Nhằm đáp ứng đủ điều kiện hành nghề ở V.League 2015, HLV Guillaume Graechen của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG đã đăng ký khóa học bằng A của AFC mở tại trung tâm Hàm Rồng (Pleiku-Gia Lai).
Khóa học bằng A của AFC khai giảng vào sáng qua (3.10) tại trung tâm Hàm Rồng với 19 học viên đến từ trung tâm, CLB khác nhau trong cả nước. Người đứng tự giới thiệu là Bùi Đoàn Quang Huy, cựu tiền đạo của Bình Định và tuyển Olympic Việt Nam. HLV Graechen ngồi ở góc bàn của phiên dịch Nguyễn Minh Trí (áo xanh) của HAGL JMG.Theo quy định muốn học bằng A của AFC thì học viên phải có bằng B hoặc các bằng cấp có giá trị tương đương do FIFA, UEFA hoặc các liên đoàn bóng đá châu lục khác cấp. HLV Graechen không có bằng B AFC nhưng ông lại có các bằng cấp do LĐBĐ Pháp và UEFA tương đương bằng B của AFC nên sau khi đối chứng và xác nhận, AFC đồng ý đặc cách cho học viên này. Grachen cũng là học viên nước ngoài duy nhất của lớp đào tạo bằng A AFC tại Pleiku.
Đứng lơp giảng dạy là giảng viên Pour Nemat Nodehi Ardeshis (Iran). Bằng A của AFC là văn bằng cao nhất về huấn luyện của LĐBĐ châu Á cấp. Ngày trước, bằng A rất khó lấy vì các học viên của Việt Nam muốn học phải ra nước ngoài và phải tiếp thu quá trình giảng dạy bằng tiếng Anh nên chỉ có một số ít HLV như Vũ Tiến Thành, Đặng Trần Chỉnh, Hoàng Anh Tuấn, Lư Đình Tuấn là có bằng A trước năm 2006. Từ năm 2008, VFF bắt đầu đăng ký với AFC cho mở các khóa đào tạo bằng A tại Việt Nam để cho các HLV dễ tiếp cận hơn và tính đến nay VN cũng đã khai giảng được 7-8 khóa bằng A, cấp tín chỉ cho trên dưới 100 HLV đủ điều kiện hành nghề ở V.League.
Giống như các học viên khác, HLV Guillaume Graechen đứng dậy chào lớp. Trong lớp học bằng A kỳ này có Nguyễn Xuân Hiếu (SLNA), cựu trọng tài VFF là anh trai trung vệ Huy Hoàng. Bùi Đoàn Quang Huy (Bình Định), Chu Ngọc Cảnh (HAGL), Trần Văn Thông (cựu tiền đạo Bình Dương), Vũ Hồng Việt (HN T&T), Hứa Hiền Vinh (trung tâm PVF)...
Khóa đào tạo bằng A AFC kéo dài 4 tuần (từ 3 đến 30.11). Các học viên học ngày 2 buổi, được cung cấp tài liệu để học lý thuyết (tiếng Việt) và thực hiện nhiều bài học thực hành tại sân Hàm Rồng. Sau khi học xong từng chương phần, các học viên sẽ thi kết thúc từng phần để chuyển sang phần khác theo kiểu cuốn chiếu. Đến kết thúc chương trình đào tạo là phần thi tổng hợp. Sau khi chương trình kết thúc, học viên không được cấp bằng A ngay mà phải chờ khá lâu, nhiều khi hơn 2 tháng mới biết kết quả AFC thông báo về cho VFF. Tỷ lệ đỗ trung bình của khóa học tùy theo trình độ của học viên, có khi 70% song cũng có lúc chỉ 40-50%.
Ông Pour Nemat Nodehi Ardeshis nói lời mở đầu khóa học. Phụ trách phiên dịch cho giảng viên Pour Nemat Nodehi Ardeshis là ông Trần Hùng Cường (Lâm Đồng, đứng bên cạnh). Ông Hùng Cường là một HLV kiêm phiên dịch và là trợ lý của HLV Alfred Riedl ở SEA Games 23 (2005) ở Bacolod-Philippines. Ông Cường được coi là phiên dịch bóng đá giỏi nhất của VN hiện nay nên được AFC tín nhiệm cho nhiều khóa đào tạo bằng B, A mở tại Việt Nam. Riêng lớp bằng C thì các giảng viên của Việt Nam do AFC chỉ định đã có thể phụ trách đứng lớp.
HLV Graechen và 18 học viên đồng môn chup cùng giảng viên AFC và GĐĐH đội HAGL Huỳnh Mau (áo trắng, ở giữa) và các HLV, trợ lý của khóa học. Trên lý thuyết, HLV Graechen đi học nhưng chưa chắc đỗ nếu không thực hiện và làm đúng các bài tập do giảng viên yêu cầu. Do vậy nếu bị AFC đánh rớt thì HLV Graechen không đủ điều kiện hành nghề ở V.League 2015 và CLB HAGL muốn ông Graechen ngồi ở băng ghế cabin kỹ thuật thì buộc phải đăng ký một chức danh khác, ví dụ như Giám đốc kỹ thuật, tương tự như trường hợp HLV Lê Thụy Hải ở B.Bình Dương.
GĐĐH CLB HAGL Huỳnh Mau gửi lời chúc đến các học viên khóa bằng A. Do khóa học kéo dài, để tạo điều kiện cho HLV Graechen có thể quán xuyến được công việc ở Học viện HAGL JMG nên lãnh đạo đội HAGL đã thuyết phục VFF đưa khóa học về Hàm Rồng và HAGL đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở cho cả khóa học. Riêng đội U.19 HAGL JMG ngày 10.11 tập trung trở lai, HLV Graechen không thể phụ trách nên trơ lý Dương Minh Ninh sẽ thay thế lên giáo án tập luyện. Đây là thời gian mà HLV Graechen cực kỳ bận rộn vừa học vừa lo đủ thứ việc khác nhau.
Theo Đăng Khoa - Ảnh: Minh Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét