Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

Luận án Tiến sĩ của NCS Nguyễn Phương Lan về đề tài: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của chế định pháp lý về nuôi con nuôi ở Việt Nam”

Chuyên ngành: Luật Dân sự; Mã số: 62.38.30.01; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đinh Văn Thanh và TS. Đinh Trung Tụng; Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Luật Hà Nội.

Những kết luận mới của luận án:

        1. Luận án đã xây dựng các khái niệm cơ bản như khái niệm con nuôi, nuôi con nuôi, chế định pháp lý về nuôi con nuôi, các hình thức nuôi con nuôi, đồng thời làm rõ bản chất và hệ quả pháp lý của mỗi hình thức nuôi con nuôi này. Trước đây, các vấn đề này chưa hề được đề cập đến.

       2. Luận án đã làm rõ cơ sở xã hội - lịch sử của việc nuôi con nuôi và chỉ ra những yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới việc nuôi con nuôi trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Luận án phân biệt việc nuôi con nuôi với các hình thức chăm sóc, bảo vệ trẻ em khác và làm rõ ý nghĩa của việc nuôi con nuôi.

       3. Luận án đã chỉ ra những điểm bất cập của pháp luật nuôi con nuôi hiện hành, như còn thiếu vắng quy định về các hình thức nuôi, hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi chưa được quy định đầy đủ và chưa tương đồng với pháp luật quốc tế, các điều kiện nuôi con nuôi chưa chặt chẽ, chưa phản ánh và phù hợp với bản chất của quan hệ nuôi con nuôi, chưa có quy định về huỷ việc nuôi con nuôi v.v…

       4. Luận án đã đề xuất ba nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của pháp luật:

- Nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi có một số nội dung cơ bản sau: Luận án làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định hình thức nuôi con nuôi đầy đủ bên cạnh hình thức nuôi con nuôi đơn giản. Luận án khẳng định, hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi phải gắn với mỗi hình thức nuôi con nuôi tương ứng và cần được quy định cụ thể. Cần bổ sung, sửa đổi các điều kiện của việc nuôi con nuôi, như cần quy định độ tuổi tối thiểu của người nhận nuôi, quy định điều kiện của trẻ em được nhận làm con nuôi; cần quy định việc nuôi con nuôi giữa những người họ hàng. Cần sửa đổi, bổ sung các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi theo hướng cụ thể, trực tiếp. Cần quy định về huỷ việc nuôi con nuôi. Cần quy định cụ thể các biện pháp chế tài khi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Luận án kiến nghị phải xây dựng Luật nuôi con nuôi, nhằm đáp ứng yêu cầu gia nhập Công ước La Hay.

- Nhóm giải pháp về hoàn thiện các thiết chế giải quyết việc nuôi con nuôi: luận án kiến nghị mở rộng và tăng thẩm quyền cho Cục con nuôi quốc tế là cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Việt Nam theo Công ước La Hay. Cơ quan này có thẩm quyền quyết định việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài.

- Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện: cần cho phép thành lập một số tổ chức con nuôi được uỷ quyền, các tổ chức này sẽ thực hiện một số chức năng do Cơ quan Trung ương giao cho. Cần mạnh dạn thực hiện xã hội hoá một số khâu trong lĩnh vực nuôi con nuôi để thúc đẩy việc nuôi con nuôi có hiệu quả, đặc biệt là việc nhận nuôi con nuôi trong nước. Việc tuyên truyền trong lĩnh vực nuôi con nuôi cần thận trọng, tránh thông tin một chiều và khuynh hướng “thương mại hóa”.

===============================

TÌM ĐỌC LUẬN ÁN TẠI THƯ VIỆN ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI/ THƯ VIỆN QUỐC GIA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét