Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2007

Căn cứ để xác định thời điểm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Đã có nhiều ý kiến chỉ ra sự bất cập của Luật Phá sản Doanh nghiệp hiện hành, coi các quy định không phù hợp của Luật này là một trong số các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng quá ít các vụ việc phá sản được Toà án thụ lý và giải quyết. Bài viết này sẽ đưa ra đánh giá về sự thay đổi bổ sung của Dự thảo Luật Phá sản doanh nghiệp sửa đổi (sau đây gọi là Dự thảo) trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành trong việc xác định thời điểm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, có đối chiếu với sự thay đổi bổ sung trong Dự thảo và so sánh với một số quy định khác của các nước.

Luật Phá sản Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/1994, song cho đến nay, Toà án mới thụ lý có 152 đơn giải quyết tuyên bố phá sản và sau đó chỉ quyết định cho 46 doanh nghiệp được phá sản[1]. Theo thống kê này, chắc chắn chúng ta đều có thể nhận thấy được đây là một thực tế không bình thường.

Bởi lẽ, chỉ tính từ đầu năm 2000 cho đến nay, trên địa bàn cả nước có đến gần 80.000 công ty đăng ký kinh doanh, nâng tổng số các doanh nghiệp lên trên 120.000[2]. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 80% đến 85% số doanh nghiệp là đang hoạt động trong tổng số các doanh nghiệp được thành lập trong bốn năm qua như đánh giá của Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp[3]. Do đó có thể khẳng định rằng số lượng các doanh nghiệp lẽ ra phải được giải thể hay phá sản là khá lớn và số lượng các vụ tuyên bố phá sản như nói trên là không phản ánh đúng thực trạng của đời sống kinh doanh hiện nay.

Qua nghiên cứu, có tình trạng như trên là do các nguyên nhân chủ yếu bao gồm: do chính Luật Phá sản doanh nghiệp ra đời trong thời gian đầu thập kỷ 90, khi đó kinh nghiệm, hiểu biết về kinh tế thị trường của chúng ta chưa nhiều; Toà án lại chưa có kinh nghiệm trong việc giải quyết phá sản[4]. Bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi của nguyên nhân thứ nhất.

Về sự bất cập của Luật phá sản Doanh nghiệp hiện hành, có thể kể đến quy định tại Điều 2, trong đó quy định Doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản là “doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn”. Tương tự, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 189[5] quy định dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản là” Doanh nghiệp bị thua lỗ trong hai năm liên tiếp tiếp đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn, không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp”.

Theo các quy định này, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hay những người có quyền nộp đơn đề nghị giải quyết phá sản doanh nghiệp là rất khó có thể đưa vụ việc đến Toà án. Dường như vào thời điểm Luật này được thông qua, việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn quá mới mẻ và có thể có nhiều ý kiến khác nhau về các hậu quả khác của việc cho phép doanh nghiệp phá sản, ví dụ hậu quả về mất việc làm cho người lao động hay ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội mà không có sự chú ý thích đáng cho chính các doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng không thể hoạt động, không thể trả nợ, không đem lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp và xã hội song vẫn phải tồn tại.

Các điều kiện mà các quy định nói trên nêu ra có thể đưa việc phá sản doanh nghiệp đến Tòa án, song, sẽ là quá muộn khi nhìn vào thời hạn “hai năm thua lỗ liên tiếp” của doanh nghiệp dẫn đến “không trả được nợ đến hạn” hay “ba tháng liên tiếp” không “trả đủ lương cho người lao động”. Bởi lẽ, đã đến tình trạng như vậy thì khả năng “phục hồi” của doanh nghiệp là rất khó và việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp để nhằm mục đích “trả nợ tập thể” cho các chủ nợ được xem là không khả thi do doanh nghiệp cũng không còn tài sản gì để có thể thanh toán. Hơn nữa, khi doanh nghiệp đã không còn tài sản hay không có khả năng về tài chính để trả nợ đến hạn hay lương cho người lao động, lại có quy định phải kiểm toán trước khi đưa vụ án ra Toà cũng có thề nhìn nhận như một cản trở cho việc đưa đơn. Bởi lẽ, doanh nghiệp lúc đó không có đủ khả năng để trả tiền cho việc thuê kiểm toán và vì thế, Toà án không nhận đơn để giải quyết việc phá sản[6].

Theo kinh nghiệm các nước, có thể nói, việc xác định thời điểm Toà án thụ lý đơn để xem xét việc phá sản là khá sớm khi so sánh với quy định hiện thời của Việt Nam. Ví dụ, Luật phá sản của Nhật Bản quy định, “Khi một người mắc nợ ngừng trả tiền thì người đó được coi là không thể trả được nợ”; luật của Pháp quy định: “Mọi thương nhân và pháp nhân, kể cả các pháp nhân không có quy chế thương nhân, khi bị lâm vào tình trạng ngừng thanh toán thì đều phải khai báo trong thời hạn mười lăm ngày để mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp hoặc thủ tục thanh lý doanh nghiệp”; còn Luật Phá sản của Trung Quốc quy định tại Điều 7: “Trong trường hợp người mắc nợ không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, thì các chủ nợ có thể làm đơn yêu cầu giải quyết phá sản đối với người mắc nợ “[7].

Theo Luật của Úc (Australia), một công ty sẽ lâm vào tình trạng phá sản và buộc phải giải quyết việc phá sản nếu công ty đó không trả được tất cả các khoản nợ đến hạn. Có một cách thức được sử dụng phổ biến để chứng minh một công ty ở vào tình trạng phải bắt buộc phá sản là sử dụng quy định về việc để công ty phải trả lời chính thức về việc trả nợ cho chủ nợ. Theo đó, chủ nợ sẽ gửi cho công ty một bản kê khoản nợ (hay các khoản nợ), có tổng trị giá tối thiểu là 2.000 Đô la Úc (hai ngàn Đô la) và thông báo việc công ty mắc nợ phải trả nợ trong hạn 21 ngày. Công ty đó sẽ bị coi là lâm vào tình trạng bắt buộc phá sản và đưa ra Toà nếu không trả được khoản tiền trong hạn nói trên[8].

Do đó, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) khi xác định thời điểm có thể đưa vụ việc đến Toà án, đó là khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán được nợ đến hạn[9].

Với quy định này, có thể sẽ khắc phục được tình trạng quá muộn để phục hồi doanh nghiệp hay có điều kiện tốt hơn trong việc thanh toán cho các chủ nợ. Đó là vì vào thời điểm khi phát hiện ra việc doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, vụ việc có thể được đưa ngay đến Toà án, các hoạt động và tài sản của doanh nghiệp sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Toà án và các chủ nợ. Khi đó, hoặc phương án phục hồi sẽ được chấp nhận, hoặc việc phá sản sẽ được tiến hành nếu không thể phục hồi, song cơ hội để thực hiện cả hai việc này sẽ tốt hơn, bởi nếu có phương án phục hồi kịp thời, doanh nghiệp mới có thể tồn tại; nếu phải thanh toán nợ và đi đến phá sản, các chủ nợ còn có thể được trả nợ khi bán các tài sản còn lại của doanh nghiệp. Cách giải quyết như trên sẽ khác với trường hợp doanh nghiệp “không còn gì” khi ra Toà giải quyết phá sản theo luật hiện hành. Doanh nghiệp khi đó, nếu sau khi thụ lý vụ phá sản, trở lại kinh doanh được, vụ án sẽ được đình chỉ, nếu không sẽ đi đến việc tuyên bố phá sản[10].

Nói cách khác, quy định về thời điểm để có thể bắt đầu “mở thủ tục phá sản” như Dự thảo sẽ đảm bảo hơn quyền lợi của các chủ nợ tham gia vào việc quản lý, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản để có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi chủ nợ. Mặt khác, bằng việc quy định này cùng với các quy định mới tại chương IV của Dự thảo, một mặt đã hạn chế được việc doanh nghiệp mắc nợ có thể tẩu tán tài sản[11]; mặt khác, lại giúp họ có thể có được điều kiện tốt hơn và giảm bớt khó khăn trong việc kinh doanh[12].

Tuy nhiên, nên chăng có thể quy định cụ thể hơn cho điều luật này để các bên có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản có thể biết rõ hơn khi nào thì họ được đưa đơn đến Toà án. Nếu theo cách viết hiện nay của Dự thảo, cần có hai điều kiện để xác định thời điểm một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, đó là:

- Doanh nghiệp bị thua lỗ;

- Đã quá thời hạn thanh toán mà không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Như vậy, nếu doanh nghiệp không bị thua lỗ và việc này có thể xác định được trên sổ sách của doanh nghiệp, song doanh nghiệp lại có các khoản nợ đến hạn và không chịu thanh toán thì chủ nợ (hoặc các chủ nợ) không thể yêu cầu Toà án bắt đầu thủ tục phá sản doanh nghiệp đó. Nói cách khác, chủ nợ sẽ phải đi kiện đòi nợ theo thủ tục bình thường và chờ khi nào giải quyết xong sẽ xin thi hành án. Do đó, có thể sẽ tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp chây ỳ không chịu trả nợ và các chủ nợ hay những người mà pháp luật cho phép đưa đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp phải chờ đợi cho đến khi trên sổ sách của doanh nghiệp mắc nợ đó phản ánh được sự thua lỗ của doanh nghiệp.

Theo chúng tôi, có lẽ chỉ cần quy định là doanh nghiệp không trả được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu là chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đó. Chúng ta cũng có thể đưa ra một phương thức xác định trước tình trạng của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là họ không thể thanh toán hay không chịu thanh toán một khoản nợ đến hạn nhất định. Theo quy định của luật Úc như nêu trên, khoản nợ không trả được khi đã đến hạn dùng để xác định trong trường hợp buộc một công ty phải làm thủ tục phá sản không phải là lớn, chỉ tương đương với 20 triệu đồng Việt Nam. Cũng có thể nhìn nhận là bằng sự quy định như thế, các doanh nghiệp, công ty có thể sẽ có được ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, hạn chế sự chiếm dụng tiền vốn của chủ nợ một cách tuỳ tiện bởi nếu làm như thế, việc kinh doanh và ngay cả địa vị pháp lý của doanh nghiệp sẽ bị đặt trên bờ vực của sự phá sản.

Theo đó, có thể quy định tại Điều 3 như sau:

Điều 3 (Điều 2 sửa đổi, bổ sung) Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Doanh nghiệp bị coi lâm vào tình trạng phá sản nếu quá thời hạn thanh toán mà không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, theo quan điểm chỉ đạo của Dự thảo, Luật Phá sản sẽ không chỉ chú ý đến việc thanh toán nợ hay “trả nợ tập thể” cho các chủ nợ mà rất chú trọng đến việc giúp cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể ra khỏi khó khăn và phục hồi việc kinh doanh. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, luật không nên coi việc phục hồi hay tổ chức lại kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là bắt buộc mà nên thanh toán tài sản hay tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản để các chủ nợ có thể được trả nợ ngay[13].

Có thể nói rằng, cùng với sự hoàn thiện của Luật Doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của thành phần kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh chóng, đóng góp ngày một nhiều vào tổng đầu tư của xã hội[14]. Có nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh cũng có nghĩa là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp cần giải thể và giải quyết phá sản. Đây là điều không thể tránh khỏi trong một nền kinh tế cạnh tranh. Vấn đề ở đây là làm sao cho, bằng các quy định phù hợp của luật pháp, các doanh nghiệp sẽ thực sự có được một “sân chơi” hay một “hành lang pháp lý” phù hợp để họ có thể được kinh doanh và được chấm dứt việc kinh doanh một cách công bằng; đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bộ phận khác của xã hội liên quan đến các doanh nghiệp, bất kể họ là người cho doanh nghiệp vay tiền hay là người làm công ăn lương cho doanh nghiệp. Và điều quan trọng hơn là các quy định này phải đảm bảo một cách có hiệu quả nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan và của các doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.

Trong khuôn khổ của bài viết, các đánh giá phân tích là những ý kiến trên cơ sở nghiên cứu của cá nhân người viết; các nguồn khác khi sử dụng đều có chú thích. Chúng tôi mong nhận được sự trao đổi và đóng góp của các đồng nghiệp và các bạn. Ducthanh7@yahoo.com

Dương Quốc Thành

(Nguồn: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật - Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, số 1/2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét