Hướng Dương
Những chiến oanh liệt đã đi vào những ngày thu lịch sử nhưng âm vang của những trang vàng oanh liệt đó vẫn còn mãi với thời gian và trong trái tim mỗi người con đất Việt. Đặc biệt là thủ đô Hà Nội, trong chiều dài lịch sử phát triển của mảnh đất văn hiến lâu đời, đã có rất nhiều dấu ấn không thể quyên mỗi khi nói đến và tôn vinh mảnh đất nơi đây nhưng không thể không nói đến mốc son ngày 10/10/1954, đây quả thật là một chiến thắng hào hùng vô cùng ý nghĩa trong sử sách dân tộc ta.
Sau thành công của cách mạng tháng 8/1945, người dân thủ đô mong ước có một cuộc sống tự do và sống trong không khí hòa bình để cùng nhau dựng xây đất nước phát triển và ổn định. Có thể nói đó là mong ước của những con người yêu chuộng hòa bình, của người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Nhưng với dã tâm của mình, thực dân Pháp đã tiến hành cướp nước ta một lần nữa vào ngày 23/9/1946 ở Nam Bộ và lan tỏa chiến tranh ra cả đất nước. Trước tình hình đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời kêu gọi: “ thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trước tinh thần kiên quyết, mạnh mẽ đó, quân dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Với khoảng thời gian 60 ngày đêm ác liệt vô cùng, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, giúp cơ quan đầu não quan trọng rút khỏi Hà Nội an toàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 9 năm chiến đấu kiên cường, bền bỉ, gan dạ của quân và dân ta, đặc biệt là sau khi thực dân Pháp bị thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, chúng đã buộc phải ký với ta bản Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) nhằm công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh với Pháp trong trường hợp cần thiết, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân đã đấu tranh quyết liệt với địch. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ. Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cả Thủ đô vui chung niềm vui chiến thắng giải phóng, và một trang sử mới được mở ra cho dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng ngày 10/10/1954 là kết tinh của công lao, là sự dũng cảm, kiên cường của quân dân ta và không thể không nói đến sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt cùng những chiến lược đúng đắn của Đảng và Hồ Chí Minh. Mốc son chói lọi ấy đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của dân tộc Việt Nam, cùng những thành tựu vang dội đã đạt được.
60 năm đã đi qua, Hà Nội đã trải qua bao đổi thay, đã chứng kiến bao trang sử hào hùng thời chống Pháp, thời chống Mỹ, nhưng dấu ấn về ngày Thủ đô giải phóng vẫn in đậm trong tâm khảm những người dân được chứng kiến ngày lịch sử ấy. Đáng tự hào là những gì mà quân dân ta đã chiến đấu, có cả những con người anh dũng hi sinh để đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng và có ý nghĩa này.
Đó là ngày cả Thủ đô vui mừng trong chiến thắng oanh liệt, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kì phát triển mới cho Thủ đô và cho đất nước. Kể từ khi có chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ cho đến nay, Thăng Long- Hà Nội đã trải qua biết bao những biến cố thăng trầm của lịch sử. Cùng với sự phát triển và ngày càng đi lên của cả đất nước, con người Thủ đô, lớp lớp các thế hệ đã cố gắng kế tục và phát huy những truyền thống anh hùng, dũng cảm, kiên cường của dân tộc Việt Nam nói chung và của con người trên mảnh đất ngàn năm văn hiến nói riêng.
Cho đến nay, đã tròn 60 năm kể từ ngày cả thủ đô sạch bóng quân thù, mọi người dân hân hoan chào đón những anh hùng dân tộc trở về từ chiến tranh trong niềm vui sướng của ngày hội tự do. Thời gian đã trôi qua, sống trong thời bình, khói lửa chiến tranh, tiếng súng đạn…đã trở nên xa xôi nhưng trong tiềm thức của mỗi người dân đất nước, những hồi ức của ngày giải phóng Thủ đô như vẫn còn đó, văng vẳng những kí ức tốt đẹp. Ngày 10/10/1954 - mốc lịch sử chói lọi mãi còn đó, cũng vào ngày đó, nhân dân lao động chính thức hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, đánh dấu một trang sử mới được mở ra, mọi người hào hứng đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, thoát khỏi 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của kẻ thù xâm lược, làm chủ cuộc sống tự do, phấn khởi đi vào công cuộc xây dựng xã hội mới, mở đầu cho sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta, đưa đất nước đi lên con đường công nghiệp hóa- hiện đại hóa, nhằm đưa đất nước phát triển theo định hướng của Đảng và mong muốn của Hồ Chí Minh. Cảm xúc thăng hoa, Hà Nội tháng 10 còn mãi mãi theo ta trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nghìn năm văn hiến và anh hùng.
Là Thủ đô của một đất nước, là trung tâm đầu não chính trị, nơi tập trung những tinh hoa của văn hóa, khoa học và giáo dục, Hà Nội trong tương lai phấn đấu bảo đảm ổn định, vững chắc về chính trị, phát triển kinh tế, tiến lên con đường công nghiệp hóa- hiện đại hóa trước thời hạn là năm 2020. Mặc dù trong thời kỳ kinh tế thị trường có nhiều mặt tiêu cực, nhưng Hà Nội cần phải kiểm soát được những mặt hạn chế đó. Hà Nội còn là nơi hội tụ của sự giao lưu những luồng văn hóa tiến bộ trên thế giới, vì thế cần tiếp tục tăng cường tiếp thu những nét đẹp đó, theo phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”, cần phấn đấu tích cực để tạo ra một nền văn hóa khác biệt, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, để mọi người trên thế giới biết đến Việt Nam một cách ấn tượng và rộng rãi hơn. Đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Nội đi lên phát triển.
Để có thể đạt được những mục tiêu đề ra nêu trên, Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, phát triển Thủ đô đến năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu: về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường. Mặc dù còn tồn tại rất nhiều hạn chế nhưng cần tích cực củng cố và cải thiện tối đa để phấn đấu xây dựng Hà Nội thành thủ đô phát triển của cả nước, xứng đáng là trái tim, là mảnh đất ngàn năm văn hiến của đất nước ta.
Việt Nam tự hào là một quốc gia có bề dày lịch sử, đã trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt nhất, nhưng hiện nay, Việt Nam đã mạnh mẽ vươn lên để phát triển như ngày hôm nay. Thế hệ bây giờ và cả mai sau cần tiếp nối tinh thần anh dũng, kiên cường của cha ông ngày xưa để phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia sánh vai cùng năm châu. Đặc biệt, cần nỗ lực phấn đấu để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, muốn đến được cái đích ấy, thì quá trình hiện đại hóa - công nghiệp hóa cần được thực hiện một cách nhanh nhất và thuận lợi nhất, vì thế cần có sự góp sức của cả dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần nhìn vào lịch sử để tự hào, để tiếp bước, xây dựng đất nước mình phát triển để xứng đáng với tinh thần bất khuất, kiên cường của cha ông ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét