổng thống Mỹ. Thành hình từ năm 1971, RIMPAC là cuộc thao dượt quân sự của các quốc gia đồng minh Hoa Kỳ trong vành cung Á châu Thái bình dương – không có Tầu Cộng, cứ hai năm lại tiến hành một lần dưới sự phối hợp của Hạm đội Thái bình dương của Mỹ từ Hawaii. Việc Obama mời Tầu tham gia RIMPAC là chỉ dấu cho thấy sự nhu nhược của nước Mỹ sau khi ồn ào nói đến việc "chuyển trục". Hoặc ngược lại, cho thấy ảnh hưởng lớn mạnh của Tầu Cộng.
- Cùng Hải quân Liên bang Nga, Hải quân Tầu đã thao dượt định kỳ với các chiến hạm đa năng và qua năm tới hai nước sẽ thao dượt trên biển Địa Trung Hải. Nhin lại thì từ Thái bình dương mà qua Địa Trung Hải, các chiến hạm nổi và chìm của Tầu phải vượt vùng biển Đông Nam Á đến Ấn Độ dương rồi nhiều eo biển khác trước khi vào Hồng hải.... Họ phải có khả năng viễn duyên. Khả năng ấy được xây dựng từ vùng cận duyên, được Tầu Cộng xác nhận với "chín khúc lưỡi bò" và "dẫy quần đảo đầu tiên" bao trùm lên hải phận và lãnh thổ của các lân bang.
- Một cách cụ thể thì các chiến hạm Bắc Kinh đã từng thả neo tại nhiều nơi rất xa lãnh thổ, như các nước Argentina, Brazil, Chile, Nigeria hay Tanzania, chưa nói gì đến Papua New Guinea hay Úc Đại Lợi. Các chiến hạm nổi của Trung Quốc đã qua các eo biển Đông Nam Á hay Trung Nam Mỹ, Kênh đào Suez và Panama, Mũi Hảo Vọng, hay biển Bosphorus....
Ngoài ra, các chiến hạm chìm (tầu ngầm hay tiềm thủy đĩnh) cũng đã xuất hiện trên Ấn Độ dương. Đa số tầu ngầm của Tầu còn chạy bằng dầu cặn diesel, nhưng theo nhận định của Hải quân Hoa Kỳ, thì cuối năm nay Bắc Kinh sẽ cho tầu ngầm nguyên tử nhập cuộc trong các chuyến tuần du bí mật dưới đáy biển....
Nhưng khi nói đến lực đẩy là dầu cặn hay năng lượng nguyên tử, ta thấy ra vấn đề tiếp liệu. Các chiến hạm ấy chạy bằng gì và lấy ở đâu trong các chuyến hải hành đã có vẻ toàn cầu như vậy? Một cách thiết thực thì nhiều chiến hạm nguyên tử Mỹ có bình điện... xài 25 năm mới "sạc" một lần nên tha hồ đi lại. Chiến hạm của Tầu vẫn cần ghé trạm xăng dầu, trên đất hay ngoài biển....
Câu đầu tiên là Dầu Đâu?
Khi muốn tung hoành toàn cầu, hoặc chặn đà bành trướng của "siêu cường tàn tạ" là Hoa Kỳ, Hải quân của Bắc Kinh phải giải quyết bài toán tiếp liệu.
Về bối cảnh thì người ta có một tiêu chuẩn đo lường khả năng đó là số tầu dầu của từng nước có thể châm dầu cho các chiến hạm của mình ở ngoài khơi. Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với con số là tùi dầu di động theo các chiến hạm là 19. Tầu Cộng hạng nhì mà chưa bằng nửa (8), sau đó là Nga (7), Anh (6), Đức đồng hạng với Nhật (5) rồi mới đến Tây và Ấn (4). Kế toán nhức đầu dễ làm bốc hoả!
Tầu Cộng muốn khắc phục nhược điểm này qua ba loại biện pháp.
Về kỹ thuật thì phải đóng thêm tầu dầu tháp tùng các hạm đội. Họ có tầu dầu Loại 903A để thay hạng Fuqing đã lỗi thời vì chế tạo từ 30 năm trước. Tuần qua, Bắc Kinh cho mở thêm công xưởng mới tại Quảng Châu để giải quyết nhu cầu đó. Xin tạm gọi tắt là "biện pháp 930".
Về tổ chức thì để nâng số cung theo kịp số cầu, Bắc Kinh cho phép Hải quân sử dụng cả tầu dầu dân sự. Quân dân thắm thiết một lòng nên nhiều tầu dầu dân sự - dĩ nhiên cũng là quốc doanh - được tháp tùng để châm dầu cho các hạm đội ở ngoài khơi. Hãy tưởng tượng đến Hải quân Mỹ mà phải "tư nhân hóa" nguồn tiếp liệu như vậy từ các doanh nghiệp hàng hải!
Về ngoại giao và chính trị thì phải có chánh sách hữu nghị với thiên hạ để các chiếm hạm được quyền ghé bến châm dầu hoặc tu bổ. Đây mới là chuyện kẹt cho Tầu Cộng.
Trên bình diện ngoại giao, Bắc Kinh phải nói giọng hòa bình và giấu bớt võ khí để trình bày nhu cầu tiếp liệu này dưới dạng ngoại thương. "Bản quốc đầu tư vào các hải cảng cùa quý quốc là để góp phần phát triển kinh doanh theo quy tắc "đôi bên cùng có lợi" - chứ không có ý đồ gì khác". Nhưng về thực tế chính trị, khi phô trương thanh thế và nói giọng hung đồ tại Đông hải, thì Bắc Kinh gây lấn cấn cho nhiều nước Á, Phi, Mỹ. Cho nên phải trả giá đắt hơn để tìm "bãi đáp".
Chúng ta không thấy dư luận Hoa Kỳ đắn đo suy nghĩ gì về mâu thuẫn đó với mình. Gần 40 năm sau khi rời Việt Nam, nếu ngày nay các chiến hạm Mỹ có ghé bến Sàigòn, Đà Nẵng hay Cam Ranh thì cũng là bình thường, chẳng thấy ai phàn nàn. Đấy mới chỉ là trường hợp Việt Nam thôi, chưa nói gì đến các quốc gia hay những khu vực nóng khác của địa cầu. Mỹ có rất nhiều bạn, Tầu Cộng thì khác.
Danh Sách Khách Hàng
Khi theo dõi tin tức thời sự mà nhớ tới nhu cầu tiếp liệu nói trên của Hải quân Trung Quốc, ta nên thấy Tầu Cộng có một danh mục rất dài về số khách hàng họ cần o bế - hoặc đấm mõm bơm tiền để bơm dầu. Ít ra là 17 nước!
Xin ghi lại đây để quý độc giả và truyền thông ta chấm sẵn trên bản đồ và suy ra những chuyện Bắc Kinh đang phải ngấm ngầm trả giá bên trong. Đó là Bắc Hàn tại Đông Bắc Á; Papua New Guinea và Miến Điện tại Đông Nam Á; là Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka (Tích Lan) bên Ấn Độ dương tại Nam Á; rồi tới hàng loạt quốc gia rất diệu vợi khác như Seychelles, Djibouti, Yemen, Oman, hay Namibia, Nigeria, Kenya, Tanzania, Angola và Mozambique, cho tới Nam Phi....
Chấm sẵn bản đồ ấy rồi, chúng ta có thêm dữ kiện bổ túc cho những tin tức về quan hệ kinh tế, ngoại giao hay an ninh của Bắc Kinh với nhiều nước.
Thí dụ là Bắc Hàn, tuần này cũng đang được Nga o bế để đưa các chiến hạm xuống vùng biển nóng ở miền Tây biển Thái bình. Hay sự chuyển hóa dân chủ tại Miến Điện khi chiến hạm Tầu Cộng đã ghé hải cảng Yangon (Ngưỡng Quang) kể từ năm 2010, dưới sự canh chừng của Ấn Độ, Nhật Bản, Úc - và của người dân Miến Điện. Hoặc với Pakistan qua một dự án tốn kém mà thất bại để sử dụng quân cảng Qwadar ở hướng Tây Nam sau khi tốn quá nhiều tiền phát triển một xa lộ trường thiên ở trên núi. Hay là với xứ Bangladesh ở giữa Ấn Độ và Miến Điện để mở mang và khai thác hải cảng Chittagong theo hai hướng an ninh và kinh tế, v.v....
Khi ấy, ta cũng nhớ đến lời phát biểu của một Đô đốc Mỹ khi ông còn làm Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương: "phạm vi trách nhiệm của chúng tôi là từ Thái bình dương kéo đến Ấn Độ dương."
Nhìn xa hơn Châu Á và ghé bến Phi Châu, người ta cũng không thể quên vai trò kinh tế của Bắc Kinh trong loại dự án xây dựng hạ tầng có khả năng biến cải hải cảng thành quân cảng. Không phải ngẫu nhiên mà Tầu Cộng sát cánh với nhiều chế độ tham nhũng, độc tài hoặc bị nội loạn như Namibia, Yemen hay Mozambique....
________________________________
Kết luận ở đây là gì?
Trung Quốc từng là một cường quốc lục địa tại Á Châu trong nhiều thế kỷ nhưng có quá nhiều vấn đề bên trong nên ít khi bước ra ngoài.
Từ vài chục năm nay, xứ này bắt đầu bơi ra biển và có tham vọng mở rộng "Con Đường Tơ Lụa" truyền thống đã từng nối liền Trường An (Tây An) với các trung tâm buôn bán tại Trung Á cho đền ngưỡng cửa vào Âu Châu. Gần đây, lãnh tụ Tầu Cộng là Tập Cận Bình nói đến "đường tơ lụa trên biển" là theo ý đó, để nối vùng biển Nam Dương (Indonesia) tại Đông Nam Á với Ấn Độ dương và còn xa hơn nữa.
Nhưng tham vọng ấy đòi hỏi khả năng tiếp liệu cho các chiến hạm. Dù đang đứng hạng nhì về khả năng đó sau Hoa Kỳ, Trung Quốc mới chỉ giải quyết được vấn đề, một cách tương đối, ở vùng biển Đông, dù sao vẫn chỉ là cận duyên. Muốn đi tới trình độ viễn duyên, họ vẫn cần nhiều bãi đáp khác. Chuyện không dễ!