Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

CẦN PHÂN BIỆT GIỮA CÔNG CHỨNG VÀ CHỨNG THỰC

Trong thời gian qua khi thực hiện Luật Công chứng và Nghị định 79 về chứng thực thì có rất nhiều báo, đài đưa tin về hoạt động công chứng, chứng thực.Tuy nhiên một số cơ quan thông tin đại chúng đưa tin  về hoạt động này không chính xác, không phân biệt được  giữa hai khái niệm công chứng với chứng thực.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Công chứng thì công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Còn chứng thực là là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 79  căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính hoặc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Như vậy công chứng là hành vi của Công chứng viên, còn chứng thực là là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền( theo điều 5 Nghị định 79 thì người có thẩm quyền chứng thực bao gồm: Trưởng, Phó phòng tư pháp, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã,Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

Vừa qua có  số báo điện tử đưa tin bài về chứng thực đã lấy tít nghe rất hay nhưng lại rất thiếu chính xác như: vnexpress.net với bài “Ách tắc công chứng vì lãnh đạo phường ký 'không xuể', Công chứng ở phường: "Phân bổ Quota"! của báo điện tử  vnn.vn và còn rất nhiều tờ báo khác đã đưa tin về vấn đề này cũng thiếu chính xác. Việc chứng sao từ bản chính hay  chứng thực chữ ký của UBND cấp xã là hoạt động chứng thực chứ không phải là hoạt động công chứng, điều này cho thấy những người viết  các bài này cũng chưa phân biệt được giữa công chứng với chứng thực.

Không chỉ có các báo mà ngay cả  một số cán bộ, công chức cũng chưa phân biệt được giữa công chứng với chứng thực cho nên dễ dàng thấy các bảng “Nơi ký công chứng”, “Nơi đóng dấu công chứng” tại UBND các xã.

Luật Công chứng và Nghị định 79 về chứng thực đã được áp dụng hơn hai tháng nay nhưng đến nay xem ra không phải người dân nào cũng biết các quy định này, vì thế nên hàng ngày các Phòng công chứng vẫn phải tiếp một lượng người khá đông đến yêu cầu chứng thực bản sao giấy tờ, ngay cả một số cán bộ, công chức vẫn chưa nắm được cụ thể các quy định của hai văn bản luật này.Cho nên có sự nhần lẫn giữa công chứng và chứng thực là chuyện đương nhiên.

KHOA LY -  WWW.MOJ.GOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét