Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Tạm hoãn nhập ngũ đối với sinh viên đại học

Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ người đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình Quốc hội dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Theo Dự thảo Luật, tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với công dân đang học tại trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân... cũng thuộc trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình Quốc hội dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
Dự thảo luật cũng quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với người có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; Thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương xác nhận.

Các trường hợp chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của hội đồng khám sức khỏe; Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người thân trong gia đình không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. Một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên... cũng nằm trong quy định hoãn nhập ngũ.

Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định miễn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với những công dân là con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; Một người anh hoặc một em trai của liệt sĩ; Một con của thương binh hạng hai, một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

Các trường hợp công dân phục vụ trong lực lượng Kiểm ngư Việt Nam gồm: Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư từ 24 tháng trở lên; Thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ hai bốn tháng trở lên... cũng thuộc diện miễn gọi nhập ngũ.

Chủ tịch ury ban nhân dân cấp huyện quyết định việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày sau đó cho biết, về tạm hoãn gọi nhập ngũ, đa số ý kiến nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

“Do đó đề nghị Ban Soạn thảo cần rà soát các đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Khoa đề nghị.

Về miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, đa số thành viên Ủy ban quốc phòng và an ninh cơ bản nhất trí với quy định về diện đối tượng miễn gọi nhập ngũ trong thời bình tại dự thảo Luật là có sự kế thừa Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành.

Trong đó, việc miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… là thể hiện chính sách động viên, khuyến khích các đối tượng nói trên đến công tác và cống hiến tại những địa bàn này.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” để bảo đảm chính sách công bằng giữa người thường trú ở khu vực này với người ở nơi khác đến có liên quan đến thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Theo Hoàng Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét